Syndicate content

Tri thức chuyên ngành

Định nghĩa mới về hệ thống vô tuyến thông minh

Sergey Pastukh
Chủ tịch nhóm công tác 1B của ITU-R

Một định nghĩa về các hệ thống thích nghi (adaptive system) đã được giới thiệu trong các quy định vô tuyến cách đây 1 thập kỷ. Các hệ thống thích nghi được định nghĩa là có khả năng thay đổi các thông số, trong đó có tần số và nguồn, để tăng cường chất lượng thu. Hiện nay, những hệ thống như vậy bị giới hạn bởi các băng tần trung và cao, do các điều kiện truyền dẫn thay đổi nhiều. Các quy định quản lý khả thi cho các hệ thống thích nghi đang hạn chế hoạt động của các hệ thống này ở các băng do các dịch vụ dành cho an ninh cũng như các dịch vụ thiên văn học vô tuyến, xác định vô tuyến, và các dịch vụ nghiệp dư và quảng bá. Những phát triển cao hơn về công nghệ đã làm gia tăng các khả năng của các hệ thống thích ứng. Phần mềm đóng một vai trò quan trọng trong khía cạnh này, khả thi cho việc phân tích môi trường vô tuyến và điều chỉnh các đặc điểm của hệ thống theo các tình hình hoạt động cụ thể. Chẳng hạn việc kết hợp thiết bị vô tuyến và phần mềm mang lại các giải pháp mới để giải quyết vấn đề nghẽn tần số và tăng cường toàn bộ hiệu quả của việc sử dụng tần số. Với những tiến bộ công nghệ này, hai khái niệm mới đã xuất hiện: vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm (software-defined radio) và các hệ thống vô tuyến thông minh (cognitive radio systems).

Một mối quan tâm chung là việc bảo vệ các dịch vụ hiện thời khỏi can nhiễu có thể xảy ra do vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm và các hệ thống vô tuyến thông minh. Đó là lý do tại sao Hội nghị vô tuyến thế giới 12 (WRC-12) từ ngày 26/1 – 17/2/2012 xem xét các phương thức quản lý và những liên quan, để cho phép giới thiệu vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm và các hệ thống vô tuyến thông minh, cũng như để tạo điều kiện, đảm bảo và nâng cao việc cùng tồn tại và chia sẻ giữa các dịch vụ liên lạc vô tuyến, dựa trên các kết quả của các nghiên cứu của bộ phận Vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU-R).

Các công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm và hệ thống vô tuyến thông minh được trông đợi là tăng thêm sự linh hoạt và hiệu quả cho toàn bộ việc sử dụng tần phổ. Những công nghệ này có thể được kết hợp hoặc triển khai độc lập, và có thể được triển khai ở các hệ thống của bất cứ dịch vụ liên lạc vô tuyến nào. Bất cứ hệ thống nào sử dụng các công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm và các hệ thống vô tuyến thông minh phải hoạt động tuân thủ các điều khoản của các quy định vô tuyến.

Các hệ thống vô tuyến thông minh là một lĩnh vực hoạt động nghiên cứu, và các ứng dụng đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Các hệ thống sử dụng một số các đặc điểm thông minh đã được triển khai, và một số cơ quan đang cho phép những hệ thống này (ví dụ, lựa chọn tần số linh hoạt và các thiết bị khoảng trắng). Các cơ quan này có các quy trình quốc gia thông qua thiết bị để bảo vệ các dịch vụ hiện tại khỏi bị can nhiễu có hại. Một hệ thống vô tuyến đang triển khai công nghệ vô tuyến thông minh có thể, tuy nhiên, có một tác động tới các nước láng giềng và điều phối là cần thiết. Ở đâu có các ứng dụng mà công nghệ hệ thống vô tuyến thông minh được triển khai trên cơ sở không can nhiễu và không bảo vệ. cơ quan quản lý liên quan nên đảm bảo can nhiễu sẽ không xảy ra.

Công nghệ vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm hiện nay đang hoạt động trên một số hệ thống và các mạng trong đất liền và các dịch vụ di động hàng hải, quảng bá và vệ tinh quảng báo, các dịch vụ cố định và vệ tinh di động. Điều này mang lại sự chủ động trong thiết kế hệ thống vô tuyến và có thể hỗ trợ tính tương hợp chuyển tiếp.

Việc triển khai toàn diện khái niệm vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm và các hệ thống vô tuyến thông minh có thể được hiện thực dần dần vì một số lý do, trong đó có trạng thái hiện nay của công nghệ. Việc sử dụng các công nghệ này ở một số băng tần có thể tạo ra các thách thức cụ thể và riêng biệt của một bản chất công nghệ hay vận hành, cần được xem xét chu đáo và toàn diện của ITU.

Sau đây là các định nghĩa vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm và hệ thống vô tuyến thông minh:

“Vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm là một máy phát vô tuyến và/hoặc máy thu sử dụng một công nghệ cho phép các thông số RF hoạt động có bao gồm, nhưng không hạn chế đối với dải tần số, loại điều chế, hay nguồn đầu ra sẽ được thiết lập và thay đổi bằng phần mềm, loại trừ những thay đổi đối với các thông số hoạt động xảy ra trong hoạt động của một vô tuyến được thiết lập và xác định trước thông thường, theo một chỉ số hay chuẩn hệ thống”.

“Hệ thống vô tuyến thông minh là một hệ thống vô tuyến sử dụng công nghệ cho phép hệ thống có được thông tin của môi trường hoạt động và địa lý của hệ thống, các chính sách được thiết lập và trạng thái bên trong của hệ thống; để điều chỉnh các thông số hoạt động và các giao thức của hệ thống một cách linh hoat và chủ động theo thông tin có được của hệ thống để đạt được các mục tiêu được định nghĩa trước; và để  nghiên cứu từ các kết quả có được”.

Nguồn: Báo cáo ITU–R SM.2152.

Vẫn nóng tranh luận máy tính bảng là gì

(ICTPress) - Liệu máy tính bảng có thay thế máy tính truyền thống? Phải chăng thị trường máy tính bảng đang lộ diện hay chỉ là thị trường của iPad?...

Những người viếng thăm cửa hàng đang ngắm máy tính bảng iPad 2 tại một cửa hàng Best Buy trong ngày mua sắm hay còn gọi là “BlacBlack Friday” ở Framingham, Massachusetts (Ảnh: Adam Hunger/Reuters)

Cho đến bây giờ những câu hỏi xoay quanh “Máy tính bảng là gì và ai cần dùng”? Liệu máy tính bảng có là mốt nhất thời và sẽ sớm lỗi thời như Netbook? Liệu máy tính bảng có thay thế máy tính truyền thống? Phải chăng thị trường máy tính bảng đang lộ diện hay chỉ là thị trường của iPad?...  vẫn là đề tài nóng hổi trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn giới CNTT. Nhiều tranh luận đã nổ ra song quanh đi quẩn lại vẫn là những câu chuyện dưới đây:

Thị trường còn rất sơ khai

Thống kê thị trường cho thấy toàn bộ ngành công nghiệp máy tính bảng đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ tính riêng năm 2011 đã có khoảng 50 triệu máy tính bảng được bán ra và con số này dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2012. iPad chiếm áp đảo lượng tiêu thụ. Điều này có nguyên nhân từ việc:

- iPad trở thành động lực thúc đẩy hình thành thị trường máy tính bảng. Lịch sử đã chứng minh, các sản phẩm được thị trường đón nhận rộng rãi thường là chính là những sản phẩm tiên phong, khai phá thị trường. Khi sản phẩm hoàn thiện và người dùng đang trải nghiệm quyền sở hữu một loại sản phẩm mới, họ thường đặt cược vào một lựa chọn an toàn. Với máy tính bảng lựa chọn khôn ngoan hơn cả rõ ràng là iPad. iPad gần như đã trở thành chuẩn chung cho máy tính bảng. Thậm chí iPad còn được định nghĩa cho máy tính bảng. Bởi vậy, rất dễ hiểu khi đa số người dùng coi iPad là chiếc máy tính bảng đa dụng tốt nhất trên thị trường và hiện nay iPad là thương hiệu hàng đầu được người dùng lựa chọn.

- Máy tính bảng vẫn là một loại sản phẩm đang phát triển. Nhìn chung các sản phẩm công nghệ được đón nhận nhanh chóng tại các thị trường phát triển song bản thân chúng vẫn phải trải qua quá trình phát triển của chính mình. Máy tính bảng không phải là một ngoại lệ và vì lẽ đó mà nhiều người tiêu dùng sẽ nhìn lại giai đoạn đầu của sản phẩm và coi iPad như là chiếc máy tính bảng đầu tiên.

Tuy nhiên, sự ra đời của Amazon Kindle và Barnes & Noble Nook Tablet đã đưa tới cái nhìn khác. Cả hai sản phẩm này đều được đánh giá dựa trên tiêu chí của iPad và đây là cách tiếp cận sai lầm. Trên thực tế, Kindle Fire và Nook Tablet cũng có sức hút riêng trên thị trường vì hai sản phẩm này không cố gắng cạnh tranh với iPad. Thay vào đó, chúng đều có đối tượng phục vụ riêng. Tức là, Fire và Nook Tablet được phát triển với nhận thức là thiết bị đọc sách điện tử và sử dụng kho nội dung số phong phú.

Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ người dùng sử dụng sản phẩm để phục vụ cho công việc của mình ở mức độ nào. Công việc đó có thể là viết lách, đọc, sản xuất, chế tạo v.v. và sản phẩm đáp ứng được đến đâu. Kindle Fire và Nook Tablet được thiết kế dành cho các công việc cụ thể trong khi iPad được chế tạo cho mục đích tổng quát hơn, tương tự như một máy tính.

Khi thị trường chín muồi và sản phẩm máy tính bảng phát triển, người tiêu dùng sẽ chọn được  một chiếc máy tính bảng đúng mục đích. Trong thời gian đó, vai trò của máy tính bảng trong cuộc sống của người tiêu dùng cũng sẽ được  tăng thêm. Và như vậy hẳn nhiên máy tính bảng không phải là mốt nhất thời và nó sẽ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người tiêu dùng toàn cầu.

Máy tính bảng sẽ thay thế hoàn toàn máy tính truyền thống?

Chúng ta vẫn chưa xác định được liệu máy tính bảng có lấn át máy tính truyền thống. Chỉ cần nhìn vào xu hướng công nghệ trên toàn cầu và đặc biệt là ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi và một số nước khác, chúng ta có thể kết luận ngay rằng máy tính truyền thống đang bị cạnh tranh dữ dội thậm chí là qua mặt bởi các thiết bị đang hot hiện nay như điện thoại thông minh và máy tính bảng cả về nhu cầu lẫn thị hiếu của người dùng. Những thị trường công nghệ non trẻ này có lẽ không bao giờ sử dụng một máy tính truyền thống theo cách mà các thị trường phát triển đã sử dụng.

Sự thật là máy tính bảng là tác nhân chính làm sụt giảm doanh số của notebook hoặc máy tính để bàn. Người tiêu dùng đang nhận ra máy tính bảng giúp họ mở rộng các chức năng hiện tại của máy tính truyền thống. Nếu máy tính cá nhân chủ yếu được dùng vào những việc cơ bản như kiểm tra email, duyệt web và chỉnh sáng ảnh hay chỉnh sửa video thì máy tính bảng làm được nhiều hơn thế. Quan trọng hơn người dùng nhận thấy máy tính bảng có thể là một lựa chọn hợp lý thay vì nâng cấp ngay notebook hay máy tính để bàn như một nhu cầu bức thiết trước đây. Một máy tính bảng cộng với PC hay notebook cũ là đủ.

Xu hướng này sẽ ngày một tăng lên vào năm 2012 và có lẽ ngay cả vào năm 2013 khi người dùng và các doanh nghiệp đang chờ đợi những đổi mới từ Microsoft với Windows 8. Dễ nhận thấy sự tăng trưởng của thị trường PC có thể chững lại hoặc lao dốc vào năm 2012 khi người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn một máy tính bảng phù hợp với phong cách sống kỹ thuật số của họ.

