ASEAN đứng trước cơ hội to lớn của cuộc CMCN 4.0
Đây là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự “Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?” và cơ hội rất lớn nằm trong tay thế hệ trẻ.
“Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?” được tổ chức ngày 11/9/2018 là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018 do Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 11 - 13/9/2018.
GS. Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam Chu Ngọc Anh , Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman đã tham dự Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có chuyên gia về lĩnh vực này như bà Julia Andrea R. Abad, Giám đốc Trung tâm chính sách công cộng Đại học Viễn Đông, Philippines; Ông Rajan Anandan, Giám đốc Google khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ; Bà Annie Koh, Phó Chủ tịch Văn phòng Phát triển Kinh doanh, Singapore;...
Diễn đàn tập trung thảo luận các nội dung: Vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đối với ASEAN; Sự thay đổi về nghề nghiệp trong thời kì bùng nổ các ứng dụng công nghệ cao đi kèm với những thách thức; cách thức tiếp cận mới, những chính sách quản trị phù hợp nhằm tận dụng và phát huy những lợi thế mà CMCN 4.0 đem lại.
GS. Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF phát biểu |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn mở, GS. Klaus Schwab nhấn mạnh CMCN 4.0 đang làm thay đổi các xã hội trên thế giới. Trong tương lai các nước thành công là các nước nắm bắt được cơ hội, ưu thế của cuộc cách mạng này mang lại. Cuộc cách mạng này bắt đầu vào đầu thế kỷ XXI trên nền tảng của cuộc cách mạng số. Đặc trưng cả cuộc cách mạng này là Internet di động phổ biến ở khắp mọi nơi, là những thiết bị cảm ứng nhỏ hơn, mạnh hơn nhưng rẻ hơn, cùng với trí tuệ nhân tạo và máy tự học.
Vậy, chúng ta đang chuẩn bị như thế nào? Theo GS. Klaus Schwab, muốn thành công trong cuộc cách mạng này, đầu tiên phải hiểu rõ tầm quan trọng của nó và tiếp theo là phải phát huy các nguồn lực của cuộc CMCN 4.0.
GS. Klaus Schwab cũng lưu ý phải xây dựng được những chính sách cần thiết, khuyến khích tinh thần doanh nhân, xã hội cởi mở để đón những sự thay đổi. Nhiều người lo ngại mất việc làm nhưng cuộc cách mạng này cũng tạo ra nhiều việc làm mới mà mọi người cần phải chuẩn bị sẵn sàng, chuẩn bị các kỹ năng. “Thế hệ trẻ sẽ là thế hệ thích ứng và ứng dụng kỹ năng mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới này. Các bạn trẻ hãy nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng này mang lại”.
Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh phát biểu |
Thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh nhiệt liệt chào mừng các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp (DN), các bạn sinh viên, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam tham dự Diễn đàn.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh chúng ta đang cùng chứng kiến cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển những thành tựu của KHCN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt, là các công nghệ trọng tâm của cuộc CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. “Đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn, chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia, tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn về khoảng cách trình độ phát triển với các nước trên thế giới. CMCN 4.0 cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ của Cộng đồng ASEAN phát huy năng lực, trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ và chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm, gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp và đổi mới”.
Chính phủ Việt Nam đã xác định DN, trong đó có các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đối tượng trung tâm của nền kinh tế. KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời Việt Nam cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4.
Đến nay, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định Việt Nam đã cơ bản hình thành và phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh và bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển ở trong nước và quốc tế, đã thiết lập được một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc CMCN 4.0.
Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo tầm nhìn 2035, Kịch bản CMCN 4.0. Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của mình, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối với các DN, các nguồn lực về KHCN và đổi mới sáng tạo trong nước với Mạng lưới đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN.
Những cơ hội cho ASEAN và thế hệ trẻ
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin đáng chú ý, theo đó, các nước thành viên ASEAN, Việt Nam và thế hệ trẻ, chủ nhân của tương lai có thể nắm bắt cơ hội trong CMCN 4.0.
Phiên trao đổi mở giữa các diễn giả và các đại biểu, các bạn trẻ tham dự Diễn đàn |
Ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google Ấn Độ đã nhận định ASEAN và Việt Nam là quốc gia đều có tinh thần khởi nghiệp tốt nhất, mọi người đều hăng hái. Cốt lõi của CMCN 4.0 là kinh tế số, nền kinh tế này có tiềm năng rất lớn. Tính theo % của GDP, kinh tế số của Việt Nam với khả năng đạt 7%, Trung Quốc là 16%, 5 quốc gia ở châu Âu là 25%. Để đảm bảo có nền kinh tế số tích hợp, cần có luồng chảy dữ liệu giữa các quốc gia, có tự do hàng hóa, nhưng chưa đủ mà quan trọng là làm thế nào để đảm bảo được con người chiến thắng máy móc… Google tập trung đào tạo kỹ năng mọi cấp, từ sinh viên, đến các DN nhỏ và vừa (SME). SME tại Việt Nam và ASEAN tạo 50% GDP và tạo 80% việc làm trong khu vực.
