Từ Facebook tới Uber
Tôi thường xuyên sử dụng Facebook. Tôi cũng hay gọi những chuyến Uber, Grab giá rẻ để đi lại. Nhưng cũng như nhiều người, tôi không để ý đến tầm quan trọng của những thông tin tôi để lại sau mỗi lần vào Facebook hay đi Uber. Cho đến khi Facebook dính bê bối lộ thông tin 50 triệu người dùng, cho đến khi Uber sáp nhập vào Grab…
Đa số doanh thu của Facebook tới từ quảng cáo. Các công ty trả tiền để đăng quảng cáo trên Facebook vì biết rằng sản phẩm, dịch vụ của họ có thể tới được với một lượng người dùng khổng lồ. Quảng cáo sản phẩm dựa vào những thói quen, sở thích, thông tin cá nhân khác của hàng tỷ người dùng Facebook, các doanh nghiệp bên thứ ba làm giàu cho Facebook và làm giàu cho mình.
Mọi chuyện vẫn cứ như thế cho tới khi xảy ra vụ bê bối của Facebook với bên thứ ba là Cambridge Analytica - công ty dữ liệu chính trị tiếp cận trái phép hơn 50 triệu tải khoản người dùng Facebook. Khi vụ việc vỡ lở, Facebook giải thích rằng dữ liệu 50 triệu người dùng được một giáo sư tâm lý thu thập hợp pháp cách đây vài năm, nhưng ông này đã trao dữ liệu cho Cambridge Analytica trái phép.
Khi vụ việc này bị phanh phui, người dùng Facebook đã tỏ ra rất tức giận khi những cái like tưởng như vô thưởng vô phạt, mạng lưới bạn bè và danh tính của mình bị mang ra để phục vụ mục đích của bên thứ ba. Có những người đã xóa Facebook. Tỷ phú Zuckerberg mất cả chục tỷ USD sau bê bối.
Trong lúc vụ bê bối Facebook chưa lắng xuống thì xuất hiện thương vụ Grab mua lại Uber. Hai sự kiện, một ở Mỹ, một ở Đông Nam Á, tưởng không liên quan tới nhau nhưng lại có một điểm lo ngại chung, đó là dữ liệu người dùng.
Ủy ban Quyền riêng tư Quốc gia của Philippines ngày 27/3 cho biết Grab đã đảm bảo với cơ quan này rằng sẽ không có sự chia sẻ dữ liệu cá nhân khách hàng với Uber cho dù hai bên sáp nhập. Tức là Uber sẽ không nhập dữ liệu người dùng vào Grab và ngược lại.
Động thái phòng ngừa của giới chức Philippines chắc chắn không thừa, nhất là sau vụ bê bối của Facebook. Tuy nhiên, dường như Ủy ban Quyền riêng tư Quốc gia Philippines là cơ quan duy nhất/sớm nhất ở Đông Nam Á lo ngại về bảo mật thông tin người dùng Uber.
Đến ngày 8/4, Uber sẽ chính thức ngừng hoạt động ở Đông Nam Á nhưng tại các quốc gia khác ở khu vực này (ngoài Philippines), người ta dường như vẫn chỉ quan tâm đến vấn đề độc quyền trong thương vụ Uber sáp nhập Grab. Singapore, Malaysia đã tuyên bố điều tra dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh trong thương vụ. Tại Việt Nam, vấn đề mà dư luận, báo chí quan tâm mổ xẻ nhất vẫn là liệu Grab có độc quyền, liệu khách hàng có bị giảm khuyến mại, lái xe Uber sẽ ra sao…
Trong khi đó, việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng trong vụ sáp nhập Uber - Grab không được tính tới hoặc không được đưa lên làm ưu tiên hàng đầu. Dường như không ai liên hệ vụ bê bối Facebook mới xảy ra và vụ sáp nhập tốn giấy mực này.
Rất có thể, Grab sẽ chỉ “hứa” không chia sẻ dữ liệu người dùng với Uber tại Philippines. Rất có thể Grab sẽ “phớt lờ” vấn đề này ở các quốc gia khác vì chưa bị/không bị giới chức tại đó yêu cầu. Rất có thể lượng dữ liệu khổng lồ của hành khách dùng dịch vụ Uber, từ danh tính, hình ảnh, tài khoản Facebook, số điện thoại, thói quen đặt xe, hành trình đi xe…, sẽ bằng cách nào đó bị rò rỉ sau thương vụ.
Khả năng xảy ra một vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng Uber, Grab là có thật nếu không sớm có biện pháp phòng ngừa từ giới chức ở những nước có liên quan.
Để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”, tốt hơn hết là cần ngăn chặn chuyển giao tự động mọi thông tin cá nhân người dùng Uber cho Grab. Những thông tin cá nhân đó đều là những thứ “béo bở” và là công cụ kiếm tiền của nhiều công ty.
Để bảo vệ thông tin khách hàng tuyệt đối, có thể cả Uber và Grab cần được yêu cầu xóa bỏ hoặc vô hiệu hóa cơ sở dữ liệu thông tin tài khoản khách hàng Uber - cho dù những thông tin này đã được chuyển giao, chia sẻ hay chưa.
Tương tự đối với các lái xe Uber, thông tin cá nhân của họ cũng không nên bị tự động chuyển giao cho Grab.
Nếu cần một lý do thuyết phục để thực hiện điều này, ta chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra với 50 triệu người dùng Facebook bị lộ thông tin. Tất cả những gì họ nhận được là một lời xin lỗi từ Mark Zuckerberg, được trao quyền thiết lập riêng tư dễ dàng hơn trên trang Facebook cá nhân.
Nếu không chấp nhận, họ chỉ có thể xóa tài khoản Facebook - điều mà không nhiều người sẽ thực hiện, đơn giản là vì dùng Facebook (hay đi Grab) đã trở thành một thói quen khó bỏ.
Do đó, để ngăn chặn lộ thông tin người sử dụng các dịch vụ công nghệ nói chung, thì việc thực hiện những bước đi đề phòng lặp lại vụ bê bối kiểu Facebook là điều cần thiết.