Hơn 4000 cuộc tấn công mạng vào Việt Nam trong 5 tháng
Ngày 23/5/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNICERT) - Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức cho các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố, các đơn vị CNTT của các Bộ, ngành, tỉnh/thành trên toàn quốc tham gia Diễn tập quốc tế về an toàn thông tin (ATTT) ASEAN - Nhật Bản năm 2018.
Diễn tập với chủ đề "Tấn công DoS/DDoS và hoạt động phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố” được tiến hành tại các địa điểm thuộc 3 khu vực miền Bắc (tại Hà Nội), miền Trung (tại Đà Nẵng) và miền Nam (tại TP. HCM), các đơn vị tham gia diễn tập theo sự điều phối chung của VNCERT. Có khoảng 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật an toàn mạng từ các đơn vị thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố, các cơ quan đơn vị nhà nước, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại cuộc diễn tập |
Phát biểu tại buổi Diễn tập, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, các cuộc diễn tập về chủ đề chống tấn công DoS/DDoS thường xuyên được tổ chức cho thấy tấn công DoS/DDoS đang ngày càng phổ biến với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi. Thậm chí có những cuộc tấn công DDoS chiếm băng thông lên tới gần 2TB.
Bên cạnh đó, tấn công DoS/DDoS đang ngày càng trở nên dễ dàng. Tờ Independent (Anh) mới đưa tin, cảnh sát Anh và Hà Lan đã phối hợp bóc gỡ trang web cho thuê dịch vụ tấn công DDoS - webstresser.org. Trong năm qua, trang web này đã thực hiện hàng triệu cuộc tấn công nhắm vào các ngân hàng của Anh, gây ra những tổn thất lớn. Trang web này còn cho thuê dịch vụ tấn công DoS/DDos với giá rất rẻ, khoảng 25 Euro/tháng và người thuê hạ tầng để tấn công cũng không cần có kỹ năng gì.
Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã khiến cho các cuộc tấn công DoS/DDoS ngày càng dễ dàng hơn trong thời gian tới. Đây là thách thức lớn cho những người làm công tác ATTT, Thứ trưởng lưu ý.
Về quy trình xử lý các cuộc tấn công này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, quy trình là cần thiết nhưng cứng nhắc quá thì không được. Cần phải có sự năng động, linh hoạt trong xử lý khi có các cuộc tấn công xảy ra.
Các thành viên tham gia diễn tập tại Hà Nội |
Cũng tại cuộc Diễn tập, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT nhận định, tình hình an toàn thông tin, tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng. Theo ghi nhận của VNCERT, năm 2017 đã có 13.382 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam theo cả ba loại hình: tấn công lừa đảo (Phishing), mã độc (malware) và thay đổi giao diện deface. Trong đó, tấn công mã độc (malware) là 6.400 trường hợp, tấn công thay đổi giao diện (deface) là 4.377 trường hợp và tấn công lừa đảo (Phishing) là 2.605 trường hợp. Tính đến ngày 19/5/2018, đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, với 2.661 sự cố deface, 766 sự cố tấn công mã độc malware và 608 sự cố lừa đảo Phishing. Hàng ngày có khoảng gần 100 nghìn địa chỉ mạng của Việt Nam truy vấn hoặc kết nối đến mạng lưới máy tính ma botnet.
Mô hình diễn tập lần này bao gồm 3 cấp: cơ quan điều phối quốc tế, cơ quan điều phối quốc gia và các đơn vị hạt nhân. Trong đó, các đơn vị hạt nhân là nơi cần được bảo vệ nhất, nơi mà có thể gặp phải tình huống bị tấn công mạng trực tiếp hoặc gián tiếp; và đồng thời cũng là đơn vị nên tham gia hỗ trợ ứng cứu sự cố tấn công mạng cho các đơn vị khác nhằm phòng tránh lây lan đến đơn vị mình. Mô hình diễn tập này chính là cấu trúc của liên minh phối hợp quốc tế trong ứng cứu sự cố máy tính trong khu vực đang được áp dụng hiện nay. Do đó, khác với diễn tập APCERT và diễn tập ASEAN tập trung vào phân tích các loại hình tấn công mạng thì diễn tập ASEAN – Nhật Bản tập trung vào tạo lập cơ chế phối hợp, vận hành nhanh và chính xác các công đoạn chuyển giao thông tin giữa tất cả các đơn vị có liên quan khi có tấn công mạng xảy ra.
Kịch bản Diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản 2018 giả định có các cuộc tấn công mạng từ một nhóm tin tặc và gồm 3 giai đoạn kéo dài trong 3 ngày: Ngày 1 là giai đoạn cảnh báo, Nhật Bản phát hiện việc truy cập website và trao đổi email bị chậm lại đồng thời có các cuộc tấn công DDoS nhỏ xuất hiện; Ngày 2 là giai đoạn tấn công: xuất hiện cảnh báo một cuộc tấn công diện rộng và sau đó các cuộc tấn công quy mô lớn gây ra tắc nghẽn việc truy cập website và ngừng trệ việc gửi nhận email của các đơn vị nạn nhân. Do vậy, việc liên lạc bằng điện thoại được sử dụng; Ngày 3 là giai đoạn đỉnh điểm: sau khi dịch vụ email được khôi phục thì các email giả mạo có chứa mã độc được gửi đến máy tính của quan chức các quốc gia thành viên ASEAN làm máy tính những người nhận này bị nhiễm mã độc. Các email lừa đảo tinh vi này sau đó làm bùng phát mã độc không chỉ trong các cơ quan, tổ chức chính phủ mà còn lây lan ra cộng đồng.
"Yêu cầu đặt ra cấp quốc gia tham gia Diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản là bằng cách trao đổi các báo cáo tình huống về những gì đang diễn ra và cung cấp các thông tin cảnh báo có chứng cứ cùng với chiến lược giảm thiểu thiệt hại, đối phó với các tấn công, mỗi quốc gia cần làm cho cộng đồng nhận thức được mức độ nguy hại của tình huống đang diễn ra và có biện pháp đối phó kịp thời", ông Đường cho hay.
Minh Anh