Thời sự ICT
Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ TT&TT thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số
Submitted by nlphuong on Sat, 28/12/2019 - 22:05Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo về sự trỗi dậy của một quốc gia châu Á. Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển.
Sáng 28/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT)
Với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam” và phương châm hành động là “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, ngay từ những ngày đầu năm 2019, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành TT&TT nói chung và Bộ TT&TT nói riêng đã khẩn trương, quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm.
Nhờ vậy, ngành TT&TT đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đóng góp tích cực vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước. Các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc Ngành đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, từ đó góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các thiết bị viễn thông 5G do Việt Nam tự sản xuất. Ảnh: Trọng Đạt |
Ngành TT&TT tăng trưởng và đổi mới trong năm 2019
Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018).
Trong lĩnh vực viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt xấp xỉ 5,57 điểm, xếp hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran). Việt Nam cũng đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá.
Từ thứ hạng 100 năm 2017, trong năm 2019, Việt Nam đã tăng 50 bậc trong bảng xếp hạng về an toàn an ninh mạng toàn cầu (Global Cyber- Security Index) và vươn lên đứng thứ 50 trong tổng số 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Việt Nam cũng được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Các thiết bị 5G Make in Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thứ 5 trên thế giới tự sản xuất được thiết bị 5G. Ảnh: Trọng Đạt |
Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố Chiến lược “Make in Viet Nam - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ vị trí 77 năm 2018 lên thứ hạng 67).
Trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT-TT (ICT adoption) đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41.
Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018, nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy của xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của xã hội.
Những thông điệp mạnh mẽ của ngành TT&TT
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, những sự kiện năm 2019 của ngành TT&TT đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ.
Bộ mã bưu chính đến địa chỉ và khả năng giao hàng đến 24 triệu hộ gia đình Việt Nam là thông điệp về một hệ thống bán lẻ với 24 triệu siêu thị. Siêu thị điện tử sẽ hiện diện trong từng hộ gia đình và mạng lưới bưu chính chuyển phát sâu rộng sẽ đảm bảo dòng chảy vật chất của giao dịch thương mại điện tử.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt |
Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hóa vào năm 2020 là tuyên bố từ nay Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7, 8 năm như đối với 3G, 4G. Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam thành một số ít trong các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử.
Việc cho phép nhà mạng viễn thông thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của Chính phủ về việc giao cho nhà mạng đảm nhận thêm vai trò của các nền tảng mới. Đó là nền tảng số, nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt,... Mạng viễn thông có thể đảm nhận tốt vai trò của các nền tảng khác, giúp đất nước chuyển đổi số nhanh hơn.
Quyết định thành lập Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) và có cơ quan điều phối thống nhất trong khi vẫn duy trì sự chủ động của các bộ ngành và tỉnh thành là thông điệp về sự kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán.
Sự ra đời của Liên minh phát triển hệ sinh thái các sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam và việc đưa vào vận hành hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng cho CPĐT là những thông điệp mạnh mẽ về phát triển Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về các thông điệp được ngành TT&TT đưa ra trong năm 2019. Ảnh: Trọng Đạt |
Tại diễn đàn Make in Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức truyền đi thông điệp về phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, về chuyển dịch từ lắp ráp gia công sang làm các sản phẩm Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng đã cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, coi sản phẩm Việt Nam như một sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ.
Việc Thủ tướng Chính phủ ký quy hoạch báo chí là lời khẳng định về việc muốn phát triển tốt thì phải quản lý tốt hơn, về xử lý tốt mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Các cơ quan chủ quản báo chí phải quản lý cơ quan báo chí của mình hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích.
Trong năm qua, Bộ TT&TT cũng đã chính thức tuyên bố sự vi phạm luật pháp của một số mạng xã hội nước ngoài và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Đây là thông điệp mạnh mẽ về việc bất kỳ doanh nghiệp nào, dù trong nước hay nước ngoài nếu làm ăn tại Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền trên mọi không gian, trong đó có không gian mạng
Năm 2020, sự kiện viễn thông lớn nhất thế giới sẽ diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia của trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên sự kiện này thay đổi tên gọi từ Triển lãm Viễn thông Thế giới thành Triển lãm Thế giới Số theo đề xuất của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, vị thế mới cho phép Việt Nam tham gia chủ động, sâu rộng và tự tin hơn trong các sự kiện quốc tế.
