Từ ngữ và nỗi đau

Hai bà cùng xóm ngồi chuyện vãn. Một bà hỏi: “Lúc này con Bảy nhà chị đi đâu mà thấy vắng?”. Bà kia trả lời: “Nó đi giúp việc nhà cho người ta ở trên phố”. Bà kia vọt miệng: “Đi ở đợ thì nói đi ở đợ cho rồi; còn bày đặt nói “đi giúp việc nhà”! Người mẹ có đứa con đi “ở đợ” bỗng nghẹn lời.

Minh họa: Khều

Nói “giúp việc nhà” (gần đây có từ “ôsin” cũng hàm nghĩa tương tự) thay vì nói “ở đợ”, hoặc “làm đầy tớ”, “con đòi”, “con sen” thì có gì sai? Không hề, mà ngược lại nó còn tế nhị và thể hiện một cái nhìn thân thiện với những người nghèo khổ đi làm công việc cực nhọc mà hữu ích này. Cái cách nói trắng, nói huỵch toẹt như vậy trong trường hợp này chỉ bộc lộ một thái độ coi thường, khinh miệt thường thấy trong những xã hội phong kiến, thực dân trước đây hoặc nơi những người ăn nói khinh suất, thiếu cân nhắc, thậm chí có khi là hợm hĩnh.

Cũng vậy, khi người ta gọi những người làm nghề quét rác cho sạch đường phố là “công nhân vệ sinh” thì cái cách nhìn đối với người quét rác đã không còn vẻ coi thường, khinh rẻ, không như khi ta gọi họ là “phu quét đường”, “người quét rác”.

Thực ra, có rất nhiều ví dụ tương tự trong ngôn ngữ xứ mình. Và những cách gọi như thế không phải là một cách tránh né, che giấu cái hèn kém (có nghề nào là hèn kém đâu!) hoặc làm giảm đi nét nghĩa tiêu cực như kiểu nói “điều chỉnh giá xăng dầu, điện nước” nhưng đúng ra phải nói là “tăng giá...”, nói “bệnh tiêu chảy cấp” thay vì “dịch tả”,... mà chính là cách nói tế nhị, thân thiện mà vẫn đúng về mặt ngữ nghĩa. Nó mở ra cho người sử dụng ngôn ngữ những khả năng chọn lựa thích hợp và điều đó cho thấy sự phong phú của tiếng Việt. Ông bà ta chẳng từng dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói...”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đó sao?

Nên cảm ơn những ai đã nghĩ ra những từ ngữ tế nhị và thân thiện như thế. Và cũng nên phát triển những cách gọi như thế.

Tiếc là nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện xu hướng dùng từ cộc lốc, thô nặng. Dường như với nhiều người, sự tế nhị và mềm mại của tiếng Việt là không cần thiết; và khi nói năng, giao tiếp bình thường họ cứ việc giản lược, vật chất hóa thô bạo, ẩu tả, chẳng mảy may nghĩ rằng cách nói và lời lẽ của mình có thể tạo nên nỗi bực dọc, phiền muộn nơi người nghe hay đối tượng được gọi tên. Chẳng hạn, các cụm từ như “xuất khẩu lao động”, “chợ lao động”, “chợ cơ bắp”, “chợ người”... mà giờ đây đã được dùng rất nhiều trong lời ăn tiếng nói hàng ngày và cả trong văn bản.

Trước nay, với từ “xuất khẩu”, ta thường dùng gắn với các loại hàng hóa, vật dụng, nông sản..., chẳng hạn: xuất khẩu lúa gạo, xuất khẩu cao su, xuất khẩu tôm cá, hạt tiêu, hạt điều... Đến khi mở cửa giao thương với thế giới, tổ chức đưa người đi lao động ở các nước, thì sẵn tiện ghép luôn (không rõ ai đã có công sáng chế!) từ “lao động” vào “xuất khẩu”, thành ra cụm từ “xuất khẩu lao động”. Cách gọi như vậy khác nào vô tình đánh đồng người lao động với lúa gạo, cá tôm, cao su, tiêu điều...?

Chính cái cách định danh sai về mặt cấu tạo từ ngữ và cả trong nhận thức, quan niệm này đã dễ dàng dẫn đến những lối nói xấc xược, gây sốc vẫn thường nghe như “đám lao động xuất khẩu”, “bọn lao động xuất khẩu”! Xin nhắc rằng, việc đi lao động nước ngoài để mưu sinh là chuyện bình thường mà hầu như nước nào cũng có và hoạt động đưa người đi lao động nước ngoài đem về nhiều lợi ích cho đất nước.

Người lao động trong nước hoặc ở nước ngoài đều đáng trọng như nhau, trừ phi họ vi phạm pháp luật. Sao không gọi một cách đáng hoàng, tử tế và đúng đắn là “người đi lao động nước ngoài” hoặc “đưa người đi lao động nước ngoài”... Vẫn biết rằng ngôn ngữ vốn có quy luật tiết kiệm (nói tắt, nói gọn), thế nhưng sử dụng ngôn ngữ cần phải có văn hóa, không thể bảo rằng để nói gọn mà ta có thể nói năng thiếu cân nhắc, có thể gây tổn thương người khác. Vả lại, như đã nói, trong nhiều trường hợp cần sự tế nhị, ngôn ngữ sẽ cho ta những lựa chọn thích hợp. Còn với những trường hợp “chợ người”, “chợ lao động”... thì hỡi ơi, nhưng những người lao động nghèo khổ, thất nghiệp bị xô vào cái mà có người vô cảm gọi là “chợ” ấy chính là đồng bào của ta, và biết đâu trong số đó có cả những anh em, bè bạn, bà con sa cơ thất thế của ta! Có cách gọi nào ít đau xót hơn chăng?

Ngôn ngữ gắn với cảm xúc, tư duy. Chính qua lời ăn tiếng nói mà người ta biết được cách nhìn, thái độ và cả trình độ văn hóa của một người hoặc một cộng đồng về những gì đang diễn ra chung quanh.

Theo Công Thắng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin nổi bật