Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ Bến Tre trở thành thung lũng Silicon
Bến Tre muốn thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN), phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Ngày 17/7, đoàn công tác Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bến Tre. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đã chia sẻ nhiều thông tin về địa phương và mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ để tỉnh ngày một phát triển hơn.
Bến Tre muốn hình thành trung tâm chuyển đổi số khu vực
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, tổng số thuê bao sử dụng smartphone trên toàn tỉnh là hơn 911.000, trong đó chỉ có hơn 600.000 thuê bao (~65%) có phát sinh lưu lượng (thấp hơn gần 5% so với mức trung bình của cả nước). Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone/100 dân chỉ đạt 70,8%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc (80,2%). Tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone/tổng số thuê bao di động chỉ đạt 54,14%.
Tỷ lệ phủ sóng di động theo dân số 2G, 3G đạt 100% và 4G đạt 91,07% thấp hơn trung bình của cả nước (tỷ lệ phủ sóng di động 4G của cả nước hiện đạt 95,72%). Số lượng thuê bao 2G/100 dân trên địa bàn vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng kể, (~ 54%) (số thuê bao smartphone có phát sinh lưu lượng/tổng số dân = 46%) sẽ ảnh hưởng tới công cuộc thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
100% các thủ tục hành chính đều được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trên tổng số DVCTT mức 3, 4 đang cung cấp là 221 thủ tục, đạt tỷ lệ 24,9% (gồm: 147 DVCTT mức 3 và 74 DVCTT mức 4).
Ông Đức cho biết, hiện nay, Bến Tre đang tích cực chuẩn bị Đề án thành lập Trung tâm CNTT và Chuyển đổi số để trình Bộ TT&TT thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2020 nhằm tạo môi trường thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT vào tỉnh Bến Tre nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Đặc biệt là thúc đẩy hình thành các DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNTT và nội dung số.
Bến Tre cũng đang khẩn trương xây dựng Chương trình chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu trở thành tỉnh tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển các nội dung số trong chuỗi công viên phần mềm Quang Trung. Theo đó, tỉnh thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Đầu cầu hội nghị trực tuyến tỉnh Bến Tre |
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cũng khẳng định chuyển đổi số rất quan trọng với Bến Tre nên tỉnh sẽ quyết tâm đầu tư cho mảng này. Tỉnh cố gắng trong tháng 8/2020 sẽ hoàn thành xong đề án chuyển đổi số, hồ sơ tham gia chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung.
Bí thư Phan Văn Mãi đề nghị Bộ TT&TT chọn Bến Tre làm tỉnh thí điểm về chuyển đổi số. Bến Tre sẽ thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, phối hợp với Bộ TT&TT nhằm khẩn trương triển khai các nội dung này. Tỉnh sẽ thành lập Trung tâm đào tạo chuyển đổi số, trở thành Trung tâm của vùng, là Silicon của Việt Nam tại Bến Tre. Chuyển đổi số, trung tâm đào tạo đều là việc mới. Bí thư Phan Văn Mãi mong Bộ TT&TT chỉ đạo trực tiếp sát sao và hỗ trợ các chuyên gia.
Bộ TT&TT hỗ trợ Bến Tre trở thành thung lũng Silicon của Việt Nam
Trước những đề nghị của Bến Tre, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là lợi thế bởi có ít lựa chọn thì không có nhiều thứ để mất. Càng đổi mới thì càng có nhiều cơ hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Để triển khai thành công Chuyển đổi số, tỉnh cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chuyển đổi số và tháng 8 sẽ công bố chiến lược của UBND |
Bến Tre hội tụ đủ những điều kiện để thực hiện thí điểm mô hình, công nghệ mới. Bến Tre có thể trở thành thung lũng Silicon và cần quyết tâm chính trị trong thí điểm, ứng dụng công nghệ. Nếu thí điểm vượt qua quyền hạn của tỉnh thì tỉnh làm việc với Bộ, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ. Nếu tạo được không gian mới phát triển thì sẽ thu hút DN về với Bến Tre.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị để triển khai thành công Chuyển đổi số, tỉnh cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chuyển đổi số và tháng 8 sẽ công bố chiến lược của UBND. Cục Tin học hoá, FPT tham gia tư vấn chuyển đổi số cho tỉnh.
