Công bố mã bưu chính quốc gia: Nhiều lợi ích cho người sử dụng, tổ chức, DN
Việc triển khai ứng dụng Mã bưu chính quốc gia trong lĩnh vực bưu chính sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ cũng như đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngày 14/6/2018, tại Hà Nội, Bộ TTTT đã tổ chức Lễ công bố Mã bưu chính quốc gia, tham dự có Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, đại diện của các đơn vị, tổ chức: Bộ Truyền thông và Nội vụ Nhật Bản, Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Cu Ba, Thái Lan, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), các cơ quan Trung ương, địa phương…
Trước đó, ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ TTTT đã ký Quyết định số 2475/QĐ/BTTTT ban hành Mã Bưu chính quốc gia. Theo đó, Mã bưu chính quốc gia mới gồm tập hợp năm (05) ký tự số được gán cho các xã, phường và đơn vị tương đương; các điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; các điểm phục vụ bưu chính và đối tượng phục vụ thuộc mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; các cơ quan đại điện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu công bố Mã bưu chính quốc gia |
Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh việc Bộ TTTT xây dựng, ban hành Mã bưu chính quốc gia và thống nhất quản lý trên toàn quốc không những đáp ứng nhu cầu sử dụng chung nguồn tài nguyên của các DN bưu chính trên thị trường mà còn phục vụ cho các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau trong xã hội thông qua việc kết nối dữ liệu như quản lý hành chính, hỗ trợ chương trình tìm kiếm cứu nạn, xây dựng bản đồ số gắn với Mã bưu chính…
Bên cạnh đó, hệ thống Mã bưu chính quốc gia còn là nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về địa chỉ bưu chính, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi cho các DN nói chung, đặc biệt là các DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. "Việc triển khai ứng dụng Mã bưu chính quốc gia trong lĩnh vực bưu chính sẽ đem lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, các DN cung ứng dịch vụ cũng như đối với các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung", Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng và các đại biểu bấm nút khai trương Mã bưu chính |
Theo bà Chu Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc VNPost, lợi ích đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính là việc tra cứu và ghi mã bưu chính trên bưu gửi sẽ giúp cho quá trình chuyển, phát bưu gửi được nhanh chóng, chính xác, an toàn tới địa chỉ người nhận.
Đối với các DN bưu chính, Mã Bưu chính quốc gia có vai trò rất lớn trong quản lý Bưu chính. Do hệ thống mã bưu cục là một tập con của mã địa chỉ Bưu chính được bảo toàn theo nguyên tắc địa dư hành chính (ở mức độ nhất định) nên hỗ trợ công tác quản lý nghiệp vụ theo lưu lượng doanh thu hiệu quả hơn, từ đó có thể đề ra chiến lược phát triển các bưu cục một cách hợp lý. Đồng thời, việc xác định lưu lượng bưu gửi sẽ thuận lợi hơn tạo điều kiện cho việc xác định phương tiện vận chuyển phù hợp hoặc tối ưu hóa mạng vận chuyển bưu gửi.
Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng bưu chính cũng được hưởng lợi từ mã bưu chính do việc xác định “thời gian lưu kho” của bưu gửi tại các bưu cục phát. Đối với công tác giao nhận, mã bưu chính còn hỗ trợ xác định bưu cục gần nhất với mã bưu chính người nhận, giúp cho giao dịch viên dễ dàng phục vụ khách hàng. “Đây là tiền đề để DN nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng”.
Cấu trúc Mã bưu chính quốc gia |
Đến nay, tổng số Mã bưu chính đã được gán là 21.405 mã, cho các đối tượng gán mã gồm: 11.093 phường, xã và đơn vị hành chính tương đương; 3.768 điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; 6.544 điểm phục vụ bưu chính và đối tượng phục vụ của Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; 206 cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Số lượng mã dự trữ 78.595 mã.
Cách tra cứu từ địa chỉ để lấy thông tin Mã bưu chính
Để có thông tin về Mã bưu chính quốc gia, khách hàng có thể truy cập trực tiếp trên các Trang thông tin điện tử http://mabuuchinh.vn; http://postcode.vn để tra cứu hoặc tìm hiểu trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TTTT http://mic.gov.vn.
Giao diện trang thông tin điện tử về Mã bưu chính quốc gia |
Hệ thống phần mềm trên các trang thông tin điện tử sẽ cung cấp cho khách hàng dữ liệu về mã bưu chính khi có các thông tin về xã/phường/thị trấn trên địa chỉ khách hàng hay thông tin về tên các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; tên các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế… tại Việt Nam và ngược lại.
Tại ô “Tìm kiếm”, người dùng có thể nhập tên các “đối tượng gán mã” để tra Mã bưu chính. Để bảo đảm tính chính xác của thông tin cần tra cứu, các tên riêng nên đưa vào trong dấu ngoặc kép, ví dụ: nhập “Hà Nội”, “Nghi Tàm”, “Thuận An”. Lưu ý, tiếng Việt nên sử dụng bộ gõ Unicode tổ hợp theo TCVN 6909:2001.
Cách ghi Mã bưu chính trên bưu gửi
Mã Bưu chính được ghi dưới dạng 05 ký tự số, khuyến khích người sử dụng hoặc nhà cung cấp dịch vụ bưu chính thể hiện Mã bưu chính đối với với địa chỉ của người gửi và người nhận. Mã Bưu chính phải được in hoặc viết tay rõ ràng, dễ đọc.
Các đại biểu tra cứu Mã bưu chính mới |
Mã bưu chính được ghi tiếp theo địa chỉ của người gửi và người nhận, sau tên tỉnh/thành phố và được phân cách với tên tỉnh/thành phố ít nhất 01 ký tự trống. Ví dụ:
Người gửi: Nguyễn Văn A
Xóm Nà Chang, thị trấn Xuân Hòa, Huyện Hà Quảng
Tỉnh Cao Bằng 21206
Việt Nam
Người nhận: Trần Văn B
Số 15, Ngõ 47, phố Nguyên Hồng
Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa
Thành phố Hà Nội 11513
Việt Nam
Mẫu phong bì có ghi Mã bưu chính quốc gia |
Đối với bưu gửi có ô dành riêng cho Mã Bưu chính ở phần ghi địa chỉ người gửi, người nhận thì cần ghi rõ Mã bưu chính theo quy định, trong đó mỗi ô chỉ ghi một chữ số và các chữ số phải được ghi rõ ràng dễ đọc, không gạch xóa.
Lan Phương/ictvietnam.vn