Truyền thông thế giới 2014: Sự lấn át của nỗi buồn

Năm 2014 là năm không có nhiều niềm vui của làng truyền thông thế giới, nếu không muốn nói là khá tang thương và buồn thảm. Tính mạng người làm báo liên tục bị đe dọa, báo in tiếp tục vẫy vùng trong tâm thế “đứa con bị ghẻ lạnh”…

Năm 2014: 66 nhà báo bị giết

Theo thống kê từ Tổ chức Nhà báo Không biên giới năm 2014, có 66 nhà báo bị giết vì đủ mọi lý do tại khắp nơi trên thế giới. Hầu như tháng nào cũng có tin tức nhà báo thiệt mạng. Hai mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà báo khi tác nghiệp trong năm 2014 vừa qua là sự tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và sự khủng khiếp của đại dịch Ebola. Hàng loạt vụ bắt cóc, chặt đầu giết hại dã man các nhà báo trong một thời gian rất ngắn cũng như kiềm tỏa gắt gao của IS đã khiến ngay cả những nhà báo chiến trường dạn dày nhất cũng phải chùn bước. Ngay cả khi năm 2014 sắp kết thúc, ngày 5/12, nhà báo Mỹ Luke Somers đã bị phiến quân khủng bố al-Qaeda ở Yemen sát hại một cách dã man. Bên cạnh đó, sức lây lan khủng khiếp của virus tử thần Ebola đã khiến nhiều nhà báo phương Tây dấn thân ở Tây Phi để tường thuật về đại dịch Ebola đã không ngần ngại thừa nhận, virút tử thần này đáng sợ hơn nhiều so với bom đạn chiến trường. 

Bên cạnh lực lượng IS và đại dịch Ebola, cuộc nội chiến tại Syria, Ukraine, Afghanistan, Ai Cập, các vụ bạo lực tại Iraq tiếp tục biến hai quốc gia này trở thành “tử địa” đối với các phóng viên khi tác nghiệp. Trong đó, Syria là quốc gia nguy hiểm nhất với các phóng viên không chỉ trong năm 2014 này mà còn trong hơn hai năm qua khi có ít nhất 69 phóng viên đã bị giết và hơn 80 phóng viên bị bắt cóc khi đưa tin về tình hình chiến sự tại đây. Hiện vẫn có khoảng 20 phóng viên đang mất tích ở Syria. Phần nhiều trong số này được cho là đang bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt giữ làm con tin. Chiến trường Ukraine cũng khốc liệt với báo chí không kém với hàng chục phóng viên bị thiệt mạng. Gây chú ý hơn cả là vụ ngày 5/5, nhóm cực hữu Right Sector treo thưởng 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) cho ai lấy được đầu của Graham Phillips- một phóng viên người Anh đang tác nghiệp tại Đông Ukraine; hay vụ ngày 26/6/2014, Anatoly Klyan, phóng viên quay phim kì cựu của kênh truyền hình Nga, Channel One, bị lực lượng an ninh Kiev bắn chết tại Donetsk, miền đông Ukraine.

Bảo vệ báo giới- Liên hiệp quốc đã phải lên tiếng.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại nhất không chỉ là con số nhà báo bị thiệt mạng luôn gia tăng mà còn ở cách các thế lực sử dụng để “trừ khử” các nhà báo: ngày càng thô bạo và tàn nhẫn. Trong lịch sử, làng báo thế giới chưa từng chứng kiến cảnh nhà báo bị giết hại dã man đến thế như trong năm 2014 vừa qua. Gây bức xúc và ghê sợ nhất với dư luận và cộng đồng báo giới là việc hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff, phóng viên Raad al-Azzawi đang làm việc cho kênh truyền hình Iraq Sama Salaheddin, bị IS bắt cóc và hành quyết một cách dã man khi đang tác nghiệp ở Syria và Iraq. Dư luận khắp hành tinh bàng hoàng, phẫn nộ bởi sự tàn bạo vượt quá sức tưởng tượng của tổ chức khủng bố này.

