Đến thăm cây vải thiều cổ nhất Việt Nam
(ICTPress) - Một ngày xuân Mậu Tuất, chúng tôi được một anh bạn người địa phương hướng dẫn đến tham quan Khu di tích cây vải tổ của Việt Nam.
Khi chúng tôi đến thi Khu di tích gồm nhà thờ cụ Hoàng Văn Cơm - người trồng cây vải tổ, bảo tàng, khuôn viên trồng vải và nhiều hạng mục khác đang trong giai đoạn hoàn thiện. Được mục sở thị một di sản văn hoá mới thấy hết giá trị của công sức cha ông đã gìn giữ cho muôn đời.
Tham quan Cây vải Tổ |
Khu di tích thuộc thôn Thuý Lâm, Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương - nơi có cây vải thiều được chứng nhận là thuỷ tổ của các cây vải tại Việt Nam. Chính vị ngon ngọt độc đáo, hấp dẫn đã tạo nên thương hiệu vải thiều đẳng cấp cho tỉnh Hải Dương và nhiều khu vực tại miền Bắc.
Lịch sử địa phương và gia tộc họ Hoàng có ghi cụ Hoàng Văn Cơm sau một bữa tiệc ở Hải Phòng cách đây gần 200 năm đã ý tứ đưa hạt giống vải thiều về quê mình ươm trồng. Lúc đầu có 3 hạt gieo lên 3 cây nhưng chỉ sống được một cây. Từ đó cụ chiết cành nhân giống và cho tặng bà con trong vùng nên mới phát triển được giống vải ngon cho cả một vùng Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên ngày nay) rồi lan toả ra toàn miền Bắc.
Cây vải thiều Thuý Lâm được miêu tả: "mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy hương thơm, tưởng rằng như thứ rượu tiên trên trời…”.
Trải qua các vòng kiểm định khắc khe với đầy đủ cứ liệu thuyết phục, năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã công nhận cây vải tại vườn nhà cụ Hoàng Văn Cơm là Cây vải tổ. Và đến năm 2015, Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam đã công nhận đây là cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam. Hiện ông Hoàng Văn Lượm - cháu đời thứ 5 của cụ Cơm, được dòng họ giao cho bảo quản, chăm sóc Khu di tích cây vải tổ. Ông Lượm cho biết trái cây vải thiều hái ở cây vải tổ có chất lượng khác xa vải thiều cây ở các nơi và ngay chính vải thiều ở trong thôn Thúy Lâm này cũng khó có cây nào trái ngon đến thế.
Đền thờ cụ Hoàng Văn Cơm |
Với khuôn viên khoảng 1.000m2 tại Thuý Lâm, hiện có 8 cây vải thuộc thế hệ thứ 2 đã được khoanh vùng bảo vệ như là chứng tích quan trọng cho lịch sử phát triển nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế của nước nhà nói chung.
Hiện nay, miền Bắc có nhiều nơi trồng vải nổi tiếng nhưng đều thuộc giống vải tổ từ Thuý Lâm như Đông Triều (Quảng Ninh), Lục Ngạn (Bắc Giang), Đông Hưng (Thái Bình), An Lão (Hải Phòng)… thậm chí đến Lâm Đồng. Chúng tôi vào tham quan và được tận mắt thấy tấm phướn ghi công của nhân dân Lục Ngạn với dòng chữ: "Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm (ông Tổ vải thiều)" - chừng đó cũng là chứng tích cho công ơn của cụ Hoàng Văn Cơm và xác lập giá trị đời tổ của cây vải thiều này.
Cây vải tổ có trái nhỏ nhưng đều, bóng mượt, đỏ nhạt, vỏ mỏng, cùi dày, giòn, hạt nhỏ, khi bóc ra có nước ngọt đậm, hương thơm dễ chịu… ăn không ngán. Hình như do sức cây già nên theo chu kỳ cứ 1 năm sai quả còn năm tiếp lại gần như không có. Sách cổ Nam dược thần hiệu có ghi: "Quả vải, vị ngọt, tính hàn, không độc, hòa khí, thông tinh thần, trị nặng đầu, đậu sởi. Hạt vải chữa thoát vị; đau thượng vị…"
Theo lời kể ông Lượm thì năm 1958, ông Lê Vi Vận - người được vinh dự đại diện cho cán bộ và nhân dân Thúy Lâm đã mang 30kg vải chín lên Phủ Chủ tịch biếu Bác Hồ. Bac ăn và khen ngon. Bác khuyên nhân dân nên phát triển trồng nhiều giống vải quý này. Từ đó, giống vải càng được bà con chú trọng phát triển. Và cho đến thời kỳ đồng chí Nguyễn Công Tạn làm Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rồi Phó Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ đạo nhân dân chuyên canh giống cây này cho nên ở Hải Dương đã phát triển cây vải đại trà từ đó.
Đến nay, đã có nhiều đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã đến thăm Cây vải Tổ, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc…
Khi chúng tôi đến, hoa vải đã đến thời kết quả, hương thơm ngan ngát. Nhìn những đồng quê xanh mướt vải với lớp bông trắng trải rộng mênh mông mới thấy yêu quê hương Hải Dương và nhớ ơn tiền nhân đã để lại di sản quý giá này./.
Cách Tân