Trên những nẻo đường nước Nga: Samara, với trái tim rộng mở
Đóng cửa với thế giới bên ngoài cho đến tận khi Liên Xô tan rã, chỉ được nhắc tới như là một thành phố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về ngành hàng không vũ trụ với cái tên Kuibyshev, Samara đã không còn là một nơi bí ẩn nữa trong những ngày này, khi trái bóng World Cup lăn trên mảnh đất mà người lần đầu tiên lên vũ trụ Yuri Gagarin đã từng ở đây những năm 1960.
'Chào mừng đến với Samara'
Igor đã nói với tôi như thế khi mở cửa căn hộ của gia đình cậu. Đấy là một căn hộ rộng rãi, nhưng khá cũ, được xây từ những năm mà Liên Xô vẫn còn tồn tại, với mặt tiền đã mốc meo, thang máy rít lên như răng bà lão và nằm trong một khu phố ngoại ô đầy chật những khu tập thể như thế, có chợ trời họp ngay dưới hè phố, không nhếch nhác, nhưng buồn tẻ và có vẻ thiếu sức sống.
Một góc phố Samara. Ảnh: Anh Ngọc |
Igor và mẹ cậu đã bận rộn trong suốt tháng này, khi Samara đón tiếp hàng nghìn cổ động viên các đội bóng đến đây thi đấu World Cup. Đối với họ và rất nhiều những người dân khác ở thành phố nằm sâu trong lãnh thổ nước Nga, giáp với vùng núi Ural của vùng Trung Á thuộc Nga và đã cách Moskva một múi giờ này, đấy là một dịp tuyệt vời không thể bỏ lỡ để tăng thêm thu nhập, vốn ở mức chỉ chừng 1 nghìn USD/tháng đầu người ở đây. Những căn hộ tập thể trở thành nơi trú ngụ trong vài ngày những người hâm mộ ở khắp nơi thế giới đổ về, tiếng Nga hầu như không biết và vật vã trao đổi với những người sẽ cho họ ở hoặc bằng thứ tiếng Anh cơ bản nhất có thể, hoặc thông qua ứng dụng Google Translate. Và như thế, Samara đã mở lòng cho tất cả, lần đầu tiên trong lịch sử đón nhận nhiều người nước ngoài như thế đến đây, trong đó đến gia đình của Igor có tôi, và cổ động viên Brazil đến trước tôi. Họ dọn đến ở trong dacha (nhà nghỉ mùa hè) ở ngoại ô, nhường chỗ này cho khách để làm dịch vụ kiếm tiền mùa bóng lăn.
Nằm cạnh Volga, dòng sông mẹ của nước Nga, con sông dài nhất châu Âu, Samara đã đóng cửa với thế giới quá lâu, trước khi ngỡ ngàng nhận ra rằng, sẽ tuyệt vời biết bao nếu thế giới biết đến họ, không chỉ bởi từng là một thành phố bí mật có vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ Liên Xô trong những năm trước kia, bởi các tàu vũ trụ đều được làm ở nơi này. Một tên lửa Soyuz được dựng một cách ngạo nghễ và kiêu hãnh ở bảo tàng hàng không Samara, mở cửa từ năm 2007. Một tượng đài cao 40 mét mang tên Vinh quang cũng có hình chiếc máy bay đặt trên cùng nằm hãnh diện nhìn ra sông Volga đang chảy xiết. Nó được dựng lên vào năm 1971 để tri ân những công nhân đã dành cả đời mình để cống hiến cho ngành chế tạo máy bay chiến đấu. Chính ở nơi đây, trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, người ta đã xuất ra mặt trận hàng vạn máy bay ném bom IL-2 và IL-4 để tấn công vào quân phát xít Đức.
Tượng đài Vinh quang ở trung tâm Samara, nhằm tri ân các công nhân sản xuất máy bay chiến đấu chống phát xít Đức. Hiện tại, ở Samara, người ta vẫn sản xuất xe Lada. Ảnh: Anh Ngọc |
Chính cha của Igor cũng là một kỹ sư hàng không vũ trụ, và cậu tự hào về điều này, nhưng khi Chiến tranh Lạnh trôi qua, Samara cũng không còn được coi là quá quan trọng trong hệ thống các thành phố công nghiệp đặc biệt của nước Nga, nghề ấy cũng mất đi sự danh giá của nó. Ông thất nghiệp, nhận trợ cấp không nhiều. Tất cả chỉ còn là hoài niệm, giống như những hoài niệm đầy tự hào về những người anh hùng như Yuri Gagarin, người đã đến nghỉ ở Samara ngay sau khi trở thành người đầu tiên lên vũ trụ vào năm 1961, trên con tàu Vostok, cũng được chế tạo ở Samara này. Căn hộ tôi thuê trong mấy ngày cũng nằm trên phố mang tên Gagarin.