Sự hiểm nguy đe dọa tính mạng các nhà báo lớn lới mức 15 nước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 6/9/2014 đã lên án mạnh mẽ việc hành quyết nhà báo và nhấn mạnh hành động tội ác trên là hồi chuông cảnh báo đối với những mối nguy hiểm mà các nhà báo đang phải đối mặt hàng ngày. Trước đó, Hiệp hội Báo chí và Các nhà xuất bản thế giới (WAN-IFRA) cùng Diễn đàn Biên tập viên thế giới đã lên án vụ sát hại các nhà báo và kêu gọi đưa kẻ giết người ra trước công lý. Đỉnh điểm là việc ngày 2/11/ 2014, lần đầu tiên Liên hợp quốc (LHQ) chính thức đưa ra thông điệp về việc làm thế nào để tạo môi trường an ninh và thuận lợi nhất cho hoạt động của các nhàbáo cũng như sự cấp thiết cần có những biện pháp bảo vệ các nhà báo một cách hiệu quả nhất. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon dẫn số liệu thống kê của UNESCO cho biết có tới 90% số vụsát hại nhằm vào các nhà báo không được điều tra đến cùng, thậm chíkhông hề được điều tra vì những lý do khác nhau. Ngày càng có nhiều nhà báo và những người làm việc trong giới truyền thông bịđe dọa vũ lực, kể cả đe dọa mạng sống trong khi những kẻ ngang nhiên chống lại báo giới lại không bị trừng phạt thích đáng. Vì vậy, theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, toàn thế giới hãy cùng hành động để bảo vệ báo giới, cùng hợp tác đặt dấu chấm hết cho thực tế này, vì công việc của báo giới luôn phục vụ lợi ích của con người và rằng bảo vệ báo giới chính là việc làm thiết thực để bảo vệ công lý trên toàn thế giới.
 
Nguy cơ về “những cuộc chiến không có nhân chứng”

Nếu như thông điệp của ngài Tổng Thư ký LHQ sẽ chỉ là những câu nói tung vào hư vô, thì không những tính mạng của người làm báo tiếp tục không được bảo đảm, mà còn làm nảy sinh một nguy cơ đáng lo ngại khác: Không ít nhà báo rơi vào tâm lý hoang mang, thậm chí “né tránh” tác nghiệp trong những tình thế mà họ cho là “nhạy cảm, nguy hiểm và không hề được bảo vệ”. Không e sợ dư luận sẽ cho rằng mình thiếu nhiệt huyết nghề nghiệp, thiếu quả cảm, phóng viên ảnh Laurent Van der Stockt, người giành vài giải thưởng nhờ đưa tin về chiến trường Syria và nổi tiếng có lắm quan hệ ở đây, đã thẳng thừng tuyên bố ông sẽ không lai vãng tới các vùng đất do IS kiểm soát bởi theo ông làm thế là quá liều lĩnh và là một sự mạo hiểm không cần thiết. Cùng chung quan điểm với Laurent Van der Stockt, Jean-Philippe Remy, phóng viên nhật báo Pháp Le Monde cũng thừa nhận mình cũng đã quyết định lánh xa các vùng đất của IS cho dù ông biết rằng việc làm này là một sự đầu hàng của một nhà báo chiến trường. “Nhưng đó là một tình thế không thể khác khi cánh phóng viên của chúng tôi trở thành những con mồi của IS”-Jean-Philippe Remy nói.

