Câu chuyện của chiếc áo dài cổ
(ICTPress) - Mình được sinh ra từ những đôi bàn tay tài hoa, ý tưởng táo bạo, đầy sáng tao của những con người trẻ tuổi kia. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng thật may mắn là mình không có chung số phận như những “người họ hàng” trước đó nằm yên trong viện bảo tàng, năm thì mười họa mới có người đến chiêm ngưỡng.
Hôm nay, giống như nhiều bạn khác, mình được xuất hiện trong một hoạt động lớn có tới cả trăm người tham dự. Trong không gian thơm nức hương hoa, tiếng nhạc réo rắt, mình ngây ngất bởi những lời khen tặng, tán thưởng.
Trình diễn cách mặc trang phục áo dài ngũ thân |
Ở trên kia, các bạn trẻ làm ra mình có vẻ đang rất tự hào giới thiệu chúng mình như trái ngọt đầu mùa của họ. Chàng trai điển trai đang cầm míc kia đeo một chiếc kính trông rất tri thức. Anh ấy khoác trên người người bạn thân nhất của mình - “anh áo dài cổ” tông màu tối với những hình tròn họa tiết vương giả.
Mình nghe mọi người gọi anh là Lộc - Nguyễn Đức Lộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên. Là thế hệ 9x nhưng Lộc khá tự tin khi trình bày trước đám đông. Anh sinh ra trong một gia đình rất bình thường, không có một ai “dính dáng” đến văn hóa hoặc nghiên cứu văn hóa cổ. Ấy vậy mà anh lại rất yêu lịch sử, yêu văn hóa truyền thống của người Việt.
Từng là học sinh giỏi cấp thành phố môn Lịch sử, thời gian ngồi trên ghế nhà trường chấm dứt khi anh bước vào tuổi 18. Lộc không đỗ đại học nhưng anh may mắn được tuyển vào làm việc tại Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC như một phóng viên văn hóa. Quãng thời gian làm việc tại đây đã giúp anh nuôi dưỡng, phát triển tình yêu với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Vừa đi làm, anh vừa tự mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về những trang phục cổ xưa. Những chuyến công tác khắp các vùng miền trên cả nước cũng giúp anh gặp gỡ, giao lưu với nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu, học giả có uy tín về lĩnh vực này đồng thời tích lũy thêm nhiều kiến thức quý báu.
Sức trẻ, sự nhiệt tình, tâm huyết đã thôi thúc Lộc đi đến một quyết định khá bất ngờ đối với người thân và bạn bè - nghỉ làm ở VTC để thành lập Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên với mong muốn phục dựng lại các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam như trang phục, lễ nghi và các sản phẩm gia dụng hàng ngày…
Ơ kìa, Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Liên (Nhà hát Cải lương Trung ương) vừa được mời lên sân khấu. Giọng nói của anh MC vang vang cho biết những chiếc áo dài ngày nay vốn xuất hiện từ thế kỷ thứ XVIII, dưới thời chúa Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm, cách tân, dần chuyển hóa thành dáng áo tân thời thường được mặc ngày nay. Vừa nói anh vừa mời nghệ sĩ Thùy Liên trình diễn cách mặc áo dài cổ mà các dì, các mợ xưa từng tiến hành trong sinh hoạt hằng ngày.
Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Liên trình diễn áo dài cổ |
Dưới ánh nhìn của quan khách, nghệ sĩ Thùy Liên đang mặc một lớp áo trắng hay còn gọi là áo lót trong. Mình nghe nói, với phụ nữ quý tộc, lớp lót này sẽ được lồng bên ngoài chiếc yếm, còn đối với phụ nữ thuộc tầng lớp thấp trong xã hội xưa thì chỉ mặc yếm và trùm chiếc áo dài năm thân ra ngoài. Đây cũng là điểm đặc biệt của cách mặc trang phục cổ, luôn luôn phải có một lớp áo lót trong, khác với việc mặc trực tiếp như ngày nay.
Rồi mình được mang đến. Một bạn trẻ trong vai người hầu việc trang phục khoác mình (áo ngũ thân) lên người Nghệ sĩ. Sở dĩ mình được gọi là áo ngũ thân vì được may bởi năm mảnh vải, ráp lại với nhau. Thân áo thứ năm được giấu bên trong, có dây buộc cố định với dây thuộc đường may ở thân chính.
Sau khi buộc dây, sẽ tới phần cài khuy. Mình là chiếc áo dài ngũ thân bằng lụa màu vàng quý phái, cổ đứng đính năm khuy (một khuy ở cổ, một khuy ở bên vai và ba khuy còn lại ở mạng sườn phải). Phần tay áo đã được làm gọn lại ôm lấy cổ tay người mặc, không rộng phủ cả bàn tay như những thế hệ đi trước của mình giúp họ dễ dàng cử động.
Hoàn tất việc mặc trang phục, giống như người phụ nữ xưa, nghệ sĩ Thùy Liên dùng trang sức là kiềng bạc để tô điểm cho phần cổ áo, cộng với đôi guốc mộc tăng sự đoan trang khi mặc trang phục cổ.
Giờ thì mình đã thực sự trở thành phục trang của nghệ sĩ Thùy Liên, rồi được cùng Nghệ sĩ tham gia cuộc giao lưu với các nhà nghiên cứu, học giả có tên tuổi tại sự kiện ra mắt Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên.
