Nhan nhản cửa hàng “nhái” Apple
Tại Việt Nam, các cửa hàng sử dụng logo quả táo, với bảng hiệu dùng hai màu trắng đen và tên gọi giống các cửa hàng chính hãng của Apple xuất hiện ngày càng nhiều.
Ở TP.HCM, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa có các cửa hàng iShop, Hoàng Anh; ở đường Ba Tháng Hai là Viscom, FashionMobi. Các cửa hàng này đều có cách thiết kế dễ gây nhầm lẫn từ bảng hiệu, logo đến các tủ trưng bày sản phẩm.
Cửa hàng Hoàng Anh, iShop trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù khẳng định là đại lý chính thức của Apple tại Hà Nội, nhưng chuỗi cửa hàng istorevn tại các địa chỉ 72 Nguyễn Du, 43 Khâm Thiên và 231 Xã Đàn đều không có trong danh sách các cửa hàng bán lẻ hay dịch vụ của Apple tại Việt Nam. Ngay cả iStore Care tại 72 Nguyễn Du tự nhận là Trung tâm Bảo hành đạt chuẩn Apple đầu tiên tại Hà Nội cũng không hề được Apple công nhận.
Tương tự, các cửa hàng ở TP.HCM như iStore Premium tại Trung tâm thương mại Vincom Center, 70-72 Lê Thánh Tôn, quận 1 của Công ty FPT Distribition cũng là một địa chỉ không có trong danh sách đại lý cấp 1 của Apple tại Việt Nam (premium reseller), nhưng trên trang web của iStore Premium (istorepremium.vn) và cả trên thẻ thành viên dành cho khách hàng đã mua sản phẩm tại iStore Premium đều in logo premium reseller của Apple.
Ông Trang Trung Trí - tổng giám đốc tại Việt Nam của JEL Corp, nhà phân phối đồng thời là đại lý cấp 1 của Hãng Apple, cho biết đến thời điểm này theo danh sách trên website của hãng (www.apple.com), Việt Nam có 37 cửa hàng bán lẻ và bảy cửa hàng cung cấp dịch vụ chính hãng Apple, nhưng trên thực tế chỉ có 12 cửa hàng đang hoạt động, trong đó chỉ bốn đại lý cấp 1 gồm ba ở TP.HCM có tên iCenter và FutureWorld, tại Hà Nội có một cái tên FutureWorld. Hãng Apple đang sắp xếp, lọc lại các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam và đến tháng 9-2011, sẽ có hơn 20 cửa hàng trong danh sách này không được tiếp tục hợp đồng là đại lý của Apple, đồng thời sẽ có thêm vài đại lý cấp 1 ra mắt trong tháng tới.
Theo ông Trí, mỗi cửa hàng bán lẻ dù là đại lý cấp 1 hay cấp 2 (authorized reseller) đều ký hợp đồng trực tiếp với Apple. Điều kiện để được ủy quyền bán lẻ sản phẩm Apple rất khó khăn. Hợp đồng được ký mỗi năm đối với từng cửa hàng và được quản lý chặt chẽ. Hằng năm Apple đều gửi thư xác nhận việc tiếp tục hợp đồng với mỗi cửa hàng. Chỉ cần hỏi có thư của Apple hay không là sẽ biết cửa hàng có phải là đại lý của Apple hay không.
Hãng có công ty chuyên đi khảo sát thị trường nên nắm hết danh sách các cửa hàng bán sản phẩm Apple không hợp pháp tại Việt Nam. Trên thực tế các cửa hàng này không gây ảnh hưởng nhiều đến doanh số của Apple, nhưng lại gây thiệt thòi cho người tiêu dùng như bán hàng không đúng nguồn gốc, giá bán lộn xộn, bán hàng ăn cắp, hàng cũ tân trang... Khi mua hàng ở những nơi này, người tiêu dùng sẽ chỉ biết hàng của mình là hàng cũ hay hàng ăn cắp khi vào hệ thống bảo hành.
Theo chính sách của Apple, khi bảo hành nếu phát hiện sản phẩm là hàng ăn cắp thì hãng sẽ tịch thu. Nếu chẳng may rơi phải trường hợp này thì thiệt thòi và xui xẻo cho người mua.
Theo Hồng Nhung
Báo Tuổi trẻ