Hiểu thêm về vai trò của hệ thống VNIX trong sự cố đứt cáp quang biển AAG

(ICTPress) - Chiều tối ngày 20/12/2013, một sự cố đã xảy ra khiến tuyến cáp quang AAG (Asia America Gate) phân đoạn Vũng Tàu - Hồng Kông bị đứt khiến cho 60% lưu lượng Internet của các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam bị ảnh hưởng.

Việc đứt cáp quang này ảnh hưởng đến truy cập Internet quốc tế của 4 doanh nghiệp (DN): VNPT, Viettel, SPT, NetNam. Hậu quả của sự cố đã khiến cho việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của người dùng trong nước, như lướt web (với các trang web đặt máy chủ ở nước ngoài), dịch vụ email, gọi điện Internet ra quốc tế… bị ảnh hưởng.

Về nguyên tắc các sự cố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến truy cập Internet quốc tế và có thể một phần Internet trong nước, chúng ta sẽ bị cô lập 1 phần với Internet quốc tế.  Trong đó, việc truy cập các dịch vụ sử dụng tên miền “.VN” cũng có thể bị ảnh hưởng.

Trước tình hình này, ngày 22/12/2013, đại diện của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách Kỹ thuật đã có trả lời phỏng vấn VTV1 đưa ra lời khuyên cho các DN như sau:

1.  Chuyển sang hướng kết nối quốc tế khác của DN, nhưng các tuyến này có thể cũng bị quá tải nên DN có thể phải mở rộng băng thông (việc này cần thời gian).

Hiện nay các DN đang thực hiện theo cách này.

2.  Kết nối đi nhờ qua DN khác qua 2 cách

- thông qua kết nối trực tiếp sẵn có của 02 DN

 - thông qua VNIX để đi nhờ kết nối quốc tế của DN khác, trước đây FPT cũng bị đứt cáp quốc tế nên đã đi nhờ VNPT thông qua VNIX.

Đồng thời, ngày 23/12/2013, VNNIC cũng đã có công văn gửi các DN cung cấp dịch vụ Internet nhằm hỗ trợ ứng cứu sự cố đứt cáp quang biển. 

VNNIC đã nhanh chóng hành động hỗ trợ ứng cứu lưu lượng Internet quốc tế cùng với việc hệ thống DNS Cache tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo hoạt động cho tên miền quốc gia .VN trên Internet và đặc biệt là hệ thống VNIX.

VNNIC  được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ quản lý 2 hệ thống quan trọng của hạ tầng Internet quốc gia là VNIX và DNS quốc gia, với nhiệm vụ thúc đẩy Internet trong nước phát triển, hỗ trợ đảm bảo an toàn hoạt động của Internet Việt Nam trong trường hợp có sự cố với mạng Internet trong nước và quốc tế.

Nhiệm vụ của VNIX được quy định rõ trong Nghị định 72, khoản 2.a Điều 11, VNIX hỗ trợ đảm bảo an toàn mạng Internet Việt Nam trong trường hợp xảy ra sự cố đối với mạng viễn thông trong nước và quốc tế.

Để truy cập Internet được thông suốt thì có 2 nhiệm vụ quan trọng phải đảm bảo: 

-  Đảm bảo an toàn, dự phòng kết nối, băng thông kết nối thông qua kết nối trực tiếp giữa các DN, qua VNIX.

-  Hệ thống dẫn đường Internet trái tim của Internet là hệ thống DNS quốc gia phải hoạt động thông suốt.

Trải qua 10 năm hoạt động, hệ thống VNIX giúp thúc đẩy Internet trong nước phát triển, dự phòng ứng cứu, đã kết nối 17 DN, băng thông kết nối =1/3 băng thông trong nước, giúp kết nối giữa các DN ko bị ảnh hưởng, trước đây nếu chưa có kết nối trực tiếp, kết nối qua VNIX thì Internet trong nước sẽ bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp này.

Để đảm bảo kết nối, băng thông các DN chủ động đã chuyển hướng qua kết nối đất liền qua biên giới với Trung Quốc, đàm phán mở rộng băng thông ứng cứu. VNNIC đã trao đổi với các DN tính toán tình huống hỗ trợ chuyển tiếp băng thông trong nước/quốc tế của các DN qua VNIX, tương tự tình huống đứt cáp của FPT Telecom trước đây, thông qua VNIX, VNPT đã hỗ trợ FPT Telecom chuyển tiếp lưu lượng Internet quốc tế.

VNNIC đã xây dựng 07 cụm DNS quốc gia, triển khai trên 70 thành phố lớn trên thế giới, trên 5 châu lục; cùng với 02 hệ thống DNS Caching (đệm)  để đảm bảo hệ thống dẫn đường của Internet Việt Nam (.VN) sẵn sàng phục vụ với các tình huống xấu nhất. Chính vì vậy mà truy cập dịch vụ Internet trên tên miền .VN vẫn đảm bảo an toàn trong nhiều năm qua và đặc biệt là sự cố hôm thứ 6 vừa rồi.

Lâu dài hơn, theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì nhiệm vụ của hệ thống VNIX được nhà nước giao khá nặng nề, VNNIC đang xây dựng chính sách hoạt động, giải pháp kỹ thuật kết nối của VNIX,  các p/a dự phòng ứng cứu cho các tình huống phức tạp hơn.  chẳng hạn tăng cường kết nối các DN trong nước (ISP, ICP …), kết nối với các trạm trung chuyển Internet quốc khu vực và quốc tế.

Trong trường hợp này, giống như sự cố của FPT trước đây, VNNIC có thể phối hợp với các DN để chuyển tiếp lưu lượng quốc tế  giữa các DN qua kết nối sẵn có của các DN tới VNIX, tất nhiên phải có sự đồng thuận, phối hợp hỗ trợ lần nhau giữa các DN, VNIX đóng vai trò hỗ trợ kết nối, đảm bảo an toàn.

Có thể nói các phương án cho tình huống đứt cáp tương tự này đã được tính toán và chuẩn bị từ rất lâu chính vì vậy trong 2 ngày vừa qua thì việc truy cập Internet quốc tế bị chậm đi nhưng Internet trong nước vẫn đảm bảo hoạt động bình thường. 

Trong các ngày tới, VNNIC sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các DN để chuyển hướng lưu lượng, dự phòng ứng cứu tốt nhất đảm bảo truy cập Internet được thông suốt.

 Điều 11. Kết nối Internet (Nghị định 72)

2. Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) là trạm trung chuyển Internet thuộc Trung tâm Internet Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập để hỗ trợ:

a) Bảo đảm an toàn cho hoạt động của toàn bộ mạng Internet Việt Nam trong trường hợp xảy ra sự cố đối với mạng viễn thông trong nước và quốc tế;

b) Hình thành mạng thử nghiệm công nghệ IPv6 quốc gia;

c) Tham gia kết nối với trạm trung chuyển Internet của khu vực và quốc tế;

d) Kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet theo nguyên tắc phi lợi nhuận nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành dịch vụ.

Tin nổi bật