Viễn thông 2013 "nóng" chuyện 3G, OTT, tái cấu trúc
Ngành viễn thông Việt Nam năm 2013 đã trải qua rất nhiều sự kiện mang tính đột phá, trở thành cột mốc đánh dấu sự thay đổi quan trọng của thị trường viễn thông, đặc biệt là đối với các dịch vụ trên nền di động.
Viettel giữ chắc ngôi vương, VNPT bước vào “đại phẫu”
Sau khi Viettel chính thức “vượt mặt” VNPT trong cuộc đua trên thị trường viễn thông vào thời điểm cuối năm 2012 với mức doanh thu lớn hơn 10.000 tỷ so với VNPT, giới chuyên môn đã dự đoán trong năm 2013, khoảng cách này sẽ tiếp tục được nới rộng, do VNPT vẫn bị “mắc kẹt” trong việc cải tổ bộ máy quá cồng kềnh và thiếu hiệu quả.
Thực tế, theo báo cáo tổng kết năm 2013 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), tổng doanh thu toàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu ước thực hiện của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là 162.886 tỷ đồng,
Như vậy, tổng doanh thu Viettel năm 2013 đã vượt VNPT hơn 43 ngàn tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. Trong khi đó, VNPT vẫn tiếp tục “dậm chân tại chỗ” trong nửa đầu năm 2013 vì bế tắc trong việc cải tổ bộ máy để tăng tính hiệu quả, quá trình triển khai tái cấu trúc tập đoàn diễn ra quá chậm chạp.
Theo nhận định của Ban cán sự đảng Bộ TT&TT, “từ 2006-2010, từ 2006-2010, kết quả kinh doanh của VNPT giảm sút liên tục, trung bình giảm 7,8%/năm, quản trị doanh nghiệp bộc lộ sự trì trệ”, “Lãnh đạo VNPT đã thể hiện sự lúng túng, nhận thức không đầy đủ và thể hiện quyết tâm chưa cao trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ”.
Do vậy, để đề án tái cơ cấu VNPT được thực hiện triệt để, củng cố lại toàn diện, khắc phục hạn chế để VNPT vươn lên trước yêu cầu đổi mới hiện nay, ngày 6/8/2013, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ký Quyết định số 964/QĐ-BTTTT giao ông Trần Mạnh Hùng, phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, đồng thời điều động ông Vũ Tuấn Hùng, nguyên Tổng GĐ VNPT về Vụ tổ chức cán bộ Bộ TT&TT.
Sau khi nhận bàn giao nhiệm vụ Tổng giám đốc, ông Trần Mạnh Hùng đã làm việc 5 công ty dọc và 30 viễn thông tỉnh, thành và đã tiến hành thay đổi cơ chế tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất của các đơn vị trong VNPT. Sau gần 5 tháng, ông Trần Mạnh Hùng đã thay đổi các chính sách quản lý VNPT và thúc đẩy tập đoàn này có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tới 76% so với năm 2012, tương ứng với khoảng 4000 tỷ đồng.
Việc thay Tổng giám đốc VNPT đánh dấu cuộc “đại phẫu” tập đoàn này đã thực sự bắt đầu, hứa hẹn một cuộc cải tổ và tái cấu trúc toàn diện để nâng cao hiệu quả kinh doanh đề giành lại vị trí thống lĩnh thị trường viễn thông Việt Nam từ tay Viettel.
Mạng nhỏ đứng ở đâu?
Sau khi EVN Telecom kinh doanh thua lỗ và phải sáp nhập vào Viettel từ 1/1/2012, sau đó là S-Fone lâm vào cảnh gần như ngừng hoạt động, các mạng di động nhỏ ở Việt Nam vẫn tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn.
Năm 2013 đánh dấu một bước đột phá chưa từng có ở nhóm các nhà mạng nhỏ, đó là Gtel Mobile được roaming để sử dụng sóng di động của VinaPhone trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3/2013. Đây là một nỗ lực rất lớn từ cơ quan quản lý là Bộ TT&TT để tạo điều kiện cho các mạng di động nhỏ như Gtel Mobile có thể phát triển.
Những tưởng sự bắt tay này sẽ giúp Gtel Mobile tạo sự đột phá, nhanh chóng vượt qua Vietnamobile để giành vị trí mạng di động đứng thứ 4 về thị phần như một số dự đoán, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Quá trình triển khai chia sẻ hạ tầng mạng với VinaPhone đã được thực hiện rất nhanh và suôn sẻ, nhưng đến khi khai thác để thuê bao Gtel Mobile dùng “ké sóng” VinaPhone, mới thấy bài toán kinh doanh không hề đơn giản.
Dù đã được tạo điều kiện để phát triển, nhưng kết quả kinh doanh của Gtel Mobile vẫn rất bi đát. Thay vì tạo được sức bật về tăng trưởng thuê bao, Gtel Mobile tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn. Nếu tiếp tục rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng như hiện nay, thì nguy cơ Gtel Mobile đi theo vết xe đổ của S-Fone và EVN Telecom là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, việc Gtel Mobile bị sáp nhập vào một mạng di động lớn hơn là sẽ là điều tất yếu.