Việt Nam có thể là biểu tượng về sự trỗi dậy của châu Á
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng và phấn khởi khi chứng kiến những kết quả tích cực của ngành TT&TT. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều này chứng tỏ rằng những lời nói của Bộ TT&TT đã đi đôi với việc làm.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 2019 là năm mà Việt Nam phát triển toàn diện cả về kinh tế lẫn an ninh, quốc phòng. Trong sự tăng trưởng đó không thể không nhắc tới những đóng góp của Bộ TT&TT.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng trước thông tin Việt Nam đã tự sản xuất thành công thiết bị 5G. Ảnh: Trọng Đạt |
Nhìn lại các kết quả đạt được trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các lĩnh vực thuộc sự quản lý của Bộ TT&TT đã có nhiều tiến bộ, nhiều điều đáng mừng, kể cả trong lĩnh vực quản lý nhà nước lẫn sự phát triển của các doanh nghiệp. Báo chí và các lĩnh vực khác đều có bước trưởng thành, tiến bộ. Sự tiến bộ của ngành TT&TT tương đối toàn diện, tiến bộ toàn diện hơn năm trước.
Thay mặt Chính phủ và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng của các cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành TT&TT đối với những đóng góp cho thành công chung của đất nước Việt Nam.
“Tôi cũng biểu dương sự quyết tâm, ý chí cao, có trình độ bao quát cũng như giải quyết vấn đề cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong sự phát triển của toàn ngành”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao sự phát triển của các doanh nghiệp CNTT, bao gồm cả khối doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Thủ tướng khẳng định các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chính là nền tảng quan trọng để đất nước phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng trước những kết quả tích cực của ngành TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt |
Định hướng cho thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT&TT phải xây dựng được mạng lưới chuyển phát sâu rộng tới từng hộ gia đình nhằm tạo nền tảng cho TMĐT.
Đối với lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng ghi nhận sự thành công bước đầu của việc thương mại hoá 5G bằng thiết bị Việt Nam. Thủ tướng cũng thống nhất với kiến nghị của Bộ TT&TT về việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam phải trở thành thủ đô về việc sản xuất smartphone. Việc tắt 2G cũng sẽ góp phần tăng lượng tiêu thụ các thiết bị mới.
Nhà mạng viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò cung cấp hạ tầng số, hạ tầng thanh toán không tiền mặt. Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ TT&TT cần tăng trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý triệt để rác viễn thông, SIM rác, tin nhắn rác,...
Bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ trong nước, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT cần trực tiếp thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo về sự trỗi dậy của một quốc gia châu Á. Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Do vậy, Thủ tướng gợi ý về một tên gọi mới cho Bộ TT&TT, đó là Bộ Truyền thông và Kinh tế số.
Trước những chia sẻ và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn Thủ tướng đã khích lệ, chỉ ra những tồn tại và định hướng cho sự phát triển của ngành TT&TT. Bộ TT&TT cam kết sẽ lấy tinh thần phụng sự tổ quốc làm hành động, góp phần vì một Việt Nam hùng cường.
Trọng Đạt/Vietnamnet.vn
174 thành phố, với hơn 3.000 tổ chức đã bị ransomware tấn công trong năm 2019
Submitted by nlphuong on Thu, 26/12/2019 - 22:10Kết luận này được đưa ra trong Bản tin bảo mật của Kaspersky “Kaspersky’s Security Bulletin: Story of the Year 2019”, sau khi Kaspersky quan sát thấy có ít nhất 174 thành phố, với hơn 3.000 tổ chức đã bị ransomware tấn công trong năm 2019.
Số lượng này tương đương mức tăng ít nhất 60% so với năm 2018. Yêu cầu tiền chuộc của tin tặc có thể lên đến 5.000.000 USD tùy trường hợp, tuy nhiên chi phí thực tế và thiệt hại gây ra bởi các cuộc tấn công mạng ước tính sẽ lớn hơn nhiều..
Tấn công ransomware là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong nhiều năm qua. Năm 2019 đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của một xu hướng đã hình thành trước đó, khi các tin tặc nhắm mục tiêu tấn công mã độc vào những tổ chức lớn.
Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù những mục tiêu bị tấn công ít có khả năng chi trả cho một khoản tiền chuộc lớn, nhưng họ có xu hướng đồng ý với các yêu cầu mà tin tặc đưa ra - như chặn một dịch vụ nào đó của thành phố. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của công dân, cũng như dẫn đến hậu quả không chỉ về tài chính mà cả những vấn đề xã hội nhạy cảm khác.
Theo số liệu được công khai, hiện tại số tiền chuộc ở nhiều mức khác nhau, có thể lên đến 5.300.000 USD tùy trường hợp. Các nhà nghiên cứu cho rằng những số liệu này không thể hiện chính xác chi phí cuối cùng cần chi trả cho một cuộc tấn công, vì hậu quả chúng gây ra sẽ kéo dài và nặng nề hơn nhiều.
Theo ông Fedor Sinitsyn, nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky: “Người dùng nên biết rằng đưa tiền chuộc cho tin tặc chỉ là giải pháp ngắn hạn, tạo tiền lệ để chúng tiếp tục tấn công trở lại. Ngoài ra, một khi thành phố bị tấn công, toàn bộ cơ sở hạ tầng sẽ có nguy cơ bị xâm phạm. Do đó, hoạt động điều tra sự cố và kiểm toán kỹ lưỡng sẽ phải được tiến hành. Điều này dẫn đến chi phí bị đội lên, bên cạnh số tiền chuộc ban đầu. Đồng thời, dựa trên quan sát của chúng tôi, một số thành phố có xu hướng sẽ trả tiền chuộc vì họ thường có quỹ bảo hiểm rủi ro không gian mạng cũng như sự trợ giúp của bảo hiểm và ngân sách ứng phó sự cố”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng cho biết, tốt hơn hết là các thành phố nên chủ động đầu tư vào những giải pháp bảo mật và ứng phó sự cố, cũng như thực hiện kiểm toán bảo mật thường xuyên. Xu hướng tấn công vào các thành phố đang tăng lên, tuy nhiên chúng có thể bị kìm hãm và ngăn chặn bằng việc điều chỉnh cách tiếp cận với bảo mật mạng. Quan trọng hơn hết là nên từ chối trả tiền chuộc và đưa ra quyết định này như một tuyên bố chính thức.
Các phần mềm độc hại đến từ các thủ phạm khác nhau, tuy nhiên, ba họ mã độc khét tiếng nhất, theo các nhà nghiên cứu của Kaspersky là: Ryuk, Purga và Stop cryptor.
Ryuk xuất hiện hơn một năm trước, và kể từ đó, Ryuk đã hoạt động trên toàn thế giới, tấn công cả các tổ chức và cá nhân. Mô hình phát tán của Ryuk thường thông qua mã độc cửa sau, từ đó lây lan bằng các phương tiện phishing với tệp đính kèm độc hại được ngụy trang dưới dạng tài liệu tài chính.
Purga đã được biết đến từ năm 2016, nhưng chỉ gần đây, các thành phố mới được phát hiện là nạn nhân của trojan này. Purga có nhiều vector tấn công khác nhau - từ lừa đảo đến tấn công dò mật khẩu.
Stop cryptor là mã độc mới xuất hiện được 1 năm. Chúng được phát tán bằng cách ẩn bên trong trình cài đặt phần mềm. Phần mềm độc hại này đang trở nên phổ biến, đứng thứ 7 trong số 10 họ mã độc Trojan phổ biến nhất theo bảng xếp hạng quý 3 năm 2019.
