Đào tạo tổng biên tập, tại sao không!

Tổng biên tập báo in, báo mạng điện tử; giám đốc - tổng giám đốc báo nói, báo hình là một nghề, như bao nghề nghiệp khác. Tại Diễn đàn Nghiệp vụ Tổng biên tập do Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 9.2011 tại Hà Nội, nghề này được bàn ở góc độ tính chuyên nghiệp trong điều hành, quản lý cơ quan báo chí của các tổng biên tập.

Cố nhà báo Trần Công Mân, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân.

Diễn đàn đã nêu ra khá nhiều vấn đề: Chuyển từ kinh doanh báo chí sang kinh doanh thông tin; Quản lý nguồn nhân sự báo chí; Bí quyết tích hợp truyền thông hiệu quả; Từ đơn phương tiện sang đa phương tiện đến phương tiện thông minh; Báo chí và kinh doanh hiệu quả ...

Tổng biên tập là một nghề. Điều hiển nhiên ấy, nền báo chí tiên tiến của thế giới đã khẳng định và thực thi từ lâu. Ở Việt Nam, chung quanh vấn đề "Tổng biên tập là một nghề" đã được nói đến từ vài chục năm nay. Các nhà báo Hoàng Tùng, Quang Đạm, Trần Công Mân, Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang... đã có những tham luận, bài viết, trả lời phỏng vấn sắc sảo về nghề báo - nghề tổng biên tập. Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Tuyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã có một số cuộc tọa đàm, hội thảo về chủ đề này.

Tổng biên tập báo, giám đốc - tổng giám đốc đài là người đứng đầu cơ quan báo chí. Theo Luật báo chí sửa đổi (năm 1999) người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do nhà nước quy định; là người lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, bảo đảm thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí. Không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức văn hóa, kiến thức kinh tế và quản lý kinh tế sâu rộng mà tổng biên tập còn phải có bản lĩnh, vững vàng chính trị, giỏi về kinh doanh, có kỹ năng quản lý và quản trị tòa soạn chuyên sâu.

Trên thực tế Người đứng đầu cơ quan báo chí hiện nay còn là giám đốc - tổng giám đốc doanh nghiệp - doanh nghiệp báo chí, doanh nghiệp đặc thù, hoặc đơn vị sự nghiệp có thu. Doanh nghiệp đặc thù này kinh doanh sản phẩm đặc biệt - sản phẩm báo chí truyền thông cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, làm công tác chính trị, tư tưởng, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, phê phán tệ nạn tham nhũng,lãng phí, quan liêu và các biểu hiện xã hội tiêu cực khác; định hướng dư luận xã hội theo đường lối, quan điểm của Đảng; là diễn đàn của nhân dân. Đã ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp thì đương nhiên họ phải tính đến hiệu quả kinh doanh, chăm lo tiền lương tiền thưởng cho lao động báo chí và phải thực hiện nghiêm chỉnh luật thuế, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước, không loại trừ bất cứ sắc thuế nào. Đương nhiên, cơ quan báo chí phải thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về hoạt động doanh nghiệp - dù đó là doanh nghiệp đặc thù và cơ quan thuế, cơ quan thanh tra, kiểm toán có thể bất cứ lúc nào "hỏi thăm sức khỏe".

Cán bộ nào phong trào ấy. Tổng biên tập báo viết, báo mạng điện tử, giám đốc - tổng giám đốc đài PTTH là linh hồn của cơ quan báo chí - thuyền trưởng của con tàu ra khơi. Có ba yếu tố quyết định chất lượng người đứng đầu cơ quan báo chí.

Thứ nhất là cơ quan chủ quản tuyển chọn, bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc quyền xứng tầm. Rất đáng tiếc, hiện nay có không ít cơ quan chủ quản khi chọn và bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí chưa hội đủ các tiêu chí cần thiết, đặc biệt là tiêu chí nghề - năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trái với luật Báo chí và Quyết định 75/QĐ-TW ngày 21-8-2007 của Ban Bí thư Trung ương về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan báo chí phải không ngừng tự học nâng cao trình độ, năng lực nghiệp vụ, thường xuyên bồi đắp cho mình những kiến thức cần thiết đủ sức hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, các cơ quan chủ quản báo chí rất cần quy hoạch chọn lựa, dự nguồn đào tạo các tổng biên tập báo, giám đốc - tổng giám đốc đài. Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, các trung tâm đào tạo báo chí cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, quản trị cho người đứng đầu cơ quan báo chí.

Tổng biên tập - người đứng đầu cơ quan báo chí phải là một nghề. Xin hãy đánh giá và đối xử công bằng với"nghề" này, trong việc quy hoạch, chọn lựa, bổ nhiệm, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng xây dựng đội ngũ những người làm tổng biên tập.

Hà Yên

Tạp chí Người làm báo

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật