“Canh bạc thế kỷ” của Intel
Theo trang China Times, "gã khổng lồ" công nghệ Intel cho biết, mặc dù kinh tế toàn cầu đang suy thoái, nhưng Intel sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) mới ở Mỹ và châu Âu.
Các cơ sở bán dẫn như nhà máy wafer cần thời gian từ 3-5 năm mới có thể hoàn thành xây dựng, đồng thời nhà sản xuất chip này cũng phải tìm cách dự đoán nhu cầu trong 3-4 năm tiếp theo, sau đó thông qua việc xây dựng các nhà máy wafer để sản xuất chip mới.
Tóm lại, yêu cầu về lịch trình như vậy trùng khớp với kế hoạch mở rộng của Intel, bởi Intel dự đoán nhu cầu bán dẫn sẽ có sự đảo chiều ngoạn mục trong vài năm tới, và Intel sẽ thôn tính thị trường khổng lồ này bằng việc mở rộng năng lực sản xuất.
Biểu tượng của Tập đoàn sản xuất chip Intel Corp. Ảnh: Reuters |
Dự đoán của Intel là có căn cứ. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA), nhu cầu chất bán dẫn sẽ tăng trưởng với biên độ 5%/năm trong thời gian tới. Đến năm 2030 quy mô thị trường tiềm năng của chất bán dẫn sẽ đạt 1.000 tỷ USD, tăng gấp đôi so với quy mô hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, việc Intel mở rộng xây dựng các nhà máy wafer vào thời điểm này cơ bản là một “canh bạc thế kỷ”, bởi vì công ty hoàn toàn mơ hồ về ảnh hưởng to lớn gây nên từ việc chuyển đổi mô hình hội tụ số (từ cứng sang mềm). Đầu tiên, báo cáo số liệu ngành VR/AR (thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường) của một công ty nghiên cứu thị trường uy tín vào năm 2017 nhấn mạnh, doanh thu buôn bán các phần mềm và dịch vụ liên quan của hệ sinh thái VR/AR sẽ tăng hàng chục lần sau 5 năm. Bây giờ đúng là thời điểm để đánh giá nhận định nói trên và có thể nói rằng số liệu đó không đáng tin cậy.
Những năm gần đây, tình hình chính trị và kinh tế quốc tế đã có những thay đổi lớn, thách thức địa chính trị ngày càng gia tăng, làn sóng phản đối toàn cầu hóa đang trỗi dậy, lạm phát, kinh tế suy thoái, các loại áp lực đang làm xáo trộn toàn cầu. Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân này, những yếu tố như sự thiếu hụt nghiêm trọng về đổi mới kỹ thuật số hiếm khi được đề cập.
Thứ hai, trong một giai đoạn rất dài trước đây, kinh tế số có sức ảnh hưởng mang tính quyết định đối với kinh tế toàn cầu. Giá trị thị trường của nhiều doanh nghiệp liên quan đến Internet ở Mỹ và Trung Quốc liên tục phá vỡ các kỷ lục, thậm chí giá trị thị trường của Apple có thời điểm vượt 3.000 tỷ USD.
Chất bán dẫn không phải là sản phẩm cuối cùng hướng đến người tiêu dùng, khi thị trường giải thích sự suy giảm về nhu cầu chất bán dẫn, rốt cuộc kinh tế số ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu hay kinh tế toàn cầu kéo kinh tế số đi xuống, hiện nay vẫn chưa có kết luận chính xác. Trong bối cảnh như vậy, Intel hoàn toàn dựa vào góc độ hướng đến doanh nghiệp, phần cứng chip để xem xét kinh tế số là điều khá nguy hiểm.
Có hai lựa chọn để dẫn đầu hậu hội tụ hậu kỹ thuật số toàn cầu, phân nhánh mới ra khỏi hợp lưu mới: metaverse (vũ trụ ảo) và "connected car" (ô tô kết nối với mạng Internet). Cả hai đều là những công nghệ hoàn toàn mới, những vùng đất còn nguyên sơ cho các ứng dụng đổi mới kỹ thuật số.
Chip máy tính của Tập đoàn công nghệ Intel. Ảnh: Digit |
Theo tin tức ngày 3/12 của Euronews, Cơ quan Hợp tác quốc tế của Ủy ban châu Âu đã tổ chức một “bữa tiệc lớn” trên nền tảng metaverse vào ngày 30/11, hy vọng thúc đẩy kế hoạch “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway) của Liên minh châu Âu (EU), thu hút 300 tỷ euro (316,25 tỷ USD) để hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo hoặc ứng phó biến đổi khí hậu. Mục đích của buổi tiệc metaverse này là hy vọng giới trẻ trong độ tuổi 18-35 chưa hiểu về EU, không thường xuyên tiếp xúc với các thông tin liên quan đến EU, quen sử dụng mạng xã hội TikTok và Instragram hiểu hơn nhiệm vụ và sứ mệnh của EU.
Tuy nhiên, kết quả thu được không như kỳ vọng, sự kiện tiêu tốn 387.000 euro nhưng chỉ có 6 người tham gia. Mặc dù metaverse mà nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đề cập là rất tham vọng, nhưng xét cho cùng chỉ là một hệ sinh thái mới. Liệu metaverse có thể bùng nổ sau 5 năm như Intel mong đợi, tạo ra nhu cầu thị trường chất bán dẫn khổng lồ hay không vẫn là điều đáng hoài nghi.
Tiếp đến hãy xem xét "connected car", lấy dịch vụ băng thông rộng vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk làm ví dụ. Dưới ảnh hưởng của các “ông lớn” xe điện trên toàn cầu, xe điện đang phát triển mạnh. Hơn một năm trước, đã có dự báo tỷ phú Elon Musk sẽ giương cao ngọn cờ hồi sinh kinh tế số.
Các hành động của ông Musk khiến mọi người kinh ngạc, không những đưa ra phiên bản Starlink 1.0, Starlink 2.0, gây nên cơn sốt vệ tinh quỹ đạo thấp trên toàn cầu, đồng thời ông còn thôn tính Twitter, cố gắng hết sức để cải tạo và thúc đẩy đăng ký nội dung, muốn phát triển Twitter trở thành một siêu ứng dụng chưa từng xuất hiện ở Mỹ, thậm chí tuyên bố muốn tung ra điện thoại di động của mình. Tuy nhiên, hiện nay kết quả của Starlink phiên bản 2.0 chỉ có thể hỗ trợ truyền văn bản, có lẽ phải mất thêm một thời gian tương đối dài mới có thể thực sự phát triển các xe ô tô kết nối Internet.
Mạng viễn thông mà chúng ta sử dụng, quãng đường từ 3G đến 5G ngày nay đã mất khoảng 20 năm. Vấn đề quan trọng là, liệu Intel có thể mong đợi connected car sẽ bùng nổ trong 5 năm tới hay không?
Các nhà phân tích liên tục cảnh báo, số lượng nhà máy wafer mà Intel xây dựng mới trong vài năm tới nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất./.
Nguồn: Thạch Bình (TTXVN Tại Hong Kong)
https://bnews.vn/canh-bac-the-ky-cua-intel/271524.html