Cách viết một bức thư UPU hay
(ICTPress) - Làm sao để viết một bức thư hay, thu hút người đọc và hấp dẫn Ban giám khảo Cuộc thi viết thư quốc tế UPU là quan tâm của nhiều em học sinh trường THCS Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định tại Lễ phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 năm 2016 mới đây.
Đây cũng là quan tâm của các em học sinh muốn viết một bức thư tham dự cuộc thi viết thư UPU.
Lễ phát động cuộc thi viết thư UPU 45 diễn ra tại trường THCS Trần Đăng Ninh, Nam Định |
Với chủ đề “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” (“Write a letter to your 45-year-old self”), các thành viên Ban Giám khảo đã chia sẻ, trao đổi những “bí kíp” viết thư đáng quan tâm:
“Nghĩ thật, viết thật, sống thật”
“Sự chân thật, viết từ đáy lòng mình, viết bằng cái tâm của mình, viết bằng giọng văn của mình, viết bằng ý nghĩ chân thực nhất của mình, bức bức thư sẽ được giám khảo thích nhất", nhà văn Lê Phương Liên đã chia sẻ.
Viết bằng quyết tâm, đam mê và say sưa
Làm thế nào để đạt giải, thậm chí là giải cao trong cuộc thi viết thư UPU lần thứ 45? Tiến sỹ văn học Nguyễn Thị Hậu, thành viên Ban giám khảo đã trao đổi: Để bức thư đạt giải, người viết thư phải viết bằng quyết tâm, đam mê và say sưa với chính đề tài của mình. Viết một bức thư này không chỉ mang tầm vĩ mô mà mang tính toàn cầu, bởi vậy các em phải theo đuổi đề tài này giống như một đề tài nghiên cứu của em thật sự.
"Nhưng đề tài này nên được thể hiện dưới giọng văn hồn nhiên, trong sáng ngây thơ của chính lứa tuổi các em. Đó là điều thuyết phục nhất. Bức thư vừa phải có trí tuệ, vừa phải có sự hồn nhiên trong trẻo nhất của tuổi thơ, đấy chính là điều thuyết phục nhất cho lá thư thành công", Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ thêm.
Đặt câu hỏi cho chính mình
TS. Nguyễn Thụy Anh, thành viên Ban Giám khảo cho biết thêm về kỹ thuật khi viết thư, kỹ thuật đặt câu hỏi cho mình khi bắt tay viết một bức thư dự thi. “Trước khi viết thư, cần phải đặt câu hỏi cho chính mình. Để đặt được câu hỏi, cần phải tưởng tượng tốt hơn. Cô hi vọng trong cuộc thi viết thư quốc tế lần này, các em đưa được câu chuyện riêng của mình với những tưởng tượng của mình về vào năm 45 tuổi”, TS. Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.
Chữ đẹp, lời văn chắt lọc, sáng tạo
Nhà văn Phong Điệp, thành viên Ban giám khảo đã trả lời một câu hỏi thú vị “Điều khó khăn nhất mà giám khảo gặp phải khi chấm thi là gì?.
Thứ Trưởng Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết nếu chữ các em phải đẹp, nếu chữ xấu quá, Ban giám khảo không thể đọc được để có thể chấm điểm một cách chính xác.
Trong khi đó, nhà văn Phong Điệp, các em khi viết thư hãy cất lên tiếng nói của chính mình, không lẫn với bất cứ ai, tạo ra sự khác biệt thì bức thư của các em sẽ có giá trị và Ban Giám khảo có thể nhận ra được giá trị trong bức thư của bạn.
Nhà văn Phong Điệp cũng tiết lộ khi chấm điểm các bức thư gửi về Ban Tổ chức, tất cả các bài đều được dọc phách. Với nhiệm vụ của Ban Giám khảo, bài thi dưới 1.000 chữ phải chắt lọc được ý, sáng tạo tư tưởng của các em trong bức thư đó. Ban giám khảo sẽ công tâm, khách quan và sáng suốt để nhận ra hạt ngọc đang phát sáng trong bài thi của các em.
Nguyễn Quyên