Syndicate content

Tri thức chuyên ngành

Huawei công bố Sách Trắng thứ hai về “Viễn cảnh anh ninh mạng”

(ICTPress) - Huawei hôm nay 18/10 chính thức công bố Sách trắng về Bảo mật Không gian Mạng (Cyber Security White Paper) tại Hội nghị Seoul về Không Gian Mạng 2013 đang diễn ra tại Hàn Quốc trong hai ngày 17 - 18/10/2013.

Cuốn sách được xây dựng để đưa ra những thảo luận tiếp tục về cách thức ngành công nghiệp ICT toàn cầu có thể giải quyết những thách thức về an ninh mạng. Cụ thể, Sách Trắng này thảo luận về cách thức đưa an ninh mạng trở thành một tế bào DNA của công ty và kêu gọi xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn bảo mật mạng quốc tế chung để triển khai trên toàn cầu. Đây là cuốn Sách trắng thứ hai của Huawei về bảo mật không gian mạng.

Trong cuốn Sách trắng mới nhất có tiêu đề “Viễn cảnh An ninh Mạng” này, Huawei đã cung cấp thêm nhiều nội dung chi tiết về phương pháp bảo mật mạng tổng thể, trong đó bao gồm quan điểm thực tiễn hơn về cách tiếp cận mà Huawei sử dụng để thiết kế, xây dựng và phát triển công nghệ liên quan đến các vấn đề an ninh mạng, bao gồm chiến lược tổng thể và mô hình quản trị, các tiêu chuẩn và quy trình hoạt động hàng ngày của tập đoàn, hệ thống quản lý nhân viên, nghiên cứu và phát triển (R&D), xác thực bảo mật, quản lý nhà cung cấp bên thứ ba, hệ thống sản xuất, phân phối và truy xuất nguồn gốc.

Năm 2012, Huawei đã xuất bản cuốn Sách trắng (White Paper) Bảo mật không gian mạng: Công nghệ và An ninh thế kỷ 21 - một cuộc hôn phối khó khăn. Đây là cuốn sách trắng đầu tiên về chủ đề này, mô tả những thách thức liên quan đến toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau và số hóa trong cuộc sống. Ngoài ra, tài liệu này cũng đưa ra cái nhìn tổng quan về hướng tiếp cận của Huawei đối với hệ thống an ninh mạng và cũng nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác nhằm giảm thiểu rủi ro từ các cuộc tấn công an ninh mạng.

Viễn cảnh an ninh mạng, cuốn Sách trắng thứ hai về bảo mật không gian mạng của Huawei, đưa ra một cái nhìn sâu sắc hơn và mang tính thực tiễn hơn về phương pháp Huawei khiến an ninh thông tin trở thành một phần DNA của mình và nhằm mục đích nâng cao hiểu biết về các chính sách, thủ tục và phương thức chuyển đổi mà các nhà cung cấp đang xem xét trong mối quan hệ với an ninh mạng.

Vấn đề với các tiêu chuẩn là chúng không chuẩn

Khi ngành công nghiệp ICT đua nở về các tiêu chuẩn và nguyên tắc kỹ thuật toàn cầu, thì chính ngành này sẽ phải cùng hợp tác với nhau rất nhiều để đảm bảo lợi ích của xã hội số thông qua các hướng tiếp cận an ninh thông tin chung và tiêu chuẩn hóa để bảo mật.

Một trong số những thách thức lớn nhất mà các nhà cung cấp và người mua các sản phẩm công nghệ phải đối mặt đó là tình trạng dư thừa các tiêu chuẩn và những thực tiễn điển hình nhất liên quan đến an ninh - đây là một thách thức chung và là của cả ngành công nghiệp này.

Định hướng

Các chính phủ, ngành công nghiệp và người sử dụng trên toàn thế giới cần cùng nhau hiểu rõ về cách thức phối hợp với nhau để xác định và đồng thuận về các quy chuẩn, quy phạm mới và riêng biệt về hành vi, tiêu chuẩn và điều luật; và cách chúng ta đảm bảo được quyền riêng tư cũng như an ninh của các hệ thống mạng toàn cầu. Chỉ bằng cách hợp tác toàn cầu, thì các nhà cung cấp, khách hàng và các nhà hoạch định chính sách, pháp luật mới không tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giải quyết các thách thức an ninh mạng toàn cầu.

 Các bước quan trọng tiếp theo trong ngành công nghiệp bao gồm:

- Chia sẻ kiến thức và hiểu biết về cách thức nào có hiệu quả và không hiệu quả để giảm thiểu rủi ro cho mọi người khi sử dụng công nghệ vào những mục đích chưa định trước.

- Phát triển khung kết cấu hệ thống an ninh mạng đồng bộ trên toàn cầu để tránh xảy ra các tranh chấp pháp lý hay xung đột cũng như khuyến khích việc đơn giản hóa các yêu cầu về chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Tạo ra một chương trình đánh giá hợp chuẩn toàn cầu cho các sản phẩm ICT, điều này sẽ góp phần đáng kể làm tăng sức mua của khách hàng đối với các sản phẩm ICT, giúp hình thành các quyết định đúng đắn hơn cũng như khuyến khích nhà sản xuất và nhà cung cấp tạo ra các sản phẩm ít lỗ hổng bảo mật hơn và có tính đảm bảo cao hơn.

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành công nghiệp cần xem xét:

Thách thức về quyền riêng tư trong thế giới số hóa: Bản chất phân phối và xử lý dữ liệu toàn cầu yêu cầu các khung pháp lý vững chắc và tương thích, và các điều luật về công nghệ được thống nhất trên toàn thế giới để hỗ trợ bảo vệ dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp.

Thông qua thực tiễn đánh giá rủi ro: Việc tập trung chiến lược vào hướng tiếp cận quản lý rủi ro cũng như nhận biết thực tế rằng mạng lưới toàn cầu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu đóng vai trò cần thiết tăng cường bảo vệ hệ thống an ninh mạng.

Khách hàng là thượng đế: Người mua công nghệ - là các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng cần sử dụng quyền mua kinh tế để đặt ra thêm các yêu đối với các nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ của họ trong việc bảo mật thông tin.

Ông Ken Hu, Phó Chủ tịch tập đoàn kiêm Chủ tịch Ủy ban An ninh Mạng Toàn cầu, Huawei cho biết: “Chúng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất cứ chỉ đạo hoặc yêu cầu nào từ bất cứ Chính phủ hoặc các cơ quan nhà nước nào về việc thay đổi vị trí, chính sách, thủ tục, phần cứng, phần mềm hay hoạt động thực tiễn của nhân viên hoặc bất cứ vấn đề nào khác của chúng tôi, ngoài những đề nghị chúng tôi cần nâng cao khả năng đảm bảo an ninh mạng tổng thể. Chúng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi chưa bao giờ bị yêu cầu phải cung cấp quyền truy cập vào công nghệ của mình, hoặc cung cấp bất cứ dữ liệu hoặc thông tin nào về bất kỳ công dân hoặc tổ chức nào cho bất cứ Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước nào.”

 Hướng tiếp cận an ninh mạng đầu cuối của Huawei

Câu niệm chú của Huawei với bảo mật không gian mạng là: “Không giả định, Không tin ai và Kiểm tra mọi thứ”

Trong cuốn Sách Trắng này, Huawei cho thấy bản chất cách tiếp cận của mình trong 12 lĩnh vực chính: (1) chiến lược, quản trị và kiểm soát, (2) các quy trình và tiêu chuẩn, (3) các quy định và luật lệ, (4) vấn đề con người, (5) nghiên cứu và phát triển, (6) thẩm tra, (7) quản lý cung ứng từ bên thứ ba, (8) sản xuất, (9) cung cấp các dịch vụ một cách an toàn, (10) giải quyết sự cố, sai sót và vá lỗ hổng bảo mật, (11) truy xuất nguồn gốc, và (12) kiểm toán.

Các hoạt động tiếp theo của Huawei

Huawei có kế hoạch công bố một Danh sách 100 điều các khách hàng phản ánh với Huawei liên quan tới an ninh mạng, với mục đích giúp các tổ chức hiểu rõ hơn các kiểu câu hỏi nên đưa ra và các yêu cầu an ninh mạng nên cân nhắc đưa ra cho các nhà cung cấp xem liệu họ có thể đáp ứng được không.

Viễn cảnh Bảo mật Không gian Mạng (Cyber Security Perspectives) được đồng sáng tạo bởi các giám đốc điều hành của Huawei từ khắp nơi trên thế giới và được chỉnh sửa bởi John Suffolk, Giám đốc An ninh mạng Toàn cầu (GCSO) của Huawei.

Để biết thêm thông tin chi tiết về Sách Trắng, bạn đọc có thể xem tại: http://pr.huawei.com/en/connecting-the-dots/cyber-security/index.htm

XT

Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc CNTT trong CQNN ở Việt Nam

Trong những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước (CQNN) đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả xử lý công việc, quản lý điều hành trong hoạt động của CQNN, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Đóng góp vào thành công bước đầu trên có phần quan trọng của các Giám đốc CNTT (cấp trưởng đơn vị chuyên trách CNTT tại cấp Bộ, Ngành, Địa phương).

Các Giám đốc CNTT đã trực tiếp tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch ứng dụng CNTT; tổ chức triển khai kế hoạch; chỉ đạo xây dựng các quy định, hướng dẫn quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ,... Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu mới trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) thì yêu cầu về năng lực, trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc CNTT của CQNN  phải ngày càng được nâng cao và rõ ràng hơn.

Bài viết trình bày vai trò, chức năng, nhiệm vụ, năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN, đồng thời đề cập những hạn chế còn tồn tại đối với chức danh Giám đốc CNTT trong CQNN ở Việt Nam.

Mở đầu

Hiện nay, ứng dụng CNTT để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, DN là xu hướng tất yếu của các CQNN từ Trung ương (TW) tới địa phương.

