Những con tem với cuộc tổng tiến công Xuân 1975
(ICTPress) - Thắng lợi oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, thống nhất đất nước, viết nên trang sử mới.
Nhìn lại những năm về trước, bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, đường lối cách mạng ba mũi giáp công (1), ba vùng chiến lược (2), quân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ các nước chư hầu, đánh sập âm mưu “Việt Nam hoá…”, đã tạo nên thắng lợi lịch sử ở Hội nghị Paris về Việt Nam.
Từ năm 1973 - 1974, thế và lực của Cách mạng hai miền Nam - Bắc mở ra bước phát triển mới cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất nước. Những bộ tem “Thanh niên ba sẵn sàng” đã sôi sục trong thế hệ trẻ sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, những mẫu tem mang chủ đề: “Tiến lên giành thắng lợi lớn”, “Đánh nhanh diệt gọn” , “Đạp trên đầu thù” như những mệnh lệnh tấn công của quân đội ta, tạo nên thế thượng phong trên khắp chiến trường.
Trong những thời điểm rực lửa chiến công, lực lượng giao bưu, giao liên, thông tin liên lạc đồng hành cùng trận đánh, phát triển mạng lưới, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của Trung ương Cục, đến các khu uỷ và địa bàn rộng lớn trên chiến trường và vùng mới giải phóng, chỉ riêng Tây nguyên vùng chiến sự cực kỳ ác liệt đã có 4 tuyến thông tin dọc, nhiều tuyến ngang, tạo nên mạng điều hành bí mật bất ngờ cho một chiến dịch mở màn giải phóng Buôn Mê Thuột và cả vùng phụ cận.
Tiền tuyến gọi có Bưu điện trả lời, chỉ riêng năm 1974 - 1975 trên đà thắng lợi, chuẩn bị cho trận Tổng tiến công Sài Gòn, mạng điện thoại được nối với tất cả các cơ quan Trung ương Cục, các Khu Uỷ miền, tới các Tư lệnh… Chiều dài cáp thông thoại lên tới 3.000 đôi dây, 500 máy điện thoại từ thạch, mỗi ngày hơn 220 phiên liên lạc. Trong thời điểm này chủ trương hạn chế dùng liên lạc vô tuyến, nhiều cơ sở đã chuyển lệnh chỉ huy bằng giao bưu hoả tốc. Tấm gương hy sinh của một nữ giao bưu mang lệnh hoả tốc không may sa vào tay địch, để giữ bí mật, chị đã nuốt công văn vào bụng, địch bắt lên máy bay trực thăng để mang về nơi đóng quân khai thác, khi máy bay lên cao, chị bất ngờ nhoài ra khỏi khoang máy lao mình xuống đất hy sinh lẫm liệt, không để địch khai thác.
Chi viện sức người, cung cấp trang thiết bị cho tiền tuyến lớn là mệnh lệnh thiêng liêng, Tổng cục Bưu điện trong giờ phút “một ngày bằng 20 năm” trên chiến trường đã tăng cường vào Nam nhiều đoàn cán bộ chỉ huy, những kỹ thuật viên những cơ công vô tuyến, hữu tuyến … Các nhà máy, đơn vị sản xuất với tinh thần làm việc bằng hai, chế tạo các tổng đài dung lượng 100 số, 10 số, điện thoại đi đường, dây điện thoại dã chiến, nam châm ferit, nam châm hợp kim làm phương tiện phá bom từ trường… cấp tập góp phần cùng chiến trường miền Nam trong chiến dịch Lịch sử.
Trong những năm nước sôi lửa bỏng của quân dân trên chiến trường, chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã kịp thời phát hành nhiều bộ tem mang dấu ấn lịch sử: “Du kích quyết bám đất bám làng”, “Mừng chiến thắng”, “Quân giải phóng thừa thắng xốc tới”, “May cờ mặt trận”, “Đấu tranh vũ trang”… đã cổ vũ lớn lao trong vùng giải phóng, như tuyên ngôn của chính phủ cách mạng trong chiến đấu và chiến thắng, là sự khẳng định của nhân dân ta vì sự nghiệp chính nghĩa.