Đó mới chỉ là một nguy cơ. Tình thế tác nghiệp cũng như khối lượng chi phí quá lớn phải bỏ ra cho phóng viên để huấn luyện sinh tồn, chi phí tác nghiệp tại “điểm nóng”, chi phí cho kế hoạch giải cứu khi phóng viên gặp sự cố cũng khiến nhiều tòa báo trong thời kinh doanh truyền thông khó khăn hiện nay phải “nản lòng”. Theo thống kê mới đây của Trung tâm nghiên cứu báo chí Mỹ Pew Research Center, ít nhất 20 tờ báo Mỹ từng có văn phòng tại nước ngoài đã đóng cửa các cơ sở này và thu hẹp quy mô bản tin quốc tế. Các kênh truyền hình lớn tại Mỹ như ABC, NBC và CBS cũng đều giảm thời lượng cho bản tin nước ngoài xuống chưa đầy một nửa so với cuối thập niên 80. Thực tế này đã và đang tạo nên những“hố đen tin tức”hay “điểm mù thông tin” khi phóng viên không đặt chân tới. Hay nói một cách chua chát như nhà báo Jean-Pierre Perrin, phóng viên nhật báo Pháp Libération, “sẽ là những cuộc chiến không có nhân chứng”.
 
Mạng xã hội vẫn thống trị và sự xuất hiện của mô hình “báo Facebook”

Ngày 6/6/2014, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chính thức gia nhập hai mạng xã hội lớn là Facebook và Twitter; Ngày 24/10/2014, Nữ hoàng Anh Elizabeth II chính thức gia nhập mạng xã hội Twitter; Doanh thu tài chính quý III/2014 của mạng xã hội Facebook vượt dự báo với 3,2 tỷ USD và lợi nhuận là 806 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người dùng hoạt động của hãng này cũng tăng vượt dự đoán. Đến cuối tháng 9/2014, Facebook có 1,35 tỷ người dùng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người truy cập Facebook ít nhất một lần mỗi ngày cũng tăng 19% lên 864 triệu; Báo cáo công bố ngày 4/11, Hãng nghiên cứu thị trường Forrester hàng đầu của Mỹ cho biết hiện trung bình mỗi tuần người trưởng thành Mỹ dành khoảng 52% thời gian giải trí với các loại hình truyền thông cho việc lên mạng, cao hơn mức 45% năm 2009. Trong khi đó, thời gian xem tivi của họ giảm xuống còn 32% so với mức 34% của 5 năm trước...

Nữ hoàng Anh Elizabeth II chính thức gia nhập mạng xã hội Twitter.

Chỉ chừng ấy thông tin cũng đủ để chứng minh mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của các trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay đối với mọi mặt đời sống xã hội nói chung. Ví dụ điển hình là việc tháng 4/2014, truyền thông Cuba và chính một số cơ quan báo chí Mỹ đã công bố thêm những bằng chứng cho thấy chính phủ Mỹ trong nhiều năm qua đã tiến hành hàng loạt chương trình chống phá Cuba thông qua mạng xã hội. Trong đời sống truyền thông, Facebook hiện đã trở thành nguồn thông tin quan trọng đối với nhiều người và góp phần thay đổi cách tiếp nhận tin tức trong thời đại số hóa. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Facebook hiện là nguồn thông tin của khoảng 30% người Mỹ và là nguồn tham khảo của vô số tờ trang tin. Không chỉ là ảnh hưởng, các trang mạng xã hội, điển hình là mạng xã hội lớn nhất hiện nay- Facebook- không giấu giếm ý định tấn công mạnh sang lĩnh vực báo chí, tạo ra một loại hình báo chí mới- “báo facebook”. Cụ thể, đầu tháng 11/2014, nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã công bố ý tưởng biến bảng news feed trên Facebook thành “tờ báo cá nhân hóa hoàn hảo cho mỗi người trên thế giới”. Theo Zuckerberg, trong khi một tờ báo cung cấp thông tin giống nhau cho tất cả độc giả thì Facebook sẽ thiết kế thông tin theo sở thích từng người, trộn lẫn giữa tin tức thế giới, sự kiện cộng đồng và các cập nhật từ bạn bè, gia đình. Theo ý tưởng của Facebook, quyết định cho người dùng đọc gì không thuộc về phóng viên mà sẽ do một thuật toán đánh giá thông tin gì sẽ thu hút nhất đối với từng người. “Facebook có tất cả dữ liệu để cập nhật cho bạn những gì tất cả bạn bè của bạn đang đọc. Do đó bạn sẽ thấy những thứ mình quan tâm"- giảng viên Nikki Usher thuộc ĐH George Washington đánh giá.

