Một số thách thức triển khai hội tụ cố định và di động hiện nay

Đào Trung Thành

Hội tụ dịch vụ cố định và di dộng - chiến lược cần thiết

Hiện nay, điện thoại cố định đang đứng trước sức ép giảm doanh thu. Trên thế giới, doanh thu cố định ghi nhận sự sụt giảm từ 2% đến 3% mỗi năm, ở Việt Nam thậm chí còn sụt giảm lớn hơn, khoảng gần 20% và sự sụt giảm ấy được bù bằng dịch vụ ADSL thì doanh thu cố định gồm thoại và ADSL cũng giảm hàng năm 8%. Mặc khác, doanh thu dịch vụ di động tăng trưởng khá mạnh ở khu vực châu Á khoảng 6% nhưng khu vực châu Âu tăng trưởng doanh thu di động khá chậm, khoảng 0,1% do thị trường này đã đạt đến độ bão hòa, giá cước cạnh tranh mạnh và đang chịu sự tác động của tình hình khủng hoảng tài chính [1].

Có thể nhận thấy xu hướng giảm doanh thu của dịch vụ cố định và tăng doanh thu của dịch vụ di động là xu hướng chung trên thị trường dịch vụ viễn thông thế giới. Tuy nhiên ngay trong từng thể loại dịch vụ cố định và di động thì cũng có sự sụt giảm của dịch vụ truyền thống và các dịch vụ mới, dịch vụ dữ liệu. Theo như hình vẽ của một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông điển hình như Orange - France Telecom thì dịch vụ cố định truyền thống giảm đến 9.8%, trong khi VoIP tăng 12.7% và băng rộng tăng 4.5%, dịch vụ di động truyền thống giảm 0.6% dịch vụ dữ liệu tăng 5.7% (Hình 1).

Hình 1. Doanh thu dịch vụ di động và cố định

Mặc dù doanh thu tăng nhưng ARPU (Average Revenue Per Unit - doanh thu trung bình trên một thuê bao) của dịch vụ di động lại có chiều hướng giảm ở Việt Nam (Hình 2). ARPU giảm từ 7 USD năm 2006, 6.5 USD năm 2007, 6 USD năm 2008, 5,52 USD năm 2009, 5 USD năm 2010 và cuối năm 2011 dự báo ARPU chỉ còn 4.49 USD. [2]. Nếu so với trung bình ARPU của các khu vực trên thế giới như châu Phi 9.18 USD, Đông Âu 10,59 USD, châu Á 10.9 USD, Tây Âu 31.32 USD  Bắc Mỹ 49,83 USD thì ARPU của Việt Nam rất thấp [3].

Mặt khác, người sử dụng đang thay đổi hành vi tiêu dùng dịch vụ, nhân viên yêu cầu ngày càng tăng kiểu làm việc  từ xa, cộng tác và dùng nhiều thiết bị, dịch vụ khác nhau như cố định, di động, email, chat… Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp đanh tìm kiếm những giải pháp hội tụ thiết bị, công nghệ, dịch vụ (convergence solution), công cụ thông tin thống nhất (unified communications tool) làm đơn giản hóa cách thức nhân viên cộng tác với nhau. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới đã xem hội tụ như một chiến lược phát triển kinh doanh dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người dùng, cung cấp trải nghiệm phong phú và mang lại dòng lợi nhuận mới.

Thế nào là  hội tụ hội tụ dịch vụ cố định và di dộng?

Khái niệm hội tụ dịch vụ cố định và di dộng (Fixed - Mobile Convergence - FMC) có nhiều nghĩa khác nhau (Hình 2). Có thể dùng định nghĩa của Liên minh Hội tụ cố định - di động (Fixed Mobile Convergence Alliance) như sau: “Hội tụ cố định và di động là một điểm chuyển tiếp trong ngành công nghiệp viễn thông mà cuối  cùng sẽ loại bỏ sự phân biệt giữa các mạng cố định và di động, cung cấp một trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng bằng cách tạo ra dịch vụ liền mạch bằng cách sử dụng một sự kết hợp của băng thông rộng cố định và các công nghệ truy cập không dây cục bộ để đáp ứng nhu cầu của họ trong nhà,văn phòng, các tòa nhà khác trên đường đi.”

Hình 2. Hội tụ dịch vụ cố định và di dộng

Theo quan điểm người dùng dịch vụ, hội tụ mang lại cho họ một chất lượng trải nghiệm (quality of experience) tốt hơn với chi phí tổng thể thấp hơn, quản trị được các phương thức liên lạc tốt hơn. Theo quan điểm nhà cung cấp dịch vụ, hội tụ sẽ giúp họ chiếm được lòng trung thành của khách hàng bằng cách cung cấp các gói dịch vụ tích hợp, tiết kiệm được tài nguyên di động khi cung cấp cho người dùng dịch vụ di động với chất lượng của kết nối cố định khi họ ở nhà hay đang ở nơi làm việc, giảm chi phí vận hành (OPEX) khi duy trì mạng chung cho cả cố định lẫn di động, thêm lợi nhuận bằng cách cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng mới trên nền tảng này.

Hội tụ giữa di động và cố định phải cung cấp cho người dùng những dịch vụ liền mạch (seamless services) nghĩa là cung cấp dịch vụ không phân biệt là cố định hay di động trên thiết bị đầu cuối đa hệ (multi-mode) với khả năng cung ứng chuyển giao lẫn nhau (hand over) giữa hai loại hình mạng mà không làm ngắt cuộc gọi đang diễn ra. Các chuẩn công nghệ cho phép dịch vụ liền mạch FMC bao gồm: VCC (Voice Call Continuity), UMA (Unlicensed Mobile Access) hay GAN (Generic Access Network), giải pháp femtocell.

Việc hội tụ dịch vụ cố định và di dộng phải được đảm bảo ở nhiều cấp độ khác nhau. Hội tụ ở mức độ mạng truy cập (access network level) là đảm bảo sự thay đổi phương thức truy cập trong suốt với người sử dụng, không ngắt quãng khi thay đổi điểm truy cập. Hội tụ ở mức độ mạng lõi được đảm bảo bằng việc sử dụng IMS (IP Multimedia Subsystem). Hội tụ ở mức độ ứng dụng là sự hợp nhất (fusion) các dịch vụ thoại, dữ liệu, hình ảnh; có thể truy cập dịch vụ từ bất kỳ các thiết bị nào bằng cách đăng nhập (logging in) vào các ứng dụng chạy trên thiết bị đó; cung cấp được một hóa đơn sử dụng dịch vụ thống nhất giữa cố định và di động.

Hội tụ ở mức độ kiến trúc mạng bao gồm việc chuyển đổi cách tiếp cận từ cách tiếp cận theo chiều dọc (vertical approach) với cấu trúc “silo” (Hình 3) với mỗi dich vụ là một hệ thống chuyên dùng riêng biệt sang cách tiếp cận theo chiều ngang (horizontal approach) với cấu trúc “plug and play” (Hình 4) nhờ vào công nghệ IP được triển khai làm nền tảng.

Hình 3. Cấu trúc Silo và Hình 4. Cấu trúc plug and play

Hội tụ mức cấu trúc mạng (Network convergence) thực hiện ở các mức khác nhau như mức mạng truy nhập (access network), mạng tích hợp (aggregation network), mạng lõi (core network) (Hình 5).

Hình 5. Hội tụ mức cấu trúc mạng

Thách thức triển khai FMC

Việc chuyển đổi cấu trúc mạng theo hướng hội tụ gặp một số các thách thức về mặt kỹ thuật như: chất lượng dịch vụ (quality of service), giám sát và kiểm soát chất lượng (quality monitoring and control), an ninh (security), tính khả dụng (high availability), đồng bộ (synchonisation) [5]. Hội tụ mang lại cho người dùng chất lượng trải nghiệm (Quality of Experience - QoE) phụ thuộc vào tâm lý người dùng. Tuy nhiên, QoE lại phụ thuộc vào thông số chất lượng dịch vụ (QoS) của mạng. Đối với mạng hội tụ đảm bảo nhiều dịch vụ hoạt động thì việc đảm bảo QoS từ đầu cuối đến đầu cuối (End-to-end QoS) là một thách thức. Bên cạnh đó, vì mạng lõi dựa trên nền tảng công nghệ IP dễ kết nối với các thành phần mạng khác và như vậy cũng dễ bị tổn thương hơn, yêu cầu về an ninh mạng cũng được đặt ra một cách khắt khe hơn.

