Triển lãm chuyên đề về nhà báo Nguyễn Ái Quốc và báo Người cùng khổ
Triển lãm trưng bày hành trình báo chí của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919-1925, một số bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên báo L’Humanité; 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản sưu tầm từ Pháp.
Đại biểu tham quan tại khu vực triển lãm. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN) |
Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (1/4/1922-1/4/2022), kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), ngày 17/6, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm báo Người cùng khổ."
Triển lãm trưng bày hành trình báo chí của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919-1925, một số bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên báo L’Humanité, Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria ngày 10/2/1922, trưng bày 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản (có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp. Đồng thời, trưng bày tác phẩm “Người đi tìm hình của nước” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng; tác phẩm "Nguyễn Ái Quốc ở Paris” của cố họa sỹ Phạm Văn Đôn…
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết khởi đầu với những bài viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam," “Tâm địa thực dân," “Vấn đề dân bản xứ”…, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu học làm báo và sử dụng báo chí là vũ khí sắc bén trên con đường hoạt động cách mạng của mình.
Hơn 100 năm trước, Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1/4/1922.
Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của Le Paria. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như tin tức, xã luận, truyện ngắn, dịch thuật, tiểu phẩm, tranh vẽ…
Những bài báo của Người không chỉ vạch trần chính sách áp bức bóc lột đến tận xương tủy của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương, mà còn chỉ rõ bộ mặt tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa khác trên thế giới.
Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, cổ vũ các tầng lớp nhân dân lao động đứng lên đấu tranh tự giải phóng khỏi ách nô lệ và có ảnh hưởng lớn đến công luận ở Pháp và các nước bị áp bức.
Triển lãm diễn ra đến ngày 25/6 tại khu vực trước Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (đường Đồng Khởi, quận 1)./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=799301