Sớm có phương án đánh giá hiệu quả ứng dụng CNTT

(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vừa chỉ đạo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT một số nhiệm vụ cần quan tâm trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc chiều 13/5 của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với Cục Tin học hóa, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc đã báo cáo kết quả hoạt động của Cục. Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng làm việc với Cục Tin học hóa về các hoạt động ứng dụng CNTT

Theo đó, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cho biết kể từ khi thành lập đến nay, Cục Tin học hóa (trước đây là Cục ứng dụng CNTT) luôn phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò của Cục trong công tác quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT. Trong giai đoạn 2011 – 2016, Cục không có nhiệm vụ nào thực hiện chậm tiến độ, không có nhiệm vụ nào bị nhắc nhở, phê bình.

Về tình hình riển khai chương trình về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc báo cáo một số kết quả đáng ghi nhận như 100% các Bộ, ngành địa phương đã xây dựng, vận hành hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống điện tử; Giảm thời gian gửi nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước từ 2 – 3 ngày gửi đường bưu điện thậm chí có nơi hàng tuần xuống chỉ còn 1 giờ đến ½ ngày; Chính phủ và nhiều bộ, ngành địa phương sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình đối với việc tổ chức hội thảo, họp đã giảm thời gian đi lại, tổ chức, chi phí hành chính đáng kể.

Theo đánh giá của Cục Tin học hóa, ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội rất đáng kể. Việc nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ xuống còn 167 giờ/năm, không còn phải chờ đợi, xếp hàng để nộp thuế, khai báo thuế với cơ quan thế. 100% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố đã thực hiện tủ tục hải quan điện tử. Thời gian tiếp nhận và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giảm nhiều từ vài giờ - ngày đối với luồng xanh chỉ còn 3 – 5 giây, luồng vàng từ hàng ngày xuống chỉ 2 giờ giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả, giảm chi phí. Đối với kê khai bảo hiểm xã hội năm 2015, cặt giảm được 5 giờ (từ 6 giờ xuống còn 1 giờ) nhờ giao dịch điện tử và ký số… Các hệ thống thông tin khác đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương triển khai như hệ thống quản lý tích hợp tài chính - kho bạc...

Trong các hoạt động của Cục, Cục trưởng Phúc cũng cho biết đơn vị này đã triệt để ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản lý của Cục. Từ năm 2011, Cục đã xây dựng và ban hành đầy đủ toàn bộ các quy trình nghiệp vụ của Cục thông qua việc ban hành các Quy chế, Quy định. Song song với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT kết nối với các đơn vị trực thuộc Cục. Đến nay, 100% các văn bản trong nội bộ Cục được chuyển hoàn trên môi trường mạng. Thư điện tử được sử dụng thường xuyên, hàng ngày trong mọi công tác của Cục.

“Với việc hoàn thiện hệ thống quản lý nội dung tổng thể (ECM) của Cục, các quy trình nghiệp vụ của Cục được tin học hóa và xử lý phần mềm. Tất cả các nhiệm vụ được theo dõi trên hệ thống phần mềm, bảo đảm nhiệm vụ được hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng tốt”, Cục trưởng Phúc cho biết cụ thể.

Là chủ trì tham mưu cho Bộ trưởng trong việc hoạch định chính sách, thực thi chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao Cục đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp để xây dựng kịp thời nhiều văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động đầu tư, vận hành, khai thác, sử dụng các dự án CNTT trên toàn quốc.

Cục cũng là đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT tại hầu hết các quy trình xử lý chuyển tải, theo dõi, đánh giá các nhiệm vụ được giao, đảm bảo luôn hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch; Tổ chức tốt việc triển khai chương trình quốc gia ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và thẩm định, góp ý kịp thời cho kế hoạch của các địa phương, góp phần quan trọng vào việc phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin quốc gia và thúc đẩy chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, Bộ trưởng nêu.

“Cục đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ở trung ương đến địa phương triển khai các giải pháp, phần mềm, cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp phát triển chính phủ điện tử…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chỉ đạo một số công tác của Cục trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình đề án thuộc lĩnh vực CNTT.

Cụ thể, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu Cục cần chủ động, rà soát, đánh giá hiệu quả tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đồng thời quyết liệt triển khai nhằm tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ứng dụng CNTT tại các Bộ ngành, địa phương.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục tập trung nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành cải cách hành chính, tạo sự kết nối, liên thông chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của quốc gia và các Bộ ngành, địa phương thông qua các quy chuẩn kỹ thuật và khung kiến trúc Chính phủ điện tử; sáng tạo đề xuất các mô hình triển khai ứng dụng CNTT mới nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và các địa phương.

“Cục cũng phải chú trọng phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức và làm cho hoạt động ứng dụng CNTT trở thành nhu cầu thực sự cần thiết của mỗi cơ quan, đơn vị”, Bộ trưởng đề nghị

Cục Tin học hóa cũng được Bộ trưởng yêu cầu: "Sớm nghiên cứu và đề xuất các tiêu chí, phương pháp công cụ đánh giá hiệu quả của các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là việc quản lý vận hành dự án sau đầu tư nhằm đảm bảo sử dụng nguồn lực nhà nước một cách hợp lý; triệt để khai thác những tính năng ưu việt của dự án mang lại, tránh việc đầu tư dàn trải, manh mún, chạy theo thành tích, không cân đối giữa nhu cầu thực tế và triển khai".

HM

Tin nổi bật