Theo cựu biên tập Ken Paulson của nhật báo Mỹ USA Today thì đây là một cách tiếp cận mới trong làm báo, là điều một tờ báo truyền thống không thể làm được. Giới quan sát nhận định việc Facebook có tham vọng biến mạng xã hội này thành trang tin cá nhân hóa cho hơn 1 tỉ người dùng có thể khiến báo chí truyền thống càng thêm chật vật.“Mật thiết, phù hợp, cực kỳ kịp thời và tất cả là cho bạn. Nó còn hơn bất kỳ tờ báo nào” - cựu biên tập Alan Mutter của nhật báo Chicago thừa nhận. Ông Mutter cho rằng trong khi báo chí bám víu mô hình hoạt động đã lỗi thời thì những tổ chức như Facebook đang đi theo con đường cá nhân hóa, đặc biệt khi giới trẻ ngày nay thích những nền tảng di động hơn là đọc báo in.

Báo giấy - loay hoay trong tình cảnh “đứa con bị hắt hủi”

Sự thống trị của mạng xã hội cũng như truyền thông điện tử khiến bức tranh đời sống báo chí thế giới năm 2014 vẫn trong màu ảm đạm, không có gì sáng sủa so với những năm trước. Thậm chí, nói như Mark Jurkowitz - Phó Giám đốc Dự án Báo chí của trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) - còn có phần thảm cảnh hơn, đúng với tâm thế của “những đứa trẻ bị bố mẹ tống ra khỏi nhà”. “Bố mẹ” ở đây là các ông chủ các tập đoàn truyền thông. Đứa trẻ không ai khác chính là báo giấy. Theo Mark Jurkowitz, trào lưu “hắt hủi” báo báo giấy được khởi xướng bởi ông trùm Rupert Murdoch cách đây 2 năm, tháng 12/2012 khi ông này quyết định tách hoàn toàn mảng báo in của tập đoàn News Corp ra “ở riêng”.

Tiếp sau đó là Newsweek với việc tờ tạp chí lừng danh này bị sang tay cho chủ mới là hãng truyền thông IBT Media với giá bán khá rẻ mạt. Tập đoàn Time Warner cũng quyết định cho tạp chí Time ra “ở riêng”. Tuy nhiên, dường như phải sang tới năm 2014, “trào lưu” này mới phát triển trên bình diện toàn cầu. Trong quá trình chuyển đổi sang môi trường mạng Internet, các công ty, tập đoàn truyền thông hùng mạnh của thế giới ngày càng tỏ ra lạnh nhạt với báo giấy. Thậm chí các cổ đông còn thể hiện sự khó chịu ra mặt với “ông hoàng” đã từng có một thời vang bóng này. Đơn cử như việc Gannett - tập đoàn sở hữu tờ USA Today, tờ báo từng có thời có lượng xuất bản lớn nhất nước Mỹ - quyết định tách mảng báo chí truyền thống để tập trung cho truyền hình và Internet. Tribune Media cũng tách mảng xuất bản ra khỏi mảng TV đang ăn nên làm ra. Tất cả sự chia tách này đều bởi một lý do: lợi nhuận mảng báo chí ngày càng giảm và trở thành gánh nặng với các loại hình kinh doanh truyền thông khác.

USA- nhật báo con cưng một thời của nước Mỹ- giờ đây cũng trong cảnh bị hắt hủi và chia cắt khỏi Gannett

Ở trong tình thế bị “hắt hủi” và “xua đuổi” ấy, thế nên có chuyên gia truyền thông đã ví von một cách chua chát rằng báo in giờ đây chỉ còn là một “gã hành khất”đang cố gắng vẫy vùng để người ta không lãng quên mình. Vậy nhưng, ngay trong sự vẫy vùng này cũng không dễ.