Chuyển đổi số của Bến Tre nên tập trung vào một số nội dung quan trọng như: thanh toán di động, thương mại điện tử (TMĐT), truy xuất nguồn gốc hàng hoá, học trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chính quyền số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, sử dụng công nghệ số để giải bài toán cho tỉnh như xử lý ngập mặn.
Để chuyển đổi số thì phải có hạ tầng trước, mà hạ tầng thì DN có thể làm. Nếu DN làm thì tỉnh phải định hướng cho DN, họp với các DN đặt ra các mục tiêu, kế hoạch hàng năm. Cục Viễn thông, Bộ TT&TT sẽ giúp tỉnh đặt ra kế hoạch về phát triển hạ tầng số, sau đó họp với các DN.
Tỉnh cũng cần đẩy mạnh chương trình mỗi người dân 1 smartphone. Bến Tre hiện chỉ thiếu 50.000 smartphone. Viettel, VNPT, MobiFone có thể hỗ trợ smartphone giá rẻ. Tỉnh muốn đẩy nhanh thì có thể thí điểm tắt sóng 2G tại một số khu vực và cùng các DN thiết kế một ứng dụng di động thiết thực cho người dân để họ có thể chuyển đổi sang smartphone. Giá 1 chiếc smartphone hiện cũng đã rẻ hơn và các gia đình có thể đáp ứng.
Về chỉ tiêu mỗi hộ gia đình 1 đường cáp quang, DN cũng có thể đầu tư. Tỉnh có thể giúp DN giải phóng không gian.
Mỗi gia đình Bến Tre cũng là 1 địa chỉ số. Muốn TMĐT phát triển thì phải biết địa chỉ gia đình. Địa chỉ số giúp việc chuyển phát hàng hóa đến hộ gia đình dễ dàng. Bưu điện Việt Nam đang làm, tỉnh hỗ trợ kiểm tra địa chỉ một cách chính xác.
Về triển khai 5G tại các khu công nghiệp, nhà máy thông minh, tháng 10 tới 5G sẽ được thương mại bằng thiết bị Việt Nam. Một khu công nghiệp chỉ cần vài trạm 5G. Việc này dễ triển khai, không tốn kém. Tỉnh có thể họp chuyên đề với sự tham gia của Cục Viễn thông.
Hội nghị tại đầu cầu trụ sở Bộ TT&TT |
Bộ trưởng cũng cho rằng phải đẩy mạnh DVCTT. Cục Tin học hóa sẽ hướng dẫn Bến Tre thực hiện nhanh 100% DVCTT đạt mức độ 4. Tỉnh thậm chí có thể thực hiện ngay trong năm 2020 đạt 100% DVCTT. Hiện mới có Hà Nội, Huế và 2 Bộ Y tế, Bộ TT&TT công bố thực hiện đạt 100% DVCTT mức độ 4. Nếu Bến Tre nỗ lực thì đây sẽ là một đột phá.
Về xây dựng chính quyền số, Bộ trưởng mong muốn Bến Tre thực hiện từ cấp thấp nhất, tức là từ cấp chính quyền xã, rồi đến huyện, tỉnh. Bộ sẵn sàng đứng ra hỗ trợ tỉnh Bến Tre làm việc này và kêu gọi các nguồn lực để làm.
Về đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng cho hệ thống CNTT, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần dành ít nhất 10% ngân sách CNTT cho ATTT, và thuê DN chuyên trách ATTT để đảm bảo hệ thống CNTT của tỉnh.
"Chuyển đổi số thì việc đầu tiên là tạo niềm tin số cho người dân và để người dân tin thì phải thuê DN chuyên trách ATTT để đảm bảo an toàn 4 lớp với lực lượng tại chỗ, có DN bảo vệ, có DN kiểm tra 1 năm/lần và kết nối không gian mạng quốc gia. Việt Nam có thuận lợi là có nhiều DN ATTT, giá cả các sản phẩm ATTT cũng rất phù hợp".
