Bảo tàng báo chí Hàn Quốc: không gian văn hóa dành cho công chúng
Trong hành trình học tập và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa tại Hàn Quốc trong những ngày mùa thu 2018, chúng tôi, các nhà báo ASEAN đã có dịp đến thăm bảo tàng báo chí Hàn Quốc.
Bảo tàng báo chí (Presseum) nằm ở 139 Sejongno, Jongno-gu, trung tâm thủ đô Seoul. Bảo tàng được thành lập và được điều hành bởi Dong-A Ilbo (từng có tên gọi Nhật báo Đông Á), một trong bốn công ty báo lớn của Hàn Quốc. Presseum là một từ ghép của hai từ “press” (báo chí) và “museum” (bảo tàng) trong tiếng Anh. Presseum là một bảo tàng chuyên ngành phản ánh lịch sử báo chí 130 năm của Hàn Quốc kể từ khi Hanseongsunbo, tờ báo bằng tiếng Hàn đầu tiên được xuất bản năm 1883. Bảo tàng báo chí được mở cửa năm 2000 là nơi để công chúng tìm hiểu vai trò và hướng về tương lai của báo chí trên nền tảng quá khứ.
Đến với bảo tàng báo chí, công chúng có cơ hội tìm hiểu về các hoạt động báo chí Hàn Quốc, ảnh hưởng của báo chí tới mọi mặt của đời sống xã hội Hàn Quốc. Nằm trên con phố với nhiều bảo tàng, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật Gwanghwamun thường xuyên được tổ chức, bảo tàng nằm trên tầng thứ 5 và 6 của Dong-a Media Center là địa chỉ văn hóa cho công chúng mỗi dịp đến với khu trung tâm văn hóa này.
Ông Sa Jung Kim, báo Dong-A Ilbo cho biết bảo tàng được mở để công chúng có thể trải nghiệm và hiểu hơn vai trò của báo chí in. Bảo tàng cũng có vai trò như là một tài sản giá trị cho những nhà nghiên cứu truyền thông và văn hóa.
Khu trưng bày đầu tiên của bảo tàng là nơi trưng bày các tờ báo lớn của 66 nước trên thế giới được xuất bản vào ngày 1/1/2000, trong đó có tờ báo Nhân dân của Việt Nam phát hành vào ngày 1/1/2000. Khách tham quan bảo tàng có thể so sánh những nét văn hóa khác nhau qua trang nhất của các tờ báo trên khắp thế giới được trưng bày tại đây.
Tiếp theo là nơi trưng bày “Lịch sử báo chí Hàn Quốc”, giới thiệu chi lịch sử, các tờ báo Hàn Quốc phát triển trong các bối cảnh lịch sử và trở thành một phương tiện cung cấp thông tin, tri thức cho độc giả.
Khu trưng bày “báo chí và xã hội” của bảo tàng trưng bày các trang nhất và phụ lục của các tờ báo, phản ánh các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội nổi bật của Hàn Quốc vào thời điểm báo được xuất bản, trong đó có cả những lỗi của một số tờ báo đã gây tác động đến xã hội.
Khách viếng thăm khu trưng bày có thể xem giới thiệu chi tiết nội dung các thông tin trưng bày cả trên các thiết bị điện tử được đặt tại bảo tàng |
Khu trưng bày nơi làm việc của nhà báo giúp công chúng hình dung được công việc của nhà báo trong thời kỳ làm báo trước đây khi các nhà báo viết tay các tác phẩm báo chí cùng với các bản thảo và các vật dụng làm báo liên quan.
Khu trưng bày nơi làm việc của nhà báo giúp công chúng hình dung được công việc của nhà báo trong thời kỳ làm báo trước đây khi viết tay các bài báo cùng với các bản thảo và các vật dụng liên quan.
Khu trưng bày quy trình in báo giới thiệu quy trình in báo trước đây đến in báo in được phát hành tốc độ khá nhanh hiện nay. Khách tham quan bảo tàng có thể nhìn thấy nhiều cách thức khác nhau mà các tờ báo đã được xuất bản như thế nào trong suốt thế kỷ 20.
Khu vực báo chí và văn hóa trưng bày thiết kế của tờ báo phản ánh những nét văn hóa của thời kỳ tờ báo được xuất bản. Khách tham quan có thể nhìn thấy cách thiết kế các tờ báo đã thay đổi như thế nào để phản ánh các nét văn hóa trong suốt thế kỷ qua.
Ngoài ra, bào tảng còn trưng bày các bức ảnh nổi tiếng, các bức ảnh biếm họa của các tờ báo in, hình thức quảng cáo trên báo chí in, vị trí đặt quảng cáo ở phần nào của tờ báo là phải trả chi phí cao nhất…
Khu trưng bày ảnh và các bức biếm họa nổi tiếng đã sử dụng trên báo |
Bảo tàng cũng dành một nơi để trình chiếu phim, hình ảnh tư liệu về các tờ báo, nhà báo giúp người xem hiểu được đầy đủ hơn các tờ báo. Các chương trình trình chiếu tại đây có “Ngày nhà báo”, “Báo Jurassic”, “Cái nhìn của Noori và Dudge về thế giới”…
Một phần của bảo tàng giới thiệu lịch sử tờ báo Dong-A Ibo, tờ báo lớn của Hàn Quốc, kể từ số báo phát hành đầu tiên vào tháng 4/1920. Ông Sa Jung Kim cho biết Dong-A Ibo đã có thời kỳ khó khăn, bị đàn áp khi báo có những bài báo buộc phải để trắng khi phát hành trong giai đoạn 1974 - 1975 và có nhiều lần bị đình bản liên tục dưới thời Hàn Quốc bị chiếm đóng.
Khách viếng thăm bảo tàng có còn thể tự chụp ảnh, viết và biên tập các bài báo, giúp người viếng thăm bảo tàng có thể trải nghiệm đầy đủ quy trình làm báo hay trải nghiệm đố vui về báo chí…
Được biết không có nhiều nước có bảo tàng riêng về báo chí. Đức đã thành lập bảo tàng báo chí quốc tế ở Aechen năm 1931. Mỹ có bảo tàng Newseum ở Washington và Nhật Bản có bảo tàng báo chí ở Yokohama. Tại Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam cũng đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng bảo tàng báo chí Việt Nam. Hiện Hội nhà báo Việt Nam đã nhận, thu thập được nhiều hiện vật quý để xây dựng bảo tàng báo chí Việt Nam.
Lan Phương/ictvietnam.vn