Nói đến FMC là nói đến IMS (IP Multimedia Subsystem), thành phần chính của hệ thống mạng lõi. IMS được định hình và phát triển bởi diễn đàn công nghiệp 3G.IP trên dự án 3rd Generation Partnership Project (3GPP) với chức năng chính là điều khiển cuộc gọi đa phương tiện (multimedia call control) sử dụng nghi thức SIP tương tự SS7 trong các hệ thống chuyển mạch TDM. Kiến trúc của IMS độc lập với lớp mạng truy cập (access network), không mô tả dịch vụ mà chỉ cung cấp các khối xây dựng dịch vụ (service building blocks) cho việc triển khai các dịch vụ. Vì FMC cung cấp các gói đa dịch vụ, đa phương tiện nên IMS là nền tảng cần thiết cho việc xây dựng hệ thống hội tụ đó. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu mà nhiều người nhắc đến nhiều nhất là tính bảo mật của IMS. Trong các yếu tố về bảo mật có thể kể đến các vấn đề liên quan đến quản lý nhận dạng người dùng bao gồm các lỗi như Call ID spoofing, ăn cắp ID, tấn công DoS/DDoS, spam. Điểm yếu bảo mật nằm ở thiết bị SIP vì nó chưa có một cơ chế chứng nhận thực tốt như trong mạng thông tin di động tế bào (ví dụ bảo mật qua SIM). Thêm vào đó là sự hội tụ giữa nhiều loại hình mạng cũng gây không ít khó khăn trong việc quản lý bảo mật. Hiện tại, release 8 của 3GPP đã xem xét một cách nghiêm túc vấn đề bảo mật này [6]. IPsec cũng được 3GPP khuyến cáo sử dụng. [7].

Ngoài các thách thức về mặt kỹ thuật, nhà khai thác còn có những thách thức về mặt vận hành khai thác như cần thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại vì hiện nay cố định và di động vẫn là hai mảng kinh doanh độc lập với phần lớn các nhà khai khác; rồi vấn đề khai thác, bảo trì và quản trị OMA (Opration, Maintenance and Administraton) với một hệ thống tích hợp phức tạp; lựa chọn phương thức chuyển đổi (hoàn toàn hay từng phần); vấn đề tương thích với dịch vụ cũ, các nhà khai thác khác [5].

Hội tụ di động và cố định còn phải thực hiện ở mức ứng dụng (application layer) với các giải pháp về công nghệ thông tin được tăng cường và củng cố cơ sở dữ liệu người dùng, tính cước, giao diện người sử dụng dịch vụ (Hình 6). Đó là trọng tâm của hệ thống CCBS (Custommer Care and Billing System), sự kết hợp của CRM (Customer Relationship Management) và BS (Billing System). Các gói cước đa dịch vụ như double play (voice + data), triple play (voice + data + video) và thậm chí quadruple play (voice + data + video + mobile) có thể được cung cấp trên các nền tảng công nghệ có sẵn, không sử dụng IMS, IN hay NGN. Tuy nhiên, việc cung cấp rất khó khăn vì các hệ thống này là tách biệt theo cấu trúc “silo”, việc ghép hóa đơn tính cước trong một chừng mực nào đó có thể thực hiện được nhưng là phương cách chắp vá. Do đó, một cơ sở dữ liệu thống nhất ở các nhà khai thác là yếu tố quyết định. Các nhà khai thác đều ý thức được vấn đề này nhưng xem ra, động thái thay đổi còn chưa quyết liệt và triệt để. Dự án CCBS của VNPT triển khai đã hơn chục năm nay nhưng chưa có kết quả mong muốn là một ví dụ.

Hình 6. Khung cấu trúc của hệ thống công nghệ thông tin (IT Framework)

Việc triển khai FMC phải đạt tiêu chí 3R: dịch vụ tốt (right service), đúng thời điểm (right time), và đúng đối tượng (right customer). Đối với các nhà khai thác, FMC phải là một công cụ để giữ khách hàng bằng cách đảm trách kết nối tất cả các truy cập cố định và di động của khách hàng với tư cách là nhà khai thác tích hợp, tăng cường năng lực của mình để giành lại khách hàng đã chuyển sang đối thủ cạnh tranh; cho phép tích hợp, vận hành và bảo trì các giải pháp doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn.

Tham khảo:

[1]. Ovum, World Fixed services Forecast , July 2011

[2]. Business Monitor International, Vietnam Telecommunications Report, Q4 2011

[3]. Wireless Intelligence,  Analysis: Global cellular market trends and insight, Q3 2011

[4]. Fixed Mobile Convergence Alliance , Jully 2004, “Fixed Mobile Convergence is a transition point in the telecommunications industry that will finally remove the distinctions between fixed and mobile networks, providing a superior experience to customers by creating seamless services using a combination of fixed broadband and local access wireless technologies to meet their needs in homes, offices, other buildings and on the go.”

[5]. Sofrecom, convergence at the network infrastructure level, December 2011

[6]. Nguyễn Văn Quốc Thịnh, IMS là gì?, 2008

[7]. 3GPP2, IMS Security Framework, 2008

Tin nổi bật