Cũng theo Bộ trưởng, tỉnh muốn đi đầu về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phải đảm bảo mức chi. Hiện, Bến Tre đạt mức chi 0,1%, là mức thấp so với cả nước. Mức trung bình toàn quốc là 0,3 – 0,35%. Bộ đang chỉ đạo chi 1%, đề xuất đẩy lên 2%. Theo tính toán với mức chi 1% cho CNTT thì sẽ thúc đẩy xã hội đẩy hệ số chi 10% thậm chí 50%. Bến Tre cân nhắc chi 2% cho CNTT để đi đầu về CNTT, chuyển đổi số.
Muốn chọn CNTT làm đột phá thì nhân lực trong Sở TT&TT phải đột phá, ưu tiên nhân lực chuyên môn, có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Tỉnh cứ giao nhiều việc cho Sở TT&TT để Sở mạnh lên, xuất hiện người tài.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Có việc gì khó khăn, đề nghị tỉnh đề xuất ngay với Bộ. Bộ không chỉ tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách mà còn hỗ trợ trực tiếp. Bộ sẽ có đội phản ứng nhanh, có thể làm việc qua cầu truyền hình, có thể đến Bến Tre làm việc trực tiếp và Bến Tre muốn trở thành thung lũng Silicon theo cách thức thí điểm mạnh mẽ thì Bộ sẽ thành lập tổ chuyên trách của Bộ để hỗ trợ tỉnh.
Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT với UBND tỉnh Bến Tre trong lĩnh vực TT&TT giai đoạn 2020 – 2021. |
Đề xuất Bến Tre chuyển đổi số tập trung 4 lĩnh vực
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết có 4 lĩnh vực, Bến Tre cần quan tâm để chuyển đổi số trước là: nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa phát biểu tại buổi làm việc |
Với du lịch, tập trung nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến Bến Tre. Dùng công nghệ số để du khách khi đến Bến Tre nhận được sự hỗ trợ tốt nhất, cảm thấy thân quen, gần gũi mặc dù mới lần đầu tiên ghé đến.
Với nông nghiệp, chuyển đổi số ưu tiên hướng đến nâng cao khả năng dự báo và tiếp cận thị trường cho nông sản.
Với y tế, tập trung nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân, mỗi người dân được sự tư vấn của một bác sĩ.
Với giáo dục, tập trung nâng cao năng lực để các cơ sở giáo dục có thể truyền tải kiến thức một cách tốt nhất đến cho người học
Chuyển đổi số nhằm giải quyết vấn đề phát triển bền vững cho Bến Tre, trong đó có vấn đề ngập mặn. Hiện nay có một số nền tảng và cảm biến (sensor) do một số DN Việt Nam sản xuất, thiết bị IoT rẻ, rất tốt. Cục Tin học hóa sẵn sàng phối hợp với Sở TT&TT giải bài toán đặc thù của Bến Tre. "Chúng ta sẽ dùng công nghệ số, đặc biệt là nền tảng công nghệ số, dùng sensor "Make in Vietnam" để dự báo kịch bản, đo lường chỉ số, tình hình ngập mặn và các yếu tố địa chất của tỉnh", ông Dũng cho biết.
Với chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp có 5 khâu, từ khâu sản xuất, đến thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ, đóng gói, phân phối, thị trường. Với mỗi khâu này đều sử dụng công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chuyển đổi số không có gì là phức tạp, lớn lao mà từ việc rất nhỏ như tỉnh Bến Tre có thể nghiên cứu làm sàn TMĐT để người nông dân mua phân bón đảm bảo, chất lượng, giá cả phù hợp. Bà con cũng có thể tăng cường lên các sàn TMĐT Postmart của BĐVN, Vỏ Sò của Viettel Post, để không phải mất phí trung gian.
Lực lượng CNTT, chuyển đổi số, DN công nghệ số rất hùng mạnh đang sản xuất các sản phẩm "Make in Vietnam" tạo sự đột phá. Đây là lợi thế lớn của Việt Nam và Bộ trưởng mong muốn Bến Tre coi chuyển đổi số để tạo đột phá của tỉnh.