Có thể khẳng định máy tính bảng hay máy tính cảm ứng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển thị trường công nghệ số thể hiện phong cách sống trong tương lai. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên, sau sự đời của iPad thì bàn phím nối ngoài là phụ kiện thứ hai được mua nhiều nhất. Sử dụng  iPad kết hợp với bàn phím bên ngoài là một thay thế không tồi so với một máy tính cá nhân cồng kềnh. Một lần nữa, chúng ta phải lưu ý rằng đa số người dùng chỉ có những nhu cầu sử dụng căn bản mà một sản phẩm như iPad thừa sức giúp họ giải quyết gọn ghẽ hầu hết các công việc nếu không muốn nói là mọi lúc mọi nơi.

Giờ đây máy tính bảng thậm chí đã được nhiều người coi như một chiếc máy tính cá nhân. Bởi vậy sẽ không ngoa khi khẳng định Apple đang trên đường trở thành nhà cung cấp máy tính hàng đầu thế giới đe dọa bất cứ một hãng PC danh tiếng trên thế giới.

Quay trở lại với nhu cầu thế giới, chắc hẳn phải có lý do chính đáng khiến iPad trở thành món quà được mong đợi nhất trong các dịp nghỉ lễ tại Mỹ, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi từ 6 đến 12. Và cũng có lý do khi iPad được người dùng độ tuổi từ 65 trở lên đón nhận nhanh thứ hai.

Có vẻ như iPad đang mở ra thời kỳ người người dùng máy tính vì sự thân thiện - linh hoạt của nó thay vì thế hệ PC gây cảm giác nặng về kỹ thuật trước đây.

Câu chuyện này sẽ chưa đến hồi kết nhưng có lẽ khi được hỏi: iPad là cái gì nhiều người dùng sẽ không ngần ngại đưa ra câu trả lời: “Đó là một chiếc máy tính”.

Thùy Minh

Theo Time

ICT và lời chúc sức khỏe

(ICTPress) – Những ngày này các vị Táo quân lên thượng giới để mang những điều chúc tụng tốt đẹp cho năm mới Nhâm Thìn. Trong những lời chúc mừng đẹp đẽ nhất thì sức khỏe tốt luôn là lời chúc đầu tiên.

Lời chúc sức khỏe đầu năm

Ngày đầu năm mới ở tất cả các quốc gia mọi người đều có phong tục chúc nhau những điều tốt đẹp, trong những lời chúc mừng đẹp đẽ nhất thì chúc sức khỏe tốt luôn là lời chúc đầu tiên.

Sức khỏe luôn là điều quan trọng hàng đầu đối với bất cứ ai, bởi có sức khỏe thì con người mới có thể có được hạnh phúc; nếu không có sức khỏe thì tiền bạc, tài sản, địa vị, công danh… đều sẽ trở nên vô nghĩa.

Ngày nay, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang tham dự trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, thậm chí thay vì tặng những món quà mừng tuổi mamg tính truyền thống thì giờ đây điện thoại, iPhone, iPad, eBook, laptop… đã trở thành những món quà tết có giá trị thiết thực và đặc biệt được các bạn trẻ ưa chuộng. ICT đang có mặt và góp phần vào sự đổi mới để cuộc sống ngày càng tốt hơn, tiện nghi hơn, trong đó các ứng dụng ICT đối với chăm sóc sức khỏe và y tế luôn được quan tâm hàng đầu.  

Giờ đây điện thoại, iPad, iPhone...đang trở thành những món quà tết được ưa chuộng

Những tín hiệu vui

Xã hội ngày càng phát triển, mức sống ngày càng cao hơn, sự tiến bộ của công nghệ và khoa học y tế khiến tuổi thọ con người tăng cao hơn…

Ngành Y tế và chăm sóc sức khỏe đang phát triển theo định hướng có tên gọi 4P - Predictive, Preventive, Personalized và Participatory (Dự báo, Ngăn chặn, Cá thể hóa, Sự tham gia). Định hướng này tập trung nhiều hơn vào việc ngăn chặn và kiểm soát bệnh tật với các giải pháp y tế tích hợp thông minh cùng sự tham gia của các ứng dụng ICT. 

- Kết nối thuận tiện bởi thông tin băng rộng

Các mạng thông tin băng rộng sẽ cho phép kết nối thuận tiện giữa bác sĩ với bệnh nhân và bác sĩ với bác sĩ; thực hiện các dịch vụ y tế với độ phân giải cao giữa bệnh nhân và bác sĩ ở cách rất xa nhau, đồng thời cũng thúc đẩy sự cộng tác thông suốt giữa các bác sĩ với nhau. Các bệnh nhân sẽ được kết nối tới các chuyên gia y tế ở các bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhà, bao gồm cả bác sĩ chuyên khoa, các nhân viên xã hội…và thường xuyên nhận được sự trợ giúp và hỗ trợ từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Dịch vụ y tế từ xa được thiết kế để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người sử dụng như chẩn đoán/đánh giá sử dụng các thiết bị đo lường tín hiệu sinh học và các phương thức y tế/kiểm soát các căn bệnh qua hệ thống video tương tác, và dịch vụ sẽ cho phép chăm sóc sức khỏe cộng tác và dịch vụ đọc từ xa dựa trên mạng giữa các bệnh viện lớn và các trạm y tế nhỏ và vừa.

- Cảm biến thông minh

Những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ cao đem đến các ứng dụng ngày càng tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe. Gần đây công nghệ cảm biến thông minh và giao tiếp máy-tới-máy (M2M) đã được áp dụng vào y tế, với mục tiêu để theo dõi và giám sát y tế thuận lợi và hiệu quả hơn. Khi các thiết bị chẩn đoán y tế cùng với các bộ cảm biến thông minh trở nên nhỏ hơn, nhanh hơn, mạnh hơn và đủ chính xác để hỗ trợ giám sát từ xa, chẩn đoán sớm và các dịch vụ quản lý khẩn cấp, giúp dễ dàng thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân bất cứ lúc nào và bất cứ đâu như tại nhà, trên xe và ngoài trời, sau đó được kết nối tới giám sát và cảnh báo không dây thông qua các mạng phức hợp thông minh. Cảm biến thông minh, trên thực tế, đang được sử dụng để giám sát và hỗ trợ cho tình huống khẩn cấp, thông qua việc đo lường và giám sát tín hiệu đau ốm thường xuyên của bệnh nhân như bệnh nhân bị bệnh tiểu đường và các vấn đề về tim mạch… cũng như thông qua việc giám sát và phân tích thông tin hành vi và tín hiệu sinh học của người già và bệnh nhân không thể vận động như mong muốn. Cảm biến thông minh sẽ phát triển dần dần thành một hình thức cổng di động, được kết nối với các dịch vụ.

 - Quản lý dữ liệu y tế

ICT cũng đang tham gia vào quá trình quản lý dữ liệu y tế. Chuẩn hóa việc chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan - bao gồm các trung tâm y tế, các nhà thuốc, các trung tâm y tế công cộng và các công ty bảo hiểm - liên quan đến việc kê đơn thuốc và chẩn đoán bệnh nhân đang trở nên ngày càng quan trọng. Dự án xây dựng hạ tầng chia sẻ thông tin y tế quốc gia đang được triển khai được trông đợi là được mở rộng để đáp ứng các lĩnh vực kê đơn thuốc điện tử, chẩn đoán điện tử và trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị y tế. Một loạt các dịch vụ bảo hiểm luôn sẵn sàng cho mọi người bằng cách kết nối các sản phẩm bảo hiểm y tế, các trung tâm y tế và các dịch vụ y tế; việc tích hợp sẽ cho phép việc quản lý lâu dài các thông tin liên quan đến sức khỏe của khách hàng.

Việc phát triển công nghệ điện toán đám mây sẽ đóng góp cho việc nâng cao hiệu suất giữa các bên và sự thông suốt của thông tin y tế bằng cách ứng dụng hạ tầng ICT để trao đổi các thông tin y tế phức tạp. Tiến bộ của công nghệ và khoa học y tế sẽ thúc đẩy nhu cầu lưu trữ dựa trên đám mây và tìm kiếm dữ liệu lớn hàng terabyte, các hệ thống chuyên gia phức tạp hơn như hệ thống hỗ trợ ra quyết định y tế cung cấp các kết quả y tế thông qua mô hình toán học của nhiều dữ liệu khác nhau của bệnh nhên sẽ được cải tiến dần. Các dịch vụ quản lý y tế cá thể hóa như các đơn thuốc, bài tập, chế độ dinh dưỡng…của từng cá nhân sẽ được cung cấp. Điều này có được là nhờ có sự thu thập, phân tích và sử dụng nhiều thông tin y tế dựa trên đám mây, bao gồm các sổ y bạ điện tử, dữ liệu cuộc sống, thông tin quản lý bệnh tật và các thông tin chung.

ICT y tế tại các quốc gia phát triển

Tại những quốc gia phát triển, các thiết bị ICT hiện đại đã trở nên quen thuộc với các bác sĩ và nhân viên y tế, đó là điều thuận lợi cho việc triển khai các  ứng dụng ICT trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Theo điều tra của Hiệp hội ngành công nghiệp CNTT thế giới (CompTIA) trong tháng 7 và 8/2011 thì hiện nay tại Hoa Kỳ có khoảng 1/4 số nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang sử dụng máy tính bảng để phục vụ cho công việc. 21% số người được hỏi cho biết họ có thể sẽ dùng máy tính bảng để làm việc trong vòng 1 năm nữa, đến năm 2012 sẽ có gần nửa số bác sĩ ở Mỹ sử dụng máy tính bảng và các thiết bị di động để thực hiện các công việc hàng ngày. Nghiên cứu này cho biết, hơn một nửa chuyên gia y tế hiện đang sử dụng smartphone để làm việc và khoảng 1/3 trong số họ đang sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng để tiếp cận với hệ thống bệnh án điện tử. Cũng theo nghiên cứu của CompTIA, hệ thống bệnh án điện tử đang được sử dụng ngày càng nhiều, 38% nhà cung cấp dịch vụ y tế đã có một hệ thống hoàn chỉnh đang hoạt động và 17% đang dần hoàn thiện hệ thống này. Điều đó là dấu hiệu khả quan của việc ứng dụng ICT trong chăm sóc sức khỏe, đồng thời hệ thống này vẫn đang được cải thiện để có thể dễ dàng sử dụng hơn, có tốc độ nhanh hơn và có khả năng tương tác tốt hơn với các hệ thống khác.

ICT  y tế tại các quốc gia đang phát triển

Bên cạnh đó, các nước đang phát triển cũng quan tâm ngày càng nhiều hơn đến việc ứng dụng ICT trong y tế và chăm sóc sức khỏe bởi các ứng dụng này góp phần khắc phục những khó khăn mà các quốc gia này đang phải đối diện trong lĩnh vực này. Tại sự kiện e-ASiA diễn ra ở Bangladesh tháng 12/2011, giải thưởng "Sáng Kiến về CNTT trong lĩnh vực sức khỏe" được trao cho Ericsson là một trong những thể hiện của sự quan tâm đó.

Đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển các giải pháp phục vụ y tế và chăm sóc sức khỏe là một trong những hướng phát triển của các doanh nghiệp ICT. Ericsson, nhà cung cấp giải pháp viễn thông hàng đầu thế giới, đang giới thiệu ra thị trường giải pháp cùng với bộ thiết bị chăm sóc sức khỏe từ xa thông qua việc hợp tác với các nhà khai thác mạng và hợp tác với các bệnh viện tiến hành thử nghiệm các biện pháp y tế chăm sóc sức khỏe từ xa. Với giải pháp của Ericsson, người bệnh được cung cấp các thiết bị theo dõi sức khỏe và mọi diễn biến về tình trạng bệnh của họ được theo dõi từ xa bằng cách truyền tải thông tin qua mạng di động để các bác sỹ tại bệnh viện theo dõi và có biện pháp điều trị kịp thời. Giải pháp này rất có lợi cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính nhưng sinh sống xa các bệnh viện và cơ sở y tế. Kết quả đạt được là sự kết hợp của bệnh viện, các nhà khai thác mạng và nhà cung cấp thiết bị và cả người bệnh. Điều này mang lại cho người bệnh những sự lựa chọn hiệu quả đối với việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo sự an tâm và chất lượng cuộc sống đươc nâng cao.

