Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc CNTT trong CQNN ở Việt Nam

Trong những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước (CQNN) đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả xử lý công việc, quản lý điều hành trong hoạt động của CQNN, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Đóng góp vào thành công bước đầu trên có phần quan trọng của các Giám đốc CNTT (cấp trưởng đơn vị chuyên trách CNTT tại cấp Bộ, Ngành, Địa phương).

Các Giám đốc CNTT đã trực tiếp tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch ứng dụng CNTT; tổ chức triển khai kế hoạch; chỉ đạo xây dựng các quy định, hướng dẫn quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ,... Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu mới trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) thì yêu cầu về năng lực, trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc CNTT của CQNN  phải ngày càng được nâng cao và rõ ràng hơn.

Bài viết trình bày vai trò, chức năng, nhiệm vụ, năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN, đồng thời đề cập những hạn chế còn tồn tại đối với chức danh Giám đốc CNTT trong CQNN ở Việt Nam.

Mở đầu

Hiện nay, ứng dụng CNTT để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, DN là xu hướng tất yếu của các CQNN từ Trung ương (TW) tới địa phương.

Trong giai đoạn vừa qua, ứng dụng CNTT trong CQNN để nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và phục vụ người dân và DN đã đạt được một số thành tựu quan trọng như: đến hết năm 2012, trung bình 89,3% cán bộ công chức ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, 68,2% cán bộ công chức tại CQNN ở các tỉnh thành, phố trực thuộc TW thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc; 83,5% các đơn vị thuộc, trực thuộc của các Bộ, cơ quan quan ngang Bộ, 91,0% các Sở, quận, huyện đã triển khai và sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (Website/Portal) và trên đó cơ bản đã cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản theo quy định, 100% các thủ tục hành chính (dịch vụ công) đã được đăng tải trên Website/Portal, trong đó trên 1.600 dịch vụ công đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 3 để phục vụ người dân và DN [4]. Kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN của Việt Nam đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá xếp thứ 83 trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2012, tăng 7 bậc so với năm 2010 [9].

Mặc dù đã đạt được các thành tựu đáng kể, nhưng công tác triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, cụ thể như: phần lớn các hệ thống ứng dụng CNTT được triển khai độc lập, chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành và địa phương; vẫn còn nhiều sự triển khai trùng lặp, không đồng bộ các hệ thống ứng dụng CNTT từ TW tới địa phương và ngay trong các Bộ, ngành và địa phương;...

Một lý do quan trọng của các hạn chế trên là các CQNN chưa tạo được mối liên kết hài hòa và sự phối hợp, đồng thuận giữa các nguồn lực trong triển khai ứng dụng CNTT. Để giải quyết vấn đề này, ngay từ năm 2000, tại Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu “Trước mắt, mỗi cơ quan Đảng, Nhà nước cấp TW và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách về CNTT” [1]. Đây là tiền đề khẳng định vai trò và sự cần thiết của người Giám đốc CNTT trong CQNN.

Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc CNTT trong CQNN

Từ cuối những năm 1990, trên thế giới, khi phát triển CPĐT là vấn đề được quan tâm hàng đầu cũng là lúc xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn cho các nhà quản lý CNTT. Trong khu vực công, người phụ trách quản lý CNTT chưa đáp ứng được những nhu cầu mới của Chính phủ như giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, phục vụ cho dân tốt hơn để quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Trước nhu cầu đó, khái niệm Lãnh đạo thông tin (Chief Information Officer - CIO) đã xuất hiện.

Về tổng thể, Lãnh đạo thông tin phải là thành viên của ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, có nhiệm vụ quản lý dự án và các khoản đầu tư về CNTT, chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các hệ thống CNTT mới và chính sách phát triển, quy hoạch tổng thể, chiến lược của chương trình CPĐT ở mỗi nước. Chính vì vậy, Lãnh đạo thông tin ở mỗi nước lại có vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và hình thái tổ chức khác nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội, vai trò của Lãnh đạo thông tin đã có sự chuyển dịch từ vai trò chiến thuật sang vai trò chiến lược. Một số ví dụ điển hình như:

Tại Mỹ, Chức danh Lãnh đạo thông tin xuất hiện đầu tiên ở Mỹ và được pháp điển hóa trong Luật Cải cách và quản lý CNTT của Mỹ (Clinger-Cohen Act) vào năm 1996. Luật Clinger-Cohen đã quy định các Bộ và các cơ quan hành pháp phải bổ nhiệm các Lãnh đạo thông tin [6]. Năm 2002, Chính phủ Liên bang Mỹ tiếp tục ban hành Luật CPĐT, trong đó có đề cập đến việc nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như quyền hạn đối với Lãnh đạo thông tin, đồng thời triển khai việc thành lập chức danh Lãnh đạo thông tin trong bộ máy chính quyền tại các bang nhằm thực hiện chính sách đồng bộ hóa trong CPĐT, đạt hiệu quả tối ưu trong khi thi hành chính sách. Luật này đã nêu rõ: (i) Lãnh đạo thông tin giữ vai trò như một nhà tư vấn hỗ trợ thủ trưởng và các cán bộ cao cấp khác của cơ quan để bảo đảm sự sẵn sàng về CNTT và các tài nguyên thông tin. Xây dựng, duy trì và tạo điều kiện cho việc xây dựng một kiến trúc CNTT cho cơ quan. (ii) Lãnh đạo thông tin có trách nhiệm quản lý tài nguyên thông tin; thúc đẩy việc xây dựng triển khai, vận hành hiệu quả tất cả các quy trình quản lý tài nguyên thông tin chính đối với cơ quan, kể cả việc cải tiến các quy trình nghiệp vụ của cơ quan. (iii) Lãnh đạo thông tin có quyền quản lý ngân sách, giám sát và chỉ đạo việc thực hiện những dự án về CPĐT, các kế hoạch liên bộ ngành và các kế hoạch quan trọng có liên quan [7].

Tại Hàn Quốc, các nhiệm vụ chính của Lãnh đạo thông tin trong CQNN từ TW đến địa phương đã được quy định trong Luật về thúc đẩy tin học hoá năm 1996 là: (i) Điều phối chung các kế hoạch, các dự án tin học hóa và việc đánh giá các kết quả đạt được trong việc thúc đẩy tin học hóa. (ii) Xây dựng các chính sách, các kế hoạch và các mối liên kết chúng với công tác tin học hóa; điều phối các chính sách và kế hoạch này khi triển khai thực hiện. (iii) Điều phối chung trong việc mua sắm, phân phối và sử dụng các tài nguyên thông tin; quản lý một cách có hệ thống các tài nguyên thông tin và trong việc xây dựng các kế hoạch sử dụng chung thông tin. (iv) Thúc đẩy việc tin học hóa trong công tác hành chính [5].

Tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có quy định chính thức về chức danh Lãnh đạo thông tin, mặc dù vậy, tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN đã quy định cụ thể về hệ thống chuyên trách về CNTT và Giám đốc CNTT trong CQNN. Theo đó, các Cục, Trung tâm phụ trách CNTT là đơn vị chuyên trách về CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Các Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là đơn vị chuyên trách về CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Thủ trưởng đơn vị chuyên trách về CNTT trong CQNN đảm nhận chức danh Giám đốc CNTT, chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động ứng dụng CNTT. Nghị định cũng đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn chính của Giám đốc CNTT là: (i) Trực tiếp tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch ứng dụng CNTT trong ngành hoặc địa phương; (ii) Tổ chức, điều hành việc triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT được phê duyệt; (iii) Chỉ đạo xây dựng các quy định, hướng dẫn quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ trong ứng dụng CNTT phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định; đề xuất và tham gia chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CNTT; (iv) Tham gia chỉ đạo công tác phối hợp với các CQNN khác trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án ứng dụng CNTT mang tính liên ngành [2].

Như vậy đến nay, tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Giám đốc CNTT đang được coi như một Lãnh đạo thông tin của cơ quan. Để nâng cao vai trò lãnh đạo thông tin của Giám đốc CNTT và xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc CNTT của CQNN trong giai đoạn tới nhằm thực hiện thành công việc ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010) và tại Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông (Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010), ngày 10/01/2012, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn về chức trách, nhiệm vụ, năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN.