Trong giai đoạn vừa qua, ứng dụng CNTT trong CQNN để nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và phục vụ người dân và DN đã đạt được một số thành tựu quan trọng như: đến hết năm 2012, trung bình 89,3% cán bộ công chức ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, 68,2% cán bộ công chức tại CQNN ở các tỉnh thành, phố trực thuộc TW thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc; 83,5% các đơn vị thuộc, trực thuộc của các Bộ, cơ quan quan ngang Bộ, 91,0% các Sở, quận, huyện đã triển khai và sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (Website/Portal) và trên đó cơ bản đã cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản theo quy định, 100% các thủ tục hành chính (dịch vụ công) đã được đăng tải trên Website/Portal, trong đó trên 1.600 dịch vụ công đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 3 để phục vụ người dân và DN [4]. Kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN của Việt Nam đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá xếp thứ 83 trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2012, tăng 7 bậc so với năm 2010 [9].

Mặc dù đã đạt được các thành tựu đáng kể, nhưng công tác triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, cụ thể như: phần lớn các hệ thống ứng dụng CNTT được triển khai độc lập, chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành và địa phương; vẫn còn nhiều sự triển khai trùng lặp, không đồng bộ các hệ thống ứng dụng CNTT từ TW tới địa phương và ngay trong các Bộ, ngành và địa phương;...

Một lý do quan trọng của các hạn chế trên là các CQNN chưa tạo được mối liên kết hài hòa và sự phối hợp, đồng thuận giữa các nguồn lực trong triển khai ứng dụng CNTT. Để giải quyết vấn đề này, ngay từ năm 2000, tại Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu “Trước mắt, mỗi cơ quan Đảng, Nhà nước cấp TW và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách về CNTT” [1]. Đây là tiền đề khẳng định vai trò và sự cần thiết của người Giám đốc CNTT trong CQNN.

Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc CNTT trong CQNN

Từ cuối những năm 1990, trên thế giới, khi phát triển CPĐT là vấn đề được quan tâm hàng đầu cũng là lúc xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn cho các nhà quản lý CNTT. Trong khu vực công, người phụ trách quản lý CNTT chưa đáp ứng được những nhu cầu mới của Chính phủ như giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, phục vụ cho dân tốt hơn để quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Trước nhu cầu đó, khái niệm Lãnh đạo thông tin (Chief Information Officer - CIO) đã xuất hiện.

Về tổng thể, Lãnh đạo thông tin phải là thành viên của ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, có nhiệm vụ quản lý dự án và các khoản đầu tư về CNTT, chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các hệ thống CNTT mới và chính sách phát triển, quy hoạch tổng thể, chiến lược của chương trình CPĐT ở mỗi nước. Chính vì vậy, Lãnh đạo thông tin ở mỗi nước lại có vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và hình thái tổ chức khác nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội, vai trò của Lãnh đạo thông tin đã có sự chuyển dịch từ vai trò chiến thuật sang vai trò chiến lược. Một số ví dụ điển hình như:

Tại Mỹ, Chức danh Lãnh đạo thông tin xuất hiện đầu tiên ở Mỹ và được pháp điển hóa trong Luật Cải cách và quản lý CNTT của Mỹ (Clinger-Cohen Act) vào năm 1996. Luật Clinger-Cohen đã quy định các Bộ và các cơ quan hành pháp phải bổ nhiệm các Lãnh đạo thông tin [6]. Năm 2002, Chính phủ Liên bang Mỹ tiếp tục ban hành Luật CPĐT, trong đó có đề cập đến việc nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như quyền hạn đối với Lãnh đạo thông tin, đồng thời triển khai việc thành lập chức danh Lãnh đạo thông tin trong bộ máy chính quyền tại các bang nhằm thực hiện chính sách đồng bộ hóa trong CPĐT, đạt hiệu quả tối ưu trong khi thi hành chính sách. Luật này đã nêu rõ: (i) Lãnh đạo thông tin giữ vai trò như một nhà tư vấn hỗ trợ thủ trưởng và các cán bộ cao cấp khác của cơ quan để bảo đảm sự sẵn sàng về CNTT và các tài nguyên thông tin. Xây dựng, duy trì và tạo điều kiện cho việc xây dựng một kiến trúc CNTT cho cơ quan. (ii) Lãnh đạo thông tin có trách nhiệm quản lý tài nguyên thông tin; thúc đẩy việc xây dựng triển khai, vận hành hiệu quả tất cả các quy trình quản lý tài nguyên thông tin chính đối với cơ quan, kể cả việc cải tiến các quy trình nghiệp vụ của cơ quan. (iii) Lãnh đạo thông tin có quyền quản lý ngân sách, giám sát và chỉ đạo việc thực hiện những dự án về CPĐT, các kế hoạch liên bộ ngành và các kế hoạch quan trọng có liên quan [7].

Tại Hàn Quốc, các nhiệm vụ chính của Lãnh đạo thông tin trong CQNN từ TW đến địa phương đã được quy định trong Luật về thúc đẩy tin học hoá năm 1996 là: (i) Điều phối chung các kế hoạch, các dự án tin học hóa và việc đánh giá các kết quả đạt được trong việc thúc đẩy tin học hóa. (ii) Xây dựng các chính sách, các kế hoạch và các mối liên kết chúng với công tác tin học hóa; điều phối các chính sách và kế hoạch này khi triển khai thực hiện. (iii) Điều phối chung trong việc mua sắm, phân phối và sử dụng các tài nguyên thông tin; quản lý một cách có hệ thống các tài nguyên thông tin và trong việc xây dựng các kế hoạch sử dụng chung thông tin. (iv) Thúc đẩy việc tin học hóa trong công tác hành chính [5].

Tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có quy định chính thức về chức danh Lãnh đạo thông tin, mặc dù vậy, tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN đã quy định cụ thể về hệ thống chuyên trách về CNTT và Giám đốc CNTT trong CQNN. Theo đó, các Cục, Trung tâm phụ trách CNTT là đơn vị chuyên trách về CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Các Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là đơn vị chuyên trách về CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Thủ trưởng đơn vị chuyên trách về CNTT trong CQNN đảm nhận chức danh Giám đốc CNTT, chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động ứng dụng CNTT. Nghị định cũng đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn chính của Giám đốc CNTT là: (i) Trực tiếp tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch ứng dụng CNTT trong ngành hoặc địa phương; (ii) Tổ chức, điều hành việc triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT được phê duyệt; (iii) Chỉ đạo xây dựng các quy định, hướng dẫn quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ trong ứng dụng CNTT phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định; đề xuất và tham gia chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CNTT; (iv) Tham gia chỉ đạo công tác phối hợp với các CQNN khác trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án ứng dụng CNTT mang tính liên ngành [2].

Như vậy đến nay, tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Giám đốc CNTT đang được coi như một Lãnh đạo thông tin của cơ quan. Để nâng cao vai trò lãnh đạo thông tin của Giám đốc CNTT và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc CNTT của CQNN trong giai đoạn tới nhằm thực hiện thành công việc ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010) và tại Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông (Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010), ngày 10/01/2012, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn về chức trách, nhiệm vụ, năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN.

Tại Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT [3], Bộ TT&TT đã xác định rõ 4 chức trách của Giám đốc CNTT là: (i) Xác định tầm nhìn chiến lược, đổi mới và nâng cao chính sách chiến lược ứng dụng CNTT; (ii) Giữ vai trò đầu mối tổ chức, giám sát việc thực hiện các chính sách chiến lược ứng dụng CNTT; (iii) Đảm bảo áp dụng các giải pháp ứng dụng CNTT vào cơ quan đạt hiệu quả tối ưu và (iv) Phối hợp giữa các đơn vị bên trong, bên ngoài cơ quan, địa phương và các đối tác trong việc tổ chức thực hiện chính sách chiến lược ứng dụng CNTT.

Công văn cũng làm rõ cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc CNTT là: (i) Trực tiếp tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan, địa phương xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan, địa phương; (ii) Tổ chức, điều hành, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT được phê duyệt; (iii) Chịu trách nhiệm xây dựng, mở rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trong cơ quan, trong ngành hoặc địa phương; (iv) Chỉ đạo xây dựng các quy định, hướng dẫn quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ trong ứng dụng CNTT phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định; chỉ đạo xây dựng các chính sách, quy định về an toàn thông tin; đề xuất và tham gia chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CNTT; (v) Là đầu mối, tham gia chỉ đạo, điều phối công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương khác trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án ứng dụng CNTT liên quan nhiều cơ quan, địa phương; tham gia thành viên Ban chỉ đạo CNTT của cơ quan, địa phương; (vi) Thường trực tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan, địa phương trong việc phân bổ ngân sách và điều phối nhân lực cho việc triển khai ứng dụng CNTT và các dự án ứng dụng CNTT chiến lược của ngành hoặc địa phương; (vii) Phối hợp với các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ để tin học hóa các quy trình nghiệp vụ; tham gia thẩm định việc cải tiến các quy trình nghiệp vụ hoặc các quy trình nghiệp vụ mới trong cơ quan, địa phương để đảm bảo các quy trình nghiệp vụ có thể tin học hóa được và (viii) Thường trực tham gia xét phê duyệt các hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT của các đơn vị thuộc cơ quan, địa phương để đảm bảo sự đồng bộ với kế hoạch ứng dụng CNTT tổng thể và phát triển CPĐT của ngành hoặc địa phương.

Yêu cầu năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN

Theo Chương trình đào tạo Lãnh đạo thông tin của của Học viện Lãnh đạo thông tin thuộc Đại học Carnegie Mellon - Mỹ, Lãnh đạo thông tin cần có các kỹ năng và hiểu biết cơ bản về: Xây dựng chính sách, lập kế hoạch chiến lược, quản lý dựa trên kết quả và hiệu quả, cải tiến quy trình, quản lý vốn và đầu tư, kiến trúc và cơ sở hạ tầng, quản trị dự án, đánh giá công nghệ, an toàn thông tin, CPĐT, lãnh đạo, mua sắm [10].