Giải thưởng "Sáng Kiến về CNTT trong lĩnh vực sức khỏe" được trao cho Ericsson

ICT với y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam

Theo thống kê, ở Việt Nam hàng năm việc quá tải tại các bệnh viện lên tới 300%, hiện nay có tới 80% nguồn lực, trang thiết bị hiện đại tập trung tại trung ương và các bệnh viện tuyến trung ương, trong khi đó 80% nhu cầu khám chữa bệnh tập trung lại từ địa phương. Do vậy, ứng dụng ICT đang được xem như những giải pháp quan trọng để tạo nên những chuyển biến tốt đẹp hơn đối với thực trạng y tế nước ta.

Nhiều bệnh viện Việt Nam đã ứng dụng rộng rãi giải pháp hội truyền hình. Việc ứng dụng hội nghị truyền hình trong y tế mang lại những lợi ích như: tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; kết nối các điểm cầu tại nhiều vùng địa lý khác nhau; có thể ghi lại toàn bộ thông tin, hình ảnh của phiên họp; trao đổi nhiều loại tài liệu khác nhau dưới dạng hình ảnh, âm thanh, văn bản... Các thử nghiệm cầu truyền hình hội thảo bệnh lý, hội thảo phẫu thuật nội soi, mổ thị phạm/ trình diễn trong nước và quốc tế, hệ thống hội chẩn trực tuyến chẩn đoán hình ảnh và tiêu biểu giải phẫu bệnh… cũng đã được tiến hành. Đây là những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT-VT nâng cao hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hạ tầng CNTT và các bệnh viện, các cơ sở y tế trên toàn quốc. 

Với mạng viễn thông băng rộng cố định và di động phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, Việt Nam có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng viễn thông để triển khai các giải pháp chăm sóc sức khỏe từ xa. Điều đó mang lại lợi ích cho người dân trong xã hội kết nối mà ICT mang lại cho người sử dụng dịch vụ nhiều sự lựa chọn hiệu quả để chất lượng cuộc sống được cải thiện và nâng cao. Đồng thời, đây cũng là cơ hội đối với các nhà khai thác mạng và các nhà cung cấp thiết bị viễn thông - y tế.

Thực tế là ICT tham gia ngày càng nhiều hơn vào giải quyết hiệu quả những thách thức mà các quốc gia đang phát triển như Việt Namđang phải đối mặt. Điều này thể hiện rõ những khả năng của công nghệ đối với việc mang lại cho cuộc sống những lợi ích tốt đẹp hơn, trong đó có việc ICT đang góp phần hiện thực hóa lời chúc sức khỏe đến với mọi người.

Nguyễn Minh

Công nghiệp Nội dung số Việt Nam bước sang năm mới như thế nào?

(ICTPress) - 2,9 triệu tấn giấy sẽ được tiêu thụ ở Việt Nam trong năm 2012… sẽ có rất  nhiều việc cần phải làm.

Công nghiệp nội dung số Việt Nam mở đầu năm 2012 với cuộc gặp gỡ của các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, đào tạo và quản lý tại Hội thảo khoa học Công nghệ xử lý ngôn ngữ và phát triển thị trường nội dung số Việt Nam ra thế giới” được Viện Công nghệ Thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 5/1/2012 tại Hà  Nội.

Cái rét buốt của gió mùa đông bắc kèm theo mưa phùn của những ngày đầu năm 2012 và lại là dịp cuối năm Tân Mão khiến ô tô chật như nêm cối trên đường phố Hà Nội và đông kín cả sân trước cửa hội trường “Ngụy Như Kon Tum” ở 19 Lê Thánh Tông, nơi diễn ra hội thảo. Hội thảo được bắt đầu tuy hơi muộn trong thời tiết giá lạnh nhưng không khí trong hội trường trở nên ấm áp hơn bởi giọng dẫn chương trình ngọt ngào sinh động của Thảo Vân - MC quen thuộc với khán giả truyền hình và phần khai mạc ngắn gọn.

Rất thú vị khi lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu rằng MC Thảo Vân vẫn thuộc biên chế của Đại học Quốc gia Hà Nội và đồng thời là cộng tác viên của VTV từ nhiều năm nay, ắt hẳn nơi đây có cơ chế giúp cho người có khả năng làm việc không bị phung phí thời gian. Quả đúng như nhiều người đã nói về Đại học Quốc gia: đó là chiếc nôi của những tài năng trẻ thủa ban mai, đồng thời cũng là cánh võng khi trở về chiều cho nhiều nhân tài sau những lận đận bôn ba, nơi này nơi khác…       

Cùng với những phân tích, đánh giá tổng quan về thực trạng CNTT Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, các câu hỏi được thẳng thắn đưa ra ngay trong báo cáo đề dẫn: Ngành kinh tế tri thức nào cho Việt Nam; Hướng nào cho Công nghiệp CNTT Việt Nam; Ai dùng phần mềm đóng gói Việt Nam; Cơ hội nào cho các sản phẩm Made in Vietnam trên thị trường thế giới; R&D nên tập trung vào những vấn đề gì; Chuyển giao kết quả R&D thế nào; Các nhà khoa học và doanh nghiệp của chúng ta có hợp tác thực sự được không? Đối với thế giới, nội dung số đang phát triển rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực: viễn thông, tài chính ngân hàng, xuất bản, giáo dục, y tế, văn hóa, điện ảnh, giải trí… CNTT Việt Nam cần làm gì để không bị tụt hậu trong xu thế phát triển đó?

Theo số liệu của Bộ Công thương: 2,9 triệu tấn giấy sẽ được tiêu thụ ở Việt Nam trong năm 2012. Điều đó có nghĩa là các văn bản giấy đã và đang tiếp tục là phương tiện quan trọng trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội; các giải pháp số hóa tài liệu đang đứng trước vô số rào cản hữu hình và vô hình. Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu sẽ có rất  nhiều việc cần làm và phải làm.

Bên cạnh đó, thị trường dịch thuật cũng khá hấp dẫn với xu thế tăng trưởng 12-13% trên toàn cầu, nhu cầu dịch không đòi hỏi chất lượng cao ngày càng tăng cùng với các ứng dụng phần mềm sử dụng công nghệ dịch thuật ngày càng phong phú đang hình thành nên công nghiệp dịch thuật. Điện toán đám mây với việc phân tích ma trận “đám mây” và định hướng nội dung số trong “đám mây” cũng là một chủ đề được trình bày tại hội thảo…

Trong số các báo cáo, bản tham luận của Viettel khá nổi bật với việc chỉ rõ những thách thức lớn đối với ngành viễn thông khi mật độ điện thoại ở Việt Nam đã đạt tới 147 máy/100 dân, tổng số thuê bao điện thoại là 128 triệu máy trong đó hơn 112 triệu thuê bao di động (số liệu năm 2010) và cạnh tranh khốc liệt giữa 14 doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ viễn thông trong đó 11 doanh nghiệp được thiết lập hạ tầng mạng.

Đối với Viettel, sau thời gian phát triển nóng, giai đoạn 2003 – 2008 luôn có doanh thu năm sau tăng gấp đôi năm trước, đến năm 2009 chỉ tăng 80%, năm 2010 tăng 50% và năm 2011 chỉ đặt mục tiêu tăng doanh thu khoảng gần 30%. Xác định rằng thị trường Việt nam là chiếc áo dần trở nên hẹp, Viettel đã và đang phát triển mở rộng việc đầu tư kinh doanh viễn thông tại Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique và Peru…

Mặc dù rất thành công trong việc mở mang các mạng viễn thông ở nước ngoài, lãnh đạo Viettel cũng nhận định rằng: “Trong môi trường thay đổi chúng ta cũng phải thay đổi nếu không muốn bị đào thải. Khi nguồn sống chủ yếu của viễn thông bắt đầu bị giới hạn thì Viettel phải bắt đầu đi tìm nguồn sống mới trước khi quá muộn”.  

Thị trường đã qua thời kỳ phát triển ồ ạt về bề rộng, hiện tại nếu muốn tiếp tục tăng trưởng thì cần phát triển bề sâu với việc tạo nên các sản phẩm khác biệt và hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ. Để thực hiện điều đó thì R&D là bắt buộc và mang tính sống còn, đặc biệt là đối với Viettel trong việc tiếp tục phát triển trên thị trường trong và ngoài nước.

Do vậy, năm 2011, Viettel đã dành 10% lợi nhuận trước thuế, tức khoảng 1500 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu phát triển, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết với các cơ sở nghiên cứu. Trong số đó, một hợp đồng có nội dung rất thú vị đã được ký kết với Viện CNTT là thực hiện dự án phát triển bộ font và bộ gõ tiếng Khmer trên điện thoại di động. Dự án này không chỉ có hiệu quả kinh tế cao mà còn có ý nghĩa chính trị đặc biệt.

Diễn ra ngay trong những ngày đầu của năm 2012, hội thảo là cuộc gặp gỡ thú vị của các ý tưởng và sự hợp tác. Các tham luận và câu hỏi đã gợi mở ra những hướng đi cho công nghiệp nội dung số Việt Nam. Hy vọng năm 2012 công nghiệp nội dung số Việt Nam sẽ có những bước đột phá vươn ra thị trường quốc tế.

Quý Minh

6 cách thức IBM hướng DN bảo vệ hệ thống CNTT khi có thảm họa

(ICTPress) - Năm 2011 là một năm với những thảm họa nhiều tỷ đô la. Do đó, khi xảy ra một sự cố bất ngờ, điều tất yếu là chúng ta cần phải bảo vệ dữ liệu cũng như duy trì hoạt động liên tục của các hệ thống CNTT.

Thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 tại Nhật Bản (Ảnh: ITU)

Theo thống kê, năm 2011 là một năm với những thảm họa nhiều tỷ đô la, với một loạt những cơn bão và lốc xoáy tại các miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ, sóng thần tại Nhật Bản, động đất ở Biển Đông, Colorado và Peru, trận lụt khủng khiếp tại Queensland và mới đây là trận lụt tại Bangkok. Có thể nói thảm họa tự nhiên là một trong những rủi ro lớn nhất.

"Hơn bao giờ hết, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Do đó, khi xảy ra một sự cố bất ngờ hay một thảm họa tự nhiên nào đó, điều tất yếu là chúng ta cần phải bảo vệ dữ liệu cũng như duy trì hoạt động liên tục của các hệ thống CNTT và kinh doanh trong tổ chức và doanh nghiệp (DN) của mình," Ông Hàn Quốc Ân, Giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ công nghệ toàn cầu của IBM Việt Nam, cho biết. "Trong những trường hợp này, rõ ràng là những tổ chức và DN đã chuyển từ mô hình thụ động cũ - đó là hứng chịu tác động và tùy cơ phản ứng - sang một mô hình chủ động mới - đó là dự báo và điều chỉnh. Điều đó rõ ràng đã giúp chúng ta tránh được những hậu quả và gián đoạn hoạt động kinh doanh sau thảm họa hơn rất nhiều."

Dưới đây, IBM đưa ra 6 cách thức mà tổ chức và DN sẵn sàng đối phó với thảm họa trong trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, nhân viên là tài sản quan trọng nhất của công ty, nhưng tài sản quý giá nhất của nhân viên lại là gia đình của họ. Vì thế, DN nên cân nhắc việc hỗ trợ sơ tán cả nhân viên lẫn gia đình họ khi cần thiết như thế nào, ví dụ như cung cấp và hỗ trợ tài chính trong trường hợp xảy ra thảm họa, hoặc cung cấp các dịch vụ tư vấn để giúp họ đối phó với hậu quả của thảm họa cũng là một vài gợi ý.

Thứ hai, phương thức truyền thông với nhân viên và đối tác. Sau con người, yếu tố quan trọng nhất là truyền thông. Các hoạt động truyền thông ở đây là truyền thông nội bộ DN cũng như với các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan báo chí… và ngược lại. Những hoạt động truyền thông với các kênh này cần phải kịp thời, rõ ràng và trung thực, bởi nội dung truyền thông sai lệch có thể làm cho thảm họa trở nên nghiêm trọng hơn. DN cần xem lại họ đang sử dụng những công cụ truyền thông nào và quan trọng hơn là DN đã bao giờ chạy thử kế hoạch truyền thông này hay chưa.

