Tháp truyền hình có thực sự quan trọng trong truyền hình?
Trong thời đại số hoá truyền hình như hiện nay, tháp truyền hình thực chất chỉ giữ một vai trò rất nhỏ trong việc truyền hình.
Truyền hình ngày này không chỉ là một kênh thông tin truyền thông, mà nó còn giữ những vai trò quan trong trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó có kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Thế nên cũng không khó hiểu khi lĩnh vực này dành được nhiều sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.
Nói như vậy để thấy, lợi ích trước mắt của việc xây dựng tháp truyền hình cao là giúp cho lĩnh vực truyền hình trong khu vực bước lên một tầm cao mới, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực khác. Đó là một mục đích hoàn toàn tốt đẹp và xứng đáng nhận được sự đầu tư, ủng hộ của chính quyền cũng như người dân.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lĩnh vực truyền hình trong nước đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Các công nghệ mới, chính sách mới dần thay đổi nhiều khái niệm cũ kỹ trong lĩnh vực truyền hình. Liệu rằng tháp truyền hình cao có phải là yếu tố quyết định đến chất lượng của truyền hình nữa không?
Câu trả lời là: Không!
Tháp truyền hình dự kiến của Việt Nam. Ảnh: VTV |
Trở lại thời kỳ sơ khai của truyền hình tại nước ta, phương thức phổ biến hồi bấy giờ là truyền hình tương tự (analog). Hình ảnh, âm thanh được truyền bằng hình thức tín hiệu tương tự, không cần mã hoá hay giải mã phức tạp. Tuy vậy, loại tín hiệu này rất dễ bị ảnh hưởng bởi các vật cản hay điều kiện thời tiết, môi trường. Chẳng thế mà có một thời, người dân nước ta đua nhau làm những cột anten thật cao, nhà làm sau phải cao hơn nhà làm trước. Không chỉ để thu được tín hiệu sạch hơn, khoẻ hơn, mà còn được mang danh “cột anten cao nhất xóm”. Nếu xuất hiện ở thời điểm đó, tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam có lẽ sẽ nhận được sự ủng hộ “hai tay hai chân” của người dân.
Thế nhưng nay đã là năm 2015, 5 năm trước thời hạn chính thức khai tử truyền hình tương tự tại nước ta.
Hình ảnh về tháp truyền hình Tokyo Sky Tree tại Nhật Bản. Ảnh: Internet |
Theo một quyết định từ năm 2009 của Thủ tướng về quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình, chỉ tiêu phát triển đến năm 2020 là “từng bước triển khai lộ trình số hóa mạng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất phù hợp với điều kiện thực tế về thiết bị thu truyền hình số của người dân trên từng địa bàn cụ thể. Về cơ bản sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ số khi 95% số hộ gia đình có máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình quảng bá bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng số khác nhau”.
Nói một cách đơn giản, đến năm 2020, nước ta sẽ cơ bản xoá bỏ việc truyền hình bằng sóng tương tự, chuyển toàn bộ sang truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp hoặc truyền hình vệ tinh. Riêng tại Hà Nôi, việc chuyển đổi phương thức truyền hình sẽ hoàn tất từ cuối năm 2016.
Bạn cũng nên quan tâm đến thuật ngữ “DVB-T2”, đây là chuẩn quốc tế về phát sóng số mặt đất, được sử dụng trong truyền hình kĩ thuật số, mang đến chất lượng hình ảnh ở mức HD trở lên. Nếu mua TV trong thời điểm này, hãy nhớ quan tâm đến chi tiết “có tích hợp đầu thu DVB-T2” để TV của bạn không trở thành lạc hậu sau một vài năm nữa.
Nói như vậy không có nghĩa tháp truyền hình khi xây xong sẽ trở nên vô dụng trong truyền hình. Tuy nhiên vai trò của nó sẽ bị thu hẹp rất nhiều.
Chuyện ngoài lề
Tháp truyền hình cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Sky Tree, cao 634 mét. Theo lý giải của đơn vị chủ quản, việc Nhật Bản có quá nhiều nhà cao khiến họ phải xây dựng một tháp truyền hình cao như vậy để đảm bảo việc phát sóng được đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều người Nhật vẫn cho rằng, tháp truyền hình này hoàn toàn không nhằm mục đích phát sóng, mà đơn giản chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
Tương quan các tháp truyền hình trên thế giới. Ảnh: VnExpress |
Lý do kể trên chắc chắn chưa thể mang về giải thích tại Việt Nam, nhưng dẫu sau, đó có thể coi là một bước “đi tắt đón đầu” cẩn thận của VTV để đảm bảo việc phát sóng trong tương lai xa.
Theo TechZ