Theo nghiên cứu của Peter LaVoie và Doug Sandova [8], mức độ những kỹ năng quan trọng một Lãnh đạo thông tin cần có như sau:

- Khả năng giao tiếp hiệu quả: 70%

- Tầm nhìn kế hoạch và chiến lược: 59%

- Khả năng lãnh đạo và thúc đẩy nhân viên: 54%

- Hiểu biết quy trình nghiệp vụ: 50%

- Hiểu biết xu thế công nghiệp và chiến lược kinh doanh: 22%

- Hiểu biết lựa chọn công nghệ: 14%

- Kỹ năng đàm phán: 12%

- Am hiểu công nghệ: 12%

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tế của Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT, Bộ TT&TT đã xác định các yêu cầu năng lực cần có của Giám đốc CNTT trong CQNN là [3]:

a. Năng lực quản lý: (i) Có năng lực và kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về CNTT; (ii) Có trình độ và kinh nghiệm về quản lý kiến trúc hạ tầng CNTT và truyền thông; (iii) Thành thạo về chỉ đạo xây dựng và quản lý chiến lược ứng dụng CNTT trong việc xây dựng tầm nhìn, tư duy chiến lược, khả năng phân tích chiến lược; (iv) Có kiến thức về quản lý vốn đầu tư đối với các dự án CNTT (xác định vốn đầu tư, rà soát kế hoạch thu chi trong quá trình thực hiện dự án); (v) Có kiến thức về quản trị dự án CNTT; (vi) Có hiểu biết về cơ cấu tổ chức bộ máy và thể chế hoạt động của hệ thống CQNN.

b. Kỹ năng mềm: (i) Năng lực lãnh đạo: Có tầm nhìn, nhiệt huyết, tự tin, tư duy sáng tạo, công bằng, quyết đoán, có nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp; có khả năng tập hợp nhân lực, phân công, điều phối mọi hoạt động thuộc thẩm quyền trong cơ quan; (ii) Kinh nghiệm ngoại giao: Có khả năng tác động, thuyết phục và tạo được sự đồng thuận giữa các đơn vị trong và ngoài cơ quan để thuận lợi hơn trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ; (iii) Kỹ năng giao tiếp: Có khả năng diễn đạt và giao tiếp hiệu quả, biết cách giải quyết xung đột, có kiến thức chung về quốc tế và thành thạo một ngoại ngữ; (iv) Hiểu biết cơ bản về tài chính - kế toán.

c. Kỹ năng hệ thống, kỹ thuật: (i) Có kiến thức, kinh nghiệm về thiết kế, phát triển hạ tầng CNTT, hệ thống và tích hợp hệ thống ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh thông tin; (ii) Hiểu biết trong việc cải tiến quy trình nghiệp vụ để chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ phù hợp cho việc ứng dụng CNTT.

Kết luận

Trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị nói chung và triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN, hướng tới xây dựng CPĐT nói riêng, các nước đều thống nhất: người Lãnh đạo thông tin là một yếu tố quan trọng để mang lại thành công và hiệu quả của việc triển khai ứng dụng CNTT.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có một quy định cụ thể về chức danh Lãnh đạo thông tin, nhưng các Giám đốc CNTT của CQNN từ TW tới địa phương trong giai đoạn qua đã thực hiện tốt vai trò như một nhà Lãnh đạo thông tin và đã góp phần mang lại thành công bước đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, phục người dân và DN. Tuy nhiên, để khẳng định vai trò của Giám đốc CNTT nhằm thúc đẩy công tác tổ chức triển khai ứng dụng CNTT được mạnh hơn, hiệu quả hơn, rất cần Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, chức danh Giám đốc CNTT và hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thống nhất theo quy định của Nghị định số 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Trước mắt, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ , Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xem xét ban hành quyết định để xác định rõ vai trò, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc CNTT trong toàn cơ quan hoặc địa phương theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT ngày 10/01/2012.

TS. Lê Quốc Hưng

Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT

Tài liệu tham khảo

[1]. Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, 17/10/2000.

[2]. Chính phủ, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, 10/4/2007.

[3]. Bộ Thông tin và Truyền thông, Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn về chức trách, nhiệm vụ, năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN, 10/01/2012.

[4]. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo ứng dụng CNTT năm 2012, tháng 7/2013.

[5]. CAO HỒNG THẮNG, Báo cáo đề tài cấp Bộ nghiên cứu, đề xuất khung chương trình đào tạo lãnh đạo thông tin (CIO) trong cơ quan nhà nước, Mã số: 23-06-KHKT-RD, tháng 01/2007.

[6]. USA, Information technology management and Reform Act (Clinger-Cohen Act), 1996.

[7]. USA, E-Government Act, 2002.

[8]. PETER LAVOIE and DOUG SANDOVAL, “The Role of the CIO”, UNLV Executive MBA Program, 28/10/2006.

[9]. United Nations, E-Government Survey 2012 (www.unpan.org/e-government), 2012.

[10]. Carnegie Mellon CIO Institute (www.heinz.cmu.edu/cioi).

NeXtScal - Giải pháp cho các yêu cầu công việc có tốc độ rất nhanh

(ICTPress) - Tại hội thảo “Giải pháp dành cho Dữ liệu lớn & Ứng dụng Điện toán chuyên sâu” vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, IBM đã giới thiệu với thị trường Việt Nam hệ thống NeXtScale SystemTM - một nền tảng điện toán linh hoạt mới với khả năng cung cấp số lõi xử lý nhiều gấp 3 lần so với các máy chủ một đơn vị tủ rack hiện tại.

Hệ thống NeXtScale

NeXtScale SystemTM là giải pháp lý tưởng dành cho các tổ chức và doanh nghiệp (DN) Việt Nam đòi hỏi các tải công việc có tốc độ phát triển rất nhanh như môi trường truyền thông xã hội, môi trường phân tích dữ liệu, điện toán kỹ thuật và điện toán đám mây.

Hiện nay, những tải công việc và mô hình điện toán có tốc độ phát triển nhanh đang đặt ra nhu cầu ngày một cao hơn đối với các trung tâm dữ liệu, khiến DN không ngừng tìm kiếm những công nghệ mới có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó với mức hiệu suất cao nhất nhưng lại chỉ tiêu thụ điện năng ở mức thấp nhất nhằm nâng cao hiệu quả và hạ thấp chi phí. NeXtScale là sự bổ sung mới cho danh mục giải pháp x86 của IBM, được thiết kế đặc biệt để chạy các ứng dụng với sức mạnh của một siêu máy tính trong bất kỳ trung tâm dữ liệu nào, thông qua một kiến trúc đơn giản, linh hoạt và đặc biệt có tính mở nhằm hỗ trợ các lựa chọn về tính toán, lưu trữ cũng như khả năng tăng tốc xử lý đồ họa.

NeXtScale tích hợp tới 84 hệ thống x86 và 2.016 lõi xử lý trong một tủ rack 19-inch theo tiêu chuẩn của EIA (Electronic Industries Alliance), cho phép DN dễ dàng tích hợp nó vào trong bất kỳ trung tâm dữ liệu nào. Hệ thống này sử dụng các cấu phần theo tiêu chuẩn công nghiệp, bao gồm các thẻ mở rộng (card I/O) và bộ chuyển mạch mạng top-of-rack để đảm bảo độ linh hoạt trong lựa chọn và đơn giản hóa việc triển khai áp dụng. IBM còn cung cấp một bộ giải pháp phần mềm chạy trên hệ thống NeXtScale, bao gồm IBM General Parallel File System (Hệ thống tập tin song song chung của IBM), GPFS Storage Server (Máy chủ Lưu trữ GPFS), xCAT và Điện toán nền tảng (Platform Computing), cung cấp các công cụ lập lịch và quản lý tối ưu hóa mạnh mẽ.

Thiết kế của hệ thống NeXtScale có thể giúp DN quản lý tốt hơn các hoạt động và chi phí đầu tư ban đầu bằng cách cho phép họ tối đa hóa sức mạnh tính toán trong một không gian tối thiểu của các trung tâm dữ liệu. Nhờ có kiểu dáng phù hợp với tủ rack tiêu chuẩn và việc sử dụng rộng rãi các cấu phần theo tiêu chuẩn ngành, các đối tác kinh doanh của IBM giờ đây có thể cung cấp công nghệ điện toán hiệu năng cao của IBM cho rất nhiều đối tượng người dùng khác nhau. 

"NeXtScale được thiết kế để cung cấp thông lượng và hiệu suất cao, và được định vị tốt để xử lý các tải công việc điện toán hiệu năng cao (HPC), điện toán đám mây, điện toán lưới cũng như các tải công việc hosting được quản lý. Ngoài ra, hệ thống mới này còn cung cấp cho khách hàng độ linh hoạt rất cao về phương diện cấu hình và lựa chọn các cấu phần, biến nó trở thành một nền tảng có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam," ông Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc phụ trách kinh doanh hệ thống System x tại IBM Việt Nam chia sẻ.

 Hệ thống NeXtScale rất phù hợp với:

- Các trung tâm dữ liệu lớn có đòi hỏi hiệu suất, mật độ, quy mô và khả năng mở rộng;

- Các cơ sở hạ tầng điện toán đám mây riêng, công cộng và điện toán đám mây lai;

- Các ứng dụng phân tích dữ liệu như quản lý quan hệ khách hàng, tối ưu hóa hoạt động, quản lý rủi ro/tài chính và các mô hình kinh doanh mới

- Các ứng dụng trong môi trường Internet như game online và phát trực tiếp nội dung video (video streaming);

- Các ứng dụng hình ảnh có độ phân giải cao, bao gồm từ hình ảnh y tế cho đến hình ảnh thăm dò dầu khí;

- Những sử dụng của các "phòng ban" trong đó một giải pháp nhỏ cũng có thể làm tăng tốc độ dự báo kết quả, phân tích kỹ thuật, thiết kế và mô hình hóa.

Máy chủ x3650 M4 HD

Cũng trong hội thảo, IBM còn giới thiệu máy chủ x3650 M4 HD, một phiên bản cải tiến của dòng máy chủ x3650 M4 được trang bị cấu hình lưu trữ RAID 12 Gigabit và tốc độ vòng quay cao hơn tới 60% để đạt được mật độ lưu trữ và hiệu năng mở rộng I/O cao hơn, lần đầu tiên được trang bị cho dòng sản phẩm này, biến nó trở thành giải pháp lý tưởng dành cho các ứng dụng như dữ liệu lớn và các tải công việc kinh doanh quan trọng.

 

NeXtScale được trang bị các bộ vi xử lý x86 nhanh nhất trong ngành và bộ nhớ 1866 MHz siêu nhanh, đồng thời có thể được tích hợp vào các trung tâm dữ liệu hoặc các cơ sở hạ tầng CNTT của các phòng ban, bao gồm cả những môi trường đang sử dụng điện nguồn có dải điện áp từ 100-127V. NeXtScale đã được phê duyệt để hoạt động trong các trung tâm dữ liệu có nhiệt độ cao hơn (lên đến 40oC/104oF), qua đó làm giảm yêu cầu về làm mát và hạ thấp hơn nữa chi phí hoạt động cho người dùng. Khái niệm mở rộng nguyên bản (Native Expansion) của NeXtScale cho phép người dùng bổ sung thêm các chức năng thông thường như lưu trữ, tăng tốc đồ họa hoặc đồng xử lý, ở vào thời điểm giao hàng hoặc trong tương lai. Đi cùng với NeXtScale là các bộ giải pháp khởi đầu mới, giúp người dùng cấu hình nhiều giải pháp HPC và môi trường điện toán đám mây nhỏ của các phòng ban một cách dễ dàng hơn, ví dụ: các công cụ ANSYS, MPI-BLAST và OpenStack (các phần mềm chuyên dụng tính toán và phân tích dữ liệu).

Được thiết kế linh hoạt, DN có thể dễ dàng triển khai NeXtScale dưới dạng một nút tính toán duy nhất, một chassis trống hoặc đã được cấu hình, hoặc một tủ rack dưới dạng một giải pháp ghép nhóm thông minh của IBM. Với công nghệ ghép nhóm thông minh, NeXtScale được chuyển đến địa điểm của DN dưới dạng một giải pháp đã được lắp trong tủ rack, đã được đi cáp và gán nhãn bằng cơ chế đặt tên do người sử dụng quy định, kèm theo hoạt động kiểm thử tích hợp đã được hoàn thành và DN chỉ cần bật nguồn. Điều đó có thể rút ngắn tới 75% thời gian cho hoạt động sản xuất, và đồng thời làm giảm đáng kể lượng bao bì phế thải cho DN.

X.T

Qualcomm Vuforia Smart Terrain - giải pháp tạo đột phá về trải nghiệm game di động

(ICTPress) - Qualcomm đã trình diễn tại Hội nghị Hệ sinh thái Không dây Uplinq™ 2013 năng lực giải pháp Smart Terrain™ (Địa hình thông minh) dành cho nền tảng Qualcomm Vuforia™.

Qualcomm Vuforia là một sản phẩm của Qualcomm Technologies, Inc., công ty con thuộc Qualcomm. Vuforia là một nền tảng phần mềm hàng đầu trong ngành, cung cấp cho các ứng dụng khả năng biết quan sát sự vật và đã hỗ trợ hơn 5.500 ứng dụng trên các nền tảng Android và iOS.

Smart Terrain là một năng lực quan sát sự vật mang tính đột phá, hỗ trợ một cấp độ mới về thực tại ảo và tương tác trong những trải nghiệm chơi game di động thực tại ảo. Các ứng dụng được hỗ trợ bởi Vuforia giờ đây có thể cho phép người dùng tạo ra không gian chơi game của riêng mình và tương tác với thế giới vật lý theo những cách thức hoàn toàn mới nhờ khả năng cho phép các yếu tố vật lý của trò chơi ứng dụng các bề mặt và đối tượng của thế giới thực. Trải nghiệm của trò chơi tích hợp các bề mặt và các đối tượng vật lý thực tế mà các nhân vật trong trò chơi có thể di chuyển xung quanh, cho phép chúng va chạm hoặc nhảy qua các đối tượng khác nhau hoặc thậm chí là rơi khỏi mép một chiếc bàn.

Bạn có thể xem video dưới đây:

"Vuforia Smart Terrain tạo ra những hiệu ứng đặc biệt giống như trong phim ảnh cho hoạt động chơi game di động theo một cách thức mới, kết hợp giữa hoạt động chơi game kỹ thuật số với thế giới vật chất", ông Jay Wright, Phó chủ tịch Quản lý sản phẩm của Qualcomm Technologies, Inc. cho biết.

Vạch ra một tầm nhìn về tương lai của Smart Terrain tại Uplinq, Tổng Giám đốc điều hành Qualcomm, ông Paul Jacobs đã trình diễn về Smart Terrain với một bộ cảm biến 3D PrimeSense Capri, cho phép các thiết bị kỹ thuật số có khả năng quan sát một hình ảnh trong không gian ba chiều.

Giám đốc điều hành PrimeSense, ông Inon Beracha cho biết: Việc mở rộng nền tảng Vuforia với bộ cảm biến chiều sâu PrimeSense Capri, được thiết kế đặc biệt để nhúng vào trong các thiết bị cầm tay, đã hiện thực hóa những trải nghiệm chơi game chưa từng có.

Nhóm nghiên cứu Vuforia còn hợp tác với Công ty Behaviour Interactive Inc. trong việc phát triển các trò chơi được trình diễn tại Hội nghị Uplinq. Behaviour là một tổ chức phát triển game với 21 năm kinh nghiệm cung cấp các game hàng đầu trong ngành. "Sự hợp tác giữa Behavioir với công ty hàng đầu trong ngành là Qualcomm Technologies, chính là một cơ hội tuyệt vời để phát triển những gì mới nhất trong các sản phẩm đỉnh cao, phản ánh tầm nhìn tương lai với khả năng tạo ra những đột phá mang tính cách mạng trong ngành công nghiệp của chúng ta," Ông Rémi Racine, Chủ tịch kiêm Giám đốc sản xuất của Behaviour phát biểu.

Smart Terrain sẽ sẵn sàng vào mùa xuân năm 2014 với khả năng hỗ trợ cảm biến chiều sâu Capri PrimeSense™.

QA

Chuẩn đầu ra Tin học và Ngoại ngữ: Những bài học kinh nghiệm

(ICTPress) - Với mục đích mang đến các cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh khu vực phía Bắc những thông tin cập nhật nhất về thực trạng và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cũng như tin học của giáo viên, sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế, IIG Việt Nam phối hợp với Đại học (ĐH) Thái Nguyên vừa tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuẩn hóa năng lực tiếng Anh và tin học cho sinh viên tốt nghiệp và công chức”.

ĐH Thái Nguyên, Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS), Microsoft Việt Nam, các Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực Trung Du Miền Núi Phía Bắc, các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS tại khu vực Thái Nguyên và các tỉnh lân cận cũng như  đông đảo sinh viên của các trường thành viên trực thuộc ĐH Thái Nguyên đã tham dự Hội thảo này.

Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (QTKD), ĐH Thái Nguyên là một trường đã có quá trình triển khai chuẩn đầu ra ngoại ngữ TOEIC, chuẩn đầu ra tin học IC3.

Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và QTKD, ĐH Thái Nguyên, ông Trần Chí Thiện đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong triển khai TOEIC & IC3 tại ĐH Kinh tế và QTKD mà các trường có thể tham khảo:

Sự cần thiết phải ban hành chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp về ngoại ngữ và tin học

Trường ĐH Kinh tế và QTKD (TUEBA) là một trường thành viên thuộc ĐH Thái Nguyên hiện đang đào tạo 17 chuyên ngành ở bậc đại học, 3 chuyên ngành ở bậc thạc sỹ và 1 chuyên ngành ở bậc tiến sỹ. Số lượng sinh viên chính quy của Nhà trường là hơn 11.000 sinh viên trong đó có 9000 sinh viên ĐH, 1200 học viên cao học, 51 nghiên cứu sinh và gần 500 sinh viên liên kết đào tạo quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp ĐH Kinh tế và QTKD làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế từ trung ương đến các địa phương trong cả nước.

Năm 2015, Cộng đồng ASEAN bắt đầu hoạt động, sẽ có sự dịch chuyển lao động một cách tự do giữa các nước ASEAN. Để cạnh tranh bình đẳng với lực lượng lao động đến từ các quốc gia khác, ngay trên sân nhà, lao động Việt Nam ngoài kiến thức chuyên môn và các kỹ năng nghề nghiệp, còn cần phải có năng lực ngoại ngữ và tin học tốt. ĐH Kinh tế và QTKD đảm bảo chắc chắn rằng các sinh viên tốt nghiệp phải đạt tới một trình độ cụ thể, có thể đo lường được về Ngoại ngữ và Tin học, để họ đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, tất yếu phải có chuẩn đầu ra quốc tế về ngoại ngữ và tin học.

Tại sao lựa chọn chuẩn tiếng Anh TOEIC và chuẩn Tin học IC3?

Ngay từ năm 2008, Nhà trường đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho sinh viên trong đó có đề cập đến việc sinh viên tốt nghiệp tốt ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn, còn phải đạt chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ và Tin học.

Tại thời điểm này, chuẩn ngoại ngữ được chọn là chuẩn tiếng Anh TOEIC và chuẩn tin học được chọn là chứng chỉ tin học B do Microsoft IT Academy cấp.

Đối với chuẩn Ngoại ngữ: Bài thi TOEIC được chọn làm bài thi đánh giá kỹ năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên TUEBA vì đây là bài thi tiếng Anh sử dụng cho đối tượng là người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp. Bài thi TOEIC đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế. Bài thi TOEIC là một chuẩn tiếng Anh được quốc tế công nhận rộng rãi, có thang điểm rộng có thể đánh giá mọi trình độ sử dụng Anh ngữ. Ưu điểm của bài thi TOEIC là đánh giá chính xác, khách quan, tổ chức thi thuận tiện, chi phí hợp lý và tính bảo mật cao.

Đối với chuẩn Tin học: Để đo lường kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm máy tính cơ bản cần có một bài thi đánh giá đảm bảo tính khách quan và chính xác kiến thức và kỹ năng của người học. Tại thời điểm này, chuẩn tin học A, B, C của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành từ những năm 2000 chưa được cập nhật và sửa đổi, không đáp ứng được việc đánh giá chính xác kỹ năng tin học của người học. Nhà trường tại thời điểm đó là thành viên của Microsoft IT Academy nên đã chọn bài thi tin học do Microsoft IT Academy tổ chức và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, năm 2010,  sau khi tham gia Hội thảo quốc tế về chuẩn kiến thức CNTT và truyền thông lần thứ nhất do IIG Việt Nam tổ chức tại Hà Nội có đại diện Certiport Hoa kỳ tham dự, Nhà trường đã chuyển sang chọn bài thi tin học IC3 làm chuẩn đánh giá kỹ năng sử dụng tin học của sinh viên tốt nghiệp. Bởi vì, bài thi IC3 đánh giá được toàn diện các kiến thức và kỹ năng căn bản về công nghệ thông tin, như hệ điều hành, các phần mềm văn phòng cơ bản như Microsoft Word, Excel, Power Point, khai thác và sử dụng Internet, rất phù hợp với sinh viên các chuyên ngành kinh tế.

Chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường đã  xây dựng và chính thức áp dụng cho sinh viên nhập trường năm 2009 (tốt nghiệp năm 2013). Trong đó, công bố, các sinh viên tốt nghiệp giai đoạn  2013 đến 2015 phải đạt TOEIC 450 điểm, từ giai đoạn 2016 đến 2020 đạt TOEIC 500 điểm, từ giai đoạn 2021 đến 2025 đạt TOEIC 550 điểm và tốt nghiệp sau 2025 đạt TOEIC 500 điểm. Đây là một lựa chọn công bố chuẩn hợp lý vì Nhà trường đã tính đến khả năng cụ thể của sinh viên cũng như yêu cầu của thị trường lao động để chọn một lộ trình hợp lý.

Như vậy,  việc chọn bài thi TOEIC để đánh giá kiến thức kỹ năng sử dụng tiếng Anh và bài thi IC3 để đánh giá kiến thức và kỹ năng CNTT của sinh viên tốt nghiệp của ĐH Kinh tế và QTKD là do tính khách quan, tính được công nhận rộng rãi cũng như dễ triển khai của các bài thi này.

Quá trình áp dụng chuẩn đầu ra Ngoại ngữ TOEIC và Tin học IC3

Sau khi công bố chuẩn đầu ra, Nhà trường đã tiến hành nhiều hoạt động để tổ chức thực hiện thắng lợi chuẩn đầu ra đã công bố trong đó có việc thực hiện giảng dạy và tổ chức thi các bài thi TOEIC và IC3. Từ năm 2008, Nhà trường đã cử 15 giảng viên của bộ môn Ngoại ngữ tham gia tập huấn giảng dạy tiếng Anh theo định hướng TOEIC tại IIG Việt Nam, tham gia tập huấn xây dựng và triển khai bài thi TOEIC trên mạng máy tính tại Trường ĐH Ngoại thương. Các giảng viên được tham gia tập huấn đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng bài giảng, xây dựng các bài kiểm tra học kỳ theo định hướng TOEIC tại trường.

Song song với việc đào tạo giảng viên, năm 2011 trường đã hợp tác toàn diện với IIG Việt Nam để IIG Việt nam giúp đỡ Nhà trường về tập huấn giảng viên, tổ chức thi TOEIC cho sinh viên và kiểm tra tiếng Anh cho học viên cao học của Nhà trường. Tháng 3/2012, IIG Việt Nam đã ký văn bản công nhận Trường ĐH Kinh tế và QTKD là đối tác vàng để triển khai các bài thi tin học và ngoại ngữ  tại Trường cho sinh viên với nhiều ưu đãi về lệ phí thi.

Về Tin học, cuối năm 2011, IIG Việt Nam tổ chức kỳ thi tin học IC3 cho giảng viên các trường ĐH và cao đẳng, Nhà trường đã cử 10 giảng viên của bộ môn tin học tham dự và đến đầu năm 2012, Phòng máy tính của Nhà trường đã được IIG Việt Nam công nhận là đủ điều kiện để trở thành một điểm thi (testsite) để tổ chức kỳ thi tin học quốc tế.

Về chương trình đào tạo, ngay từ khi xây dựng chương trình môn học tin học đại cương, Nhà trường đã định hướng nội dung của môn học này phải bao gồm các kiến thức và kỹ năng cơ bản mà người học phải đạt được về công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, nội dung của môn tin học đại cương của Nhà trường bao gồm các kiến thức về máy tính cơ bản, các phần mềm văn phòng cơ bản và khai thác sử dụng Internet. Nhìn chung, chương trình môn tin học đại cương của Nhà trường đã được thiết kế phù hợp với nội dung của giáo trình IC3. Sau này, nhiều sinh viên của Nhà trường không cần phải học thêm vẫn có thể tham gia thi IC3 đạt kết quả tốt. Tháng 6/2012, Nhà trường đã mua bộ giáo trình IC3 của công ty IIG Việt Nam để làm tài liệu giảng dạy cho các lớp ngắn hạn của Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học của Nhà trường.

Ngoài việc tổ chức đào tạo giảng viên, xây dựng chương trình, mua sắm giáo trình và xây dựng cơ sở vật chất, Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ sinh viên có cơ hội tham gia thi và lấy chứng chỉ TOEIC, chứng chỉ IC3. Trung tâm Hợp tác quốc tế về Đào tạo và Du học, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học của Nhà trường đã mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho các sinh viên có nhu cầu theo học. Chỉ tính riêng năm 2012, đã mở được 6 lớp bồi dưỡng IC3 và 14 lớp bồi dưỡng TOEIC cho sinh viên với số lượng hàng trăm sinh viên tham gia.

Về tuyên truyền chuẩn đầu ra, ngoài việc phổ biến bằng văn bản, đăng thông tin trên website, Nhà trường còn tổ chức cho đội ngũ cố vấn học tập phổ biến đến các lớp sinh viên vào các buổi sinh hoạt lớp.

Song song với các hoạt động đó, Nhà trường cũng tổ chức hội thảo về chuẩn đầu ra tin học, ngoại ngữ với IIG Việt Nam tháng 3/2012 để nâng cao nhận thức của sinh viên Nhà trường về sự cần thiết áp dụng chuẩn đầu ra tin học ngoại ngữ bằng các bài thi quốc tế. Các tổ chức trong Nhà trường cũng tiến hành  nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người học. Đoàn TNCS HCM, Hội sinh viên đã có cuộc thi tìm hiểu về chuẩn đầu ra TOEIC và IC3 tháng 10/2012. Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học đã cấp 2 suất học bổng toàn phần theo học lớp TOEIC và 2 suất học bổng toàn phần theo học lớp IC3 tại trung tâm cho sinh viên Nhà trường.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia các bài thi TOEIC, IC3, tháng 10/2012, Nhà trường đã được IIG Việt Nam chỉ định làm đơn vị duy nhất có quền triển khai tổ chức bài thi IC3 tại Thái Nguyên.

Kết quả thực hiện, nguyên nhân

Sau 3 năm tích cực triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ cả về đào tạo giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cả người học và cán bộ giảng viên trong Nhà trường, kết quả triển khai việc thực hiện đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học bằng các bài thi quốc tế tại Trường đã đạt được các kết quả sau:

Về Tin học: hiện tại 90% sinh viên tốt nghiệp năm 2013 đã thi đạt chứng chỉ IC3 trong đó 88% thí sinh thi đạt chứng chỉ IC3 ngay từ vòng thi đầu tiên. Đối với các thí sinh chưa thi đạt có thể tham gia thi vòng 2 ngay sau đó. Đối với một số sinh viên muốn tự học và tham gia thi, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tổ chức các buổi phụ đạo, hướng dẫn để sinh viên tự tin tham gia thi. Nhiều sinh viên muốn tham gia thi làm nhiều giai đoạn, mỗi lầm chỉ thi một module cũng được tạo điều kiện thuận lợi. Đến nay, sinh viên trong toàn Trường đã hiểu và thực hiện tốt bài thi IC3.

Đối với Ngoại ngữ: Tháng 3/2013, Nhà trường quyết định chưa áp dụng  chuẩn đầu ra ngoại ngữ với các sinh viên hệ cử tuyển, các sinh viên có hộ khẩu thuộc vùng sâu vùng xa, các đối tượng theo nghị quyết 30A của Chính phủ. Tính đến thời điểm này mới chỉ có khoảng 50 sinh viên có kết quả TOEIC đạt 450 điểm trở lên. Trước tình hình đó, tháng 5/2013 Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường đã quyết định hạ chuẩn đầu ra ngoại ngữ thành TOEIC 400 điểm. Kết quả là đợt xét tốt nghiệp đầu tiên tháng 6/2012 có 80 sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong tháng 5 và tháng 6/2013, nhiều sinh viên đã tích cực học ôn và tham gia thi TOEIC. Đến nay, số sinh viên có kết quả TOEIC đạt 400 trở lên là gần 300 sinh viên. So với tổng số sinh viên cần phải đạt chuẩn đầu ra để tốt nghiệp, con số này đạt 42%.

Nhà trường tin rằng số sinh viên còn lại trong ít tháng nữa sẽ  đạt được TOEIC 400 điểm để có thể nhận bằng tốt nghiệp. Bởi lẽ, một số sinh viên chăm chỉ trên thực tế đạt được điểm khá cao 700 - 800 điểm.

Đối với các sinh viên tốt nghiệp năm 2014, Nhà trường vẫn yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ vẫn phải đạt 450 điểm TOEIC như đã công bố. Nếu các em tích cực chuẩn bị, các em hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu này.

Như vậy, đối với chuẩn đầu ra về tin học Nhà trường đã thành công trong việc lựa chọn và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên đối với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tại sao như vậy?

Thứ nhất, để có kiến thức và kỹ năng sử dụng một ngoại ngữ đạt một trình độ nhất định (B1 khung châu Âu, 450 điểm TOEIC…) đòi hỏi phải có một quá trình học tập và rèn luyện bền bỉ, lâu dài. Sinh viên của Nhà trường đa số xuất thân từ các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Trước khi vào trường, mặt bằng về trình độ ngoại ngữ của sinh viên còn rất thấp. Kết quả khảo sát kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên nhập trường năm 2012 cho thấy 79% sinh viên nhập trường có kết quả kiểm tra TOEIC đạt dưới 250 điểm.