Tại Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT [3], Bộ TT&TT đã xác định rõ 4 chức trách của Giám đốc CNTT là: (i) Xác định tầm nhìn chiến lược, đổi mới và nâng cao chính sách chiến lược ứng dụng CNTT; (ii) Giữ vai trò đầu mối tổ chức, giám sát việc thực hiện các chính sách chiến lược ứng dụng CNTT; (iii) Đảm bảo áp dụng các giải pháp ứng dụng CNTT vào cơ quan đạt hiệu quả tối ưu và (iv) Phối hợp giữa các đơn vị bên trong, bên ngoài cơ quan, địa phương và các đối tác trong việc tổ chức thực hiện chính sách chiến lược ứng dụng CNTT.

Công văn cũng làm rõ cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc CNTT là: (i) Trực tiếp tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan, địa phương xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan, địa phương; (ii) Tổ chức, điều hành, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT được phê duyệt; (iii) Chịu trách nhiệm xây dựng, mở rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trong cơ quan, trong ngành hoặc địa phương; (iv) Chỉ đạo xây dựng các quy định, hướng dẫn quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ trong ứng dụng CNTT phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định; chỉ đạo xây dựng các chính sách, quy định về an toàn thông tin; đề xuất và tham gia chỉ đạo xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CNTT; (v) Là đầu mối, tham gia chỉ đạo, điều phối công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương khác trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án ứng dụng CNTT liên quan nhiều cơ quan, địa phương; tham gia thành viên Ban chỉ đạo CNTT của cơ quan, địa phương; (vi) Thường trực tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan, địa phương trong việc phân bổ ngân sách và điều phối nhân lực cho việc triển khai ứng dụng CNTT và các dự án ứng dụng CNTT chiến lược của ngành hoặc địa phương; (vii) Phối hợp với các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ để tin học hóa các quy trình nghiệp vụ; tham gia thẩm định việc cải tiến các quy trình nghiệp vụ hoặc các quy trình nghiệp vụ mới trong cơ quan, địa phương để đảm bảo các quy trình nghiệp vụ có thể tin học hóa được và (viii) Thường trực tham gia xét phê duyệt các hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT của các đơn vị thuộc cơ quan, địa phương để đảm bảo sự đồng bộ với kế hoạch ứng dụng CNTT tổng thể và phát triển CPĐT của ngành hoặc địa phương.

Yêu cầu năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN

Theo Chương trình đào tạo Lãnh đạo thông tin của của Học viện Lãnh đạo thông tin thuộc Đại học Carnegie Mellon - Mỹ, Lãnh đạo thông tin cần có các kỹ năng và hiểu biết cơ bản về: Xây dựng chính sách, lập kế hoạch chiến lược, quản lý dựa trên kết quả và hiệu quả, cải tiến quy trình, quản lý vốn và đầu tư, kiến trúc và cơ sở hạ tầng, quản trị dự án, đánh giá công nghệ, an toàn thông tin, CPĐT, lãnh đạo, mua sắm [10].

Theo nghiên cứu của Peter LaVoie và Doug Sandova [8], mức độ những kỹ năng quan trọng một Lãnh đạo thông tin cần có như sau:

- Khả năng giao tiếp hiệu quả: 70%

- Tầm nhìn kế hoạch và chiến lược: 59%

- Khả năng lãnh đạo và thúc đẩy nhân viên: 54%

- Hiểu biết quy trình nghiệp vụ: 50%

- Hiểu biết xu thế công nghiệp và chiến lược kinh doanh: 22%

- Hiểu biết lựa chọn công nghệ: 14%

- Kỹ năng đàm phán: 12%

- Am hiểu công nghệ: 12%

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tế của Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT, Bộ TT&TT đã xác định các yêu cầu năng lực cần có của Giám đốc CNTT trong CQNN là [3]:

a. Năng lực quản lý: (i) Có năng lực và kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về CNTT; (ii) Có trình độ và kinh nghiệm về quản lý kiến trúc hạ tầng CNTT và truyền thông; (iii) Thành thạo về chỉ đạo xây dựng và quản lý chiến lược ứng dụng CNTT trong việc xây dựng tầm nhìn, tư duy chiến lược, khả năng phân tích chiến lược; (iv) Có kiến thức về quản lý vốn đầu tư đối với các dự án CNTT (xác định vốn đầu tư, rà soát kế hoạch thu chi trong quá trình thực hiện dự án); (v) Có kiến thức về quản trị dự án CNTT; (vi) Có hiểu biết về cơ cấu tổ chức bộ máy và thể chế hoạt động của hệ thống CQNN.

