Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đi đầu thế giới về ICT như thế nào

Với các kết nối Internet di động trực tiếp tốc độ cao trên một loạt các thiết bị số, người dân Hàn Quốc tự hào được kết nối nhất trên hành tinh. Các thanh toán số được chấp nhận ở hầu hết các cửa hàng. Không chỉ giới trẻ ở đô thị sử dụng các công nghệ số mà trên thực tế cả đất nước Hàn Quốc đã sử dụng công nghệ mới trong cuộc sống thường ngày của mình.

Đường hầm với màn hình OLED tại Tháp Nam San, Seoul

Một quốc gia đi đầu thế giới về ICT

Hàn Quốc được biết đến là quốc gia đi đầu trên toàn cầu về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và điều này không quá khó khăn để lý giải. Hàn Quốc có những công ty ICT và điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, LG, SK và KT và có thể nói sự tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc là nhờ công nghệ số. Hàn Quốc cũng là một trong số những nước có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới, là quốc gia đi đầu trong cuộc đua 5G và đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiếp cận Internet, với gần như hầu hết các gia đình đều kết nối mạng.

Trên đây là một số lý giải cho việc tại sao Hàn Quốc lọt top 3 thế giới về Chỉ số phát triển ICT toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) (Global Information and Communication Technology (ICT) Development Index - IDI) trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, quốc gia này đứng đầu về Chỉ số “các nền kinh tế sáng tạo nhất” (Most Innovative Economies) của Bloomberg.

Vậy Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ như thế nào? Những bước đi như thế nào đã làm Hàn Quốc đột phá trở thành quốc gia chuyển đổi số? Các nước khác có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc?

Hàn Quốc trên hành trình tiên phong về ICT

Không phải ngẫu nhiên mà quốc gia châu Á này trở thành quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghệ. Khi thoát khỏi chiến tranh từ giữa những năm 1950, Hàn Quốc là một trong những nền kinh tế nghèo nhất thế giới. Nhưng trải qua nhiều thập kỷ với sự tham gia và đầu tư của chính phủ cho công nghệ hiện đại, quốc gia này đã phát triển trở thành một trong những quốc gia phát triển nhất trong khu vực.

TS. Seung Keon Kim, Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển ICT Hàn Quốc (KAIT) đã cho biết về hành trình của Hàn Quốc từ quá khứ tới tương lai số của nước này: Sự chuyển đổi của Hàn Quốc là nhờ tham vọng của chính phủ muốn đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế số và 3 yếu tố chính đã hình thành nền tảng cho tăng trưởng của nền kinh tế số của nước này, đó là: hệ thống giáo dục tiên tiến, các đặc điểm văn hóa và “Tầm nhìn của chính phủ đối với ICT”.

Giáo dục thế kỷ 21

“Đầu tiên có thể nói đến là giá trị của giáo dục rất được coi trọng ở Hàn Quốc. Đối với nhiều thế hệ cha mẹ, giáo dục được xem như là một điều kiện tiên quyết để thoát đói nghèo”, theo TS. Kim.

Hệ thống giáo dục tập trung vào các môn học cơ bản như Toán và khoa học, là những điều kiện mang tính quyết định đối với nhiều công việc liên quan đến công nghệ trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, việc dạy học ở Hàn Quốc không đi theo cách truyền thống với bảng đen và vở ghi chép. Thay vào đó, các trường học được tích hợp ICT ở tất cả các cấp học của hệ thống giáo dục để cổ vũ “người học của thế kỷ 21”.

Các em học sinh tiểu học ở Wando, tỉnh Nam Jeolla, thử nghiệm các công cụ học tập mới mà các em nhận được theo một phần của Sáng kiến “trường học thông minh” do Samsung khởi sướng. Sáng kiến này cung cấp Galaxy Tab 10.1 để các em tiếp cận với tài liệu học tập và nội dung trực tuyến (Ảnh: Yonhap News)

Giáo sư Jeong Rang Kim, Khoa giáo dục máy tính, Đại học quốc gia Gwangju cho biết:  “Internet di động, bảng đen điện tử, các thiết bị thực tế ảo (VR), vở, máy tính bảng, vở số… đang được các em, các nhóm học sinh và các lớp học sử dụng. Mục tiêu là thúc đẩy khả năng của người học của thế kỷ 21. Đặc biệt, Hàn Quốc đặt trọng tâm vào 4 chữ “C” là Critical thinking and problem-solving (Tư duy và xử lý vấn đề mang tính quyết định), Collaboration (Cộng tác), Character (Đặc sắc) và Communication (Giao tiếp). Hiện nay, giáo dục phần mềm đã hoàn thiện, do đó chúng tôi nỗ lực cải thiện tư duy mang tính điện toán”.