Thứ hai, nhiều sinh viên chủ quan, không tin là Nhà trường sẽ  quyết tâm thực hiện chuẩn đầu ra. Bởi lẽ, đến nay, tại Thái  Nguyên, mới chỉ có ĐH Kinh tế và QTKD là đơn vị duy nhất đã công bố chuẩn ngoại ngữ và tin học bằng các bài thi quốc tế nên các em còn chủ quan và cho rằng Nhà trường chưa chắc đã thực hiện  điều mà chưa ai thực hiện ở khu vực miền núi trung du phía Bắc.

Thứ ba, TOEIC và IC3 là các chứng chỉ còn mới, chưa được thị trường lao động ở các tỉnh trung du và miền núi biết đến một cách rộng rãi. Về ngoại ngữ, thị trường lao động chỉ quen với chứng chỉ ngoại ngữ, A, B, C của Bộ GD&ĐT, chứng chỉ TOEFL, IELTS. Về tin học, thị trường lao động mới chỉ quen với chứng chỉ tin học A, B, C của Bộ GD&ĐT. Một số sinh viên của ĐH Kinh tế và QTKD đi xin việc nộp chửng chỉ TOEIC và IC3 bị nhà tuyển dụng không công nhận.

Bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn triển khai chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học bằng các bài thi TOEIC và IC3 quốc tế  tại ĐH Kinh tế và QTKD, một số bài học kinh nghiệm ban đầu được rút ra như sau:

Một là, cần làm cho toàn thể cán bộ viên chức và sinh viên nhận thức sâu sắc rằng xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học là một đòi hỏi tất yếu của thời đại hội nhập quốc tế, nhất là khi Cộng đồng ASEAN bắt đầu hoạt động vào năm 2015, đảm bảo cho người lao động đủ sức hội nhập và cạnh tranh quốc tế, để khỏi bị đánh bại ngay trên sân nhà.

Hai là, việc chọn bài thi quốc tế TOEIC và IC3 để đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học là cần thiết, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thị trường lao động do tính phổ biến, khách quan và được quốc tế công nhận rộng rãi. Quy trình triển khai chuẩn đầu ra cần có lộ trình phù hợp với thực trạng, trình độ ngoại ngữ tin học của người học cũng như nhận thức của cán bộ giảng viên và sinh viên trong toàn trường.

Ba là, cần có sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn thể cán bộ giảng viên và nhân viên, cần huy động cả hệ thống chính trị trong Nhà trường để tuyên truyền về tính thiết yếu của việc sử dụng  bài thi TOEIC và IC3 trong đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học để tuyên truyền cho sinh viên và tham gia tổ chức thực hiện.

Bốn là, việc thực hiện chuẩn đầu ra cần phải tiến hành đồng bộ trong tất cả các trường trong toàn ĐH Thái Nguyên để toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong toàn ĐH hiểu rõ và đồng tâm thực hiện.

Năm là, cần tuyên truyền rộng rãi để các nhà tuyển dụng khu vực trung du miền núi phía Bắc hiểu về ý nghĩa của chuẩn Tiếng Anh TOEIC và chuẩn Tin học IC3 quốc tế, tin tưởng và chấp nhận cấc chứng chỉ này nhằm giúp sinh viên gặp thuận lợi khi sử dụng các chứng chỉ này để xin việc

Ngoài ra, Nhà trường đã tuyên bố đồng thời áp dụng áp dụng chuẩn ngoại ngữ, tin học đối với cán bộ giảng viên, để chính cán bộ, giảng viên sẽ trở thành những tấm gương sáng về học tập Ngoại ngữ và Tin học để sinh viên noi theo./.

Khám phá thêm 8 tính năng mới hữu ích của iOS 7

(ICTPress) - iOS 7 đã xuất hiện trên iPhone và iPad tháng trước và không chỉ là thiết kế hoàn toàn mới, mà còn nhiều diện mạo, tính năng, và khả năng mới. Chúng ta đã từng biết về một số tính năng ưa thích trong iOS 7.

Và còn một số tính năng còn ẩn giấy của iOS 7 mà chưa được khám phá và đề cập.

Các tính năng này khá thú vị vì nó là các phím tắt đã tạo nên một trải nghiệm hiệu quả hơn với iOS 7.

1. Điều khiển cả trung tâm điều khiển

Trung tâm điều khiển (Control Center) thật “khủng”. Thực tế là một trong những tính năng của iOS 7. Vấn đề là có thể dễ dàng kéo lên Trung tâm này nếu bạn muốn trượt nhanh qua một danh sách trong một ứng dụng hay ở các game nhất định.

May mắn, Apple đã thiết kế thuận tiện để hủy Control Center ngay bên trong các ứng dụng.

Để làm việc này vào Settings > Control Center và sau đó bật hoặc tắt "Access Within Apps". Nếu bạn tắt, bạn có thể kéo Control Center lên bên trong các ứng dụng, nhưng bạn vẫn có thể truy cập vào màn hình chính.

2. Tự động tập trung vào nút chụp (shutter) (chỉ trên iPhone 5S)

iPhone 5S mới có rất nhiều tính năng mượt mà, trong đó có khả năng kích hoạt tiêu cự tự động mà không cần chạm màn hình. Chỉ cần nhấp nút volume tăng và ô hình vuông tiêu cự tự động sẽ xuất hiện.

Không may, là tính năng này chỉ hoạt động trên iPhone 5S (ít nhất là cho tới khám phá hiện nay), nhưng đây mà một trong những thủ thuật làm cho iPhone giống với máy ảnh nhấn và chụp thông thường hơn nhiều.

3. Burst Mode cho các nút ảnh (tất cả các thiết bị)

Một tính năng ảnh mà không hạn chế chỉ cho iPhone 5S là khả năng chụp liên tục bằng cách nhấp và nút volume lên hay xuống trong ứng dụng máy ảnh. Nhấp và giữ và chuẩn bị máy ảnh để chụp liên tục.

Để rõ ràng, điều này không giống với tính năng như là Burst Mode trên iPhone 5S - tính năng này không chỉ cho chụp nhiều, iOS 7 cho phép bạn một cách rõ ràng để chọn những ảnh bạn muốn giữ. Như vậy, đây là tính năng tuyệt vời cho những ai muốn chụp nhiều ảnh cùng một lúc.

4. Gõ .com chỉ cần nhấp phím "." (chấm)

Phàn nàn lớn nhất với iOS 7 là không còn nút “.com” bên trong Safari. Thanh ghép mới để cho tìm kiếm và gõ URL (hay trở lại thanh ghép nếu bạn đã có lưu lịch sử chính xác).

Thay vào đó, bạn có thể đơn giản gõ và giữ phím “.” Và một .com, .net., .us và .edu xuất hiện. Thật là tuyệt vời.

Macworld sẽ chi tiế nhiều hơn về các bí mật của bàn phím iOS 7.

5. Dấu móc lửng nhanh trên bàn phím iPad

Nói về các tính năng bàn phím, ở iOS 7 trên iPad, bạn có thể nhanh chóng gõ phím dấu móc lửng (dấu lược) và giữ nút phẩy lửng này. Dễ dàng hơn để sử dụng mẫu chính xác của "it's" khi gõ. Thực sự đây là tính năng mới mẻ của iOS 7. Bạn hãy trải nghiệm.

6. Nhìn nhanh tin nhắn và thư

Đây là một tính năng còn ẩn giấu. Chúng ta đã có thể biết iOS 7 có thể nhận biết hiệu lệnh nhiều hơn các phiên bản trước của iOS 7. Một trong những tính năng thú vị mà Apple thiết kế là trượt lên và xuống trong các ứng dụng nhắn tin.

Nếu bạn đang ở trong thư điện tử trong ứng dụng thư hay xem các trao đổi trong iMessage, bạn có thể trượt sang bên phải để nhìn nhanh danh sách tin nhắn phía dưới.

Những người hâm mộ BlackBerry 10 có thể nhận thấy điều này tương tự như cách nhìn và theo các tính năng chạy trên Z10.

7. Tạo các sự kiện mới trên Ngày, thời gian trên iMessage

Một trong những tính năng ưa thích trên OS X là cách thông minh mà bạn có thể sáng tạo ra các cuộc hẹn gặp hay nhập lịch trình được dựa trên chữ bên trong thư điện tử hay trên một trang web. Hiện tại, chức năng này còn hơn thế trong iOS 7.

Bên trong iMessages, gõ gì đó như “ăn tối với A vào ngày thứ 7” sẽ gạch chân “ngày thứ 7”. Gõ vào chữ bộ đậm và bạn có thể tạo một sự kiện với chủ đề đó.

8. Xem những nơi hay đến

Tính năng này có thể trượt qua dòng trượt, nhưng chúng ta có thể thấy khá mượt. Bạn có thể xem một bản đồ những khu vực chúng ta hay tới gần đây bằng cách vào Settings > Privacy > Location Services > System Services (cuộn tất cả xuống để xem các dịch vụ của hệ thống) > Frequent Locations.

Khi tính năng này bật, bạn có thể xem lịch sử vị trí của bạn trên bản đồ. Bạn có thể lựa chọn sử dụng các vị trí thường xuyên để cải tiến các bản đồ Apple. Rõ ràng bởi vì iOS 7 sẽ hiểu các phần vị trí của bạn và mang đến những gợi ý dự báo tốt hơn về việc bạn mất bao lâu để tới cuộc hẹn tiếp theo.

QM

Nguồn: Mashable

Snapdragon được trang bị cho các dòng máy tính bảng tốt nhất

(ICTPress) - Những máy tính bảng được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon mới được ra mắt gần đây nhất của Amazon, đó là Kindle Fire HDX 7Kindle Fire HDX 8.9. Cả hai mẫu máy tính bảng này đều được trang bị Snapdragon 800 của Qualcomm với hiệu năng xử lý cao gấp 3 lần so với thế hệ trước.

Kindle HDX

Qualcomm thực hiện việc này với mong muốn tiếp tục mở rộng sự hiện diện của mình trên các thiết bị khác cũng như tham gia xây dựng hệ sinh thái máy tính bảng.

