Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ở phiên thảo luận, có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, 9 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, Quốc hội đề nghị gửi ý kiến đến Ban Thư ký để tổng hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cũng phát biểu giải trình các nội dung đại biểu nêu. 

Không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính khi thực hiện giao dịch điện tử

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường. 

Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, về đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (09 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng: chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GDĐT; có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò quản lý nhà nước về GDĐT của cơ quan thuộc Chính phủ, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” vào khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định như sau: “4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu đánh giá cao nội dung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu tương đối đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu, chuẩn bị tài liệu kỹ lưỡng, toàn diện. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ thống nhất với Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho rằng đây là một trong những Dự thảo luật khó, vừa phải có quy định chung để điều chỉnh các hành vi trong thực tiễn có liên quan đến giao dịch điện tử; lại vừa không được quá chi tiết, vừa không nặng về kỹ thuật chuyên ngành sâu.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Góp ý về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc nêu rõ, tại điểm b khoản 2 Điều 17, có quy định: "Người nhận có thể coi thông điệp dữ liệu là của người khởi tạo nếu đã áp dụng các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận và cho kết quả thông điệp dữ liệu đó là của người khởi tạo", đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh cụm từ "các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận" bằng một cụm từ khác phù hợp hơn và không nên sử dụng cụm từ "được người khởi tạo chấp thuận". 

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay trên thế giới đang chuyển đổi theo xu hướng lưu trữ điện tử, những tài liệu xuất bản trong tương lai phần nhiều sẽ là ở dạng điện tử. Vì vậy, việc chuyển đổi dữ liệu giữa văn bản điện tử và văn bản giấy áp dụng trong các thủ tục hành chính sẽ ngày càng tăng. Việc sử dụng văn bản điện tử cũng đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung quy định trong Điều 15 trong việc chuyển đổi văn bản giấy sang văn bản điện tử và ngược lại.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đánh giá cao nội dung hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình tại Kỳ họp này. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong giao dịch điện tử, đại biểu đồng tình với nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH là một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Điều 7 của dự thảo quy định như vậy là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giao dịch điện tử có phạm vi tác động rộng, trong đó có các quy định yêu cầu bảo đảm, bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử, trong cung cấp, quản lý chứng thư điện tử và chi phí điện tử. Dự thảo luật đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện giao dịch điện tử là phù hợp.

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Các đại biểu có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đặt ra nhiều vấn đề quan trọng để cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ và hoàn thiện dự thảo luật. 

Về định danh điện tử, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc với Chính phủ, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển các quy định về nội dung này sang Luật Căn cước công dân. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của các đại biểu để đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng và sôi nổi; cần nghiên cứu kỹ nữa để hoàn thiện dự án luật như phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, chữ ký số chuyên dùng công vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử. 

Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Nguồn: mic.gov.vn

Tin nổi bật