Để tránh các tổ chức tự bảo vệ khỏi sự xâm nhập của phần mềm độc hại, người dùng được khuyến nghị cập nhật tất cả các cài đặt bảo mật ngay khi có bản cập nhật mới.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ quyền truy cập từ xa vào mạng công ty bằng VPN và sử dụng mật khẩu an toàn cho tài khoản tên miền (domain); Luôn cập nhật hệ điều hành để loại bỏ các lỗ hổng mới nhất và sử dụng giải pháp bảo mật mạnh mẽ với cơ sở dữ liệu được cập nhật
Tiếp theo là phải luôn có bản sao dự phòng cho tất cả tệp trong trường hợp chúng bị mất (ví dụ: do phần mềm độc hại hoặc thiết bị bị hỏng), cũng như lưu trữ chúng không chỉ trên thiết bị ngoại tuyến mà còn trên bộ nhớ đám mây để có độ tin cậy cao hơn
Trước hết, có thể thử tìm bộ giải mã trên Internet - một số có sẵn miễn phí tại: https://noransom.kaspersky.com; Sử dụng giải pháp bảo mật cho tổ chức để bảo vệ dữ liệu kinh doanh khỏi phần mềm ransomware, chẳng hạn như Kaspersky Endpoint Security for Business, có khả năng phát hiện hành vi, kiểm soát hoạt động bất thường và phòng ngừa hành vi khai thác lỗ hổng nhằm phát hiện các mối đe dọa đã biết và chưa biết, cũng như ngăn chặn hoạt động tấn công mạng độc hại...
Cổng và trang thông tin điện tử là nơi hứng chịu nhiều tấn công nhất của tin tặc
Submitted by nlphuong on Wed, 25/12/2019 - 21:55Trung bình mỗi ngày xảy ra hơn 26 sự cố tấn công, mỗi giờ xảy ra hơn một sự cố tấn công cổng/trang thông tin điện tử tại Việt Nam.
Đây là thông tin được công bố tại buổi “Diễn tập phòng chống tấn công vào cổng/trang thông tin điện tử” trên toàn quốc khai mạc sáng nay, 24/11. Chương trình diễn tập sẽ kéo dài đến hết ngày 26/12.
Chương trình do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên trách về CNTT, ATTT của các bộ, cơ quan trung ương, các Sở TTTT, đại diện các đội ứng cứu sự cố của nhiều bộ, tỉnh, và các đơn vị thành viên mạng lưới ở hai miền Bắc và Nam.
Cổng/trang thông tin điện tử là nơi hứng chịu nhiều cuộc tấn công nhất của tin tặc
Phát biểu tại buổi diễn tập, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết, chính phủ đang đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, Cổng/trang thông tin điện tử đóng vai trò quan trọng để thực hiện cung cấp dịch vụ công, giao dịch giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo Diễn tập |
Hiện nay 63 tỉnh/thành phố, 17/23 Bộ/ngành đã xây dựng Cổng thông tin điện tử. Việc cung cấp dịch vụ công, giao tiếp dịch vụ công người dân và doanh nghiệp diễn ra trên các Cổng/trang thông tin điện tử ngày càng nhiều.
Theo đó, Thứ trưởng nhận định: Việc giao dịch, dữ liệu số hoá cao dẫn đến nguy cơ tiềm năng tấn công rất là hiện hữu.
“Các cơ quan, tổ chức cần tăng cường nhận thức phòng chống và ứng cứu sự cố xảy ra. Chúng ta phải quan tâm đến phòng hơn ứng cứu, để khi có sự cố thì có khả năng ứng cứu. Các cán bộ tham gia diễn tập là người đảm bảo cho mạng lưới, an toàn, tin cậy hơn, góp phần đảm bảo cung cấp dịch vụ công, thực hiện CPĐT tốt hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục ATTT |
Từ cơ quan chuyên trách ứng cứu sự cố ATTT, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TTTT cho biết, theo ghi nhận của Cục ATTT, chỉ trong 4 tuần vừa qua (từ tuần 43 - 46), Việt Nam đã xảy ra tổng cộng 744 sự cố tấn công vào cổng/trang thông tin, trong đó có 428 cuộc tấn công cài cắm mã độc (malware), 254 cuộc tấn công lừa đảo (phishing), và 62 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface).
Như vậy, trung bình mỗi ngày xảy ra hơn 26 sự cố tấn công, mỗi giờ xảy ra hơn một sự cố tấn công cổng/trang thông tin điện tử tại Việt Nam. Do đó, việc bảo vệ an toàn các cổng, trang thông tin điện tử là vô cùng quan trọng.