‘Pali pali’

Giáo dục đã là một thành phần quan trọng đối với chuyển đổi số của Hàn Quốc, nhưng theo TS. Kim, các thay đổi mang tính xã hội đã được thúc đẩy nhờ đặc điểm mang tính văn hóa và đặc biệt là khát khao của người Hàn Quốc muốn chuyển động thật “nhanh”, là động lực đằng sau việc chấp nhận ICT nhanh chóng của người dân. “Như nhiều người dân Hàn Quốc nói ‘pali-pali,’ có nghĩa là “nhanh và nhanh hơn”. Đặc điểm này rất phù hợp đối với ICT”, TS. Kim cho biết.

Khát vọng hướng tới các công nghệ mới cùng với sự chủ động để điều chỉnh các kế hoạch nhanh chóng đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đi rất nhanh trong nền kinh tế số hiện nay. Để xóa khoảng cách số giữa khu vực thành thị và nông thôn, các chính trị gia Hàn Quốc đã quyết định triển khai mạng hội tụ băng rộng (Broadband Convergence Network - BCN) vào năm 2004 và là một quốc gia tiên phong trong kết nối tới cả những vùng xa xôi nhất của đất nước.

“Chúng tôi đổ tiền vào các khu vực nông thôn để xóa khoảng cách số… Nhiều người nói rằng “Chúng tôi cần thời gian để xem xét mọi thứ”. Nhưng các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc đã quyết định: “Hãy thực hiện bây giờ và nếu có vấn đề xảy ra sau đó, thì chúng ta sẽ xử lý”, TS Kim chia sẻ thêm.

Vai trò quan trọng của chính phủ đã được bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước

Sự hỗ trợ của chính phủ đối với sự phát triển của ICT bắt đầu từ đầu những năm 1990, khi Internet bắt đầu phát triển. Vào cuối những năm 1990, Cơ quan phát triển và cơ hội số của Hàn Quốc (KADO) đã được thành lập để tăng cường sự tiếp cận Internet và thực hiện xóa mù số cho hơn 10 triệu dân sẵn sàng tiếp cận Internet.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thực hiện các đầu tư trực tiếp vào các công nghệ mới bằng cách dành phần lớn tổng sản lượng nội địa (GDP) quốc gia cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D). “Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về vấn đề này, khi ngân sách cho R&D rất được quan tâm. Ngân sách R&D của Hàn Quốc trên dưới khoảng 5% (của GDP) và có thể là nước đầu tiên hay thứ hai trên thế giới dành kinh phí cho vấn đề này”, Jong Lok Yoon, Chủ tịch của Cơ quan phát triển công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIIPA) cho biết.

Nếu con số 5% là thấp thì Hàn Quốc chi xấp xỉ 91 tỷ USD cho R&D, theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia chi lớn thứ 2 cho R&D, sau Israel.

Với những đầu tư hàng đầu thế giới cho tương lai của công nghệ, Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với các công nghệ thành phố thông minh và các dịch vụ di động thế hệ tiếp theo.

Tầm nhìn tương lai: thành phố thông minh, IoT và 5G

Siêu đô thị Busan, thành phố đông dân thứ hai ở Hàn Quốc, có tầm quan trọng rất lớn về kinh tế, là cảng biển lớn nhất của Hàn Quốc và trong top 10 cảng container lớn của thế giới. Trong những năm gần đây, Busan đang được xây dựng trở thành một thành phố thông minh của tương lai - ứng dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của người dân đô thị - và sẽ đưa Hàn Quốc hướng tới các công nghệ thế hệ kế tiếp.

 

Thành phố Busan thông minh tiên phong là niềm kiêu hãnh của một chính sách “đầu tiên theo hình thức này” đã được công bố tại Hội nghị toàn quyền của ITU vào năm 2014, Phó Thị trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế của thành phố Busan Kim Young-Whan cho biết trong một chuyến trải nghiệm thành phố thông minh trong khuôn khổ Hội nghị Viễn thông thế giới của ITU (ITU Telecom World) vào mùa thu vừa qua.

