Loạt giải pháp năng lượng bền vững cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Diễn đàn Phát triển Bền vững Đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức từ ngày 16/06 - 17/06. Sự kiện thu hút hơn 2.400 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, đại diện các Bộ ban ngành.

Diễn đàn gồm 02 phiên chính: phiên toàn thể trình bày các báo cáo chính về chủ đề “Phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh” và phiên thảo luận bàn tròn gồm 4 hội thảo chuyên đề về các chủ đề: Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh (ĐTTM) kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Gắn kết đồng bộ, hiệu quả tái thiết đô thị và chuyển đổi số gắn với tầm nhìn phát triển đô thị bền vững; Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững

Sau 7 năm kể từ khi 200 quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết về cắt giảm khí nhà kính, thúc đẩy mục tiêu giảm mức phát thải ròng phải bằng 0 vào năm 2050. Tổng tiêu thụ năng lượng đầu cuối có vai trò quan trọng trong việc khống chế mức nóng lên của trái đất dưới 1,5 độ C. Để đạt được điều này, các nước đã tiến hành chuyển đổi năng lượng bằng cách sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn, triển khai nhiều ứng dụng điện khí hóa và hydro (hydro xanh) hơn.

Theo đó, từ năm 2018 - 2050, tỉ trọng sản xuất năng lượng tái tạo sẽ tăng lên từ 25% đến 90%, và tỷ trọng năng lượng tái tạo để sưởi ấm tập trung sẽ tăng từ 9% lên 90%. Đến năm 2050, 66% hydro sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Trong điện khí hóa, tỷ trọng điện năng tiêu thụ sẽ tăng từ 21% năm 2018 lên 51% năm 2050. Về ứng dụng hydro trên quy mô lớn, hydro trong tiêu thụ năng lượng sẽ tăng từ 0 đến 12% vào năm 2050 (không bao gồm hydro công nghiệp được tiêu thụ làm nguyên liệu thô), trong đó 66% sẽ là hydro xanh.

Phát triển năng lượng số

Tại Diễn đàn, ông Lê Nho Thông - Phó Giám đốc Kinh doanh Công nghệ Năng lượng số của Huawei Việt Nam đã có bài trình bày về báo cáo “Giải pháp năng lượng bền vững cho các khu đô thị trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) đô thị”.

Ông Lê Nho Thông: Huawei đã sớm đầu tư vào chiến lược phát triển năng lượng số, bao gồm phát triển năng lượng sạch và thúc đẩy CĐS các nguồn năng lượng truyền thống

Sát cánh cùng các quốc gia giải quyết vấn đề toàn cầu, Huawei đã sớm đầu tư vào chiến lược phát triển năng lượng số, bao gồm phát triển năng lượng sạch và thúc đẩy CĐS các nguồn năng lượng truyền thống, kiến tạo nên tương lai mới cho ngành năng lượng. Chiến lược của Huawei Digital Power là tích hợp công nghệ kỹ thuật số và điện tử công suất hướng đến nguồn năng lượng xanh và sạch hơn, ứng dụng trong việc hỗ trợ các khu đô thị CĐS bền vững với giao thông thông minh, xe điện, tòa nhà xanh… và nâng cấp mục tiêu đô thị carbon thấp lên “0 carbon”.

“Huawei luôn dành ưu tiên hàng đầu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, với ngân sách hàng năm lên tới 10-15% doanh thu của tập đoàn. Giá trị đầu tư của Huawei vào R&D năm 2011 đạt 3,6 tỷ USD, đến năm 2020 đã vượt 20 tỷ USD. Trong đó, Huawei Digital Power được đầu tư mạnh mẽ, chiếm đến 60% ngân sách R&D với hơn 6.000 chuyên gia nghiên cứu làm việc tại 12 trung tâm R&D của Huawei trên toàn cầu, sáng tạo giải pháp và sở hữu trên 1.300 phát minh”, ông Thông cho hay.

Tại hội thảo, Huawei cũng giới thiệu các giải pháp carbon thấp có thể hỗ trợ các khu đô thị chuyển đổi số bền vững tại Việt Nam, dựa trên nỗ lực sản xuất điện sạch đến tiêu thụ điện năng hiệu quả: Điện mặt trời thông minh đưa năng lượng mặt trời trở thành nguồn điện chính, thâm nhập vào các ngành công nghiệp và hộ gia đình; Cơ sở trung tâm dữ liệu (Data Center Facility) ứng dụng vào tiền chế, mô-đun hóa, xây dựng nền tảng số carbon thấp; nguồn cho trạm viễn thông (Site power) giúp giảm chi phí hoạt động trong mạng lưới và giúp các nhà mạng đạt được trung hòa carbon; mảng động cơ xe điện thông minh mPower đẩy nhanh quá trình điện khí hóa ngành ôtô; Năng lượng tích hợp thông minh hội tụ nhiều đổi mới, giúp xây dựng các tòa nhà và khuôn viên (campus) carbon thấp; Đám mây năng lượng - nền tảng quản lí mạng năng lượng và dữ liệu năng lượng thông minh.

“Thị trường đang rộng mở. Dự kiến mảng kinh doanh năng lượng số đến năm 2025 ước đạt 120 tỷ USD, trong đó Huawei Digital Power kỳ vọng đạt doanh thu 20 tỷ USD trong 3 năm tới”, ông Nho Thông chia sẻ tại phiên thảo luận. 

Ông Thông cũng cho biết thêm, tính đến ngày 30/06/2021, Huawei Digital Power đã tạo ra 403.4 tỉ kWh năng lượng xanh, tiết kiệm 12.4 tỉ kWh điện năng, giảm phát thải 200 triệu tấn khí carbon - tương đương trồng 270 triệu cây xanh.

Trong nỗ lực giảm phát thải giao thông đô thị - ngành tạo ra 25% tổng lượng khí thải carbon trên thế giới, Huawei mới đây ra mắt mô-đun sạc điện một chiều FusionCharge 40kW thế hệ tiếp theo tại Triển lãm & Hội nghị chuyên đề về Xe điện Quốc tế lần thứ 35 (EVS35). Mô-đun sạc này đảm bảo khả năng hoạt động lâu dài đáng tin cậy trong môi trường khắc nghiệt với tỷ lệ hư hại hàng năm dưới 0,2%; hiệu quả hơn 1% và giảm ồn hơn 10 dB so với mức trung bình ngành. Được xếp hạng EMC loại B, dải điện áp rộng của FusionCharge 40kW cho phép sạc cho các kiểu xe (điện áp) khác nhau. Và khi trang bị mô-đun sạc của Huawei, mỗi cọc sạc 120kW có thể tiết kiệm 1140kWh điện mỗi năm.

Mảng động cơ xe điện thông minh mPower sẽ là tương lai của ngành hạ tầng năng lượng, đặc biệt là khi doanh số xe điện toàn cầu đã đạt 6,6 triệu chiếc trong năm 2021 và EU đang tìm cách ngưng sản xuất xe chạy nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035.

ND

Tin nổi bật