ASEAN nắm bắt như thế nào trước cơ hội này? Theo ông Rajan Anandan, một lĩnh vực cần tập trung là đào tạo kỹ năng cho DN. Google cam kết sẽ đào tạo cho 3 triệu chủ sở hữu DN nhỏ vào năm 2020, đảm bảo các SME khai thác một cách tốt nhất CMCN 4.0.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng trẻ nhất trong Chính phủ Malaysia, đã lạc quan chia sẻ: ASEAN có nhiều lợi thế trong cuộc CMCN 4.0, đặc biệt ASEAN có dân số trẻ rất lớn. Họ là nguồn lực của CMCN 4.0. Những người trẻ có năng lực rất cao. Các nước ASEAN phải ghi nhận vai trò và tiềm năng của người trẻ. Họ không chỉ là lãnh đạo của tương lai. Thành công của CMCN 4.0 được người trẻ định nghĩa. “ASEAN phải đi đầu, khai thác tiềm năng của người trẻ. Các bạn trẻ hãy sẵn sàng học. Tương lai phụ thuộc vào tất cả các bạn trẻ”.
Đồng ý kiến, GS. Annie Koh, Phó Chủ tịch Văn phòng Phát triển Kinh doanh; Giám đốc Học viện Thương mại Quốc tế; Giáo sư Tài chính (Thực hành), Đại học Quản lý Singapore cho biết: Chúng ta đều “phấn khích” với CMCN 4.0. Số phận của ASEAN đều nằm trong tay các bạn trẻ. Các nước ASEAN và giới trẻ hãy nghĩ đến 4 từ bắt đầu bằng chữ cái “I” trong tiếng Anh trong cuộc CMCN 4.0: “Identity” - bản sắc của ASEAN sẽ đưa các nước ASEAN tiến xa, “Innovation” – Đổi mới sáng tạo; “Inclusive” - bao trùm là hãy ứng dụng công nghệ để lấp đầy các khoảng cách số cho các lĩnh vực và “Integration”. Hội tụ đủ 4 chữ “I”, bạn trẻ có thể sẵn sàng để đi đến tương lai. “Các bạn trẻ hãy chăm chỉ, cần cù, trở thành những người đi đầu trong các tổ chức. Các bạn là người dẫn đầu ASEAN và cần hướng tới thế giới. Các bạn hãy là những người dám có ước mơ lớn”.
Cụ thể hơn về bản sắc, bà Julia Andrea R. Abad, Giám đốc điều hành, Trung tâm Chính sách công cộng Đại học Viễn Đông, Philippines: “Bản sắc chỉ có thể tạo dựng được khi có mục tiêu và đam mê. ASEAN có mục tiêu chung lớn trở thành một cộng đồng lớn mạnh. Các bạn trẻ hãy tò mò. Tò mò thì mới sản xuất được những thứ mới mẻ, sáng tạo… Tò mò mới tạo ra bản sắc cho bạn, để đóng góp xây dựng ASEAN lớn mạnh”.
Là một người khởi nghiệp thành công và truyền cảm hứng cho nhiều DN khởi nghiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG Lê Hồng Minh tham dự Diễn đàn cũng chia sẻ: Internet di động sẽ mang đến những thị trường rộng mở, những cơ hội lớn trong vòng 5 - 10 năm tới cho giới khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển rất nhanh như thương mại điện tử, giao thông, thanh toán điện tử… 5 năm trước công nghệ marketing rất “hot” nhưng hiện đã lỗi thời. Những kiến thức học ở trường 4 - 5 năm ở trường đại học sẽ nhanh chóng lỗi thời. “Các bạn trẻ, sinh viên khi đang học tập ở trường hãy học hỏi kỹ năng. Sau khi ra trường liên tục học tập để thích ứng với cái mới”, ông Lê Hồng Minh nói.
Ông Minh chia sẻ thông tin từ Techniasia, Đông Nam Á hiện đang dần trở thành thung lũng Silicon thứ hai của thế giới, với 7,86 tỷ USD đầu tư vào startup khu vực này trong năm 2017, trong đó nổi bật 3 lĩnh vực là fintech, thương mại điện tử và sản xuất trò chơi. Báo cáo của Google cho thấy, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017, và dự báo sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Các bạn trẻ hãy nắm bắt cơ hội. Các bạn muốn khởi nghiệp, muốn gọi vốn? “Cách tốt nhất đừng có đi gọi vốn kiểu xin tiền mà hãy làm gì đó để mọi người đưa tiền cho bạn”.
Lan Phương/ictvietnam.vn