Cũng theo Mark Jurkowitz, vấn đề thực sự với ngành báo giấy là sự thất bại trong việc xây dựng một mô hình kiếm tiền từ phương tiện kỹ thuật số ngày nay. Cứ nhìn mô hình thành công bước đầu của những tờ báo như New York Times, Washington Post. Những tờ báo này vẫn duy trì được mảng báo giấy trong khi lượng độc giả phiên bản trực tuyến cũng gia tăng đáng kể. Đó là nhờ việc cả hai tờ báo này đều đang tiến hành thử nghiệm các kế hoạch truy cập kỹ thuật số mới, chuyển đổi từng bước các khâu xuất bản báo giấy sang công nghệ kỹ thuật số.
 
Cuộc chiến bảo vệ nguồn tin vẫn nóng bỏng

Giải Pulitzer 2014 đã được đánh giá là: “Giải Pulitzer có tầm ảnh hưởng nhất trong cả thập kỷ”khi được trao cho The Washington Post và The Guardian (Người bảo vệ)- hai tờ báo đi đầu trong việc phanh phui chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Tuy nhiên, tại Mỹ, nghe lén và cuộc chiến bảo vệ nguồn tin vẫn hết sức nóng bỏng. Tháng 8/2014, Chính phủ Mỹ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ báo giới khi đưa ra những cáo buộc pháp lý buộc James Risen- nhà báo 59 tuổi của nhật báo nổi tiếng New York Times- phải ngồi tù với tội danh “bảo vệ nguồn tin đến cùng”.James Risen từ lâu đã trở thành người hùng trong mắt nhiều đồng nghiệp Mỹ khi thẳng thừng đối đầu với Washington trong cuộc chiến vì tự do báo chí ở Mỹ và việc ông phải ngồi tù, theo báo chí Mỹ là “Thật đáng nhục nhã vì ông làm điều mà bất kỳ nhà báo chân chính nào cũng phải làm: bảo vệ bí mật nguồn tin”.

Căng thẳng giữa chính quyền và báo giới Mỹ càng lên tới đỉnh điểm khi Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper gần như công khai tuyên bố rằng, các phóng viên đưa tin về tài liệu Edward Snowden là những kẻ đồng lõa với tội phạm, những kẻ phản bội nước Mỹ. Trong khi đó, không chỉ là những tiết lộ từ “người lộ mật”Edward Snowden mà ngày càng có thêm nhiều bằng chứng từ nhiều nguồn chứng minh rằng chính quyền Mỹ còn “nghe lén” hay bí mật thu thập dữ liệu cá nhân bằng nhiều phương thức do thám mới tinh vi hơn nhiều. Đơn cử như dùng máy bay thu thập dữ liệu. Ngày 28/7/2014, Tổ chức Giám sát nhân quyền và Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ ra tuyên bố khẳng định chương trình do thám của Mỹ đe doạ tới tự do báo chí,“đi quá xa”so với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, đe dọa những giá trị cốt lõi của nước Mỹ.

Ngày 14/5/2014 là ngày không mấy dễ chịu của làng truyền thông thế giới khi đón nhận những tin tức không mấy vui vẻ. Trong đó, rúng động nhất là việc trong cùng một ngày, không hẹn mà gặp, hai nữ tổng biên tập của hai tờ báo hàng đầu thế giới là New York Times (Mỹ) và Le Monde (Pháp) cùng bị mất chức. Nếu sự ra đi của bà Jill Abramson- nữ TBT đầu tiên của New York Times được đánh giá là “gần như là bị đuổi khỏi tòa soạn” thì sự ra đi của người đồng cấp Natalie Nougayrède tại Le Monde cũng “những đòn tấn công cá nhân”

Nguồn: Hồng Sâm/congluan.vn

Tin nổi bật