Thứ ba, sao lưu dữ liệu. Hãy đảm bảo rằng dữ liệu của DN không bị sai lệch và luôn có thể truy cập được từ địa điểm khôi phục sau thảm họa. Cân nhắc việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để lưu trữ những dữ liệu quan trọng bởi công nghệ này sẽ mang lại khả năng linh hoạt cao cũng như giảm thiểu mức độ gián đoạn hoạt động kinh doanh khi DN phải đối phó với những điều kiện biến động.

Thứ tư, cân nhắc “hiệu ứng đô-mi-nô” khi đánh giá rủi ro kinh doanh. Thực tế từ các thảm họa ở tầm khu vực đã cho thấy những sự cố ban đầu thường dẫn đến các hậu họa khác. Chẳng hạn, một cơn bão thường có gió lớn và mưa to sẽ gây ra lụt lội, đổ nhà, mất điện, gián đoạn hoạt động viễn thông và giao thông. Vì thế, khi cân nhắc và lên kế hoạch chuẩn bị đối phó với các thảm họa, DN cần xem xét đến các khả năng có thể liên quan này.

Thứ năm, lập kế hoạch để đối phó với những thảm họa có thể kéo dài. Ví dụ, các DN cần phải xem xét tầm ảnh hưởng nếu sự gián đoạn liên quan đến hạ tầng,  mạng, công nghệ hoặc con người kéo dài hơn 3 ngày, một tuần, v.v... Trong thập kỷ vừa qua, chúng ta đã thấy nhiều thảm họa nghiêm trọng diễn biến kéo dài kèm theo những ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính. Các DN cần cân nhắc các lựa chọn nếu môi trường làm việc chính hoặc những nhân sự chủ chốt không thể trở lại hoạt động trong khoảng thời gian hơn 2 tuần.

Thứ sáu, DN cần suy nghĩ và hành động một cách tổng thể. Mỗi DN đều là một phần của một chuỗi hoặc một mạng lưới cung ứng. DN bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng mọi việc nhưng  các đối tác hay nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan cũng luôn phải sẵn sàng. Một phần quan trọng trong kế hoạch khôi phục sau thảm họa của tổ chức, là phải đảm bảo mọi người, mọi khâu, từng đơn vị trong toàn bộ hệ thống kinh doanh của DN cũng luôn được chuẩn bị sẵn sàng.

 PL

Chuyển đổi bưu chính để phát triển

TS. Trần Thị Thập    

Bưu chính nhiều nước hiện nay đang tiến hành các chuyển đổi để tăng trưởng và phát triển bền vững do những thách thức mới như sự phổ biến của công cụ điện tử, khó khăn về kinh tế.

Bài viết trình bày những sơ lược về các động lực chuyển đổi bưu chính, cách xây dựng chiến lược chuyển đổi và kinh nghiệm một số nước.

Các động lực chuyển đổi bưu chính và những quyết định chiến lược đầu tiên

Sự chuyển đổi bưu chính toàn diện bắt đầu từ 20 năm trước. Châu Âu là lục địa đầu tiên có những chuyển đổi bưu chính từ các tổ chức nhà nước sang các công ty bưu chính theo định hướng thị trường. Tuy vậy, bên cạnh tác động bởi khung pháp lý đến sự chuyển đổi bưu chính, các động lực khác cũng diễn ra với cường lực ngày càng mạnh, chủ yếu theo các bình diện sau:

- Toàn cầu hóa: toàn cầu hóa đã vượt qua thời kỳ được coi là một khẩu hiệu mà trở thành mục tiêu trọng tâm của các ngành kinh doanh, gồm cả các dịch vụ bưu chính. Với việc giảm các rào cản thương mại, mở cửa thị trường và việc cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng thông tin, các công ty kinh doanh sẽ không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt mà sẽ phải tìm kiếm các cơ hội mới trên thị trường quốc tế. Các nhà quản trị bưu chính sẽ không thể núp sau thị trường bưu chính nội địa khép kín dưới sự bảo hộ độc quyền bưu chính của nhà nước.

- Giảm bớt độc quyền bưu chính: Xu hướng giảm bớt độc quyền bưu chính bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mà những yếu tố này lại tác động mạnh mẽ tới các nhà hoạch định chính sách. Hai trong số đó là lĩnh vực tư nhân và và tổ chức tài chính thế giới. Lĩnh vực tư nhân là lực lượng chi phối hoạt động vận chuyển và truyền thông, họ thành lập các nhóm hoạt động và thông qua các yêu sách là cần thiết phải có một sân chơi bình đẳng, giảm độc quyền bưu chính xuống mức tối thiểu. Các tổ chức tài chính thế giới - như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) -  ủng hộ hạn chế kiểm soát của chính phủ và tăng quyền tự chủ cho các công ty tư nhân.

- Sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia: Kinh doanh bưu chính có mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế quốc gia. Chuyển đổi bưu chính thành công thường gắn kết với những chuyển đổi tích cực cho các khu vực khác của nền kinh tế mà thu hút các nhà kinh doanh mới. Ngược lại, nếu nền kinh tế của đất nước mạnh thì lưu lượng bưu chính sẽ tăng.

- Thị trường của người mua: Những người mua - khách hàng bưu chính rất khắt khe và không bao giờ thỏa mãn với các tiêu chuẩn hiện có của dịch vụ bưu chính. Họ muốn được cung cấp các dịch vụ bưu chính nhanh hơn, đáng tin cậy hơn và theo các yêu cầu cá nhân của họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty bưu chính không thể đáp ứng các nhu cầu đó? Đơn giản là khách hàng sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Sự lựa chọn của khách hàng trong 5 năm tới là gì ? Nếu các doanh nghiệp bưu chính không sẵn sàng ở phía trước đó thì sẽ sớm gặp khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường mà trước kia phần lớn dành cho họ.

- Sự phát triển công nghệ: Công nghệ sẽ tạo ra sự tăng trưởng của các dịch vụ bưu chính. Rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã chứng tỏ rằng họ có thể sử dụng công nghệ để tạo ra các dịch vụ bưu chính mới nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới phân phối và cung cấp các thông tin định vị bưu gửi cho khách hàng.

Rõ ràng là chuyển đổi bưu chính là thực sự cần thiết xét cả từ bên trong và bên ngoài khu vực bưu chính, tuy vậy việc chuyển đổi nên bắt đầu từ đâu là vấn đề mà các nhà quản trị bưu chính quan tâm. Ở châu Âu, Hà Lan và Đức là những nước đầu tiên thiết lập một khung pháp lý để cho phép bưu chính chuyển đổi các công ty cạnh tranh. Bưu chính Hà Lan (Dutch Post) và BC Đức (Deutsche Post) theo đuổi một chiến lược trở thành công ty hợp nhất toàn cầu. Các tổ chức bưu chính như Italia và Áo thực hiện chiến lược “theo sau người dẫn đạo” trong khu vực/hoặc dịch vụ, trong khi bưu chính các nước khác tập trung vào đáp ứng nghĩa vụ dịch vụ phổ cập quốc gia (USO). Dù là chiến lược nào đi chăng nữa thì các công ty bưu chính thành công đầu tiên đều tập trung vào việc tái cấu trúc cơ cấu kinh doanh cốt lõi của họ.

Ví dụ, Bưu chính Đức có bốn giai đoạn khác nhau trong toàn bộ quá trình chuyển đổi. Đầu tiên Bưu chính Đức tái cấu trúc các lĩnh vực kinh doanh như thư, bưu kiện và bán lẻ. Điều này tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo là mở rộng việc kinh doanh theo địa lý. Giai đoạn thứ ba là mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác với sự tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực kho vận (logistics). Giai đoạn cuối là hình thành giá trị cao hơn cho các cổ đông của công ty.

Hình 1: Bốn lĩnh vực kinh doanh cơ bản của Deutsche Post DHL dựa trên hai trụ cột chính là bưu chính và giao nhận

Có người cho rằng đa dạng hóa thoát khỏi việc kinh doanh cốt lõi là một chiến lược đúng đắn khi tính đến việc sụt giảm lượng thư rõ ràng như hiện nay. Do đó, thú vị là cả Bưu chính Hà Lan và Đức gần đây lại tập trung nhiều hơn vào việc kinh doanh cốt lõi là thư trong nước. Bưu chính Hà Lan đã bán hết các hoạt động kho vận trong năm 2006 để tập trung vào kinh doanh thư và chuyển phát nhanh. Bưu chính Đức đã bán bộ phận ngân hàng bưu chính. Cả hai công ty này hiện nay đã tập trung mạnh mẽ hơn vào việc kinh doanh thư trong nước hơn trước đây.

Tập trung vào kinh doanh bưu chính cốt lõi thậm chí phù hợp hơn với bưu chính các nước chưa tiến hành quá trình chuyển đổi lớn. Chỉ khi họ đã thành công trong tái cấu trúc hoạt động kinh doanh cốt lõi thì họ mới dành được quyền mở rộng vào các lĩnh vực kinh doanh hay các khu vực khác.

Khung chuyển đổi

Khung chuyển đổi được đề cập dưới đây phù hợp với bưu chính nhiều nước đang khởi động một chương trình chuyển đổi. Đó là mục tiêu thực tế mà khi ứng dụng có thể xem xét tình hình cụ thể của bưu chính để tiến hành chuyển đổi.

Xây dựng kế hoạch tổng thể

Làm rõ lý do chuyển đổi

Cần phải làm rõ cho tất cả các bên liên quan (nhân viên, cổ đông, khách hàng, công chúng) tại sao cần thiết phải chuyển đổi. Có phải là do khủng hoảng tài chính, hay bởi vì các quá trình kinh doanh truyền thống không còn phù hợp, hay bởi vì khách hàng không phải là trọng tâm? Có rất nhiều lý do để chuyển đổi và do đó một sự phân tích rõ ràng và mô tả tại sao phải chuyển đổi là rất cần thiết. Điều này cũng bao gồm việc thông báo sự chuyển đổi này khác với bất kỳ các chương trình chuyển đổi trước đây như thế nào.

Xác định định hướng chiến lược và các mục tiêu chuyển đổi

Bước tiếp theo là xác định định hướng chiến lược ở cấp công ty và cấp đơn vị kinh doanh (SBU) cho một khoảng thời gian cụ thể. Trên cơ sở định hướng chiến lược này, các mục tiêu chuyển đổi phải được xác định. Khi xem xét các mục tiêu tổng thể như cải tiến dịch vụ, gia tăng doanh thu, giảm các chi phí, tăng cường các khả năng nhân sự hay tăng cường hình ảnh của công ty cần phải xác định và ưu tiên các mục tiêu này có liên quan đến tình hình cụ thể của công ty hay không ? Các mục tiêu này nên được cụ thể và có thể đánh giá, ví dụ “tăng trưởng doanh thu trong kinh doanh cốt lõi là 10%”.

Thiết lập danh mục chuyển đổi

Công việc thực sự bắt đầu với việc xác định các sáng kiến nào là cần thiết để thực hiện được chương trình chuyển đổi. Một cách thực tế để đạt được các kết quả bền vững trong một khung thời gian hợp lý là việc kết hợp một mục tiêu từ trên xuống và từ dưới lên. Thường thì nhiều sáng kiến hay ý tưởng trong công ty có thể là một nền tảng cho sự chuyển đổi. Mục tiêu từ dưới lên là để đánh giá những sáng kiến và ý tưởng nào có thể hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi và những sáng kiến và giá trị đó có thể đóng góp bao nhiêu vào các mục tiêu.

Nhưng dĩ nhiên công ty bưu chính không nên đơn thuần dựa vào mục tiêu từ dưới lên này bởi vì nó không phải đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Do đó một mục tiêu từ trên xuống cũng cần thiết. Dựa vào định hướng chiến lược và các mục tiêu các sáng kiến chính cho chuyển đổi phải được xây dựng chắc chắc từ quan điểm từ trên xuống. Vì đây cũng là những ví dụ thực tế của các tổ chức bưu chính có thể tính đến.

