Con tem và vấn đề chủ quyền lãnh thổ

Phía sau những nét đẹp hiền lành:

Ngày 16/01/2004, Hàn Quốc phát hành 1 bộ tem gồm 4 con mang tên “Thiên nhiên của Độc Đảo” (Nature of Dokdo). Thoạt trông bộ tem thấy thật “hiền”, nhưng phía sau đó lại là cả loạt những diễn biến sôi động.

Ngay sau khi bộ tem được phát hành, báo chí Nhật Bản rầm rộ lên tiếng phản đối, kêu là phía Hàn Quốc vi phạm Hiệp định của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và yêu cầu đình chỉ phát hành. Nhưng chính điều này lại làm mọi người chú ý đến bộ tem hơn. Theo thông báo của cơ quan Bưu chính Hàn Quốc, thì chỉ 3 giờ đồng hồ sau khi bán, toàn bộ số tem đã được bán hết.

Sự việc không dừng lại ở đó, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng hưởng ứng chiến dịch này. Ông Rhee Geum-Cheol, giám đốc chi nhánh Công ty Tem Bắc Triều Tiên (North Korea Stamp Corporation) tại Trung Quốc khi đó có nói họ cũng sẽ cho phát hành một con tem có hình bản đồ có từ thế kỷ 18 có đánh dấu hòn đảo nhỏ Dokdo như một phần của lãnh thổ Triều Tiên một cách rõ ràng. Tháng 4/ 2004 bộ tem nói trên được phát hành nhưng Seoul lại chưa đồng ý cho bán tại Hàn Quốc. Người Hàn muốn có bộ tem này phải gửi mua tận Hồng Kông là nơi có một đại lý độc quyền bán tem Triều Tiên đang hoạt động.

Chỉ đến giữa tháng 8/2006, khi Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đến thăm đền Yasukuni thì phía Hàn mới mới lập tức đáp trả bằng cách để Bộ Thống nhất của Hàn Quốc đồng ý cho phép nhập khẩu bộ tem nói trên.

Cắm mốc biên giới… bằng tem!

Trung Quốc có 20.000 km đường biên giới chung với 15 nước trên bộ và 18.000 km biên giới trên biển liền với 6 nước.

Nhân Quốc khánh năm 2004 (1/10/2004) Trung Quốc đã phát hành một bộ tem mang tên là “Quang cảnh biên thuỳ Trung Quốc” (Frontier Scenes of China) gồm 12 mẫu mang hình ảnh của đất nước Trung Hoa suốt từ Hắc Long Giang đến vùng gần xích đạo, suốt từ cao nguyên Pamir đến vùng biển Thái  Bình Dương… Mỗi mẫu đều có hình ảnh của vùng biên giới được coi như lãnh thổ của họ. (Trong đó trong đó có 2 mẫu, mẫu số 6 mang tên “Quần đảo Tây Sa” (Xisha Islands) - mà ta gọi là Hoàng Sa và mẫu số 7 có tên “Phong cảnh vùng đá vôi phía nam Quảng Tây” (Karst Landscape in Southern Guangxi) là vùng có phần biên giới giáp với 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam).

Mặc dầu rằng từ lâu chúng ta vẫn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam cũng như ngay từ đầu năm 1988, ngày 19/1, chúng ta đã phát hành mẫu tem “Hoàng Sa, Trường Sa trên các bản đồ cổ”.

Và một cuộc chiến thực sự:

Còn đây đã từng là một câu chuyện xảy ra trong thế kỷ trước. Chẳng qua cũng vì hình ảnh trên con tem mà rồi một cuộc chiến thật sự đã nổ ra bằng súng đạn chứ không còn chỉ là cãi vã qua báo chí hoặc các phương tiện truyền thông. Năm 1930, Bolivia cho phát hành một mẫu tem có bản đồ Bolivia mà bao gồm cả một khoảnh đất có tên là Gran Chaco. Sau đó nước láng giềng Paraguay cũng cho phát hành tem mang hình bản đồ của chính mình cũng lại có Gran Chaco. Sau vài lần phát hành tem như vậy hai bên đã đánh nhau thực sự suốt từ 1932 đến 1935. Cuối cùng mảnh đất này được chính thức công nhận thuộc Paraguay.

 … Còn mới đây nhất:

Không biết có phải do vấn đề biên giới hải đảo gần đây nóng lên chăng mà ngày 10/10/2012 vừa qua, mặc dầu không có trong chương trình phát hành từ đầu năm nhưng Nga đã cho phát hành mẫu tem “500 năm nhiệm vụ thường xuyên bảo vệ biên giới”. Nhiệm vụ này do Đại Công tước Matxcơva Vasily III phê duyệt ngày 16 tháng 5 năm 1512 trong sắc lệnh gọi là "Lệnh về Nhiệm vụ Ugric". Đây là văn bản đầu tiên về Điều lệ biên giới Nga. Kể từ đó, hàng năm vào đầu mùa xuân đã người ta tập hợp lực lượng để thực hiện nhiệm vụ ở vùng ven biển ứng phó với các cuộc tấn công của người Tartars. Kể từ đó, an ninh biên giới phía nam của Nhà nước Moscow đã phát triển thành một nhiệm vụ trên toàn quốc.

Con tem thể hiện bản đồ Liên bang Nga trên nền sắc mầu cờ quốc gia, và một cột mốc biên giới gồm 2 súng trường và thanh kiếm bắt cheo giữa một vòng  một vòng hoa của lá cây sồi và cây nguyệt quế. Số lượng phát hành là 341.000 con tem.

M.C

Tin nổi bật