Cuốn sách của người kể chuyện vũ trụ duyên dáng nhất

Lawrence Maxwell Krauss (sinh năm 1954) là nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học, và là một cây viết tài ba trong việc truyền tải những công thức khoa học đầy rắc rối và phức tạp của vật lý thiên văn trở thành những kiến thức giản dị, dễ hiểu, lôi cuốn với người đọc phổ thông.

Từng là giáo sư vật lý lý thuyết ở các trung tâm nghiên cứu lớn là Đại học Tiểu bang Arizona và Đại học Yale, Krauss luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào phong trào đại chúng hóa khoa học, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục khoa học.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu chuyên ngành của mình, ông là tác giả của nhiều tác phẩm phổ biến khoa học, điển hình như tác phẩm Vũ trụ từ hư không.

Lawrence Krauss đã đưa ra quan điểm khác biệt về cách mọi thứ tồn tại: “Vũ trụ đến từ đâu? Cái gì ở đó trước đó? Tương lai sẽ mang đến điều gì? Và cuối cùng, tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì?".

Đặt tên cho phụ đề của sách bằng một câu hỏi kinh điển đầy thách thức: “Tại sao tồn tại một cái gì đó thay vì không có gì?”, Krauss tham vọng kết nối những phát hiện lớn lao của khoa học hiện đại với một câu hỏi đã gây sự tò mò cho các nhà thần học, triết gia và cả công chúng trong lịch sử.

Cách đặt vấn đề và trình bày của Krauss luôn thể hiện chủ nghĩa mà ông theo đuổi và tôn thờ, chủ nghĩa “nghi ngờ một cách có khoa học”. Câu hỏi “tại sao” đồng nghĩa với câu trả lời “bằng cách nào” hay “như thế nào”. Vậy Krauss trình bày với người đọc về một vũ trụ được sinh ra từ “hư không” như thế nào?

Ông đã bắt đầu câu chuyện cuốn hút của mình bằng chương giải thích ngắn gọn về sự ra đời của thuyết Big Bang, giải thích cặn kẽ về sự giãn nở của vũ trụ với những mô tả về nghiên cứu của Edwin Hubble và cách xác định tuổi của vũ trụ.

Câu chuyện được tiếp tục với những lý giải về việc tìm ra bức xạ nền vi ba – bằng chứng còn sót lại của Big Bang, rồi cùng các nhà vật lý đến với những nghiên cứu “cân vũ trụ” để cố gắng lý giải cho câu hỏi “vũ trụ cong hay phẳng?”, “vũ trụ đóng hay mở” …

Qua 11 chương sách, Lawrence Krauss đã đề cập đến cả một hành trình khám phá vũ trụ đầy ấn tượng mà loài người thực hiện trong lịch sử tiến hóa của mình. Điều đặc biệt là, Krauss với niềm say mê và tài năng của mình đã biến những vấn đề cao siêu, khó nhằn trong vật lý thiên văn trở nên dễ dàng, phổ thông và đầy thú vị với bạn đọc đại chúng.

Lawrence M. Krauss khẳng định rằng khoa học không phải một tín ngưỡng. Các nhà khoa học có niềm tin rằng vũ trụ mang tính khả tri, nhưng điều tuyệt vời nhất là họ luôn sẵn sàng từ bỏ đức tin của mình. Khi đặt ra một vấn đề, họ sẵn sàng thừa nhận là mình sai và rất vui mừng, háo hức được chứng minh điều ngược lại.

Tạp chí khoa học Nature danh tiếng từng ca ngợi Vũ trụ từ hư không, coi Krauss là người kể chuyện vũ trụ duyên dáng nhất.

Clinton Richard Dawkins, một cựu giáo sư Đại học Oxford, một nhà sinh học tiến hóa đã so sánh thành công của cuốn sách này ngang với tác phẩm kinh điển Nguồn gốc các loài của Charles Darwin.

Còn tờ New Scientist thì nhận xét tác phẩm này là Một hướng dẫn tuyệt vời cho chuyến du hành vào vật lý tiên phong… Như Krauss đã chứng tỏ trong cuốn sách Vũ trụ từ hư không, một tiến trình nở rộng đang tăng tốc, thực ra là với toàn bộ sự tồn tại của vũ trụ, lại hầu như được điều khiển bởi ‘hư không’.

Krauss là một nhà thuyết minh ngoại hạng cho những luận điểm khoa học gian nan, và trọng tâm của cuốn sách này, nơi ông thảo luận chúng ta biết gì về lịch sử vũ trụ – và làm thế nào chúng ta biết được điều ấy – được lập luận rất hoàn hảo. Cuốn sách chi tiết nhưng rõ ràng, cặn kẽ nhưng không hề tẻ nhạt…

Không gian và thời gian quả thực có thể đến từ hư không; hư không như Krauss giải thích thật đẹp, là một trạng thái cực kỳ bất ổn từ đó ‘một cái gì đó’ nhất định phải ra đời… Vũ trụ từ hư không là một cuốn sách lớn: đáng đọc, giàu thông tin và đầy tính thời sự”.

Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều các bài báo phổ biến khoa học trên New York Times, Wall Street Journal, Scientific American cũng như hàng loạt bài phát biểu trên những chương trình phát thanh-truyền hình.

Một số cuốn sách khoa học giá trị khác của ông như: The Fifth Essence: The Search for the Dark Matter in the Universe (1989), The Physics of Star Trek (1996), … gần đây nhất là The Greatest Story Ever Told—So Far: Why Are We Here? (2017).  

 Bảo Ngọc

Tin nổi bật