Bài học với báo chí trước thềm Đại hội nhân 17 năm phát hành tiền polymer
Cách đây 14 năm, tôi cùng vài chục nhà báo nhận kỷ luật vì cho đăng bài viết xung quanh tờ tiền polymer.
Ngày 17/12 là ngày tròn 17 năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành đồng tiền đầu tiên in trên chất liệu giấy polymer.
Nói gì thì nói, đó là một chủ trương đúng đắn và hẳn không nhiều người biết, đó là ý tưởng được xuất phát từ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau một chuyến ông công du từ Úc trở về. Thế nhưng, cũng phải 7-8 năm sau, khi ông Kiệt đã thôi giữ trọng trách trên, chúng ta mới có thời gian nghiên cứu kỹ và thực hiện.
Chuyện nhạy cảm trước thềm Đại hội, báo chí nên cẩn trọng
Sở dĩ tôi viết bài báo vào dịp này là do mới đọc một cuốn sách về ngành Ngân hàng Việt Nam mang tính đúc kết lịch sử, truyền thống. Tôi phát hiện ra trong đó đang thiêu thiếu một thứ gì đó rất đáng đưa vào. Đó là tờ tiền polymer cùng với lịch sử ra đời và sự phát triển không thật dễ dàng của nó.
Bài học với báo chí trước thềm Đại hội nhân 17 năm phát hành tiền polymer |
Trong cuộc đời làm báo, có lẽ đây là một bài học sâu sắc và đắt giá bởi chính tôi đã cùng vài chục nhà báo của hàng chục tờ báo nhận kỷ luật cũng vì cho đăng bài viết xung quanh tờ tiền polymer. Mà nói cho thật lòng, về cơ bản, nó cũng không oan gì cho lắm bởi sự quá đà...
Chúng tôi bị tai nạn nghề nghiệp như vậy hoặc do viết, hoặc do duyệt đăng bài chưa thật thấu đáo về chứng cứ. Về nguyên tắc, như vậy đã là vi phạm trong công tác tuyên truyền dù thực tế có thấy chất lượng của một vài tờ tiền mệnh giá khác nhau in chưa tốt nhưng lỗi từ khâu nào thì chúng ta đâu được biết vì đó là lĩnh vực an ninh tiền tệ. Thế nhưng, nó cũng không phải là mấu chốt vấn đề cần đưa... Thứ nữa, tôi cũng tự thấy thiếu nhạy cảm vì Đại hội Đảng 10 khi ấy đã cận kề, không biết đây là chuyện nội bộ muốn hạ bệ nhau.
Cuối tháng 11/2006, tôi bị Ban bí thư Trung ương Đoàn (cơ quan chủ quản của báo Thanh Niên) ký quyết định kỷ luật ở mức khiển trách vì “chưa chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và thiếu nhạy cảm, chủ quan trong việc đưa tin, bài có liên quan đến chất lượng đồng tiền polymer”.
Trong nghề báo, tôi cũng đã nghiệm ra cứ mỗi dịp đất nước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, thường có những vụ việc được ai đó tìm đến anh em phóng viên nhờ hoặc mách, cung cấp tài liệu để viết.
Về cơ bản thì cũng không có chuyện gì nếu như nó đúng và chính xác, cần đưa. Song, đôi khi lại là từ những chuyện trong nội bộ ngành, địa phương được cung cấp cho báo chí chưa khách quan, mang ý đồ cá nhân mà các tờ báo thì vội vàng, chủ quan không phát hiện ra điều sâu xa phía sau có người “xì” thông tin ra cho báo chí để nhờ lên tiếng “đánh”một ai đó.
Dấu ấn tiền polymer được khẳng định qua thời gian
Vụ việc mà báo chí rầm rộ lên tiếng vào năm 2006 về tờ tiền polymer mệnh giá 100 nghìn và 20 nghìn chất lượng kém, nhoè khi lưu thông đã khiến báo chí tranh thủ khai thác tối đa, thậm chí hơi quá đà. Vì thế đã có báo bị đình bản.
Một loạt hoài nghi ngày ấy được rộ lên, đại loại như có gì tiêu cực trong chuyện quyết định in tiền polymer của Ngân hàng quốc gia Việt Nam mà người “lĩnh đủ” ngày đó có cựu Thống đốc Lê Đức Thuý. Cuối cùng, các cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan An ninh tiền tệ Bộ Công an, Interpol... nhập cuộc và kết luận không hề có như đồn đoán. Dù sau đó được minh oan, mọi thứ với ông Thúy về sự nghiệp cũng không còn mấy ý nghĩa vì Đại hội cũng đã qua.
Phán quyết của Tòa án Úc sau đó về nghi vấn tiêu cực liên quan đến polymer không hề có tên Việt Nam. Nhưng khi “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Cụ thể, năm 2009, Cảnh sát Liên bang Úc bắt đầu điều tra cáo buộc hối lộ các quan chức nước ngoài của công ty Securency and Note Printing Australia Pty Ltd (NPA) và một số nhân viên, đại lý để có hợp đồng tiền polymer ở Malaysia, Nepal, Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến khi họ vào cuộc điều tra và tuyên án, chỉ có Malaysia, Indonesia vướng vào vòng vi phạm pháp luật mà không hề có Việt Nam như nghi vấn ban đầu.
