Bill Gates nói về cuốn sách Biến động

Nói về cuốn sách “Biến Động - các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào”, Bill Gates cho biết: “Tôi mê mệt mọi thứ Jared Diamond viết ra, và cuốn sách này không là ngoại lệ. Ông ấy chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua biến cố và chúng ta có thể lựa chọn đi theo nó”.

Câu chuyện các quốc gia đã đối mặt với những biến cố lớn

“Biến Động - các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào” (tên tiếng Anh: “Upheaval: Turning Points for Nations in Crisis”) là tác phẩm mới nhất của tác giả nổi tiếng Jared Diamond, vừa được phát hành trên thế giới năm 2019 và nay ra mắt tại Việt Nam.

Jared Diamond (10/9/1937) là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm: Súng, Vi trùng và Thép; Sụp đổ; Thế giới cho đến ngày hôm qua; Loài tinh tinh thứ 3;... Tuy theo học và có bằng tiến sĩ về sinh lý học, nhưng kiến thức của ông bao trùm hầu như mọi ngành, từ kiến trúc, ngôn ngữ, khảo cổ, đến động vật học, y học.

Ông cũng không phải là một học giả “tháp ngà” khi từng chu du khắp châu lục, thậm chí sống nhiều năm ở những nơi “tận cùng thế giới” (như đảo New Guinea, đảo Phục Sinh). Ông cũng được xếp vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.

Trong tác phẩm mới nhất vừa ra mắt - Biến Động, Jared Diamond kể cho chúng ta câu chuyện các quốc gia đã đối mặt với những biến cố lớn trong quá khứ và vượt qua để hồi phục thành công như thế nào.

Cuốn sách này là một nghiên cứu so sánh, trần thuật, khảo sát những biến cố và thay đổi có chọn lọc vận hành trên nhiều thập niên ở 7 quốc gia tiên tiến mà ông từng lui tới nhiều lần cũng như sống ở 6 nước trong nhiều thời kỳ dài, từ cách đây 70 năm. Năm quốc gia là những nước công nghiệp hóa giàu có, một nước tương đối giàu có và chỉ một nước là quốc gia kém phát triển. Không có nước nào ở châu Phi, hai ở châu Âu, hai ở châu Á, ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ mỗi nơi có một nước, và Úc. Những quốc gia này là Phần Lan, Nhật Bản, Chile, Indonesia, Đức, Úc và Mỹ.

Trước tiên, chương đầu (chương 1) ông xem xét bàn về khoảng một tá nhân tố tác động đến khả năng xử lý thành công một biến cố cá nhân. Từ những yếu tố đó tìm tòi những nhân tố tương đương tác động đến các hệ quả của biến cố quốc gia.

Sau đó là ba cặp chương (chương 2 đến chương 7), mỗi cặp chương nói về một loại biến cố quốc gia khác nhau. Cặp đầu tiên đề cập các biến cố ở hai quốc gia (Phần Lan và Nhật Bản) bùng phát thành một biến động bất ngờ, từ cú sốc do các quốc gia khác gây ra. Cặp thứ hai cũng đề cập các biến cố bùng phát bất ngờ, nhưng do những bùng nổ nội tại (ở Chile và Indonesia). Cặp cuối mô tả những biến cố không bùng phát đột ngột, thay vào đó chúng dần lộ diện (ở Đức và Úc), đặc biệt do những áp lực gây ra từ Thế chiến II.

Cặp đầu tiên: Biến cố ở Phần Lan bùng phát từ cuộc xung đột của Liên Xô với Phần Lan ngày 30/11/1939. Từ hệ quả của Cuộc chiến Mùa đông, Phần Lan bị tất cả đồng minh tiềm năng bỏ rơi và phải gánh chịu mất mát lớn lao, tuy vậy lại thành công khi giữ được nền độc lập. Còn Nhật Bản, vốn dĩ theo đuổi chính sách cô lập lâu dài (bế quan tỏa cảng) với thế giới bên ngoài, chính sách này chấm dứt ngày 8/7/1853 khi một đội tàu chiến Mỹ tiến vào Vịnh Tokyo đòi ký một hiệp ước và quyền lợi cho tàu bè và thủy thủ Mỹ.

Kết quả cuối cùng là sự đoạn tuyệt với hệ thống chính quyền trước đó của nước Nhật, theo đó là một chương trình cải cách có ý thức nhằm tạo ra thay đổi rộng lớn và mạnh mẽ, cùng một chương trình gìn giữ những bản sắc truyền thống đã giúp nước Nhật ngày nay trở thành một quốc gia công nghiệp hóa giàu mạnh nổi trội nhất.

Cặp thứ hai: Chile, biến cố là những bùng phát nội bộ nổ ra từ sự thất bại của một thỏa hiệp giữa những công dân trong nước. Sau nhiều năm bế tắc về mặt chính trị, năm 1973, chính phủ dân chủ được bầu lên ở Chile do Tổng thống Allende lãnh đạo bị lật đổ bởi một vụ đảo chính đẫm máu của quân đội do tướng Pinochet chủ xướng, lên nắm quyền lực độc tài trong suốt gần 17 năm.

Ngày nay, Chile lại một lần nữa trở thành một đất nước dân chủ ngoại lệ ở Nam Mỹ, nhưng được thay đổi có chọn lọc, kết hợp một số mô hình của Allende và Pinochet. Indonesia cũng là sự thất bại của thỏa hiệp chính trị trong nhân dân gây ra bùng phát nội bộ thành một vụ đảo chính xảy ra vào năm 1965.