Ở Busan, các dự án thành phố thông minh đã được triển khai để đáp ứng sự an toàn cho cộng đồng, cải thiện giao thông, cuộc sống đô thị và tiết kiệm năng lượng. Các dự án dữ liệu mở và các hệ thống giám sát dữ liệu đang được triển khai để giám sát các luồng giao thông và tương tác với các dịch vụ khẩn cấp về luồng giao tiếp thời gian thực. Các dự án đang trong thời gian thử nghiệm gồm có các giải pháp IoT và các dự án kiến trúc đám mây đang làm cho cuộc sống trở nên thuận lợi hơn cho các công dân thành phố thông minh.

Dẫn đầu thế giới về 5G

Bên cạnh các công nghệ thành phố thông minh, Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển các công nghệ băng rộng di động thế hệ tiếp theo và muốn phát triển 5G sớm hơn bất cứ quốc gia nào khác. 5G được trông đợi là hạ tầng cốt lõi cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đã có dự báo cuộc cách mạng Internet vạn vật sẽ đạt hơn 30 tỷ kết nối di động vào năm 2020. Các thiết bị này di động sẽ thường xuyên được kết nối sẽ cần băng thông rộng của 5G và các dịch vụ thế hệ tiếp theo mang lại.

Những khách du lịch đến với Thế vận hội mùa Đông 2018 ở PyeongChang, Hàn Quốc có cơ hội trải nghiệm các công nghệ thế hệ tiếp theo. Với chủ đề “Đam mê. Kết nối”, Ban tổ chức Thế vận hội PyeongChang tích hợp ICT trong suốt Thế vận hội. Với các máy quay 360o, góc xem riêng cùng với công nghệ 5G, Hàn Quốc xem Thế vận hội như là một sân khấu thế giới để tung ra hạ tầng ICT không có đối thủ và cơ hội để công bố một số sản phẩm hiện đại. KT, nhà mạng hàng đầu ở Hàn Quốc, tiên phong trong các dịch vụ 5G ở PyeongChang.

Một khán giả đang theo dõi một màn thi đấu tốc độ thông qua một thiết bị ứng dụng công nghệ Time Slice, cho phép quan sát mọi hình ảnh ở góc quay 180o nhờ sự hỗ trợ của 100 máy quay lắp đặt xung quanh sân Gangneung Ice Arena Thế vận hội mùa Đông 2018 ở PyeongChang
Người xem sử dụng dịch vụ thực tế ảo (VR) 360o với tốc độ 5G tại PyeongChang

“KT đặt mục tiêu hoàn thành sớm mạng thông minh này, vì đây là nền tảng cho cuộc cách mạng 4.0… Chúng tôi tin tưởng Thế vận hội là môi trường tốt để chia sẻ các công nghệ ICT với cộng đồng toàn cầu”, Jiyoung Lee, Giám đốc cao cấp phụ trách Ban Quan hệ cộng đồng của KT cho biết.

Rõ ràng Hàn Quốc đang ở một vị trí lý tưởng để dẫn đầu tương lai của 5G, thành phố thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có những bài học giá trị cho các nước muốn hiện đại hóa nền kinh tế.

Các bài học phát triển ICT

Hàn Quốc rất mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với thế giới và có nhiều cơ quan phát triển ICT có vai trò như là tổ chức trung gian và chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia phát triển và đang phát triển.

“Đối với các nước kém phát triển, ICT là một công cụ rất tốt. Hàn Quốc không chỉ muốn hỗ trợ tiền bạc hay thực phẩm, đó là sự hỗ trợ ngắn hạn. Chúng tôi muốn chia sẻ cho các nước “cách câu cá”, và ICT là một công cụ tuyệt vời và là một ngành kinh tế rất tốt để hỗ trợ các nước này”, TS. Kim, Phó Chủ tịch cơ quan phát triển ICT Hàn Quốc cho biết.

“Nhiều quốc gia hỏi chúng tôi đã phát triển như thế nào? Hàn Quốc có thể đề xuất và khuyến nghị gì cho các nước? và TS. Kim đã trả lời: “Nếu Hàn Quốc có thể thực hiện được, thì bất cứ quốc gia nào cũng có thể”. 

Lan Phương (Theo ITU News Magazine No5/2017)/ictvietnam.vn

 
Tin nổi bật