Tọa đàm và trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria”
Sáng 1/4, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp Liên Chi hội Nhà báo cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm và khai mạc Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria” (Người cùng khổ) tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Quang cảnh buổi toạ đàm chuyên đề “100 năm báo Le Paria”. |
Đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam chính thức tổ chức một sự kiện mang tính khoa học và lịch sử về tờ báo quan trọng Le Paria (Người cùng khổ), sau nhiều nỗ lực sưu tầm và nghiên cứu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Chương trình diễn ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày báo Le Paria xuất bản số đầu (1/4/1922-1/4/2022), hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2022) và chào mừng Hội báo toàn quốc năm 2022.
Nhiều hiện vật quý như số báo đầu tiên của Le Paria (xuất bản ngày 1/4/1922) được trưng bày tại sự kiện. |
Phần Trưng bày gồm trên 40 tài liệu, hiện vật liên quan đến Le Paria và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tiêu biểu là: “Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria” ngày 10/2/1922; 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản, 26 số trong đó (có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp; Bản thảo viết tay sách “Bác Hồ ở Pháp” của nhà báo Hồng Hà; Trưng bày tranh sơn dầu: "Người đi tìm hình của nước" của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng… Qua đây, công chúng có dịp tìm hiểu thêm về tờ báo Le Paria cũng như tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh.
Phần Toạ đàm diễn ra với các đại biểu, diễn giả là các chuyên gia lịch sử, chuyên gia từ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, chuyên gia đến từ các bảo tàng, các trường đào tạo báo chí.
Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.
100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Paris (Pháp) tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Le Paria khẳng định tôn chỉ, mục đích của mình ngay ở số đầu tiên phát hành là “sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu” với sứ mạng “giải phóng con người”. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926) và xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Báo đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc, đối với công luận Pháp và đặc biệt đối với phong trào yêu nước ở các thuộc địa.
Tại tọa đàm, các đại biểu tiếp tục làm rõ thêm quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài thông qua việc sử dụng báo chí làm “công cụ sắc bén” phục vụ đấu tranh cách mạng của Người. Các tham luận cũng phân tích và làm rõ thêm bối cảnh xuất hiện báo Le Paria, mục đích, nội dung và những tác động tích cực của báo, từ đó góp phần lan tỏa phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.
Trưng bày chuyên đề mở cửa đến hết ngày 19/5.