Có cần đào tạo đại học ngành Bưu chính?
(ICTPress) - Hiện vẫn chưa có cơ sở đào tạo nào ở Việt Nam triển khai đào tạo ngành Bưu chính bậc đại học. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) thuộc Bộ TT&TT đang tích cực nghiên cứu xem liệu đã đến thời điểm chín muồi để mở ngành Bưu chính hay chưa.
“Trắng” cử nhân Bưu chính
Cách đây ít lâu, trong một buổi làm việc tại Học viện Công nghệ (BCVT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đặt vấn đề rằng trong tên gọi của Học viện có hàm ý nhắc đến cả lĩnh vực Bưu chính, song đến nay vẫn chưa có ngành đào tạo Bưu chính. Nhấn mạnh thêm Bưu chính là một trong 5 lĩnh vực quản lý chính của Bộ TT&TT (4 lĩnh vực khác gồm: Viễn thông, Công nghệ thông tin, Báo chí, Xuất bản), Thứ trưởng đề nghị Học viện cân nhắc kỹ xem có nên mở chuyên ngành Bưu chính hay không.
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, ông Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT thẳng thắn chia sẻ: “Lĩnh vực Bưu chính đã và đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa có trường đại học hoặc cơ sở đào tạo này chuyên đào tạo về Bưu chính ở trình độ đại học. Các cán bộ quản lý nhà nước về bưu chính hầu hết đều được đào tạo từ các ngành khác như Quản trị kinh doanh, Ngoại ngữ... Những năm 80 của thế kỷ trước, Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện cũng có bộ phận về bưu chính nhưng chưa phải một ngành đào tạo. Nhân lực làm bưu chính hồi đó hầu hết là cán bộ về cơ khí, tự động hóa, được tuyển về để làm những thiết bị vận chuyển, dây truyền sản xuất...”.
Thực tế nhiều năm qua, Học viện Công nghệ BCVT là một trong những nguồn cung cấp nhân lực quan trọng cho ngành Bưu chính tại Việt Nam. Trước kia, Học viện có Trung tâm Đào tạo BCVT 1 góp phần đào tạo rất nhiều nhân lực cho ngành Bưu chính thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn về khai thác, quản trị sản xuất... Hiện nay, sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh cũng được học một số môn chuyên ngành liên quan đến bưu chính để khi đạt Cử nhân Quản trị kinh doanh có thể làm cho các cơ quan, doanh nghiệp (DN) liên quan tới lĩnh vực bưu chính. Và Học viện còn có 2 trung tâm đào tạo ngắn hạn, thường xuyên cập nhật kiến thức cho cán bộ bưu chính thông qua các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý ngành bưu điện. Tuy nhiên, Học viện vẫn chưa triển khai đào tạo ngành Bưu chính bậc đại học.
“Chúng tôi đã nghiêm túc xem xét và nghiên cứu vấn đề mở ngành Bưu chính. Chúng tôi nhận thấy rằng Bưu chính giờ đây không chỉ còn là khái niệm gắn với tem, thư, chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện theo kiểu truyền thống, mà đã có sự tin học hóa, tự động hóa và tích hợp logistic. Nếu chỉ đào tạo ngành Bưu chính theo khái niệm Bưu chính truyền thống trước kia thì khó có thể mở ngành được bởi vì nhu cầu rất hạn hẹp, có tính chuyên ngành quá sâu, những môn giảng sẽ quá nghèo nàn. Vì thế, nếu có mở ngành Bưu chính thì sẽ đào tạo tích hợp nhiều môn liên quan đến cả logistic, tin học hóa, tự động hóa... Hiện đã có cán bộ đào tạo ở nước ngoài tốt nghiệp thạc sĩ ngành logistics cũng ngắm nghía về giảng dạy tại Học viện nếu có đào tạo ngành Logistic, nhưng rất tiếc, hiện Học viện vẫn chưa đào tạo ngành nghề này. Một điểm đáng lưu ý khác, muốn mở ngành đào tạo mới thì cần phải nghiên cứu, khảo sát thị trường. Chúng tôi sẽ trao đổi kỹ hơn với cơ quan quản lý, các DN bưu chính, thăm dò thị trường xem nguồn nhân lực về bưu chính chuyển phát logistic như thế nào, có thực sự cần thiết phải mở ngành đào tạo Bưu chính bậc đại học hay không, vì việc triển khai đào tạo ngành Bưu chính bậc đại học sẽ nhắm tới đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội chứ không chỉ cho riêng một số DN trong ngành TT&TT nói chung và ngành Bưu chính nói riêng”, Giám đốc Vũ Văn San cho biết thêm.