Việc kết hợp của mục tiêu từ dưới lên và từ trên xuống sẽ tạo nên một danh mục các sáng kiến phù hợp. Những sáng kiến này có thể được phân bổ vào các mục tiêu chuyển đổi cũng như và bộ phận tổ chức liên quan trong một danh mục chuyển đổi.

Chuẩn bị thực hiện

Xây dựng một kế hoạch chuyển đổi là một việc nhưng tầm quan trọng giữa việc hình thành các kế hoạch tiến hành chắc chắc cho từng sáng kiến với các nhiệm vụ, trách nhiệm và khung thời gian cũng như tổ chức phù hợp cho việc thúc đẩy việc thực hiện này là cần thiết.

Thực hiện

Tiếp theo là thời điểm thực hiện. Việc thực hiện chuyển đổi phải được hỗ trợ bằng các công cụ báo cáo và giám sát thực tế. Tất cả các bên liên quan đến chuyển đổi phải tham gia vào trong đó có cả việc truyền thông về tiến trình chuyển đổi một cách phù hợp. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tìm kiếm những người phù hợp để thực hiện việc triển khai và phát triển các khả năng thực hiện của những người này.

Thực tiễn chuyển đổi bưu chính ở một số nước

Bưu chính Malaysia chuyển đổi với 5 mục tiêu

Bưu chính Malaysia (Pos Malaysia Berhad) là một nhà cung cấp các dịch vụ thư độc quyền ở Malaysia. Với lịch sử 175 năm phát triển thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh thư, vận tải, bán lẻ và các lĩnh vực liên quan. Năm 1992, Bưu chính Malaysia đã được chuyển đổi thành công ty và hoạt động như là một công ty của chính phủ (GLC).

Hiệu quả tài chính của Bưu chính Malaysia lúc đó đang sụt giảm với doanh thu hoạt động giảm từ 109 triệu Ringit năm 2005 xuống 82 triệu Ringgit năm 2009. Việc quản lý mới đã bắt đầu vào cuối năm 2008 mặc dù đến năm 2011 công ty này đối mặt với thua lỗ như một công ty bình thường. Do đó lãnh đạo công ty đã xây dựng một kế hoạch chuyển đổi tổng thể trong ba năm, được thông qua vào tháng 8/2009.

Điểm khởi đầu cho việc chuyển đổi này là một định hướng chiến lược rõ ràng: tập trung vào việc kinh doanh cốt lõi là thư, vận tải và bán lẻ trong nước trong thời gian ba năm. Việc chuyển đổi được dựa trên năm trụ cột, bắt đầu bằng các chữ cái FOCUS trong tiếng Anh:

  • Tập trung (Focus) vào các nhu cầu của khách hàng: hình thành các giải pháp mới để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng luôn có nhu cầu thay đổi.

  • Tối ưu trong hoạt động (Operation Excellence): Thúc đẩy những tiến bộ công nghệ mới nhất để cải tiến hiệu quả.

  • Tập trung (Concentrate) vào kinh doanh cốt lõi: bám sát việc kinh doanh có lãi và từ bỏ những đối nghịch.

  • Giải phóng (Unleash) nhân tài và các khả năng: phát triển và nuôi dưỡng các tài năng để nuôi dưỡng nhóm lãnh đạo tương lai.

  • Củng cố hình ảnh (Strengthen Image): Làm mới diện mạo và cảm hứng của các quầy giao dịch bưu chính và đơn giản hóa các quá trình để thỏa mãn khách hàng.

Có tất cả 39 sáng kiến đã được xác định để triển khai trong giai đoạn chuyển đổi ba năm. Những sáng kiến này bao gồm việc tăng doanh thu bằng cách giới thiệu các sản phẩm, sáng kiến mới để giảm các chi phí và cải tiến chất lượng dịch vụ. Danh mục này được bổ sung nhờ các sáng kiến nhân sự phát triển tài năng và các sáng kiến quảng bá hình ảnh của Bưu chính Malaysia thông qua việc thay đổi thương hiệu của công ty một cách toàn diện.

Giữa năm 2011 là hết một nửa thời gian của kế hoạch chuyển đổi 3 năm và việc cải tiến hiệu suất đã thực sự có kết quả. So với năm 2009 doanh thu đã tăng từ 903 triệu Ringgit lên 1,015 triệu Ringgit (+12.4%) và lợi nhuận hoạt động đã tăng từ 82 triệu Ringgit lên 106 trệu Ringgit (+29.3%). Các thành quả khác bao gồm việc giới thiệu điểm Internet bưu chính “PostMe.com.my”, các cải tiến dịch vụ như bao phủ chuyển phát D+1, giảm thời gian chờ đợi tại các quầy bưu chính và các hoạt động của trung tâm gọi.

Chương trình chuyển đổi thành công của Bưu chính Malaysia đã mang lại một số bài học có thể áp dụng rộng rãi vào ngành bưu chính:

  1. Xác định rõ các mục tiêu chuyển đổi

  2. Cam kết và củng cố: đạt được sự đồng thuận của những người liên quan trước khi bắt đầu chuyển đổi và sắp xếp quản lý và nhân viên trong các mục tiêu chuyển đổi.

  3. Kết hợp mục tiêu từ dưới lên và từ trên xuống do đó để xây dựng dựa trên các sáng kiến hiện nay những cũng dựa trên các ý tưởng mới.

  4. Tập trung vào danh mục các sáng kiến phù hợp.

  5. Có các sáng kiến riêng.

  6. Xác định một kế hoạch truyền thông được điều chỉnh phù hợp cho các nhóm mục tiêu khác nhau.

Bưu chính Canada tập trung đầu tư thiết bị

Hàng ngày, Bưu chính Canada (Canada Post) chuyển phát 45 triệu thư đến 15 triệu địa chỉ để giúp khách hàng liên lạc, gửi và nhận các thanh toán, quảng cáo và vận chuyển hàng hóa. Bưu chính Canada đang tiến hành làm mới hạ tầng quốc gia và chương trình này được gọi là Chuyển đổi Bưu chính (Postal Transformation). Chương trình nhiều năm này gồm những đầu tư lớn vào thiết bị, công nghệ và các quy trình sẽ mang đến phạm vi và khả năng tiếp cận cho nhân viên, khách hàng ở cả các kênh vật lý và điện tử, truyền thông mục tiêu hơn và các cơ hội để xây dựng mối quan hệ khách hàng.

Mục tiêu của Bưu chính Canada là nâng cao hiệu suất và hiệu quả, giảm lượng thư không thể chuyển phát và xây dựng nền tảng cho các dịch vụ mới và được cải tiến. Bưu chính Canada tự hào là đã mở được một nhà máy xử lý thư mới gần sân bay quốc tế trong năm 2010. Nhà máy hiện đại này được đặt gần các dịch vụ vận tải hàng không và mặt đất đã giúp cho việc tiếp cận của các khách hàng tăng lên.

Như một phần của kế hoạch chuyển đổi bưu chính, Bưu chính Canada đang triển khai các đầu tư đáng kể trên toàn lãnh thổ Canada. Nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi này là “làm mới mạng lưới vật lý và điện tử của Bưu chính Canada để hình thành Bưu chính hiện đại”.

Mục tiêu của Bưu chính Canada là hiện đại và/hay thay thế các nhà máy, thiết bị và các quy trình lỗi thời, nâng cao hiệu quả, hiệu suất và an ninh của nhân viên và để xây dựng một nền tảng cho các khả năng cung cấp dịch vụ mới. Lợi ích của những thay đổi thiết bị này bao gồm:

  • Việc chia chọn thư được cải tiến: Thiết bị hiện đại có nghĩa là các thời điểm xử lý nhanh hơn (nhanh hơn gần 25% thiết bị hiện tại) và thời gian ngừng máy giảm; Việc xử lý thủ công giảm và các quy trình và mô hình chuyển phát hợp lý hơn.

  • Cải tiến các cung cấp hiện nay: Thông tin nhiều và kịp thời hơn để theo dõi bưu kiện/gói; Việc theo dõi thư thông suốt được tăng lên; Hiệu suất đọc mã vạch và nhận dạng địa chỉ được tăng lên.
  • Tái định hướng thư tốt hơn: Khả năng tái định hướng trên cùng hướng tạo ra sự quay vòng nhanh hơn, Khả năng tái định hướng bưu kiện cũng nằm trong giai đoạn lập kế hoạch.

  • Quản lý địa chỉ được cải tiến: đã làm cho thư không thể chuyển phát được giảm đi và việc lợi nhuận từ đầu tư tốt hơn.

Sẵn sàng cho tương lai - Chương trình làm mới kinh doanh của Bưu chính Australia

Tháng 4/2010, Bưu chính Australia (Australia Post) công bố thực hiện một chương trình chuyển đổi tổ chức 5 năm với tên gọi Sẵn sàng cho tương lai (Future Ready). Chương trình này thiết lập các nền tảng để hình thành một Bưu chính Australia bền vững và trọng tâm vào khách hàng.

Thế giới đã tiến lên và đã chuyển từ điện tín sang điện thoại, Bưu chính Australia phải nắm lấy cơ hội số. Chương trình Sẵn sàng cho tương lai cho phép Bưu chính Australia làm mọi thứ đã làm trong thế giới vật lý có thể làm trong thế giới số. Theo chương trình này, một nền tảng phát triển mạnh mẽ được trông cậy vào việc kinh doanh bưu kiện, bán lẻ, chuyển phát nhanh từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp thay cho lưu lượng thư giảm. Điều này có thể thực hiện được nhờ xây dựng văn hóa hướng tới khách hàng, hợp tác với trách nhiệm và sự thông suốt mạnh mẽ, Giám đốc điều hành và CEO của Bưu chính Australia Ahmed Fahour cho biết.

Những đơn vị kinh doanh chiến lược theo Chương trình này của Bưu chính Australia bao gồm: Dịch vụ bưu chính, Bán lẻ, Chuyển phát hàng và Các dịch vụ điện tử.

Bộ phận dịch vụ bưu chính có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ thư và bưu kiện cho phép Bưu chính Australia ngăn chặn việc sụt giảm thư bằng việc tăng trưởng bưu kiện. Trong khi Internet là đối thủ số 1 của việc kinh doanh thư nhưng với bưu kiện thì Internet là người bạn tốt.

Bộ phận dịch vụ bán lẻ có trách nhiệm về mọi việc Bưu chính Australia thực hiện và mọi sản phẩm, dịch vụ Bưu chính Australia cung cấp ở 4.433 cửa hàng bán lẻ. Bưu chính Australia hiện diện ở khắp các trung tâm, thị trấn ở Australia và Bưu chính Australia muốn trở thành trung tâm của các dịch vụ quan trọng được tin cậy như hộ chiếu, thẩm định nhận thực, thanh toán và nhiều hơn thế.

Bộ phận Chuyển phát nhanh giám sát vận tải của Bưu chính Australia và việc kinh doanh kho vận, các doanh nghiệp liên doanh bao gồm Chuyển phát nhanh hàng không Australia, Chuyển phát nhanh Star Track và Sai Cheng Logistics. Bộ phận này tập trung vào thị trường doanh nghiệp đến doanh nghiệp với trọng tâm là Australia và châu Á.

Bộ phận dịch vụ điện tử là đơn vị kinh doanh mới tập trung vào các cơ hội như an ninh, chứng thực nhận dạng, truyền thông số, các sáng kiến thương mại điện tử và các dịch vụ khác có thể cung cấp bằng đường điện tử, để củng cố mạng vật lý của Bưu chính Australia.

Chương trình chuyển đổi này sẽ tái cấu trúc Bưu chính Australia trong hai năm 2010 và 2011 và sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng lại và phát triển từ năm 2012.

Cấu trúc nhân sự ở Bưu chính Singapore để chuyển đổi và tăng trưởng

Dịch vụ E-Postcard được Bưu chính Singapore cung cấp tại sân bay quốc tế Changi

Tháng 1/2011, Bưu chính Singapore ra thông báo việc sắp xếp lại tổ chức trong một bước tiến đẩy mạnh chuyển đổi và tăng trưởng của mình. Theo cấu trúc mới này ông Ng Hin Lee đã được bổ nhiệm làm CEO phụ trách các dịch vụ bưu chính và doanh nghiệp. Ông Ng Hin Lee tiến hành các nỗ lực chuyển đổi trong việc kinh doanh thư của SingPost và tập trung hơn vào các dịch vụ bưu chính, các giao dịch chiến lược và các dịch vụ hỗ trợ của công ty này.