b. Kỹ năng mềm: (i) Năng lực lãnh đạo: Có tầm nhìn, nhiệt huyết, tự tin, tư duy sáng tạo, công bằng, quyết đoán, có nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp; có khả năng tập hợp nhân lực, phân công, điều phối mọi hoạt động thuộc thẩm quyền trong cơ quan; (ii) Kinh nghiệm ngoại giao: Có khả năng tác động, thuyết phục và tạo được sự đồng thuận giữa các đơn vị trong và ngoài cơ quan để thuận lợi hơn trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ; (iii) Kỹ năng giao tiếp: Có khả năng diễn đạt và giao tiếp hiệu quả, biết cách giải quyết xung đột, có kiến thức chung về quốc tế và thành thạo một ngoại ngữ; (iv) Hiểu biết cơ bản về tài chính - kế toán.

c. Kỹ năng hệ thống, kỹ thuật: (i) Có kiến thức, kinh nghiệm về thiết kế, phát triển hạ tầng CNTT, hệ thống và tích hợp hệ thống ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh thông tin; (ii) Hiểu biết trong việc cải tiến quy trình nghiệp vụ để chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ phù hợp cho việc ứng dụng CNTT.

Kết luận

Trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị nói chung và triển khai ứng dụng CNTT trong CQNN, hướng tới xây dựng CPĐT nói riêng, các nước đều thống nhất: người Lãnh đạo thông tin là một yếu tố quan trọng để mang lại thành công và hiệu quả của việc triển khai ứng dụng CNTT.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có một quy định cụ thể về chức danh Lãnh đạo thông tin, nhưng các Giám đốc CNTT của CQNN từ TW tới địa phương trong giai đoạn qua đã thực hiện tốt vai trò như một nhà Lãnh đạo thông tin và đã góp phần mang lại thành công bước đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, phục người dân và DN. Tuy nhiên, để khẳng định vai trò của Giám đốc CNTT nhằm thúc đẩy công tác tổ chức triển khai ứng dụng CNTT được mạnh hơn, hiệu quả hơn, rất cần Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, chức danh Giám đốc CNTT và hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thống nhất theo quy định của Nghị định số 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Trước mắt, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ , Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xem xét ban hành quyết định để xác định rõ vai trò, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc CNTT trong toàn cơ quan hoặc địa phương theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT ngày 10/01/2012.

TS. Lê Quốc Hưng

Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT

Tài liệu tham khảo

[1]. Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, 17/10/2000.

[2]. Chính phủ, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, 10/4/2007.

[3]. Bộ Thông tin và Truyền thông, Công văn số 55/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn về chức trách, nhiệm vụ, năng lực của Giám đốc CNTT trong CQNN, 10/01/2012.

[4]. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo ứng dụng CNTT năm 2012, tháng 7/2013.

[5]. CAO HỒNG THẮNG, Báo cáo đề tài cấp Bộ nghiên cứu, đề xuất khung chương trình đào tạo lãnh đạo thông tin (CIO) trong cơ quan nhà nước, Mã số: 23-06-KHKT-RD, tháng 01/2007.

[6]. USA, Information technology management and Reform Act (Clinger-Cohen Act), 1996.

[7]. USA, E-Government Act, 2002.

[8]. PETER LAVOIE and DOUG SANDOVAL, “The Role of the CIO”, UNLV Executive MBA Program, 28/10/2006.

[9]. United Nations, E-Government Survey 2012 (www.unpan.org/e-government), 2012.

[10]. Carnegie Mellon CIO Institute (www.heinz.cmu.edu/cioi).

Tin nổi bật