Nghiên cứu phát hành tem bưu chính về Kênh Vĩnh Tế

Bộ tem bưu chính về kênh Vĩnh Tế, con kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam, dự kiến phát hành tháng 5/2024, sẽ góp phần tuyên truyền chủ quyền quốc gia ra thế giới.

Đưa kênh đào lớn nhất thời phong kiến lên tem

Chương trình đề tài tem bưu chính năm 2024 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt đầu tháng 2/2023, với tổng số 13 bộ tem, trong đó có duy nhất một bộ tem kỷ niệm sự kiện, đó là bộ tem “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024)”.

Kênh Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam, là cột mốc lịch sử quan trọng khẳng định ranh giới quốc gia ở phía Nam.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang đã làm việc với Đoàn công tác Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để khảo sát thực tế phục vụ tìm kiếm tư liệu để thiết kế bộ tem này.

Theo nguồn tin từ An Giang, trao đổi tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Bích Vân, Phó Trưởng Ban Tem của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đề nghị các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin, dữ liệu để Đoàn khảo sát hiểu hơn về lịch sử kênh Vĩnh Tế, cũng như những công lao đóng góp của danh thần Thoại Ngọc Hầu trong quá trình đào kênh. Đồng thời hỗ trợ Đoàn đi khảo sát tại Bảo tàng tỉnh An Giang, Lăng Thoại Ngọc Hầu và kênh Vĩnh Tế tại thành phố Châu Đốc để tìm kiếm thêm tư liệu để phác họa được mẫu tem đầy ý nghĩa và giá trị sâu sắc.

Ông Trần Văn Đông, Trưởng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về quá trình xây dựng kênh Vĩnh Tế - con kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam, cũng như những công lao đóng góp và tiểu sử của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Qua đó làm rõ hơn ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của kênh Vĩnh Tế đối với Việt Nam.

Góp phần tuyên truyền chủ quyền quốc gia

Theo tìm hiểu của Báo Bưu điện Việt Nam, việc phát hành bộ tem bưu chính về kênh Vĩnh Tế là một tin vui lớn đối với giới sưu tập tem ở An Giang, đặc biệt là với ông Trần Hữu Huệ, một nhà sưu tập lão thành.

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, ông Trần Hữu Huệ cho biết, từ năm 2010, ông đã từng kiến nghị, đề xuất phát hành tem về kênh Vĩnh Tế và danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Theo ông Huệ, trong công cuộc khai phá miền Hậu Giang (Nam Bộ), việc đào xong kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Sau 3 năm chuẩn bị, nghiên cứu thực địa, nhà doanh điền Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) đã đốc xuất 5.000 công nhân (chiêu mộ từ thường dân cùng binh lính) khởi đào từ ngày rằm tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819). Để hỗ trợ Thoại Ngọc Hầu, Điều bát Nguyễn Văn Tồn đã đưa thêm 5.000 công nhân nữa (gồm người Cao Miên, thường dân và binh lính).

Công việc đào kênh gặp vô vàn khó khăn, thường xuyên phải chiêu mộ thêm người. Mấy năm sau phải đưa thêm 70.000 dân công nữa mới hoàn thành con kênh lịch sử, vừa là con kênh ranh giới. vừa là con kênh thau chua rửa mặn để có thêm một miền Tây Nam bộ dân cư đông đúc, ruộng vườn trù phú. Sau 6 năm, từ năm Kỷ Mão (1919) đến tháng Năm năm Giáp Thân (1824), công trình mới được hoàn thành.

Để vinh danh danh thần Thoại Ngọc Hầu, vua Minh Mạng đã lấy tên phu nhân của ông là Vĩnh Tế để đặt tên cho kênh. Đồng thời khắc, tô hình tượng kênh Vĩnh Tế vào cao đỉnh của một trong chín đỉnh đồng được triều đình nhà Nguyễn đặt trang trọng ở cửa Ngọ Môn (Huế).

“Kênh Vĩnh Tế dài 98,3km là con kênh đào dài nhất đất nước ta. Kinh Vĩnh Tế giúp phát triển kinh tế, mở mang Nam bộ từ một vùng đất hoang vu “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, “Dưới sông sấu quẩy, lên rừng cọp um”, thành một vùng đất nông nghiệp trù phú, vựa lúa lớn của đất nước”. Thời đó, với kỹ thuật thô sơ, chưa có cơ khí, máy móc, thì việc hoàn thành con kênh này là một kỳ tích của nhân dân ta, mà người kiên trì chỉ huy, đốc suất là danh thần Thoại Ngọc Hầu. Ông xứng đáng là một công thần có công mở mang bờ cõi, trị quốc an dân”, ông Trần Hữu Huệ bày tỏ.

Chia sẻ thêm về cảm xúc vui mừng khi sắp có tem bưu chính về kênh Vĩnh Tế, nhà sưu tập lão thành ở An Giang nhấn mạnh: “Bộ tem này sẽ là một kênh hữu hiệu để tuyên truyền, quảng bá về chủ quyền quốc gia. Kênh Vĩnh Tế là cột mốc lịch sử quan trọng khẳng định ranh giới quốc gia ở phía Nam. Bưu chính Việt Nam là thành viên của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), nên khi phát hành, bộ tem sẽ được lưu hành ở các quốc gia thành viên UPU, đồng nghĩa bạn bè quốc tế sẽ có thêm thông tin về chủ quyền biên giới nước ta. Bản thân tôi cũng sẽ dán tem lên bì thư gửi bạn bè trong nước và quốc tế để góp phần giới thiệu về kênh Vĩnh Tế và danh thần Thoại Ngọc Hầu cho nhiều người biết hơn. Ngoài ra, bộ tem về kênh Vĩnh Tế cũng sẽ góp phần quảng bá văn hóa du lịch cho quê hương tôi”.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận là công trình quý giá được sức người tạo nên, khẳng định bờ cõi và khẩn hoang cả vùng Tứ giác Long Xuyên. 

Xuân Bách

Tin nổi bật