TS. Wolfgang Baier được bổ nhiệm làm CEO phụ trách lĩnh vực quốc tế để thúc đẩy việc khu vực hóa và các nỗ lực đa dạng hóa của SingPost. Những kinh nghiệm quốc tế của ông đặc biệt trong lĩnh vực kho vận là chìa khóa cho việc mở rộng của SingPost trong khu vực, tạo doanh thu trong lĩnh vực kho vận và các lĩnh vực kinh doanh phi bưu chính khác. Ông cũng phụ trách lĩnh vực Kho vận, Các dịch vụ bán lẻ và tài chính, Bán hàng và Tiếp thị cũng như các giải pháp Quantium. TS Baier, đã làm việc với SingPost về các sáng kiến trong 5 năm qua và gia nhập SingPost ngày 7/2/2011. Ông Lim Ho Kee, Chủ tịch của SingPost cho biết: Ngành Bưu chính đang đối mặt với các thách thức to lớn đặc biệt là nhờ các công cụ điện tử. Trên toàn cầu, lưu lượng thư giảm. SingPost đã bắt đầu chuyển đổi việc kinh doanh 7 năm trước và khá thành công trong việc đảo chiều xu hướng sụt giảm thư. SingPost hy vọng và tự tin có lý do rằng có thể tiếp tục con đường chuyển đổi này.

Ban điều hành của SingPost nhận thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh các nỗ lực chuyển đổi để thích nghi hoàn cảnh và tăng trưởng. Đồng thời, SingPost cam kết những lợi ích tốt nhất của các cổ đông khác nhau, các nghĩa vụ xã hội và dành các nguồn lực riêng để đảm bảo một cấp dịch vụ tốt mà công chúng mong đợi. SingPost cũng hướng tới các cổ đông, nhân viên, khách hàng để tiếp tục tăng trưởng cả trong nước và khu vực và duy trì sự bền vững.

Với một đội ngũ quản lý được củng cố và các nguồn lực đi cùng để tập trung hơn vào các dịch vụ bưu chính cũng như việc toàn cầu hóa và các nỗ lực đa dạng hóa, SingPost mong muốn đạt đến các hiệu suất cao hơn.

Để chuyển đổi thành công, bưu chính các nước phải đánh giá tình hình của mình, xác định và triển khai các chương trình chuyển đổi phù hợp với nước mình.

Tài liệu tham khảo

[1]. Marten Buettner, A major transformation programme, Monday, 4/7/2011.

[2]. Các trang web: Canada post, Australia Post

Wi-Fi tốc độ 1 Gbit/s sẽ xuất hiện vào năm 2012

Wi-Fi 1Gbit/s 802.11ac của NTT giới thiệu hồi tháng 7/2011

Broadcom cho biết rằng chuẩn Wi-Fi 802.11ac sắp đến sẽ thay thế cho chuẩn 802.11n trong các dòng sản phẩm phần cứng điện tử dân dụng vào cuối năm 2012.

Chuẩn 802.11ac còn được biết đến với tên gọi khác là 802.11 VHT (Very High Throughput, tạm dịch là lưu lượng rất cao), sử dụng băng tần 5 GHz với các kênh có băng thông cực rộng 80 MHz và 160 MHz, tốc độ truy cập 1 Gbit/s.

Rahul Patel, Phó Tổng giám đốc Broadcom - phụ trách mảng không dây và di động, cho rằng đường truyền 802.11ac gần như gấp đôi 802.11n, với khả năng tăng băng thông khả dụng, cải thiện tuổi thọ của pin và khai thác phổ tần 5 GHz sẵn có.

"Băng tần 2,4 GHz chỉ có 3 kênh, trong khi đó băng tần 5 GHz có đến 20 kênh lẻ để sử dụng; vì thế, có nhiều tuyến truyền dẫn cao tốc rộng hơn cho lưu lượng thông tin”, Rahul Patel cho biết thêm, mặc dù thừa nhận tiêu chuẩn sẽ không được sửa đổi trong một thời gian dài. “Chỉ có một điều là 20 kênh cũng không đủ, nhưng chúng tôi sẽ có giải pháp trong vài năm tới”.

Tiêu chuẩn tiếp theo sẽ là 802.11ad, khi đó Wi-Fi sẽ được bổ sung băng tần 60 GHz. Sự hợp nhất tiềm năng Wi-Fi với băng tần 60 GHz dưới dạng chuẩn 802.11ad, sẽ cho phép cải thiện hơn băng tần 60 GHz trên cơ sở thiết lập các mạng Wi-Fi.

Dưới đây là thông tin về lộ trình phát triển của các chuẩn Wi-Fi:

- IEEE 802.11n: Tăng tốc độ dữ liệu thô cực đại từ 54 Mbit/s lên 600 Mbit/s bằng cách sử dụng 4 spatial streams (tạm dịch là chuỗi dữ liệu không gian) với một kênh rộng gấp đôi (40 MHz). Cấu trúc MIMO và các kênh rộng hơn đã cải thiện tốc độ của các kênh trên băng tần 5 GHz và 2,4 GHz.

- IEEE 802.11ac: Cung cấp lưu lượng cao trên băng tần 5 GHz, sử dụng các kênh có băng thông rộng 80 MHz hoặc 160 MHz (tối đa 40 MHz với 802.11n) và hỗ trợ lên đến 8 spatial streams (thay vì 4 spatial streams như 802.11n).

- IEEE 802.11ad: Cung cấp lưu lượng cao trên băng tần 5 GHz và 60 GHz. Băng tần 60 GHz có phạm vi phủ sóng nhỏ, do khả năng xuyên thấu thấp, nhưng với phổ tần rộng sẽ hỗ trợ lưu lượng lên đến 7 Gbit/s.

- WiGig: Một biến thể của chuẩn 802.11ad, được thiết kế riêng cho luồng video độ nét cao. Liên minh Wi-Fi và liên minh WiGig sẽ hợp tác công nghệ trên băng tần 60 GHz. WiGig có thể đạt tốc độ truyền dữ liệu lên đến 7 Gbit/s và đã được chấp nhận cho các kết nối video không dây HDMI.

- WirelessHD: Nhóm được dẫn đầu bởi SiBeam, cho phép truyền dẫn số cả có nén (H.264) lẫn không nén các tín hiệu video độ nét cao, âm thanh và dữ liệu; về cơ bản tương đương với HDMI không dây. Các đặc tính kỹ thuật của WirelessHD có các quy định để mã hoá nội dung thông qua DTCP (Digital Transmission Content Protection, tạm dịch là bảo vệ nội dung truyền dẫn số). SiBeam đã được Silicon Image mua lại hồi tháng 4/2011.

Theo Ali Sadri, Giám đốc của Intel Mobile Wireless Group và là Chủ tịch liên minh WiGig, WiGig được xác nhận như một đặc điểm kỹ thuật cơ bản cho dự thảo chuẩn 802.11ad. WiGig đã phát triển cấu hình cho các giao diện HDMI không dây, DisplayPort, USB và PCIe cũng như bảo vệ nội dung HDCP 2.0.

Liên minh WiGig hiện đang kêu gọi tạo ra một chuẩn kết nối nhiều Gbit để cho phép kết nối màn hình hiển thị từ các thiết bị khác nhau như PC, máy tính bảng, điện thoại cầm tay.

Bộ settop box và máy thu hình (TV) sẽ là một trong những thiết bị đầu tiên sử dụng chuẩn WiFi siêu nhanh.

Theo một báo cáo của In-Stat xuất bản vào tháng 02/2011, các lô hàng thiết bị sử dụng chuẩn 802.11ac sẽ tăng gần đến con số 1 tỷ và năm 2015. Chuẩn 802.11ac được kỳ vọng sẽ tăng tốc độ và hiệu suất, đáp ứng nhu cầu người dùng, nhưng vẫn duy trì khả năng tương thích ngược với chuẩn 802.11n.

Thiên Tường

rfd.gov.vn/Dailywireless

Mô hình đầu tư viễn thông, viễn thông công ích

TS. Bùi Xuân Chung

Việt Nam đã hội nhập kinh tế được 5 năm, thị trường viễn thông Việt Nam đã có bước phát triển và cạnh tranh sâu sắc. Đối với lĩnh vực viễn thông công ích (VTCI) đã chuyển đổi từ nghĩa vụ phổ cập sang hình thức phổ cập thông qua Quỹ Dịch vụ VTCI để minh bạch và công bằng với các nhà khai thác viễn thông.

Bài viết sẽ tập trung vào nội dung đổi mới quản lý đầu tư trong viễn thông, và VTCI để góp phần phát triển bền vững thị trường viễn thông, tránh các hiện tượng cạnh tranh phá giá ảnh hưởng đến tính hiệu quả của thị trường viễn thông.

 1. Những nội dung cần sự đồng thuận

Tách nghĩa vụ cung cấp dịch vụ VTCI ra khỏi quyền kinh doanh

Thực tế phát triển thị trường viễn thông đã chỉ ra việc tách nghĩa vụ công ích và kinh doanh viễn thông là thông lệ tốt trong phát triển thị trường viễn thông, những bùng nổ của thị trường viễn thông từ năm 2007 đến này đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn này. Do vậy, giải pháp can thiệp của nhà nước thông qua hình thành Quỹ dịch vụ VTCI để cung cấp dịch vụ VTCI là đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển thị trường.

Hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI không có tính bắt buộc với doanh nghiệp

Doanh nghiệp (DN) tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông như một hoạt động kinh doanh sản xuất hàng hoá công cho chính phủ. Có thể thấy rõ thông qua các hoạt động sản xuất thuộc y tế, và các sản phẩm y tế khác khi đưa vào phục vụ dự phòng y tế hoặc cung cấp cho đồng bào vùng sâu sẽ trở thành hàng hoá công do mục đích sử dụng. Do vậy, trong hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI cần tính toán đủ các yếu tố để DN có thể sản xuất cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu chuẩn.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ bị điều chỉnh theo luật kinh doanh hơn là các quan hệ hành chính

Những thoả thuận cơ bản trong hợp đồng đặt hàng dịch vụ VTCI là thoả thuận giữa các bên trong cung cấp dịch vụ sẽ bị điều chỉnh theo các luật dân sự, luật thương mại và các quy định liên quan. Do vậy các quyết định hành chính sẽ không có hiệu lực với hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI của DN.

Thị trường và việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ VTCI

Những hình thức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ công trong bối cảnh thị trường viễn thông phát triển và cạnh tranh sẽ tối ưu với xã hội khi sử dụng hình thức đấu thầu. Việc phân bổ theo kế hoạch nên hạn chế và thực hiện với quy mô nhỏ.

2. Nội dung phương pháp ROI

Mô hình tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư

Một phương pháp đo lường hiệu suất sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc đầu tư hoặc để so sánh hiệu quả của các khoản đầu tư khác nhau là phương pháp ROI (Return on Investment). ROI được tính bằng tỷ suất của lợi ích (yêu cầu) của một khoản đầu tư chia cho chi phí đầu tư, kết quả được thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm. Mức lợi tức yêu cầu của khoản đầu tư được tính toán theo công thức sau:

Trong công thức trên "Giá trị thu được từ khoản đầu tư", đề cập đến số tiền thu được từ việc một khoản đầu tư hoặc mức lợi tức yêu cầu đối với khoản đầu tư đó. Hiệu suất đầu tư là một thước đo rất phổ biến vì tính linh hoạt và đơn giản trong quá trình hoạch định đầu tư. Tỷ suất này được sử dụng trong lựa chọn danh mục các khoản đầu tư hoặc đặt ra mục tiêu cho các khoản đầu tư.

Phương pháp ROI như một thang đo về kết quả cơ bản đối với các khoản đầu tư của xã hội. Kết quả tính toán theo phương pháp ROI là một cơ sở để hoạch định đầu tư, đối với vấn đề đầu tư của một ngành phương pháp ROI thường được tính toán trong quản lý nguồn lực xã hội đã và sẽ đầu tư cho ngành đó. 