Quy hoạch Phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 nêu rõ, tại thời điểm đó, VN sẽ chỉ còn lại từ 3-4 doanh nghiệp viễn thông lớn, thực sự mạnh. Hiện tại, thị trường viễn thông đang cạnh tranh rất khốc liệt, tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc chiến tranh giá cước, đe dọa làm giảm chất lượng dịch vụ một cách nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, xu thế sáp nhập, mua lại cũng đang diễn ra rất sôi động. Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, sống thoi thóp nên yêu cầu về việc tái cơ cấu thị trường, quy về 3-4 doanh nghiệp trụ cột là hết sức quan trọng để có thể đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ mũi nhọn, có lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo duy trì các dịch vụ công ích cho xã hội.
Người dùng 3G vẫn tăng sau khi nâng giá cước
Sau hơn 2 tháng các nhà mạng triển khai tăng giá cước dịch vụ 3G di động lên trung bình 40% từ ngày 16/10/2013, số lượng người sử dụng dịch vụ này vẫn ổn định và tăng nhẹ (dưới 5%). Điều này cho thấy, việc tăng cước 3G không khiến người dùng từ bỏ dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để các nhà mạng có thêm ngân sách tái đầu tư vào hạ tầng mạng 3G để nâng cao chất lượng dịch vụ lên.
Theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2013 của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin & Truyền thông(TT&TT), doanh thu của các doanh nghiệp di động cũng tăng khoảng 15% sau khi tăng cước. Về cơ bản, thị trường không có sự xáo trộn và việc tăng cước là bước đi hợp lý để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, phù hợp với Quy hoạch viễn thông quốc gia đến 2020.
Siết chặt quản lý giấy phép dịch vụ viễn thông
Trong việc cấp phép, quản lý thị trường và tài nguyên viễn thông, Bộ TT&TT đã tiến hành rà soát tất cả các doanh nghiệp chưa triển khai các giấy phép đã được cấp trong 02 năm vừa qua và thực hiện xử lý, thu hồi, đặc biệt là giấy phép mạng di động ảo; thu hồi các kho số thuê bao cố định, di động, viễn thông và mã báo hiệu trong nước, mã điểm báo hiệu quốc tế.
Cụ thể, 9 giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đã bị thu hồi, kho số di động của Công ty Đông Dương và kho số viễn thông của công ty QTNet cùng bị thu lại. Tổng cộng, số thuê bao di động, cố định bị thu hồi là 1.890.000 số và số dịch vụ giá cao phải hoàn trả là 100 số.
Tương tự, sau khi hai Thông tư 14 về giá cước, khuyến mại và Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước ra đời, số lượng thuê bao ảo đã giảm hẳn, chỉ có các thuê bao thực, có nhu cầu sử dụng mới đăng ký.
Song song với việc siết thuê bao trả trước, cơ quan quản lý cũng sẽ tăng cường rà soát, giám sát chặt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn có đầu số (CSP) trong thời gian tới để ngăn chặn tối đa các nguy cơ như tin nhắn lừa đảo, tin nhắn đồi trụy, mê tín, khiêu dâm...
Trào lưu OTT bùng phát, trở thành xu thế mới
Một vấn đề nổi bật khác của thị trường viễn thông Việt Nam năm 2013 và dự kiến sẽ tiếp tục “nóng” chính là trào lưu các dịch vụ kinh doanh trên hạ tầng mạng Internet di động (Over The Top - OTT). Sự xuất hiện bùng nổ của các dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí như Viber, Whatsapp, Facebook Messenger, Zalo, Line, Kakao Talk… tại thị trường Việt Nam và được giới trẻ hào hứng đón nhận khiến các mạng di động “giật mình” vì doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn bị sụt giảm.
Các nhà mạng lập tức có phản ứng, đề nghị cơ quan quản lý chặn các dịch vụ này vì gây ảnh hưởng doanh thu, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Việt Nam lại cho rằng đây là xu thế mới trên toàn thế giới, giống như dịch vụ điện thoại Internet VoIP trước đây, nhà mạng cần phải thích nghi và tận dụng xu thế này để phát triển chứ không thể chặn hay ngăn cản người dùng sử dụng các dịch vụ OTT.
Bài toán của cơ quan quản lý lĩnh vực viễn thông Việt Nam trong năm 2014 sẽ vẫn là phương án quản lý các doanh nghiệp và ứng dụng OTT ra sao, tìm ra hướng hợp tác thế nào giữa các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng với các doanh nghiệp OTT theo hướng các bên cùng có lợi và phục vụ người dùng nhiều nhất.
Trước đó, hồi đầu tháng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định Việt Nam sẽ không cấm các ứng dụng OTT hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp này cần có trách nhiệm với nhà mạng và quy định quản lý doanh nghiệp OTT cần được xây dựng xong trong nửa đầu năm 2014.
Huy Phong - Trọng Cầm
VietnamNet