Thị trường có thực sự cần?
Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT cũng khẳng định, Học viện luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình là phải bám sát các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT khi triển khai công tác đào tạo. Đến giờ, Học viện đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ về đào tạo Công nghệ thông tin (CNTT), Điện tử, Viễn thông... Mới đây vừa mở thêm ngành Truyền thông đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực Báo chí, Phát thanh, Truyền hình...
“Trong bối cảnh thực tế hoạt động Bưu chính ngày càng tích hợp mạnh mẽ những tiến bộ khoa học công nghệ như công nghệ mã vạch RFID, công nghệ định vị GPS,... nếu triển khai đào tạo ngành Bưu chính, Học viện đã có sẵn nguồn giảng viên và giáo trình của các môn học liên quan như Điện tử, Viễn thông, CNTT... để hỗ trợ đào tạo. Đây là một trong những lợi thế lớn của Học viên nếu định mở ngành đào tạo Bưu chính bậc đại học”, Giám đốc Vũ Văn San khẳng định.
Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc phụ trách mảng Đào tạo của Học viện Công nghệ BCVT lưu ý: “Đào tạo đại học khác đào tạo các cấp thấp hơn. Để xây dựng một chương trình đào tạo đại học thì phải rất cẩn thận, phải cân nhắc rất kỹ. Cần phải có định hướng, công nghệ, chương trình đào tạo sao cho các em sinh viên sau khi tốt nghiệp phải tương xứng với tầm đại học. Mặt khác, bản thân các bậc phụ huynh và các em học sinh phải thấy ngành Bưu chính thực sự hấp dẫn, có thể đủ nuôi sống mình và phát triển được thì mới đăng ký học. Nhưng việc thông tin truyền thông về ngành Bưu chính hiện tại vẫn chưa thực sự xứng tầm với sự phát triển của ngành này”.
Phó Giám đốc Vũ Tuấn Lâm chia sẻ mối băn khoăn lớn nhất hiện giờ là công tác khảo sát, nghiên cứu xem thị trường thực sự cần bao nhiêu nhân lực Bưu chính bậc đại học. Việc khảo sát không hề đơn giản, cần có sự vào cuộc và chung tiếng nói của cả phía cơ quan quản lý nhà nước về Bưu chính cũng như các DN bưu chính.
Phân tích thêm về sự cần thiết mở ngành đào tạo Bưu chính bậc đại học trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, ông Vũ Tuấn Lâm nói: “Thị trường bưu chính Việt Nam đã có sự tham gia của các DN quốc tế. Khi ngành Bưu chính phải dùng nguồn nhân lực lai ghép, không chuyên ngành, chuyên nghiệp, thì sẽ có thể không tận dụng tốt những thời cơ mà hội nhập mang lại. Giả sử một cán bộ đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ phải tự đọc tài liệu về Bưu chính, phải “bơi trong biển thông tin” thì sẽ mất rất nhiều thời gian hơn so với khi có bài giảng, giáo trình đào tạo ngành Bưu chính được xây dựng một cách có hệ thống, chuyên nghiệp. Việc có đào tạo ngành Bưu chính sẽ góp phần nâng cao chất lượng phát triển hoạt động Bưu chính, giúp kết nối dễ dàng hơn với quốc tế. DN bưu chính quốc tế vào Việt Nam kinh doanh sẽ có địa chỉ cụ thể hơn khi muốn tìm nhân lực chuyên ngành”.
Ngọc Mai