Thành lập năm cơ quan báo chí thuộc ủy ban nhân dân TP.HCM

Năm cơ quan báo chí được thành lập gồm Báo Pháp luật TP.HCM, Tạp chí Giáo dục TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao quyết định thành lập các cơ quan báo chí thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 29/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức công bố quyết định thành lập cơ quan báo chí thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố và trao quyết định cán bộ.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố các quyết định thành lập năm cơ quan báo chí thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố gồm Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở tổ chức lại Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Tư pháp; Tạp chí Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở tổ chức lại Báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở tổ chức lại Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Du lịch; Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn trên cơ sở tổ chức lại Báo Doanh nhân Sài Gòn thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố; Tạp chí Kinh tế Sài Gòn trên cơ sở tổ chức lại Thời báo Kinh tế Sài Gòn thuộc Sở Công Thương.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo năm cơ quan báo chí thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, vai trò của mình trong việc đưa tin, định hướng dư luận.

Để làm tốt nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí cần bám sát tôn chỉ, mục đích, chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp hơn; cần tăng cường bồi dưỡng về chính trị cho đội ngũ phóng viên, nhà báo, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong tình hình mới.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết, sống còn của báo chí trong thời đại bùng nổ về công nghệ. Đơn vị nào chần chừ, ứng dụng công nghệ chậm sẽ đồng nghĩa với việc mất độc giả.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có hoạt động báo chí, truyền thông sôi nổi với đội ngũ nhà báo chiếm 10%, số lượng cơ quan báo chiếm 25% cả nước và hoạt động đầy đủ các loại hình báo chí.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, công tác quy hoạch quản lý báo chí của thành phố cơ bản đúng lộ trình, phương án đề ra. Cụ thể, thực hiện quyết định về Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025, Ủy ban Nhân dân Thành phố hoàn thiện, gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông 12 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí mới. Trong đó, bốn cơ quan báo chí thuộc Thành ủy, sáu cơ quan báo chí thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, một cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố và một cơ quan báo chí thuộc Học viện Cán bộ thành phố. Đến nay, trong sáu cơ quan báo chí thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố đã có năm cơ quan được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí.

Trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Trước đó, ngày 27/4, Thành ủy Thành Hồ Chí Minh đã trao quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Người Lao động.

Việc trao quyết định cán bộ này được thực hiện sau khi chuyển cơ quan chủ quản của hai đơn vị trên từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và Liên đoàn Lao động Thành phố về Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025./.

Nguồn: T. Hoài (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=709616
Tin nổi bật