Có một World Cup khác trên Quảng trường Đỏ
Không phải ở sân vận động Luzhniki, nơi mở đầu và khép lại World Cup 2018, mà ngay trên chính Quảng trường Đỏ, trái tim của Thủ đô nước Nga, có một World Cup vừa diễn ra, một World Cup dành cho những trẻ em vượt lên số phận.
Ngày 30/6, trong khuôn khổ Festival “Football for Hope” (Bóng đá Hy vọng) do Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức, một sự kiện gắn liền với World Cup kể từ năm 2006 đến nay, khoảng 200 em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi đến từ 48 quốc gia trên thế giới đã tham gia các trận đấu bóng đá trên sân cỏ nhân tạo được dựng lên ngay giữa Quảng trường Đỏ.
Đại diện cho đoàn Việt Nam tham dự Festival “Bóng đá Hy vọng” là các em nhỏ thuộc Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là những em được lựa chọn từ khoảng 17.000 thành viên của dự án Bóng đá cộng đồng Việt Nam (FFAV).
Sinh năm 2000, có lẽ trải qua tuổi thơ quá cơ cực mà Hà Danh Dự, một trong bốn cầu thủ Việt Nam, trông khá nhỏ bé so với tuổi. Từng lang thang theo bố đi ăn xin khắp mọi ngả đường xứ Huế, đôi chân của Dự khá rắn rỏi và nhanh thoăn thoắt. Đến khi bố qua đời vì bệnh nặng, người mẹ bị bệnh tâm thần, Dự được gửi vào Trung tâm bảo trợ trẻ em Xuân Phú khi mới 8 tuổi.
“Thông qua các hoạt động, chúng em có cơ hội gắn kết tình hữu nghị giữa các nước, hiểu biết hơn về con người từ những nước khác. Các bạn đều rất thân thiện, cởi mở và luôn giúp đỡ mọi người. Chúng em giới thiệu với các bạn về đất nước Việt Nam qua văn nghệ, cách ứng xử và cả cách chơi bóng fair-play”, Dự chia sẻ.
Dự, cùng với các bạn Lê Thị Ngọc Ánh, Đoàn Thị Hường và Trương Đình Hoàng của đoàn Việt Nam, cũng như gần 200 bạn khác đến từ khắp nơi trên thế giới, chính là những tấm gương của nghị lực và ý chí, vượt lên hoàn cảnh sống khó khăn để theo đuổi những giấc mơ, truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
Mồ côi cha mẹ, bị bỏ rơi, bị bạo hành, bị bóc lột, bị thương tật…, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Nhưng ở các em có một điểm chung, đó là biết vượt lên tất cả để cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp, bên cạnh niềm đam mê chơi bóng. Trong trường hợp này, bóng đá như một môn thể thao đầy tính nhân văn, một sợi dây gắn kết cộng đồng và có sức lan tỏa lớn trong xã hội.
Bóng đá là môn thể thao cho tất cả mọi người. World Cup không chỉ có những ngôi sao tranh tài trên những sân vận động hiện đại, trong những trận đấu gay cấn đến nghẹt thở. World Cup còn là cơ hội để những trẻ em chịu thiệt thòi trong cuộc sống thể hiện sức mạnh gắn kết của bóng đá. Trên Quảng trường Đỏ, đó là một World Cup rất khác, một World Cup của những niềm hy vọng và sự lan tỏa.
Festival “Bóng đá Hy vọng” được FIFA tổ chức từ World Cup 2006 đến nay. Đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự tham gia ngày hội bóng đá đặc biệt này, sau lần đầu ở World Cup 2014 tại Brazil. Festival “Bóng đá Hy vọng” năm nay diễn ra từ 26/6 đến 3/7, với điểm nhấn là lồng ghép những kỹ năng sống cốt lõi vào mỗi trận đấu, nâng cao khả năng lãnh đạo, khả năng giải quyết vấn đề cho các cầu thủ tham gia. Ngoài các hoạt động giao lưu và thi đấu bóng đá giao hữu, các em còn được dự khán trận đấu ở vòng 1/8 World Cup 2018 giữa Tây Ban Nha và Nga tại sân vận động Luzhniki ở Moskva vào ngày 1/7. |
Nguồn: Đông Hà (từ Moskva)/thethaovanhoa.vn