Theo VNCERT/CC, Tình hình an toàn thông tin mạng từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp. Theo số liệu giám sát của Trung tâm VNCERT/CC, Cục ATTT ghi nhận được số lượng sự kiện an toàn mạng từ đầu năm đến nay là khá lớn. Chuỗi các sự kiện chuyển hóa thành sự cố còn cao
Cổng/trang thông tin điện tử là điểm truy cập và duy nhất của cơ quan, đơn vị trên môi trưởng mạng; liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng; thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu với các hệ thống thông tin.
Đồng thời, Cổng/trang thông tin thực hiện cung cấp và trao đổi với người sử dụng thông qua một phương thức thống nhất trên nền tảng web tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu, qua đó người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin và thực hiện các dịch vụ trực tuyến.
Cổng/trang thông tin điện tử cũng là nơi chia sẻ thông tin, tài liệu, thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, chính phủ điện tử... Tại đây, người dùng có thể thực hiện không hạn chế các chức năng của trang, cổng, giúp tận dụng tối đa những tài nguyên có sẵn và nâng cao giá trị của thông tin.
Cổng, trang thông tin điện tử chính là công cụ đắc lực cho các hoạt động của mọi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Với vai trò quan trọng như trên, cổng/trang thông tin điện tử luôn là nơi hứng chịu nhiều cuộc tấn công nhất của tin tặc (hackers).
Đảm bảo an toàn cho cổng/trang thông tin là vô cùng quan trọng
Trong xu thế phát triển của viễn thông 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thành phố thông minh, thanh toán điện tử… thì vai trò của các giao diện kết nối trên mạng đóng góp không nhỏ phục vụ cho mục đích tăng trưởng có giá trị lớn trong tất cả các ngành kinh tế.
"Diễn tập phòng chống tấn công vào cổng/trang thông tin điện tử" năm nay với chủ đề không mới nhưng cách làm hoàn toàn mới, như trên hệ thống thật.
Các chuyên gia tham gia diễn tập sẽ được chia thành các đội. Mỗi đội sẽ được cấp quyền quản lý một hệ thống máy chủ riêng được cài đặt mô phỏng một cổng thông tin điện tử và đang chạy thực trên đám mây (cloud).
Các đội tham gia Diễn tập tại Hà Nội |
Các đội có tài khoản quản trị vào hệ thống máy chủ của mình với địa chỉ được Ban tổ chức cấp cho từng đội. Các cuộc tấn công mạng hoàn toàn như sự cố tấn công thật vào từng hệ thống máy chủ của từng đội theo các phương thức khác nhau.
Các đội phải đăng nhập vào hệ thống máy chủ, quản trị, bảo vệ hệ thống của mình, kiểm tra, phát hiện sự cố, lấy các bằng chứng (evidences) để phân tích, điều tra, xác định xem hệ thống của mình đang bị sự cố tấn công gì và con đường mà hacker xâm nhập vào hệ thống, hacker đã đánh cắp, chỉnh sửa những gì, từ đó có phương án ứng phó, xử lý.
Với cách làm mới này, các đội được diễn tập đúng như thực tế sự cố xảy ra trên hệ thống thực. Bên cạnh hệ thống kỹ thuật này, Ban Tổ chức cũng thiết lập hệ thống hướng dẫn trực tuyến, chấm điểm, xếp hạng và trao giải cho các đội tham gia có kết quả phân tích, điều tra đúng và nhanh nhất.
Sau 2 ngày, thứ 5 ngày 26/12/2019, Chương trình diễn tập khu vực phía Nam sẽ được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long, cho các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào các tổ chức, doanh nghiệp thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố khu vực phía Nam.
Đợt diễn tập toàn quốc thuộc nhiệm vụ đặc thù để nâng cao năng lực cho Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTTT mạng quốc gia, nhằm huấn luyện và nâng cao kỹ năng phát hiện - ứng cứu sự cố mạng cho các cán bộ làm về ATTT, CNTT và ứng cứu sự cố tại các đơn vị thành viên mạng lưới.
VNPT đảm bảo tốc độ truy cập Internet chiều đi quốc tế dù cáp quang biển gặp sự cố
Submitted by nlphuong on Tue, 24/12/2019 - 18:15Theo thông tin từ trung tâm điều hành cáp quang biển, sự cố trên tuyến cáp AAG xảy ra vào sáng 22/12 đã làm mất tổng dung lượng 1.100 GB đi quốc tế qua hướng cáp này.