Samara, thành phố mở
Trong những năm đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Samara thậm chí còn trở nên cấm đoán với chính người dân của nó. Có những khu vực đặc biệt phải có giấy phép đặc biệt mới được vào. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, những bí ẩn của chính Samara mới được gỡ bỏ. Đến lúc ấy, người ta mới biết được trong thành phố của mình có một hầm ngầm mà Liên Xô đã xây sâu dưới đất gần 50 mét trong năm 1942 để đề phòng quân Đức vào được Moskva, và nếu thế, sẽ di chuyển Stalin và toàn bộ các cơ quan chính phủ đến đây, nơi cách Moskva 1 nghìn km, coi đó là thủ đô dự phòng của Liên Xô. Nhưng Stalin ở lại Moskva, không bao giờ tới đây và mãi đến 5 năm trước, hầm ngầm nằm ngay bên sông Volga này mới được mở cửa cho công chúng.
Bên bờ sông Volga. Ảnh: Anh Ngọc |
Bây giờ, Samara không còn xa lạ với những người đến với nó nữa. Đó là một trong những nơi đầu tiên đề nghị World Cup được tổ chức các trận đấu trong thành phố của mình, với một tham vọng không gì hơn là đánh thức chính họ-như nàng công chúa ngủ trong rừng dậy, sau bao năm ngủ thiếp đi và dần chìm vào lãng quên. Và thế là, khi những người nước ngoài đầu tiên đến đây, họ sẽ ngỡ ngàng nhìn thấy một thành phố nhìn không tươi mới lắm, với những kiến trúc cũ rích từ thời XHCN với những dãy nhà cũ mới không ăn nhập lẫn nhau, những tàu điện bánh sắt và bánh hơi từ những năm 1980 vẫn chạy ở nơi này, những khu tập thể buồn tẻ. Nhưng họ sẽ cảm thấy Samara đang trở nên ngày càng cởi mở hơn. Ở trung tâm Samara đã mọc lên ngay gần hầm ngầm Stalin một Irish Pub, nơi bạn có thể uống bia Guiness loại hảo hạng nhập nguyên gốc và nhiều loại bia khác, nếu bạn đã chán ngán loại bia Zhigulevskoye ngon tuyệt ở chốn này. Họ cũng sung sướng nhìn thấy những ngôi nhà gỗ cổ đã tồn tại hơn một thế kỷ ở các khu dân cư gần sông Volga. Đấy là một di sản thực sự của Samara, mà tiếc thay, ít được gìn giữ, trong một thành phố mà những người giàu nhất của nó lại đang đầu tư sang tận London.
Những ngày trái bóng lăn đến đây, Samara đang sống những ngày hạnh phúc nhất. Khu fanfest luôn ngập kín người Nga. Họ đi xem bóng đá như là tham gia vào một ngày hội. Họ nói rằng, tình yêu với World Cup khiến cho nỗi đam mê với đội bóng địa phương Krylia Sovietov, đội bóng hào hùng thành lập từ năm 1942, nay đang chơi ở hạng hai Nga, đã trở lại. Họ hào hứng mời những người nước ngoài không quen biết, chẳng hạn như tôi, những ngụm bia Zhigulevskoye hảo hạng. Họ nhảy múa và ca hát trên đường phố, với những cô gái trang điểm và váy xống đẹp nhất, những đứa trẻ sung sướng cùng cha mẹ, và bãi cát dài rộng dọc sông Volga trở thành nơi mà hàng nghìn người tắm, chơi thể thao và thư giãn những ngày Hè này...
... Tôi ngồi một mình bên bờ Volga ngắm hoàng hôn và nhấp một ngụm bia Zhigulevskoye ngon tuyệt. Một cổ động viên Anh đi qua cùng sà vào đòi cụng chai cùng. Thế là uống. Họ vui vẻ và thích thú. Họ lấy làm tiếc vì rất nhiều người Anh khác đã không sang đây. Vì sợ hooligan. Vì sợ phân biệt đối xử. Vì bị ảnh hưởng tiêu cực từ truyền thông Phương Tây trong cuộc chiến với Nga. Những nghìn fan ít ỏi tới đây theo chân đội Anh có lẽ sẽ thay đổi cái nhìn, theo hướng tích cực hơn về nước Nga và cả Samara, khi chính nước Nga và Samara cũng mở lòng đối với họ.
Nguồn: Anh Ngọc (từ Samara, Nga)/thethaovanhoa.vn