Ra mắt ấn bản mới của nhà văn “những người cùng khổ”
Nhân kỉ niệm 62 năm thành lập (17.6.1957 – 17.6.2019), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa ra mắt ấn bản mới tập truyện “Dưới chân Cầu Mây” của nhà văn Nguyên Hồng.
Tuyển tập gồm ba truyện đặc sắc dành cho thiếu nhi: “Đôi chim tan lạc”, “Dưới chân Cầu Mây” và “Cháu gái người mãi võ họ Hoa”.
“Dưới chân Cầu Mây” là câu chuyện cảm động về anh bộ đội thương binh tên Chí. Anh từng bị giặc Pháp bắt và tra tấn dã man hòng lấy cung nhưng với ý chí kiên cường không khuất phục trước đòn roi của giặc, anh quyết không khai nửa lời.
Với sự trợ giúp của Giang - chàng thiếu niên trẻ tuổi cũng từng bị giặc bắt khi làm nhiệm vụ giao liên, hai người đã trốn thoát khỏi nhà tù của giặc và trở thành anh em, đồng chí thân thiết.
Trong khoảng thời gian chờ bắt liên lạc với đơn vị, Chí đã sống cùng gia đình Giang ở phố Cầu Mây, dạy bình dân học vụ, hướng dẫn bà con đào hầm tránh đạn. Với sự dìu dắt của Chí, Giang cùng với các bạn thiếu nhi khối phố tăng gia sản xuất, dọn dẹp phố xá sạch đẹp, tham gia các hoạt động văn thể… Một câu chuyện giản dị, xúc động về tình quân dân như cá với nước.
Trong cuốn “Nguyên Hồng – Nhà văn của những người cùng khổ”, tác giả Nguyễn Thị Nhã Nam – ái nữ của nhà văn từng viết: “Phải nói rằng hiếm có người đàn ông nào yêu trẻ thơ với một tình yêu thương sôi nổi và đằm thắm như Nguyên Hồng, không kể đó là con cháu của ông hay là những đứa trẻ bất kì ông gặp trong cuộc đời… Phải chăng vì có một tuổi thơ đau khổ nên ông vô cùng thuơng cảm những hoàn cảnh éo le, buồn khổ của trẻ thơ? Phải chăng cũng xuất phát từ trái tim nhân hậu ấy mà những trang viết dành riêng cho trẻ em của ông (Một tuổi thơ văn, Cháu gái người mãi võ họ Hoa...) đã ra đời?”
Trong “Cháu gái người mãi võ họ Hoa”, nhà văn Nguyên Hồng đã dành những trang viết đầy xót thương khi viết về cuộc đời của Tiểu Hoa, cô bé theo cha mãi võ bên bờ sông Tam Bạc.
Một thời mà “chỉ thoáng trông thấy gánh võ và nghe thấy tiếng nhạc đồng, là từ cả khu bến tàu, đầu cầu, vườn hoa phố chợ nọ ra đến ngoài cửa sông đã náo nức lên rồi.” Ai cũng đón chờ “xem người con gái múa đôi kiếm báu và lão Hoa tung hoành cây đoản đao”, và “không một người nào không thán phục, cũng như không thể nào không truyền tụng hai tài nghệ tuyệt vời kia.”
Quân Nhật tràn đến chiếm đóng, bắt đầu cuộc đời chìm nổi của Tiểu Hoa. Sau hơn hai mươi năm nhiều dâu bể, trở lại phố xưa, tim tác giả “chợt đập tung lên” khi gặp lại hình ảnh một cô bé Tiểu Hoa năm xưa trong hình hài một bé gái – chính là con gái của Tiểu Hoa.
Hình ảnh cô bé khiến nhà văn có mối liên tưởng mạnh mẽ: “những làn lửa chớp của những băng đạn cuồn cuộn quyết liệt, căm giận vô cùng, và cũng bình tĩnh tin tưởng vô cùng, bắn lên từ một sức sống cũng thật là mới lạ, kì diệu vô cùng”.
“Đôi chim tan lạc” có lẽ là một trong những truyện miêu tả về thiên nhiên và thế giới loài vật hay nhất của nhà văn Nguyên Hồng. Dù trong truyện, tác giả có lời tự bạch một cách khiêm tốn rằng “mình mà có được chỉ bằng cái móng tay thiên tài của ông nhà văn Tô Hoài chuyên viết truyện loài vật cho trẻ con đọc ấy, thì mình tả cũng phải biết.”
“Đôi chim tan lạc” miêu tả sống động cuộc đời chìm nổi của đôi chim Mã Lĩnh – “đôi chim cổ cườm óng ánh, bộ lông như nhiễu như xa tanh”.
Vợ chồng Mã Lĩnh đã từng có cuộc sống êm đềm ở động Ổi đài Tre tại vườn nhà bác Trai. Bỗng một ngày, bom đạn trút xuống, khói lửa bốc lên mù mịt, tre gỗ rơm rạ ngổn ngang. Rồi sấm sét trút xuống, đất trời mịt mùng kéo theo cơn đại họa của vợ chồng Mã Lĩnh.
Đôi chim bị gã-chạy-chợ bắt đi nhốt vào lồng, phải chịu một cuộc sống chật hẹp tù túng như “chuồng cọp ở Côn Lôn”. Trải qua bao đau đớn, cuối cùng, đôi chim cũng may mắn thoát ra được và trở về chốn cũ. Động Ổi đài Tre một thời đã khác. Nơi đây đã có một đơn vị bộ đội đóng quân. Cuộc sống của đôi chim giờ đây đồng hành với những người lính bộ đội cụ Hồ ân tình hiếu nghĩa.
Nhà văn Nguyên Hồng được mệnh danh là nhà văn của “những người cùng khổ”. Ông dành tình cảm sâu sắc cho giới lao động nghèo dưới đáy xã hội. Ngay cả các nhân vật trong truyện thiếu nhi của ông cũng là những em bé, hay con vật đáng thương, những nạn nhân của chế độ cũ, của chiến tranh, khiến người đọc rưng rưng cảm động về những gian truân vất vả các nhân vật đã phải vượt qua.
Bên cạnh đó, ý chí kiên cường, tình yêu thương thiết tha của các em cũng khiến người đọc cảm phục và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.
Ngoài tập truyện “Dưới chân Cầu Mây”, mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tái bản hai tập hồi kí “Những ngày thơ ấu”, “Một tuổi thơ văn” và tuyển truyện “Những truyện hay viết cho thiếu nhi – Nguyên Hồng” của nhà văn Nguyên Hồng.
Bảo Ngọc