Sau này tôi có hỏi anh em cấp dưới - những người viết bài cho tôi duyệt và hỏi các đồng nghiệp báo bạn thì mới biết là nội bộ họ “chơi” nhau để loại bớt ứng cử viên khỏi cuộc chơi. Vị lãnh đạo “ném đá sau lưng” nọ thì nín thở chờ thời cơ đến với mình... Cũng may cho đất nước, những người có hành vi không trong sáng ngày ấy cũng đã được những người có trách nhiệm nhận ra.
Trong khi đó, anh em làm báo có thể có người rất biết hoặc có người cũng chỉ vô tình mà hăng hái vào cuộc.
Hiện nay, thế giới có khoảng trên 30 nước sử dụng tiền polymer, đặc biệt là những nước phát triển. Ngoài Úc, New Zealand, Singapore… còn có Canada và Anh đã chuyển sang dùng tiền polymer toàn bộ và xu thế đang nhích dần lên sau mỗi năm.
Thực tế cũng cho thấy, tiền nào thì cũng nhàu nát và phai màu nhưng tiền polymer vẫn bền hơn tiền giấy từ 2,5 đến 4 lần. Vì thế, hiệu quả kinh tế là rất cao. Các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến việc này đều thống nhất nhận định như vậy.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế, đó là chi phí in tiền polymer là cao hơn. Vì thế nghe nói có năm nhà máy in tiền quốc gia báo cáo tài chính là lỗ. Còn vì sao lỗ thì rất có thể cũng là do chất lượng tiền bền, dai hơn, không cần in thêm năm đó nên nhân viên thiếu việc làm. Vậy thì cũng là điều thú vị chứ sao!
Cũng có ý kiến cho rằng, nước lớn như Mỹ, khối EU giàu như vậy mà tại sao chưa thay tiền? Nên biết, Mỹ và EU đều có một ngành công nghệ sản xuất giấy cotton in tiền quy mô lớn và lâu đời, vì vậy, việc chuyển sang sử dụng giấy polymer để in tiền là rất khó khăn.
Trong khi Việt Nam mình, vật tư in tiền cái gì cũng nhập. Cho nên chuyển từ việc nhập giấy in tiền sang nhập polymer để in tiền là phù hợp.
Hôm 4/12, trong một cuộc tọa đàm mang tính lịch sử về hình tượng Hồ Chủ tịch trong giấy bạc Việt Nam được tổ chức nhằm hướng về truyền thống 70 năm ngành Ngân hàng Việt Nam, bà Phạm Thị Nhàn, nguyên Trưởng phòng thuộc Cục An ninh tiền tệ, Bộ Công an nhắc lại chuyên án đặc biệt mang bí số TG 93 (tức vụ tiền giả năm 1993).
Những người chỉ huy trận đánh ngày đó là Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo và Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Phó tổng cục trưởng An ninh, khi đó là Cục trưởng An ninh Kinh tế trực tiếp đánh án.
Bà Nhàn cho biết một cuộc đấu tranh thầm lặng, gian nan trong một thời gian dài phá án để chống tiền giả tuồn vào nước ta. Bọn chúng tổ chức đường dây tinh vi, đưa từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam 15 tấn tiền, chứa đầy trong 2 container. Một chiến công rất đáng nể phục vì nếu không, số tiền trên sẽ phá hoại kinh tế nước nhà nguy hiểm đến thế nào?
Việc Chính phủ quyết định cho phép in tiền polymer là rất cần thiết khi biên giới của chúng ta còn rất nhiều đường mòn lối mở, rất dễ tuồn tiền giả từ nước ngoài vào.
Trách nhiệm của người cầm bút
Viết sử là phải trung thực. Nếu không, vài chục năm sau, các thế hệ từng thực thi công vụ nói trên không còn nữa, hậu sinh biết gì mà viết ngoài những thông tin trên mặt báo. Họ đâu có biết đã có 14 tờ báo từng có người bị kỷ luật do viết về chuyện này.
Thành công hay khuyết điểm trong lĩnh vực ngân hàng qua chuyện in tiền polymer với nhiều người vẫn chưa được minh bạch. Đó chính là điều cần được “giải mã” khi mà truyền thông đôi lúc đã khiến sự việc trở nên phức tạp không đáng có.
Nhân dịp tháng 5/2021, ngành Ngân hàng sẽ kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển, chúng ta rất cần nhìn lại cho công tâm.
Từ tờ tiền của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (phát hành năm 1945) được in từ giấy rơm cho đến việc in bằng chất liệu polymer của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (17 năm trước - 2003) quả là bước phát triển về công nghệ thật đáng tự hào.
Nguồn: Quốc Phong/vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/bai-hoc-voi-bao-chi-truoc-them-dai-hoi-nhan-17-nam-tien-polymer-698190.html