Qualcomm đã và đang là “trái tim” của thiết bị di động trong hơn 25 năm qua và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc định nghĩa lại điện toán. Snapdragon được dùng để trang bị cho các dòng máy tính bảng tốt nhất trên thị trường hiện nay như Google Nexus 7, Sony Xperia Tablet Z, Lenovo IdeaPad S2110, Samsung Galaxy Tab, và gần đây nhất là Kindle Fire. Qualcomm tiếp tục khẳng định rằng tất cả công nghệ trang bị cho smartphone, máy tính bảng ngày nay sẽ tác động đến tất cả các thiết bị điện tử về sau.

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao ngày càng nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lựa chọn Qualcomm thay cho các nhà sản xuất chipset khác trong cuộc đua phát triển máy tính bảng? Các thông tin kỹ thuật chi tiết dưới đây về khả năng hỗ trợ của Snapdragon 800 trên các máy tính bảng nói trên để minh chứng cho sự phổ biến của Snapdragon.

Video HD và âm thanh vòm:

Về phương diện giải trí, Kindle HDX được tích hợp bộ vi xử lý Snapdragon 800 giúp cho việc truyền dữ liệu video HD thông suốt và đạt hiệu quả với hiệu ứng âm thanh vòm Dolby 5.1 nhờ vào công nghệ xử lý tín hiệu DSP được tích hợp trên chipset Snapdragon .

Công nghệ Snapdragon Studio Access được tích hợp chuyên sâu cho cả ứng dụng Instant Video của Amazon và Netflix, đảm bảo người dùng có thể truy cập được tất cả các bộ  phim và ứng dụng giải trí tốt nhất ngay cả khi tải xuống để xem offline, với bộ vi xử lý Snapdragon, các đoạn video sẽ được phát lại với chất lượng tốt nhất qua màn hình độ phân giải cao.

Người dùng thậm chí có thể chia sẻ phim ảnh và video thông qua cáp HDMI hoặc nhanh hơn nữa là thông qua giao thức truyền nội dung không dây Miracast kết nối với TV.

Khả năng kết nối

Wi-Fi băng tầng kép và kết nối 3G/4G LTE, kết hợp với sự tối ưu hóa trình duyệt web của Snapdragon biến những dòng máy tính bảng mới này thành những cỗ máy lướt web mạnh mẽ.

Người dùng có thể kết nối với mạng 4G LTE cực nhanh hoặc Wi-Fi ở bất cứ nơi đâu nhờ vào tính năng tăng cường băng thông giúp cho việc tải dữ liệu về nhanh chóng, hiệu quả mà không gặp phải hiện tượng ngắt quãng hay các vấn đề tương tự.

Hiệu suất của máy với thời lượng pin kéo dài

Giúp truy cập vào kho ứng dụng sách, nhạc, phim ảnh, trò chơi của Amazon trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhờ vào giao diện người dùng đồ họa nâng cao của hệ điều hành Fire mới, tận dụng được tối đa hỗ trợ đa nhiêm và đồ họa của Snapdragon để tạo ra một giao diện đẹp, di chuyển nhanh, mượt mà, trực quan sinh động với độ phân giải cao.

Bộ vi xử lý đồ họa Adreno 330 được tích hợp trên Snapdragon 800 bên trong Kindle fire HDX mang đến cho người dùng những trải nghiệm trò chơi thú vị với hiệu suất đồ họa tăng gấp 4 lần so với thế hệ  Kindle Fire HD trước.

Kindle HDX có thời lượng pin kéo dài cả ngày, đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng của người dùng nhờ vào hiệu quả năng lượng tuyệt vời của bộ vi xử lý Snapdragon 800.

X.T

5 lỗi iOS 7 và cách khắc phục

(ICTPress) - Phiên bản mới của hệ điều hành di động của Apple, iOS 7, được tung ra ngày 18/9 được đánh giá là cập nhật tích cực nhất.

Đây là phiên bản thay đổi lớn nhất đối với iOS kể từ khi được giới thiệu 6 năm trước, đã “đại tu” toàn diện để bổ sung một loạt tính năng mới và một diện mạo trực tuyến, phẳng, trừu tượng hóa hơn.

Nhưng không ai hoàn hảo?

Không khác thường đối với các hệ điều hành mới có những điều chưa được trôi chảy ở những ngày mới tung ra. Không ai nói về bất cứ sự biến động lớn nào vào lúc này, như sự cố bản đồ của Apple trên iOS 6 dẫn tới việc Tim Cook phải có lời xin lỗi hiếm hoi - và dẫn tới việc ra đi của phó tổng giám đốc cấp cao của Apple Scott Forstall.

Nhưng vài tuần xuất hiện, iOS 7 đã nhận được những phàn nàn từ phía người sử dụng. Dưới đây là 5 vấn đề được than phiền nhiều nhất cùng với cách làm thế nào để khắc phục, hoặc ít nhất là vượt qua các vấn đề này.

Lỗi iMessage

Apple cho biết đã nhận thấy một vấn đề là nhắn tin được gửi qua ứng dụng iMessage không đến với một số người sử dụng.

Trong các bảng tin nhắn Apple khác nhau, những người sử dụng iOS 7 đã phàn nàn về việc họ gửi một tin nhắn được thấy là đã được gửi đi thành công, sau khi nhìn lại đã thấy một dấu cảm thán đỏ chỉ ra rằng tin nhắn thực tế chưa được gửi.

Chúng tôi nhận thấy vấn đề chỉ ảnh hưởng đến một phần rất nhỏ của 1% những người sử dụng iMessage, và chúng tôi đã sửa chữa trong cập nhật phần mềm sắp tới. Trong lúc đó, chúng tôi khuyến khích bất cứ người sử dụng nào gặp vấn đề có thể tham chiếu đến các văn bản giải đáp lỗi hay liên hệ với AppleCare để được trợ giúp giải quyết vấn đề. Chúng tôi xin lỗi về bất cứ phiền phức nào ảnh hưởng tới người sử dụng”, Apple cho biết trong một thông báo được gửi thư điện tử tới các báo.

Cách giải quyết? Cho tới khi cập nhật được triển khai, một số người sử dụng cho biết họ đã có thể loại bỏ vấn đề bằng cách tắt điện thoại và khởi động lại.

“Ốm” vì hình ảnh hoạt hình

Một số người cho biết họ đã “ốm” vì iOS 7. Theo nghĩa đen.

Những người sử dụng iPhone và iPad, hoặc ít nhất vài người trong số họ, cho biết họ đang gặp phải các triệu chứng giống như cảm giác không được khỏe khi nhìn các hình ảnh hoạt hình iOS 7. Trong hệ thống mới, các hình phóng to, thu nhỏ khi người sử dụng chuyển đổi giữa các ứng dụng.

Như Tạp chí TIME than phiền như não sẽ không ổn định khi mắt cố gắng tập trung vào các hình ảnh thay đổi - như khi bạn đang ở trên một con thuyền đang dập dềnh hay một xe ô tô đang chạy và cố gắng đọc một cái gì đó không chuyển động, như một cuốn sách.

Cách giải quyết? Người sử dụng có thể vào “Cài đặt” (Settings), sau đó vào “Cài đặt chung” (General) và tiếp đến là vào “Trợ năng” (Accessibility). Nhấp vào “Thu phóng” (Reduce Motion) để tắt chế độ phóng to/thu nhỏ.

Ngốn pin

Đây là vấn đề được nhiều người sử dụng than phiền nhất về những điện thoại cũ hơn như iPhone 4S. Đơn giản, họ cho biết iOS 7 “ngốn” pin nhanh hơn cả iOS 6.

Một yếu tố có thể là iOS 7 mở rộng khả năng để chạy các ứng dụng trên nền trong khi tập trung vào tác vụ khác.

Cách giải quyết? Lại vào “Cài đặt” và “Cài đặt chung”, nhưng sau đó chọn Làm mới ứng dụng trong nền ("Background App Refresh"). Từ đây, bạn có thể chọn những ứng dụng nào bạn muốn chạy trên nền và ứng dụng nào bạn không muốn.

Cũng có những bước tiết kiệm pin khá phổ biến, như làm tối màn hình và chắc chắn là mọi thứ như GPS và Bluetooth được tắt khi bạn không sử dụng đến chúng.

Một số ứng dụng tự thoát ra

Đây là điều bạn phải tự quan tâm theo thời gian.

Khi Apple cập nhật hệ điều hành mới, các ứng dụng tùy thuộc vào các phần của hệ điều hành (như máy ảnh) cũng phải cập nhật. Cho tới khi các ứng dụng có thể, các ứng dụng đôi khi đẩy người sử dụng ra. Trên các bản tin nhắn của Apple, người sử dụng đang đề cập các ứng dụng như Snapchat và Mailbox như là những ứng dụng gặp lỗi thường xuyên.

Cách giải quyết: một số nhà phát triển đã rỡ các sản phẩm của họ và các sửa chữa khác đang thực hiện. Nhưng nếu bạn vẫn gặp các lỗi, bạn có thể vào "Settings," "General" và "Background App Refresh" lần nữa. Tắt bất cứ ứng dụng nào mà bạn đang gặp lỗi.

Khóa trượt màn hình

Việc này đã được giải quyết trên cập nhật iOS 7 từ Apple chỉ vài ngày sau hệ điều hành mới được triển khai.

Một vài ngày đầu tiên, iPhone và iPad rõ ràng gặp vấn đề ở một ví dụ cụ thể. Nếu người sử dụng đang chạy ứng dụng máy ảnh và Control Center được kích hoạt trên các màn khóa của họ, có một vài bước mà một số người thực hiện để mở khóa điện thoại của họ.

Nhưng cập nhật iOS 7.0.2 được tung ra ngày 26/9 “đã giải quyết các lỗi cho phép mọi người bỏ qua mã khóa màn hình”, theo Apple.

QM

Theo CNN

Hồ sơ Facebook của bạn nói gì về tính cách của bạn?

(ICTPress) - Các cập nhật trạng thái của bạn thực sự nói gì về bạn?