Cũng như nhiều người tham dự khác, mình khá thích phát biểu của học giả, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức, tác giả công trình nghiên cứu “Ngàn năm áo mũ”. Theo ông, những năm gần đây giới trẻ, nhất là các bạn trẻ 8x, 9x rất yêu thích, tìm hiểu và phục dựng văn hóa truyền thống, trong đó có các bạn trẻ của Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên. Các bạn trẻ bây giờ có đầu óc khởi mở hơn so với trước. Khi các bạn ấy nhận ra sự sâu chuỗi của dòng lịch sử thì cũng nhìn ra được truyền thống nào xuất phát từ thời nào, rồi tìm những cái hay, nét đẹp văn hóa truyền thống để giới thiệu tới mọi người.
“Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên từ gối xếp đến áo dài đều là phục dựng lại ở thời Nguyễn, thời đại gần đây nhất, nhiều nghệ nhân vẫn còn nên những sai xót cũng sẽ dễ nhận thấy. Đây là một trong những điểm mạnh và cũng là điểm yếu của các sản phẩm này. Đáng mừng là các bạn trẻ như Nguyễn Đức Lộc, Võ Văn Hải (Phó Giám đốc Điều hành của Công ty) là những người chỉn chu lại ham học hỏi nên mọi thứ đến bây giờ vẫn khá chuẩn chỉ”- nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức chia sẻ.
Cùng có tên là Đức nhưng họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Mạnh Đức lại đưa ra cách nhìn khác. Ông cũng làm cho nhiều người quanh mình cảm thấy hơi lo lắng khi dẫn ra quan điểm giới trẻ ngày nay quan tâm nhiều đến văn hóa cổ phần nào đấy do họ mất phương hướng, không sống với hiện tại nhiều.
Với suy nghĩ yêu văn hóa không phải chỉ là sống trong văn hóa mà là sống trong sự phát triển của nó, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng :“Xã hội cần những lớp người đứng ra tuyên bố, khẳng định với mọi người, khu vực, thế giới về nền văn hóa của mình, đồng thời phát triển nó để nó gần hơn với đời sống. Để làm được điều đó, các bạn ấy phải nắm chắc được ngọn nguồn của những nét văn hóa truyền thống một cách tương đối chính xác, rồi từ đó phát triển lên. Đó là sự sáng tạo trong việc đưa văn hóa truyền thống của người Việt xưa vào đời sống hiện nay”.
Mình nghe nói, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã quen biết người bạn trẻ có tên Nguyễn Đức Lộc và ý tưởng về Ý Vân Hiên cách đây mấy năm. Đã không ít lần ông tâm sự với anh ấy rằng các anh đã bước chân vào lĩnh vực được coi là “khó nhằn”, rằng dù khởi nghiệp ở lĩnh vực ít người lựa chọn này song họ không hề mạo hiểm bởi họ có lòng tin và sự quyết tâm.
“Với các bạn trẻ, thiếu vốn có thể làm từng bước một, tuy nhiên đừng bao giờ giới hạn mình trong một phạm vi chỉ có tính truyền thống của chính mình. Tôi không trông đợi các bạn ở Ỷ Vân Hiên ở việc tái tạo lại các sản phẩm truyền thống mà đặt sự kỳ vọng vào việc các bạn ấy đem những nét đẹp văn hóa xưa truyền tải lại cho các thế hệ trẻ, giúp nó thích nghi với đời sống văn hóa hiện nay”- họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ thêm.
Đáp lại sự kỳ vọng của “người bạn nhiệt thành” ấy, Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên khá chắc chắn “Chúng tôi đưa sản phẩm ra thị trường đồng nghĩa với việc giới thiệu cho mọi người cả những câu chuyện văn hóa, nét đẹp văn hóa của người Việt qua mỗi sản phẩm”.
Có lẽ đây là lý do mà các anh ấy đã rất tỉ mỉ, chin chu với sản phẩm đầu tiên – những chiếc áo dài cổ chúng mình và cả những bạn gối xếp, hài, gươm, kiếm... Nghe nói để phục dựng được chúng mình đẹp như bây giờ còn có sự hỗ trợ rất nhiều chuyên gia, học giả, nghệ nhân, nhà nghiên cứu mỹ thuật. Các bạn trẻ ấy cũng đã liên hệ với rất nhiều làng nghề trong nước như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A… nhằm lựa chọn chất liệu, màu sắc, phù hợp nhất cho chúng mình, để người sử dụng đều cảm thấy tự hào, thích thú.
Rồi vị giám đốc trẻ ấy cũng chia sẻ thêm những việc mình cùng gần 20 đồng nghiệp chung độ tuổi 8x, 9x đã, đang làm rằng: Công ty đang dần hoàn thiện các trang phục, đạo cụ cổ phục vụ các hoạt động trình diễn, các lễ hội truyền thống; nghiên cứu các nghi lễ cổ, xây dựng kịch bản tái hiện lại các nghi lễ trong cung đình; làm việc với các đơn vị phân phối, công ty du lịch để đưa khách nước ngoài đến các điểm du lịch, xem các show diễn về nghệ thuật truyền thống… Bên cạnh đó, Công ty cũng tiếp tục hoàn tất các thủ tục liên quan đến bản quyền các sản phẩm, từ đó khẳng định hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Trước khi chia tay các quan khách tại lễ ra mắt công ty, tâm trạng của mình cũng hệt như nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Đức “Tuy đây mới chỉ là những bước khởi đầu nhưng nếu nhìn với con mắt bao dung, việc làm của các bạn trẻ ấy được coi như những viên gạch nền đầu tiên, giúp các bạn trẻ khác bước tiếp trên chặng đường phát huy giá trị văn hóa truyền thống đầy gian nan”.
Mỹ Bình