3. Tại sao phương pháp ROI đáp ứng yêu cầu

Phương pháp ROI thể hiện rõ những yêu cầu về lợi ích của các bên tham gia đầu tư, do vậy phương pháp ROI sẽ tính toán và đảm bảo cho DN phát triển bền vững trong cung cấp dịch vụ nói chung và dịch vụ công nói riêng. Những nội dung đem lại cho phương pháp ROI tính phù hợp trong thẩm định dự án phát triển dịch vụ viễn thông công ích, cụ thể:

- ROI là thang đo chuẩn mực trong việc xác định các hiện tượng phá giá, hoặc gian lận trong việc đấu thầu cung cấp dịch vụ công.

- ROI là thang đo trong việc thẩm định, lựa chọn công nghệ trong cung cấp dịch vụ VTCI.

- ROI là cơ sở để xác định mức hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ VTCI.

Đối với lĩnh vực quản lý công, việc tính toán lợi ích đầu tư thông qua phương pháp ROI sẽ là cơ sở để Chính phủ phát hiện các hành động phá giá hoặc đầu tư quá mức vào một ngành làm méo mó nguồn lực xã hội. Ngoài ra, các kết quả tính toán từ phương pháp ROI là cơ sở để Chính phủ hỗ trợ cho việc cung cấp dịch vụ công hoặc điều tiết nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực xã hội.

 4. Sử dụng ROI phân tích dịch vụ VTCI và dịch vụ viễn thông kinh doanh

Bài viết sẽ sử dụng phương pháp ROI để phân tích vấn đề đầu tư trong cung cấp dịch vụ VTCI. Sử dụng chỉ tiêu ROI để tính toán các lợi ích của nhà đầu tư khi đầu tư hoặc lựa chọn công nghệ trong cung cấp dịch vụ điện thoại. Kết quả tính toán trong Bảng 1.

Bảng 1: ROI khi đầu tư vào dịch vụ điện thoại ((Nguồn phân tích dữ liệu các dự án viễn thông và các báo cáo của tổ chức BMI)

Đối với công nghệ di động, thông tin gần đây cho thấy các nhà khai thác sẽ chưa thực hiện thu cước đối với các thuê bao có mức cước nhỏ hơn 1 USD (20.000 VNĐ)(1), chứng tỏ một nội dung: khi thị phần đã lớn các chi phí quản lý được phân bổ thấp hơn họ có thể chuyển dịch công nghệ di động sang cung cấp dịch vụ điện thoại cố định vô tuyến là một hoạt động hiệu quả phần đầu tư của nhà khai thác. Bên cạnh đó DN cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ với giá cạnh tranh thấp hơn mức tính toán trong bài báo.

Phía ngược lại, thông tin đối với dịch vụ cố định gần đây cho thấy mức suy giảm thuê bao điện thoại cố định, mức cước thu được trên thuê bao chỉ còn 2 USD (40.000 đồng) là những thông tin cảnh bảo về sự thay thế và lấn át của dịch vụ điện thoại cố định di động.    

4. Phân tích phương án của nhà đầu tư và chính phủ

Hành vi của các chủ thể trong đầu tư và tài trợ của Chính phủ trong cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và cố định di động, trong phân tích giả định mức gia tăng lợi ích của một thuê bao cố định di động giống với sự gia tăng một thuê bao di động.

Theo quan điểm tách bạch giữa kinh doanh và công ích thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đối với hoạt động VTCI phải gần bằng với tỷ suất lợi nhuận của ngành. Tỷ suất này hiện tại khoảng 15% (Nguồn điều tra DN Việt Nam).                                    

Sau đây là các nội dung bình luận về kết quả phân tích các kịch bản gắn với xu thế phát triển của dịch vụ điện thoại trong vùng công ích.

Kịch bản 1 (điện thoại cố định) và Kịch bản 2 (Điện thoại cố định vô tuyến): Kết quả tính toán cho thấy chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào cung cấp dịch vụ điện thoại tại vùng công ích vì đều có ROI nhỏ hơn 15%. Nếu đầu tư theo trách nhiệm xã hội của DN thì nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương thức đầu tư vào dịch vụ điện thoại cố định vô tuyến.

Kịch bản 3: Các nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư nếu được hỗ trợ bằng phần chênh lệch với trung bình ngành là 14, 55% (15%-0,45%=14,5%).

Kịch bản 4: Các nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư nếu được hỗ trợ bằng phần chênh lệch với trung bình ngành là 2, 95% (15%-12,05%=2,95%).

5. Các phát hiện nâng cao hiệu quả đầu tư VTCI

Từ việc xây dựng, lựa chọn mô hình phân tích và các số liệu thực tế bài viết đã xây dựng hệ thống phương án thể hiện mối quan hệ lợi ích giữa các bên trong đầu tư cho VTCI. Trên cở các kết quả phân tích tác giả đưa ra các phát hiện cơ bản để nâng cao hiệu quả và khuyến khích DN đầu tư vàoVTCI.   

Phát hiện thứ nhất: Những phân tích nội dung công nghệ theo bốn kịch bản đã chỉ ra sự cần thiết lựa chọn công nghệ trong phổ cập dịch vụ điện thoại cố định. Với những DN đã đầu tư vào mạng cố định có sẵn nếu không hỗ trợ thì số lượng thuê bao điện thoại cố định sẽ giảm xuống gây tổn thất cho khoản đầu tư xã hội.

Phát hiện thứ hai: Phân tích về tỷ suất ROI chỉ ra nguyên nhân xu thế giảm dần của các thuê bao điện thoại cố định giống như kinh nghiệm của các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy công tác quy hoạch của Chính phủ cũng cần hạn chế các dòng đầu tư vào dịch vụ điện thoại cố định để tránh tổn thất và lãng phí cho xã hội.

Phát hiện thứ ba: Khi thị trường viễn thông phát triển có tính cạnh tranh, các hợp đồng đầu thầu cung cấp dịch vụ điện thoại, mức hỗ trợ là một cơ sở quan trọng trong tính toán giá trị hợp đồng, do vậy việc tính toán mức hỗ trợ cần dựa trên mức giá đầu thầu gắn với công nghệ và dịch vụ cung cấp.

Phát hiện thứ tư: Các hiện tượng có tính phá giá như không nhận hỗ trợ trong phát triển dịch vụ sẽ làm thông tin thị trường bị méo sẽ là căn nguyên gây nên tổn thất xã hội và tạo ra lãng phí xã hội và sự giảm số lượng thuê bao điện thoại khi hết hỗ trợ.

Phát hiện thứ năm: Để ổn định trong cung cấp dịch vụ điện thoại tại các vùng khó khăn, cần có các giải pháp quy hoạch dài hạn để ổn định và nâng cao tính sẵn sàng trong cung cấp dịch vụ điện thoại. Khi đó các giải pháp có tính thị trường như Đầu thầu cung cấp dịch vụ, đấu thầu thực hiện theo hình thức BOT, BT, BTO trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ sẽ góp phần tối ưu và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ điện thoại tại các vùng khó khăn.

Bài viết sử dụng một phương pháp phân tích giản đơn với hy vọng đưa ra các gợi ý để phát triển bền vững dịch vụ điện thoại tại các vùng khó khăn.    

Ghi chú:

([1]) Trong kinh tế khi doanh thu cận biên (MR) lớn hơn chi phí cận biên (MC) thì DN vẫn tiếp tục sản xuất, mức 1 đô la là giới hạn mà DN không muốn cung cấp dịch vụ.

Tài liệu tham khảo

[1]. Điều tra doanh nghiệp Việt Nam  (http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=440&idmid=5)

[2]. Investment science (1998), Oxford University press 

[3]. Vietnam telecom report (2009), BMI

5 kinh nghiệm ngừng phát hình analogue ở Nhật

(ICTPress) - Số hóa phát hình mặt đất là một xu hướng của thế giới. Ở Nhật Bản gần như toàn bộ dân số xem truyền hình qua phát hình mặt đất. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai việc chấm dứt analogue trên diện rộng như vậy. Sau đây là 5 kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc triển khai ngừng phát hình analogue thành công.

Ngày 24/7/2011, theo như kế hoạch đã định, Nhật Bản chấm dứt mạng truyền hình số analogue ở tất cả các vùng, trừ những vùng bị thảm họa động đất sóng thần ngày 11/3/2011. Do thảm họa xảy ra, nên chính phủ Nhật đã tạm ngưng việc chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất ở các quận tỉnh, Miyagi và Fukushima đến cuối tháng 3/2012.

Ở Nhật Bản, chính phủ, các đài phát hình, các nhà máy và nhiều bên liên quan khác đã nỗ lực to lớn để hoàn thành số hóa toàn diện việc phát hình mặt đất. Có rất nhiều loại công nghệ truyền hình số mặt đất được sử dụng trên toàn thế giới. Nhật Bản sử dụng công nghệ phát truyền hình số mặt đất dịch vụ tích hợp (ISDB-T - Chuẩn này được mô tả trong Hệ thống C trong Khuyến nghị ITU–R BT.1306).

Truyền hình số mang lại hình ảnh đẹp và chất lượng âm thanh hoàn hảo hơn, cũng như có nhiều kênh và chương trình để người xem lựa chọn. Các đài truyền hình có thể cung cấp nhiều chương trình đồng thời, sử dụng lượng phổ tần cần thiết cho chỉ một kênh analogue. Hơn nữa, việc chuyển sang các công nghệ số sẽ làm giảm hiệu ứng nhà kính rất lớn - gần 10 lần - do việc tiêu thụ nguồn của các trạm phát sóng giảm. Số các trạm phát cũng có thể được giảm xuống bằng cách phát nhiều chương trình trong một kênh tần số.

Ở Nhật Bản, cùng với ISDB-T, một dịch vụ phát di động được gọi là “One-Seg” mang lại một trải nghiệm xem mới mà không tốn thêm chi phí. Sự hấp dẫn của phát truyền hình số và việc tiếp cận dễ dàng các ưu điểm đã nhận được sự tin cậy của người dân Nhật Bản.

Nhật Bản đã phải hứng chịu một thảm họa động đất và sóng thần chưa từng có vào ngày 11/3, chỉ trước ngày hạn chót chấm dứt truyền hình analogue. Hiện nay, Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng lại hạ tầng đã bị phá hủy, với sự trợ giúp của bạn bè quốc tế và bằng cách triển khai một nỗ lực quốc gia lớn “Ganbaro, Nippon!!!”. Nhiều người đã được cứu thoát từ việc cảnh báo sóng thần do One-Seg thực hiện.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề, việc số hóa phát hình mặt đất ở Nhật Bản đã diễn ra quy mô như kế hoạch ban đầu. Thứ 7 ngày 24/7/2011, Nhật Bản đã hoàn thành số hóa phát hình mặt đất bằng cách chấm dứt phát hình analogue, trừ các khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của động đất và sóng thần.

5 kinh nghiệm thành công

Số hóa phát hình mặt đất là một xu hướng của thế giới. Ở Nhật Bản, hơn 120 triệu người, gần như toàn bộ dân số, xem truyền hình qua phát hình mặt đất. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai việc chấm dứt analogue trên diện rộng như vậy.

Sau đây là những kinh nghiệm thành công của Nhật Bản trong việc triển khai chấm dứt phát hình analogue thành công:

Kinh nghiệm 1: Tư vấn toàn diện cho nhân dân (thông qua sự hợp tác của chính phủ, các đài phát hình, các nhà sản xuất và các thợ điện)

Truyền hình là một dịch vụ phổ cập và là một hạ tầng quan trọng, mà phần lớn nhiều người coi truyền hình là một nguồn tin. Do đó việc đưa truyền hình đến với mọi người chưa biết công nghệ số, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người có thu nhập thấp là cần thiết. Với quan điểm này Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC) Nhật Bản đã hợp tác với các đài truyền hình, các nhà sản xuất và các thợ điện để thiết lập 51 trung tâm hỗ trợ (được gọi là Digi- Suppos) cho người xem truyền hình số mặt đất. Những trung tâm hỗ trợ này được đặt ở các tỉnh, cho phép mọi người tiếp cận và đặt ra các câu hỏi dễ dàng. Bên cạnh đó ngay trước thời hạn ngừng phát analogue, các trạm tạm thời đã được mở nhờ sự hợp tác với các chính quyền địa phương để hỗ trợ những người dân vẫn chưa chuyển sang truyền hình số. Những tình nguyện viên cũng giúp đỡ bằng cách kêu gọi những người lớn đứng ra khẳng định họ đã chuyển sang truyền hình số.

