Những điểm nên ghé thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị dịp 27/7
Thành cổ Quảng Trị
Thành cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, cách Quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông. Đây là di tích lịch sử nổi tiếng đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định Số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.
Tượng đài Thành Cổ, nơi tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. (Ảnh: dantri) |
Chiến công ở Thành Cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng. Thành Cổ là nơi hy sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng.
Di tích Quốc gia đặc biệt: Vịnh Mốc
Được Chính phủ công nhận vào năm 2015, là điểm đến hấp dẫn tại huyện Vĩnh Linh, cùng với di tích đôi bờ Hiền Lương. Đây là một công trình làng ngầm chiến đấu độc đáo trong lòng đất, còn là di tích lịch sử, văn hóa mang đậm nhiều dấu ấn.
Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870 m. |
Dưới sức tàn phá kinh khủng của bom đạn quân thù, song hệ thống làng hầm địa đạo, làng chiến đấu Vịnh Mốc đã trở thành căn cứ vững chắc, che chở cho bộ đội và người dân trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt: Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
Nằm trên Vĩ tuyến 17, được xem là “địa chỉ đỏ” trên vùng “đất lửa” Vĩnh Linh, Quảng Trị _ nơi từng in dấu một thời đất nước bị chia cắt thành 2 miền. Ðôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là tên gọi cho một cụm di tích ở hai bên bờ sông Bến Hải tại khu vực cầu Hiền Lương, nơi được coi là tâm điểm thể hiện cao nhất những vấn đề lịch sử về một thời kỳ gần 20 năm chia cắt đau thương của hai miền Nam - Bắc, và cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, bi hùng của cả dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải hàng năm đều tổ chức “Lễ hội Thống nhất non sông” và lễ thượng cờ kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. (Ảnh: phununews) |
Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương là biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông. Khi đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc (7/1954), quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu để mang lại nền thống nhất, hòa bình cho đất nước.
Thánh địa La Vang
Nằm trong khu vực Dinh Cát thời chúa Nguyễn Hoàng nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cách thị xã Quảng Trị khoảng 6km về phía Nam và cách thành phố Huế độ 60km về phía Bắc, thánh địa La Vang là trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc của giáo hội Công giáo Việt Nam.
Nhà Thờ La Vang. (Ảnh: Phonglt) |
Kiến trúc của nhà thờ ở đây tuân thủ theo lối kiến trúc truyền thống của các công trình xây dựng nhà thờ Công giáo. Tuy nhiên, màu rêu phong của nhà thờ đã chấm phá nên nét riêng biệt, khiến ai nhìn thấy lần đầu tiên cũng dễ dàng liên tưởng ngay đến những chặng đường lịch sử, không chỉ riêng mỗi thánh địa mà còn cả một khoảng thời gian đầy sự kiện, nay đã trôi vào quá khứ.
Căn cứ quân sự Dốc Miếu
Di tích lịch sử Dốc Miếu nằm phía Đông Quốc lộ 1A, căn cứ quân sự Dốc Miếu thuộc xã Gio Phong- Gio Linh, cách Cầu Hiền Lương chừng 7 km về phía nam. Dốc Miếu là đồi đất bazan nằm trong vùng địa hình 3 con dốc chạy ngoằn ngoèo.
Đài chiến thắng ở khu di tích Dốc Miếu - Cồn Tiên. (Ảnh: kienthuc) |
Ngày nay, địa danh dốc Miếu - Cồn Tiên lại trở thành tài sản quý, một di tích hấp dẫn du khách trong hành trình tới Quảng Trị. Nơi đây, sừng sững trên đỉnh đồi cao là một tượng đài chiến thắng ghi công các chiến sĩ giao liên đã góp phần đập tan hệ thống pháo đài Dốc Miếu - Cồn Tiên.
Dưới chân tượng đài chiến thắng là các đồi cây cao su nối dài tít tắp, minh chứng cho cuộc sống đang hồi sinh mạnh mẽ trên mảnh đất một thời bom lửa. Nhìn từ tượng đài chừng 7 km về phía Bắc là di tích đôi bờ Hiền Lương, một biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam trường kỳ 21.
Nghĩa trang Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977.( Ảnh: Vietnamphotosbtf) |
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Căn cứ Khe Sanh
Theo đường 9 huyền thoại đoạn từ nghĩa trang Trường Sơn sẽ đến với khu căn cứ địa Khe Sanh, cách Đông Hà hơn 60 km. Khu căn cứ với sân bay dã chiến, nhà trưng bày, giao thông hào, hầm chỉ huy, hàng rào kẽm gai, đường băng, máy bay, pháo, xe tăng và nhiều hạng mục hạ tầng khác.
Khe Sanh nằm trong một thung lũng đất đỏ cao hơn mặt nước biển 400m, bốn bề là đồi núi trùng điệp. Đây là một trong ba "mắt thần" (Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn) của hàng rào điện tử McNamara. |
Tại Khe Sanh đã diễn ra những trận đánh lớn trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971. Tổng thống Mỹ Giôn-Sơn đã từng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ký cam kết bằng máu quyết tâm giữ Khe Sanh.
Sân bay Tà Cơn
Di tích sân bay Tà Cơn là điểm đến khá hấp dẫn với du khách. |
Là một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh những năm 1966 – 1968. Sân bay Tà Cơn nằm trên địa phận xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, cách đường Trường Sơn hơn 400m về hướng Đông Bắc, cách thị trấn Khe Sanh 3km về hướng Bắc.
Bãi biển Cửa Tùng
Cửa Tùng không chỉ là một địa danh lịch sử đơn thuần mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng. Nơi đây có tám mũi đất Bazan đỏ au như ráng chiều cùng chạy xô ra biển, tạo thành một chiếc lược đồi mồi kì vĩ, ngàn đời chải mượt triệu lớp sóng xanh.
Biển Cửa Tùng từng được xem là "Nữ hoàng các bãi tắm" |
Cửa Tùng hấp dẫn du khách bởi lẽ, đến với Cửa Tùng là đến với vĩ tuyến 17, Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ anh hùng… Những cái tên lịch sử ghi dấu một chuỗi thời gian dài gian khổ và hào hùng của dân tộc để xoá đi ranh giới ngăn cách đất nước cho Bắc Nam sum họp một nhà. Những địa danh đó nay trở thành một quần thể du lịch độc đáo.
Theo hanoitv.vn