Trong một nghiên cứu được xuất bản tuần trước tại PLOS ONE, các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania đã nghiên cứu ngôn ngữ được sử dụng trong 75.000 hồ sơ Facebook. Họ tìm thấy những khác biệt ở các độ tuổi, giới tính và những tính cách nhất định. Điều này cho phép nhóm nghiên cứu do nhà khoa học máy tính và CNTT H. Andrew Schwartz đứng đầu, thực hiện những dự báo về hồ sơ của từng người.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy họ có thể dự báo giới tính của một người sử dụng chính xác tới 92%. Họ cũng dự báo đội tuổi của một người sử dụng.

Cho tới nay, đây là một nghiên cứu lớn nhất kiểu này. Quy mô của nghiên cứu này cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng một “phương pháp từ vựng mở” - cho phép dữ liệu tìm kiếm từ hoặc cụm từ nào được đánh giá quan trọng nhất. Phần lớn các nghiên cứu phụ thuộc vào một phương pháp từ vựng đóng, sử dụng các danh sách các từ liên quan được thiết lập từ trước. Kỹ thuật này buộc các nhà nghiên cứu các đánh dấu đặc điểm mà họ đã biết chứ không phải khám phá những đánh dấu mới.

Sự khác nhau về giới tính trên mạng xã hội

“Việc nhóm các từ tự động vào các chủ đề rõ ràng cho phép một người có thể khám phá ra các tiêu chí mà trước đây đã không thể đoán trước. Phương pháp từ vựng mở xem xét tất cả các từ xuất hiện và do vậy có thể điều chỉnh khá tốt theo ngôn ngữ mới trên mạng xã hội và các thể loại khác”, các tác giả cho biết.

Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm tới việc sử dụng phương pháp này để quyết định các tính cách của người sử dụng. Từng người tham gia đã điền một bảng câu hỏi, trả lời 5 tính cách cá nhân lớn: hướng ngoại, tính dễ chịu, lương tâm, nhạy cảm và sự cởi mở. Các nhà nghiên cứu sau đó xem xét các cập nhật hồ sơ đối với ngôn ngữ được sắp xếp cùng với các điểm số kiểm tra của người tham gia nghiên cứu, tập trung vào các từ và các cụm từ thành các đám mây từ ngữ.

Một số ngôn ngữ đồng nhất với các nghiên cứu tâm lý học trước đây. Ví dụ, người hướng ngoại khác hẳn với người hướng ngoại hay sử dụng từ “party” (bữa tiệc) và người nhạy cảm thích sử dụng từ “depressed” (buồn phiền) nhiều hơn.

Nhưng các phát hiện khác cũng khá nhiều điểm mới. Những người nội tâm thích nói về truyền thông Nhật Bản như “anime” và “manga” (phim hoạt hình) và những người ít nhạy cảm hơn đã đề cập các sự kiện xã hội như “vacation” (kỳ nghỉ), “church” (nhà thờ) và “sports” (thể thao) nhiều hơn. Những người ít cởi mở thường dùng từ viết tắt như “2day” hay “ur”.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sử dụng những phát hiện này để nghiên cứu kỹ hơn những loại hình vi nào hình thành những kiểu người khác nhau.

“Khi tôi tự hỏi một người hướng ngoại là như thế nào? Thế nào là một cô gái tuổi teen? Người bị bệnh tâm thần phân liệt hay nhạy cảm là người thế nào? Hay sẽ thế nào khi 70 tuổi?”, những đám mây từ ngữ xuất hiện gần với trọng tâm vấn đề hơn là làm tất cả các bản câu hỏi không tồn tại”, đồng tác giả Martin Seligman cho biết trong một công bố.

QM

Theo MIT Technology Review

8 tivi thông minh bạn có thể mua

(ICTPress) - Tivi thông minh đã trở nên phổ biến hơn khi công nghệ trở nên rẻ hơn và hiện hữu rộng rãi hơn.

Những tivi kết nối web này được đóng gói cùng với các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến như NetflixHulu, có nghĩa là bạn không cần mua một hộp riêng như tivi Apple hay Roku.

Nhưng mỗi nhà sản xuất lại có ưu điểm riêng về smart TV mà bạn có thể xem xét lựa chọn.

Samsung LED F8000 - một trong những sản phẩm hàng đầu của Samsung trong năm 2013

Ảnh: Will Wei/Business Insider

Samsung gần đây đã công bố dòng sản phẩm tivi thông minh 2013 của công ty này.

Công nghệ tivi thông minh của Samsung là khá tiên tiến. Người sử dụng có thể tương tác với tivi của mình nhờ thoại, ra hiệu hay điều khiển từ xa.

Những điều gì làm cho các mẫu 2013 của Samsung nổi bật, đó là phần mềm lắp trong gọi là khuyến nghị S, giúp bạn tìm những chương trình để xem và máy ảnh web tích hợp và các bộ cảm biến điều khiển hành động và giọng nói.

Giá:  LED F8000 có 3 kích thước: 46 inch, 55 inch, và 65 inch, và giá 2.199 USD, 2.699 USD, và 2.999 USD.

Tivi thông minh Plasma 2013 của Samsung - sản phẩm hàng đầu khác của công ty này

Ảnh: Samsung

Tivi hàng 2013 hàng đầu khác của Samsung là F8500 Plasma. 

Samsung hứa hẹn F8500 sẽ mang tới chất lượng hình ảnh tuyệt hảo với màu đen sâu và sáng.

F8500 sẽ có các cấp độ sáng tương tự và 8 lần trình diễn đen so với tivi LED thông thường, như có những cải tiến độ chói mới và thuật toán đen sâu độc quyền của Samsung và Real Black Pro II để thể hiện màu đen cải tiến.

Ngoài các đặc điểm phần cứng, F8500 cũng có tất cả các phần mềm tivi thông minh hiện tại của Samsung. Người sử dụng sẽ phải truy cập SmartHub, 5 thanh công cụ mà tivi này trình chiếu: what's on TV, Movies và TV Shows, Photos (Ảnh), Videos, và Music (Âm nhạc), Social (Xã hội), và Apps (Ứng dụng).

Ngoài các hub trực giác này, truyền hình có thể mang đến cho người xem các khuyến nghị tùy chỉnh đối với những gì họ thích và bạn có thể “nói” với tivi để chuyển kênh sang ESPN chẳng hạn.

Bạn có thể mua tivi này từ cuối tháng 3 vừa rồi.

Giá: Loại tivi này có 2 kích thước: 60 inch và 64 inch, với giá 3.199 và 3.699 USD.

Ảnh: Best Buy

Tivi thông minh LED 60-inch 3D của LG dễ thiết lập và có điều khiển từ xa thần kỳ "Magic Remote"

Các tivi thông minh của LG là một trong những sản phẩm tiên tiến. Chiếc tivi nào cũng có WiFi và điều khiển từ xa thần kỳ.

Điều khiển này cho phép bạn đơn giản ra hiệu hay click trong khi trình duyệt Internet hay sử dụng LG Dashboard để quản lý các ứng dụng và nội dung.

Tivi thông minh Aquos của Sharp với hàng tá kích thước, vừa với bất cứ phòng khách nào

Dòng sản phẩm tivi thông minh của Sharp được trang bị tất các các dịch vụ và ứng dụng trực tuyến như Netflix, Hulu Plus, và Skype.

Tivi thông minh của Sharp cũng có trình duyệt web lắp trong và tất nhiên cả WiFi. Trong khi giao diện của Sharp trông không trong như của Samsung và LG, thì vẫn khá dễ dàng để bạn dò tìm.

Một ưu điểm của dòng tivi này là có thể tự động cập nhật qua di động, do đó bạn sẽ luôn có những tính năng tốt nhất.

Gia: Dòng tivi thông minh của Sharp bắt đầu với giá 699,99 USD cho model 42 inch và lên tới 10.999,99 cho model 90 inch.

Dòng tivi thông minh của Vizio có giá hợp lý nhất

Dòng Vizio M-Series có vẻ đẹp gần như không có khung và thanh mảnh.

Ngoài chất lượng hình ảnh thú vị nhờ ánh sáng sau LED Razor, Vizio có một loạt ứng dụng cải tiến như Amazon Instant, Netflix, YouTube, một trình duyệt web và nhiều nữa.

Tivi này có WiFi như điều khiển từ xa toàn cầu WiFi trực tiếp với các chìa backilit để cho phép điều khiển nhiều hơn nữa toàn bộ nhà hát tại gia này.

Giá: khởi điểm từ 299,99 USD cho 32-inch và lên tới 1.400 USD cho 65-inch.

Panasonic mang tới trải nghiệm tivi cá thể hóa nhất

Trải nghiệm tivi thông minh cá thể hóa của Panasonic bắt đầu với màn hình hiển thị lịch làm việc của bạn, thời tiết địa phương, các ghi nhớ và nội dung ưa thích. Các ứng dụng, trình duyệt web và các bức ảnh và video chỉ cần cú click. Bạn cũng có thể điều khiển bằng giọng nói.

Giao diện tivi thông minh của Panasonic giúp dễ dàng chia sẻ và truyền video, ảnh, nội dung âm nhạc và các trang web giữa tivi và các thiết bị thông minh bằng cách kết nối các smartphone và các thiết bị máy tính bảng đến tivi.

Vizio có tivi thông minh lớn nhất cho giá trị tốt nhất

Tivi thông minh 70-inch 1080p Razor LED  của Vizio sẽ mang lại cho bạn một tivi khá lớn với giá khá thấp.

Ngoài WiFi và một điều khiển từ xa bằng bàn phím QWERTY lắp trong, giao diện thông minh của Vizio cho phép bạn truy cập hàng tá ứng dụng, một trình duyệt web và nhiều nữa.

Giá: từ Amazon xấp xỉ 1.600 USD.

Tivi thông minh 85-inch UN85S9 của Samsung

Tivi 4K này dự định ra mắt cuối năm nay.

Chiếc tivi này sử dụng công nghệ HD thế hệ kế tiếp được gọi là “siêu HD” hay 4K, có nghĩa là 4000 điểm ảnh từ bên này sang bên kia trên tivi.

Ngoài phần cứng ấn tượng, tivi UHD này có phần mềm mới nhất như công nghệ khuyến nghị S của Samsung cho phép xem các khuyến nghị trong khi xem theo thời gian.

QM