Kinh nghiệm 2: Triển khai các biện pháp theo chương trình và ngày mục tiêu

Để chuẩn bị cho các mạng truyền dẫn, một “kế hoạch tổng thể” đã được thông báo rộng rãi về kế hoạch bắt đầu phát hình số ở từng vùng. Kế hoạch tổng thể bắt đầu ở ba thành phố lớn (Tokyo, Nagoya và Osaka) vào năm 2003 và các thành phố nhỏ hơn vào năm 2006. Những ngày bắt đầu cho các khu vực khác cũng được đề ra trong kế hoạch.

Khi phần lớn các trạm truyền dẫn đã được xây dựng, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã chuyển sự chú ý sang việc chuẩn bị một môi trường xã hội cho phát số. Digi-Suppos đã hỗ trợ các công dân giải quyết bất kỳ sự khó khăn nào về tiếp nhận, ví dụ ở đâu sóng bị chặn do núi và các tòa nhà cao tầng.

Ở những vùng đường biên của vùng phủ analogue, thì mức độ sóng thu được là rất yếu, các biện pháp bổ sung đã được thực hiện, như lắp đặt các trạm thu chia sẻ hay thay thế các anten bằng các anten khuếch đại cao. Những nơi các biện pháp này không thể thực hiện trước ngày dừng analogue, Bộ Nội vụ và Truyền thông và các đài phát hình sẽ cung cấp các mạng vệ tinh như là một biện pháp tạm thời để phát các chương trình truyền hình mặt đất.

Kinh nghiệm 3: Tăng cường sự hiện diện của đầu thu số

Chuẩn hóa các yêu cầu chức năng tối thiểu cho hộp set-top, cộng thêm các nỗ lực của các nhà sản xuất để cải tiến công nghệ, đã tạo ra các sản phẩm rẻ hơn và do vậy phổ biến được các đầu thu số. Bên cạnh đó, chính phủ đã khích lệ các khách hàng mua và chuyển sang các tivi số (được gọi là chương trình “điểm tiết kiệm”). Chương trình này đã thúc đẩy sự phổ biến của các đầu thu số. Do vậy, đã có 25 triệu chiếc tivi màn hình mỏng trong năm 2010 xuất xưởng (so với 10 triệu năm 2009). Số lượng bán ra năm 2010 là cao gấp 5 lần tháng 11/2009, nhờ được khuấy động bởi một thông báo là nửa số điểm tiết kiểm sẽ đóng cửa.

Để đảm bảo cho những người không có đầu thu số, các hộp set-top đã được phát miễn phí cho các hộ gia đình thu nhập thấp từ năm 2009.

Kinh nghiệm 4: Công bố tỷ lệ phổ biến số và ngày ngừng phát analogue thông qua hệ thống phát analogue

Chính phủ Nhật đã chia sẻ những thống kê về số hóa qua truyền thông. Những thống kê này bao gồm cả các kết quả của một cuộc thăm dò về sự phổ biến của các đầu thu số hộ gia đình và một cuộc thăm dò về sự nhận thức của người xem về thời điểm ngừng phát analogue. Các báo cáo về việc sử dụng các hệ thống thu chia sẻ tại các khu chung cư cũng đã được thông báo. Người xem do đó nhận thức rằng việc chuyển sang phát truyền hình số đang đạt được những tốc độ nhanh chóng.

Thành phố Suzu, thuộc tỉnh Ishikawa có xấp xỉ 10.000 hộ gia đình đã ngừng phát hình số trước hạn 1 năm. Kinh nghiệm này đã giúp cho việc chuẩn bị ngừng phát analogue trên toàn quốc.

CHIDEJIKA là con vật mang lại may mắn cho chiến dịch truyền hình số mặt đất ở Nhật Bản. “CHIDEJI” có nghĩa là “truyền hình số mặt đất” (terrestrial digital television) và “-KA” tương đương hậu tố của “-ization” trong tiếng Anh. “JIKA” cũng có nghĩa là hươu (deer). Do đó, “CHIDEJI”+”JIKA”=”CHIDEJIKA” là một chơi chữ cho chiến dịch lấy con hươu làm biểu tượng. Hai cái sừng của hươu CHIDEJIKA giống như hình của những chiếc anten.

Các hãng truyền hình đã thông báo cho người xem thông qua một chương trình analogue phát trên tất cả các kênh là phát hình analogue sẽ chấm dứt vào 24/7/2011. Từ “analogue” được hiển thị trên màn hình đã thông báo cho người xem là họ đang xem chương trình analogue. Từ 1/6/2011, trong một nỗ lực cuối cùng để nâng cao nhận thức, các đài phát đã thêm một hình ảnh trên màn hình hiển thị số ngày còn lại đến ngày ngừng phát analogue. Những biện pháp này đã ngăn chặn sự phức tạp khi phát hình analogue chấm dứt.

Kinh nghiệm 5: Thúc đẩy việc chuyển sang phát hình số mặt đất bằng cách mời các nhân vật và những cá nhân như một phần của chiến lược truyền thông

Ngành đã xây dựng nhiều chiến dịch và thương mại khác nhau sử dụng hình ảnh con vật cũng như nhiều biểu tượng cho các nhóm tuổi khác nhau để thúc đẩy việc chuyển sang phát số. Các đoạn clip quảng cáo được chiếu cho người hâm mộ tại các sân vận động bóng đá và bóng rổ chuyên nghiệp, các đường đua ngựa. Những chiến dịch xã hội này đã tạo ra sự thân thiện trên toàn quốc đối với việc chuyển sang phát hình số mặt đất. Không chỉ như vậy mà còn các sản phẩm kèm theo mang hình ảnh con vật mang lại nhiều may mắn đã mang lại những tác động sâu rộng.

Bình Minh

Tham khảo: ITU, soumu.go.jp,Terrestrial Broadcasting Division

Công nghệ nào cho năm 2012 và sau nữa

(ICTPRess) - Một loạt các xu hướng công nghệ đang nổi lên, theo quy luật một số công nghệ đang bừng lên nhưng số khác có thể biến mất không dấu vết.

Các yếu tố đảm bảo sự bền vững của các công nghệ cụ thể thường có trạng thái thay đổi từ việc cần thiết thuần túy sang trạng thái đóng băng, từ sáng tạo đến chi phí. Bốn công nghệ dưới đây được xem là những công nghệ tiên phong trong những năm tới.

Nối mạng định nghĩa bằng phần mềm (Software defined networking SDN): SDN được dựa trên cơ chế khai phá tách bạch việc kiểm soát một luồng mạng với luồng dữ liệu. SDN là kết quả của nỗ lực tiên phong của trường Đại học Stanford và California, Berkeley và được dựa trên giao thức luồng mở (Open Flow Protocol). SDN tách định tuyến và chuyển các luồng dữ liệu riêng rẽ và chuyển kiểm soát luồng sang thành phần mạng riêng có tên gọi là thiết bị kiểm soát luồng (Flow controller). Điều này cho phép luồng các gói dữ liệu đi qua mạng được kiểm soát theo một cách có lập trình.

Giao thức luồng mở có ba thành phần - bộ kiểm soát luồng, thiết bị luồng mở và bảng luồng - và một kết nối an ninh giữa bộ kiểm soát và tổng đài. SDN cũng bao gồm khả năng ảo hóa các nguồn lực mạng. Các nguồn lực mạng được ảo hóa được biết đến như là một “ngăn mạng” (network slice). Một ngăn có thể mở rộng nhiều thành phần mạng bao gồm đường trục mạng, bộ định tuyến và các host. Khả năng kiểm soát nhiều luồng lưu lượng một cách lập trình sẽ tạo ra sự linh hoạt và nguồn lớn hơn trong tay người sử dụng.

Lưới điện thông minh (smart grid): Ngành năng lượng đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi toàn diện với sự phát triển của khái niệm lưới điện thông minh. Hiện nay có một nhu cầu mới về hiệu quả của việc tạo nguồn, truyền dẫn và phân phối cộng với việc giảm các tổn thất năng lượng. Trong bối cảnh này, nhiều nhà cung cấp hàng đầu trong ngành năng lượng đã hướng tới lưới điện số đầu cuối tới đầu cuối được kết nối để quản lý thông minh việc truyền dẫn và phân bổ năng lượng.

Lưới điện số sẽ có các máy đo lường, bộ cảm biến và các thiết bị khác thông minh được đặt trên toàn mạng cho phép cảm biến, thu gom, phân tích và phân bổ dữ liệu đến các thiết bị hoạt động trên đó.

Phần lớn lượng dữ liệu được thu gom sẽ được chuyển đến thiết bị thông minh sẽ sử dụng các mạng không dây 3G để truyền dữ liệu. Hoạt động tương ứng như phân phối năng lượng tối ưu và định tuyến khác sẽ diễn ra sau đó. Lưới điện thông minh là một sự đảm bảo cho việc giải quyết được nhu cầu khốc liệt của việc quản lý năng lượng hiệu quả.

NoSQL: có nghĩa là Non-Relational - không ràng buộc, tuy nhiên hiện nay người ta thường dịch NoSQL là Not Only SQL - Không chỉ SQL. Trong nhiều ứng dụng web lớn nơi hiệu suất và quy mô là những mối quan tâm đầu tiên thì một cơ sở dữ liệu không ràng buộc như NoSQL là một lựa chọn tốt hơn cho nhiều cơ sở dữ liệu ràng buộc truyền thống. Có rất nhiều ví dụ về các cơ sở dữ liệu như vậy - đó là những ví dụ còn tranh cãi như BigTable,  Hbase của Google, Dynamo, CouchDB và MongoDB của Amazon.

Những cơ sở dữ liệu này phân tán dữ liệu theo chiều ngang và phân tán trong nhiều server thương mại. Tiếp cận các dữ liệu này được dựa trên một loại chìa khóa đơn giản hay bộ chìa khóa API giá trị. Khả năng phân tán dữ liệu và các yêu cầu đến một trong nhiều server mang lại những lợi ích quy mô quan trọng. Các ứng dụng phải thường xuyên tiếp cận và quản lý nhiều petabyte dữ liệu rõ ràng phải chuyển sang cơ chế cơ sở dữ liệu NoSQL.

Công nghệ giao tiếp khoảng cách gần (Near Field Communications - NFC): là một công nghệ với nhiều ứng dụng hữu ích được phát triển trên điện thoại di động đã đến thời. Điện thoại di động công nghệ NFC có thể được sử dụng cho nhiều mục đích. Một trong những mục đích như vậy có thể kể đến là việc tích hợp chức năng thẻ tín dụng vào điện thoại di động sử dụng NFC. Tất cả các nhà khai thác di động đang tích hợp NFC vào những phiên bản mới hơn của điện thoại di động trong đó có iPhone của Apple, Android của Google và Nokia.

NFC cũng cho phép các cửa hàng bán lẻ gửi các phiếu khuyến mãi đến các thuê bao đang ở gần trung tâm mua bán. Các áp phích quảng cáo phim (poster) và các đoạn quay ngắn (trailer) của các bộ phim có thể được gửi dưới dạng clip đa phương tiện tới máy di động của bạn khi bạn đi tới gần phòng chiếu phim. NFC cũng cho phép các cửa hàng bán lẻ gửi các phiếu khuyến mãi đến các thuê bao đang ở trong khu vực mua sắm bên cạnh việc cho phép trao đổi danh sách liên lạc với bạn bè khi họ gần nhau.

MQ

Tham khảo:

[1]. Tinniam V Ganesh, Telecomasia

[2]. NoSQL Phân tán, không ràng buộc, PCWorld Vietnam

[3]. set.hut.edu.vn