Người dùng, các tổ chức chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân

(ICTPress) - Trước các nguy cơ trong không gian mạng hiện nay, các chuyên gia an toàn thông tin (ATTT) đề nghị người dùng, các tổ chức cần chủ động bảo vệ thông tin, dữ liệu của mình tại Hội thảo – Triển lãm quốc gia về an ninh bảo mật lần thứ XII.

Hội thảo - Triển lãm có chủ đề “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an ninh mạng trong thế giới kết nối” do Bộ Công an tiếp tục phối hợp với IDG tổ chức diễn ra hôm nay 5/4 tại Hà Nội với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, Internet của Việt Nam, các chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới.

Hội thảo “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an ninh mạng trong thế giới kết nối”

Báo cáo chính tại Hội thảo với chủ đề “Xây dựng quy tắc ứng xử vì một không gian mạng an toàn và lành mạnh”, Trung tướng, PGS.TS Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho biết Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với gần 60 triệu người dùng Internet (chiếm hơn 62% dân số); hiện đang nỗ lực trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á triển khai xây dựng thành phố thông minh để tạo môi trường sống lớn hơn, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Phước Thuận, trong thế giới kết nối của không gian mạng, Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới, đặt ra những nguy cơ, thách thức không nhỏ đối với mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, thậm chí đe dọa đến quốc phòng – an ninh, đó là: Tình hình lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng Internet diễn ra đáng lo ngại. Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet.

Thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện do tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng dẫn tới những hậu quả khôn lường. Thông tin cá nhân, dữ liệu về tài khoản của người sử dụng mạng không được bảo vệ và bị lạm dụng vào mục đích thương mại, chính trị, thể hiện rõ nhất là vụ 50 triệu tài khoản của Facebook đã bị chia sẻ  trái phép cho Công ty Cambridge Anlytica để sử dụng vì mục đích thương mại và chính trị, dẫn đến Mỹ và Liên minh châu Âu phải mở cuộc điều tra khẩn.

Sự thiếu lành mạnh và sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng gây nhiều thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2017, Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh những tiện ích hữu dụng và những thông tin tích cực, người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ thanh niên, học sinh và thậm chí trẻ em bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh có nội dung sai lệch, xấu độc, dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, khủng bố tinh thần, lừa đảo… được phát tán tự do trên không gian mạng, trong đó có nhiều thông tin đã gây xúc phạm đến an ninh, trật tự.

"Đây là vấn đề nhức nhối, đã và đang tác động tiêu cực đến người sử dụng mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân", ông Thuận nói.

Ông Thuận cũng nhận định các cuộc tấn công mạng không ngừng gia tăng, đặc biệt tấn công bằng mã độc tống tiền ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm. Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng của Việt Nam bị tin tặc tấn công, chỉnh sửa chèn thêm nội dung, cài đặt mã độc. Trong đó, có hàng trăm trang tên miền .gov.vn của các cơ quan Nhà nước. Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin, tài liệu diễn ra nghiêm trọng. Các hệ thống giám sát, điều khiển tự động (ICS/SCADA) bị tấn công ngày càng nhiều, tính chất nguy hiểm ngày càng cao.

Tình hình tội phạm mạng có tổ chức hoạt động trên môi trường mạng gia tăng được tổ chức tinh vi với mạng lưới liên kết tại nhiều địa phương, quy mô lớn, có vụ lên đến hàng chục tỷ đồng. Đầu tháng 3/2018, Bộ Công an Việt Nam đã phá một đường dây tội phạm xuyên quốc gia, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, chuyên tổ chức đánh bạc, cá độ, rửa tiền qua mạng Internet.

Qua vụ việc này, theo ông Thuận, hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ trực tuyến ở nước ta phát triển mạnh mẽ nhưng công tác quản lý còn chưa theo kịp, thậm chí lỏng lẻo, tạo sơ hở cho hoạt động lừa đảo, đánh bạc, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền không gian thanh toán và hệ sinh thái kỹ thuật số. Đây là vấn đề cần phải được xem xét chấn chỉnh trong thời gian tới.

Cá nhân, tổ chức chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân

Từ thực trạng trên, ông Thuận cho hay "phải xác định đe dọa từ không gian mạng là một trong những mối đe dọa thực tế và nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, với mỗi tổ chức, các nhân, bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khả năng tự phòng vệ và ứng xử phù hợp cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về vấn đề an ninh mạng”.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an ninh mạng; tăng cường các biện pháp bảo mật, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp bảo vệ an ninh mạng phù hợp; Tăng cường hợp tác giữa Nhà nước với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng của CNTT các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, nội dung trên Internet, các nhà nghiên cứu và sản xuất các giải pháp bảo mật… nhằm huy động tiềm lực và sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Ông Thuận lưu ý Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng cũng cần được thúc đẩy để hình thành ý thức tự giác tạo dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh của mỗi người dân và toàn xã hội; trong đó người sử dụng mạng phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và trang bị cho mình kiến thức pháp luật về an ninh mạng, hiểu rõ những thông tin được phép đăng tải, chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin và hành vi đăng tải thông tin của mình trên không gian mạng. 

Các DN cung cấp dịch vụ Internet, cơ quan chủ quản các trang mạng xã hội có trách nhiệm bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân của người sử dụng, dữ liệu của các cơ quan tổ chức Chính phủ; Xây dựng quy định và quy trình rõ ràng và hiệu quả để thông báo về thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống trên các dịch vụ của mình; loại bỏ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào nội dung nêu trên, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng gỡ bỏ những thông tin vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và điều tra, xủ lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng; đề xuất các biện pháp, chế tài xử lý đối với các chủ thể vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục ATTT

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng  Cục  ATTT – Bộ TT&TT đã thông tin hơn 90% sự cố mất an toàn thông tin xảy ra là do yếu tố con người. Thực tế, đối tượng bị ảnh hưởng của các nguy cơ trên, có thể là chính mỗi chúng ta ở đây.

Ông Hải dẫn chứng trong một vài tuần trước đây, vụ việc lộ lọt dữ  liệu của một mạng xã hội nổi tiếng đã gióng hồi chuông cảnh báo không chỉ đối với các cơ quan quản lý mà phần nào tác động mạnh đến nhận thức mỗi người dùng mạng  xã hội. Các sự cố này đã cho thấy nguy cơ về ATTT đang ngày càng trở nên nguy hiểm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

HM

Tin nổi bật