Việt Nam là một trong số ít nước có băng tần sạch

(ICTPress) - Đó là đánh giá của ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) tại Hội thảo “Vô tuyến băng rộng và quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng” về băng tần 2,3 GHz - 2,6 GHz.

Nhiều diễn giả quốc tế trình bày kinh nghiệm hài hòa hóa tần số tại Hội thảo “Vô tuyến băng rộng và quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng” ngày 8/6

Băng tần 2,6 GHz đang được Việt Nam xem xét để cấp cho công nghệ LTE. Công nghệ LTE được đánh giá là cách tốt nhất cho Việt Nam để đảm bảo cho người sử dụng kết nối cao với một loạt thiết bị giá phải chăng.

Phân khúc băng tần 2,3 GHz - 2,6 GHz đã Cục Tần số VTĐ thực hiện giải phóng gần chục năm. Từ năm 2000, Cục Tần số VTĐ đã có định hướng các đơn vị chuyển sang các băng tần khác, khuyến cáo hạn chế sử dụng theo quy hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Hiện nay Cục Tần số VTĐ đang tập trung quản lý tần số VTĐ tại 3 phân khúc băng tần: 2,3 GHz - 2,6 GHz, quy hoạch lại các băng tần 2G 800/900/1800MHz và băng 700MHz gắn với lộ trình số hóa truyền hình.

Để chuẩn bị tần số cho Việt Nam đáp ứng xu thế đáp ứng cho hiện tại và tương lai, có nhiều câu hỏi đặt ra đối với Cục Tần số VTĐ là làm thế nào lựa chọn băng tần thích hợp nhất cho Việt Nam? Việt Nam sử dụng băng nào? Biết băng nào tốt nhất đã rất khó và lâu? Trong khi không thể đợi chờ.

Cục Tần số VTĐ đã đặt ra tiêu chí lựa chọn băng tần tốt là băng tần hài hòa hóa ở cấp độ cao nhất, giải phóng băng tần khả thi và chi phí thấp, đảm bảo sự phổ biến của thiết bị.

Không chỉ trong nước, Cục Tần số VTĐ đã thúc đẩy hợp tác quốc tế thúc đẩy lựa chọn băng tần giữa các nước ASEAN.

Đến năm 2015 ASEAN sẽ thành lập cộng đồng chung ASEAN với 3 trụ cột: kinh tế, an ninh chính trị và kinh tế xã hội. Lĩnh vực ICT cũng đặt ra nhiều tiêu chí nhưng chưa đề cập đến tần số. Cục Tần số VTĐ đã đề xuất thành lập nhóm công tác về quản lý phổ tần thuộc ATRC. Đề xuất này đã được các nước ASEAN quan tâm và ủng hộ ở mức cao nhất.

Mục tiêu của công tác này là thành lập diễn đàn cho các chuyên gia tần số ngồi với nhau chia sẻ thông tin để bảo vệ lợi ích của các nước ASEAN và đặc biệt hài hòa hóa băng tần cho ASEAN; Sử dụng hợp lý hạ tầng vô tuyến để giảm thiểu thảm họa; Củng cố vai trò và tiếng nói của ASEAN trong các hội thảo, diễn đàn khu vực về tần số VTĐ như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Tổ chức Viễn thông châu Á – Thái Bình Dương (APT).

Trong những năm qua, thị trường thông tin VTĐ ngày càng phát triển. Xu hướng phát triển của các dịch vụ thông tin VTĐ ngày càng hướng đến các dịch vụ vô tuyến băng rộng.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan cho biết đây là một chủ đề nóng không chỉ đối với các doanh nghiệp cung cấp viễn thông, mà còn sự quan tâm của toàn xã hội đối với việc cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ vô tuyến băng rộng.

Hội thảo này là một món quà có ý nghĩa mà Cục Tần số VTĐ gửi đến các doanh nghiệp (DN) viễn thông, các nhà cung cấp giải pháp, sản xuất thiết bị… để tri ân sự hợp tác đóng góp của các cơ quan, đài phát thanh truyền hình đối với việc quản lý tần số đúng ngày thành lập Cục (8/6/1993 - 8/6/2012).

Việc phát triển thông tin vô tuyến nói chung và vô tuyến băng rộng nói riêng luôn gắn liền với quy hoạch băng tần, nghiên cứu công nghệ, định hướng cho các DN tiếp cận phổ tần số VTĐ và công nghệ mới, hướng đến việc cung cấp cho thị trường các dịch vụ vô tuyến tiềm năng lớn. Do đó, quản trị tài nguyên tần số đang là vấn đề cấp thiết nhằm tạo ra môi trường đáp ứng các nhu cầu đa dạng trong xu thế phát triển của các công nghệ vô tuyến mới và sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết xu thế quản lý tần số từ quản lý chủ yếu bằng các thiết bị kỹ thuật sang quản lý tần số bằng các chính sách dựa trên cơ sở trên yếu tố kỹ thuật trong việc phân bổ tài nguyên tần số quốc gia.

 HM

Tin nổi bật