Hậu quả của vụ này trái ngược với cuộc đảo chính ở Chile: cuộc phản đảo chính dẫn đến việc thảm sát phe nhóm được cho là ủng hộ vụ đảo chính. Indonesia đứng ở vị thế ngược hẳn so với những nước được đề cập trong cuốn sách này: đây là đất nước nghèo đói, ít công nghiệp hóa và Tây phương hóa nhất; đồng thời lại có căn tính quốc gia non trẻ nhất, chỉ mới gắn kết trong thời gian 40 năm tác giả làm việc ở đó.

Cặp thứ ba: Nước Đức hậu Thế chiến II đối mặt đồng thời với những vấn đề di sản của thời kỳ Phát xít, với những bất đồng về tổ chức trật tự xã hội và tổn thương về việc phân chia thể chế chính trị giữa Tây Đức và Đông Đức. Tác giả đã đối chiếu những đặc trưng nổi bật về xử lý biến cố ở nước Đức thời hậu chiến bao gồm những xung đột bạo lực khác thường giữa các thế hệ, những ràng buộc mạnh mẽ về địa chính trị, và tiến trình hòa giải với các nước từng là nạn nhân của những hành động tàn bạo thời chiến của nước Đức.

Nước Úc lại phải đối mặt với một biến cố về căn tính, do căn tính da trắng và căn tính Anh ngày càng mâu thuẫn với vị trí địa lý của Úc, các nhu cầu về chính sách đối ngoại, chiến lược quốc phòng, kinh tế và cấu tạo dân số. Ngày nay, thương mại và chính trị Úc đều hướng đến châu Á, đường phố và khuôn viên đại học đầy người châu Á, và những cử tri Úc chỉ bị thua sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm không công nhận Nữ hoàng Anh là người đứng đầu quốc gia Úc.

Tuy nhiên, cũng như ở Nhật Bản thời Minh Trị và Phần Lan, những thay đổi đó đều có chọn lọc: Úc vẫn theo thể chế dân chủ nghị viện, ngôn ngữ quốc gia vẫn là tiếng Anh, và đa số người Úc vẫn có tổ tiên là người Anh.

Bốn chương cuối mô tả những biến cố trong hiện tại và tương lai mà những kết quả vẫn còn là một ẩn số. Bắt đầu phần này với nước Nhật (chương 8); Nước Nhật ngày nay đang đối mặt với nhiều vấn đề cơ bản, một số đã được người dân và chính quyền Nhật nhận biết rộng rãi, nhưng số khác thì người Nhật chưa nhận thấy hoặc thậm chí còn phủ nhận. Tiếp sau đó liên quan đến Mỹ (chương 9 và chương 10), ông xác định ra bốn biến cố đang ngày càng gia tăng có khả năng xói mòn nền dân chủ và sức mạnh Mỹ chỉ trong thập niên tới, như từng xảy ra ở Chile.

Và cuối cùng là phạm vi toàn thế giới (chương 11); tác giả tập trung vào 4 vấn đề mà dường như có khuynh hướng đã diễn ra, mà nếu chúng tiếp diễn sẽ hủy hoại mức sống trên toàn cầu trong vòng vài thập niên tới.

Cuốn sách kết lại với phần lời bạt sau khi xem xét những nghiên cứu về 7 quốc gia và cả thế giới dưới 12 yếu tố mà ông đưa ra. Và đặt ra câu hỏi xem liệu những quốc gia có cần đến biến cố để tái sinh đất nước thông qua những cơ hội lớn lao? Liệu các nhà lãnh đạo có những quyết định làm thay đổi lịch sử hay không?

Đề xuất các bài học thực tiễn

Tác giả cuốn sách cũng đề xuất phương hướng cho những nghiên cứu trong tương lai, và đưa ra các kiểu bài học mang tính thực tiễn từ việc khảo sát lịch sử, với quan niệm rằng: “Nếu người dân, hoặc ngay cả những nhà lãnh đạo của họ, chọn hồi nhớ về các biến cố trong quá khứ, họ sẽ hiểu được quá khứ có thể giúp chúng ta xử lý các biến cố ở hiện tại cũng như trong tương lai.”

Kết hợp những kiến thức tuyệt vời về lịch sử, địa lý, kinh tế, nhân chủng học và cả tâm lý, Biến Động của Jared Diamond là một cuốn sách mang tính sử thi, cấp tiến và đột phá. Dù ở cấp độ cá nhân hay quốc gia, thậm chí toàn cầu, chúng ta đều có thể học được cơ chế ứng phó phổ biến và hiệu quả nhất với các biến cố từ những nghiên cứu trong cuốn sách này.

Nói về cuốn sách, Bill Gates cho biết: “Tôi mê mệt mọi thứ Jared Diamond viết ra, và cuốn sách này không là ngoại lệ. Ông ấy chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua biến cố và chúng ta có thể lựa chọn đi theo nó”.

Trong khi đó, Michael Shermer - người sáng lập The Skeptics Society và tổng biên tập của tạp chí Skeptic, tác giả Heavens on Earth chia sẻ: “Jared Diamond là một trong các nhà tư tưởng sâu sắc nhất, một trong số cây bút uy tín nhất thời đại của chúng ta - nếu không muốn nói là mọi thời đại. Biến động là minh chứng cho khả năng tiên đoán của ông ấy thông qua việc phân tích những biến cố lịch sử tại mỗi quốc gia vào thời điểm cả thế giới bất ổn.

Đây cũng là tác phẩm mang đậm tính cá nhân của Diamond với việc ông chia sẻ về chính những biến cố bản thân đã trải qua, có nét tương đồng với các quốc gia đã và đang gặp biến động, từ đó rút ra bài học về việc quản trị trong cơn khủng hoảng cho thế giới ngày nay và tương lai. Chưa một nhà khoa học nào thắng giải Nobel Văn học, và Jared Diamond xứng đáng là người đầu tiên.”

ND

Tin nổi bật