Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam

Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.

Các nhà báo tác nghiệp đưa tin phòng, chống Covid-19 (Ảnh: Minh Sơn)

 

 

Đây là Chỉ thị rất quan trọng đối với Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước, được ban hành đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Liên chi hội nhà báo TTTT trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị như sau:

1. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hội đã thường xuyên tổ chức, động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo tích cực tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu của đất nước; đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, báo chí đã tham gia hiệu quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hội đã tích cực tham gia xây dựng cơ chế và chính sách báo chí, giám sát việc tuân thủ pháp luật về báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức hội còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò và vị thế của Hội. Công tác tập hợp những người làm báo còn gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức hội, cơ quan báo chí chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Một bộ phận hội viên chưa tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp báo chí trong tình hĩnh mới. Vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng; một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nguyên nhân của những khuyết điểm trên là do: Công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ ở một số cấp hội chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chậm đổi mới. Nhận thức về nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và ý thức xây dựng Hội của một bộ phận hội viên còn hạn chế. Sự phối hợp hoạt động giữa một số cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí với các cấp hội chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chưa thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo; chưa tạo điều kiện cần thiết để Hội hoạt động và phát triển.

2. Thời gian tới, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến nước ta. Trong bối cảnh khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, công tác báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan báo chí và các cấp hội nhà báo, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chủ quản báo chí định kỳ làm việc với các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam để cung cấp thông tin cần thiết đối với những vấn đề dư luận quan tâm, kịp thời định hướng tuyên truyền; phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để hội nhà báo các cấp hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị trí của hội trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.

2.2. Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Thường xuyên tổ chức cho các nhà báo, hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên.

Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Việc kết nạp và cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Điều lệ Hội. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người làm báo vi phạm, pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Tham gia công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp hội, có cơ chế để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý làm công tác hội.

Quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo; có hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội, nhất là các tổ chức hội, hội viên trực tiếp hoạt động ở những lĩnh vực, địa bàn có nhiều khó khăn.

Người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

3.Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về báo chí. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí; có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ làm công tác hội; làm tốt công tác bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Ban Tuyên giáo Trung ương có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc triển khai và thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Bí thư./.

Tin nổi bật