Chiến thắng Tây Nguyên, giải phóng Đà Nẵng, Huế và các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ…, địch co cụm về Sài Gòn – Gia Định và vùng phụ cận, dinh lũy cuối cùng của Ngụy quân, Ngụy quyền bị quân ta bao vây, kẻ địch hỗn loạn tháo chạy…
Sáng ngày 30/4/1975 mũi tiến công đánh vào Sài Gòn – Gia định chiếm dinh Độc Lập. Vào thời điểm lịch sử, tiểu ban Tiếp quản Bưu điện Thành phố đã kịp chiếm giữ các Bưu điện Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… cùng lúc hai đoàn cán bộ cấp cao của Tổng cục Bưu điện đã phối hợp chỉ huy với Ban Tiếp quản, điều hành việc tiếp quản theo chủ trương của Trung ương.
Do có lực lượng chỗ, nên việc tiếp quản được nhanh chóng, ổn định bộ máy. Ngày 7/5/1975, lệnh mở cửa các quầy giao dịch của thành phố và toàn miền Nam để tiếp dân, bán tem, nhận gửi thư thường, những cánh tem cách mạng được tỏa rộng trên mạng lưới. Chỉ một tuần sau, ngày 14/5/1975, chuyến thư máy bay Sài Gòn - Hà Nội đến sân bay Gia Lâm, mang theo tình cảm của đồng bào miền Nam sau 20 năm xa cách.
Sau 3 tháng hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản, đầu tháng 7/1975 cùng với 23 ngành kinh tế khác thuộc Ban Kinh tế - Kế hoạch miền Nam, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập theo quyết định số 024/QĐ/75 của Thường vụ Trung ương Cục.
Một sự kiện đối ngoại, với danh nghĩa là Tổng cục Bưu điện thuộc Chính phủ lâm thời ra thông báo tiếp tục tham gia hai tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), đề nghị này mau chóng được chấp nhận.
Sau 20 năm chiến đấu gian khổ hi sinh, ngày 2/8/1976, Hội nghị thống nhất toàn ngành Bưu điện được tổ chức tại Thành phố mang tên Bác do đồng chí Trần Quang Bình, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trực tiếp chỉ đạo cùng với đông đủ lãnh đạo Ngành, đại diện lãnh đạo các Ban, Ngành Trung ương. Từ đây ngành Bưu điện Việt Nam thống nhất, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Con tem Bưu chính được mang bốn chữ vàng “BƯU CHÍNH” - “VIỆT NAM” sau 30 năm đấu tranh cách mạng.
Kỷ niệm 1 năm ngày thống nhất đất nước, ngành Bưu điện phát hành những bộ tem mang dấu ấn lịch sử: “Việt Nam thống nhất”, hình ảnh bản đồ Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc ta, với nước Việt Nam Độc lập – Thống nhất – Xã hội Chủ nghĩa, lúc đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mong mỏi. Đó là mục tiêu, định hướng của cả dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn khi Người đã đi xa.
Hơn 40 năm đã qua, nhưng tinh thần chiến thắng 30/4/1975 vẫn đang thôi thúc cả dân tộc ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, những cống hiến hy sinh của Ngành Bưu điện với hơn 10 ngày liệt sỹ, hơn 450 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng con là liệt sỹ Ngành Bưu điện.
Chúng ta hãy xứng đáng với 10 chữ vàng mà nhà nước trao tặng: “TRUNG THÀNH – DŨNG CẢM – TẬN TỤY – SÁNG TẠO – NGHĨA TÌNH” để cho hôm nay và mai sau .
Vũ Văn Tỵ
Tạp chí Tem