Tăng cường quảng bá các giải pháp CNTT trong khu vực châu Á - TBD
(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Chủ tịch APICTA Stan Singh đã thống nhất tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), giới thiệu giải pháp CNTT trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chiều ngày 14/5/2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn của Liên minh các tổ chức CNTT châu Á - Thái Bình Dương (APICTA) do ông Stan Singh, Chủ tịch dẫn đầu. Tham dự về phía Bộ TT&TT Việt Nam có đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Văn phòng, Vụ CNTT, Cục Tin học hóa và đại diện Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA).
![]() |
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chào mừng đoàn đại biểu APICTA đến thăm Bộ TT&TT. Bộ trưởng đánh giá cao tầm nhìn, nhiệm vụ và các mục tiêu mà APICTA đề ra nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy CNTT, tăng cường đổi mới công nghệ, năng lực, khuyến khích phát triển các giải pháp CNTT giữa các tổ chức CNTT-TT trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT ủng hộ VINASA tham gia APICTA, đồng thời khuyến khích các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam tham gia các hoạt động của APICTA nhằm tăng cường trao đổi tầm nhìn, quảng bá các giải pháp CNTT của Việt Nam đến các quốc gia khác.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng giới thiệu khái quát với các lãnh đạo APICTA về tình hình phát triển CNTT-TT của Việt Nam cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển ngành này của Việt Nam. Năm 2016, theo Báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc, Việt Nam xếp hạng thứ 89 thế giới và đứng thứ 6 trong khối các nước Đông Nam Á. Việt Nam đã có những chính sách đặc biệt nhằm ưu đãi đầu tư cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ phần mềm và sản xuất sản phẩm nội dung số.
Chính phủ Việt Nam xác định “CNTT là hạ tầng của hạ tầng, nền tảng của nền kinh tế. Việc ứng dụng và phát triển CNTT trong mọi lĩnh vực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới để phát triển chính phủ điện tử, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh…
![]() |
Đại diện APICTA tại buổi làm việc |
Chủ tịch APICTA, ông Stan Singh cho biết ông và đoàn APICTA đã đến thăm khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc và thăm Công ty FPT Software, được tận mắt chứng kiến Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến CNTT.
Ông Stan Singh cũng giới thiệu về APICTA, là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, được thành lập năm 2000. APICTA hiện có 16 thành viên, trong đó có cả Nhật Bản, Trung Quốc.
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Giải thưởng APICTA năm 2019 là một cơ hội để các doanh nghiệp (DN) CNTT Việt Nam giới thiệu đến DN 16 nước thành viên APICTA các dịch vụ, sản phẩm CNTT tiêu biểu của mình.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc |
Về việc tổ chức giải thưởng APICTA tại Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, đăng cai tổ chức Giải thưởng APICTA 2019 là cơ hội để Việt Nam quảng bá về sự phát triển CNTT-TT của mình, đồng thời giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tiềm năng phát triển kinh tế, cơ hội hợp tác với bạn bè quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, hỗ trợ VINASA phối hợp với APICTA tổ chức Giải thưởng APICTA năm 2019 tại Việt Nam", Bộ trưởng khẳng định.
Liên quan đến Giải thưởng APICTA năm 2019, Bộ trưởng đề nghị APICTA nghiên cứu, xem xét bổ sung các nhóm giải thưởng cho các sản phẩm, giải pháp liên quan đến CPĐT, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh…; tăng cường quảng bá danh mục các sản phẩm, dịch vụ phần mềm ưu việt liên quan đến các nội dung trên để các nước cùng tham khảo, học hỏi.
Các thành viên APICTA có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng CPĐT của Liên hiệp quốc như Australia sếp thứ 2, Singapore xếp thứ 4, Nhật Bản sếp thứ 11, theo đó, Bộ trưởng đề nghị APICTA tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, triển khai CPĐT với các nước thành viên, Bộ trưởng.
Minh Anh