Trước đó, ngày 14/11, nhánh S1H của tuyến cáp AAG cũng đã gặp sự cố tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 163 km.
Không chỉ AAG, theo thông tin từ truyền thông, hai tuyến cáp quang biển khác là IA và AAE-1 cũng đang gặp sự cố. Như vậy, hiện tại cả 3 tuyến cáp biển AAG, IA và AAE-1 đều đang cùng bị sự cố, làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối Internet đi quốc tế của người dùng Việt Nam.
Nguyên nhân sự cố cũng như lịch trình khắc phục sự cố xảy ra trên các tuyến cáp quang biển nêu trên vẫn chưa được các đơn vị quản lý hai tuyến cáp quang biển này thông tin tới các nhà mạng tại Việt Nam có sử dụng, khai thác.
Tốc độ Internet vẫn đảm bảo
Thông tin đến truyền thông, VNPT cho biết, riêng dung lượng kết nối đi quốc tế của VNPT vẫn gần như không ảnh hưởng nhờ những sự chuẩn bị từ lâu của nhà mạng. Khách hàng của VNPT sẽ thấy tốc độ truy cập Internet của mình gần như không bị suy giảm so với thông thường.
Đó là nhờ việc xây dựng đường truyền quốc tế mới cộng với các biện pháp san tải đã được tối ưu, cùng với đó là tổng dung lượng khai thác của VNPT trên các tuyến cáp này chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ.
Cụ thể, VNPT đã đưa vào khai thác điểm đường truyền Internet quốc tế mới tới Hồng Kông – trung tâm dữ liệu lớn nhất khu vực.
Đường truyền này giúp VNPT tiết kiệm thời gian điều chỉnh định tuyến và cân tải lưu lượng cũng như thời gian tối ưu lưu lượng cho khách hàng, do đó chất lượng dịch vụ (QoS - Quality of Service) cho khách hàng luôn được đảm bảo.
Việc mở thêm biên mạng (POP) tại Hồng Kông vào cuối năm 2018 đã đảm bảo khách hàng VNPT có đường truyền Internet ổn định ngay cả khi gặp sự cố đứt cáp quang biển quốc tế. Đây cũng là dấu ấn của VNPT khẳng định vị thế nhà cung cấp dịch vụ internet hàng đầu Việt Nam.
Nhờ đó, trong thời gian các tuyến cáp trên xảy ra sự cố, việc truy cập internet quốc tế, đặc biệt là các dịch vụ phổ dụng như Gmail, Google, Facebook hay Youtube vẫn được đảm bảo. Khách hàng VNPT có thể yên tâm sử dụng dịch vụ, kể cả vào giờ cao điểm.
Việc mở rộng biên mạng quốc tế nằm trong lộ trình đảm bảo quy hoạch về phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020 của VNPT nhằm đảm bảo ít nhất 60% người dùng internet băng rộng sẽ được tiếp cận đường truyền tối thiểu 25 Mbps.
VNPT hiện đang sở hữu cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, rộng khắp, kết nối trực tiếp với hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới. VNPT cũng là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh tại Việt Nam.
Tổng dung lượng Internet quốc tế của VNPT đạt trên 4.000 Gbps và sẽ tiếp tục được nâng lên trong thời gian tới. Mạng truyền dẫn liên tỉnh của VNPT vào loại lớn và mạnh nhất Việt Nam với tổng dung lượng trên 24.000 Gbps. Hệ thống cáp quang được đưa tới tận nhà thuê bao (băng thông 10-1000 Mbps) đã triển khai tại 63 tỉnh thành, phủ sóng tới 96% số xã trên cả nước.
Các dịch vụ vẫn “chạy tốt”
Trước đó, theo kết quả đo kiểm Speedtest của Tổ chức Ookla đối với dịch vụ băng rộng và cố định, với tốc độ tải xuống (download) đạt 64Mbps và tốc độ tải lên (upload) đạt 65,07Mbps ghi nhận trong kỳ đo kiểm, VNPT được công nhận là nhà mạng có tốc độ truy cập internet số 1 Việt Nam.
Theo VNPT, đây là tốc độ lý tưởng để người dùng thỏa sức xem phim online, chơi game hay livestream trên mạng xã hội mà không lo tình trạng chậm, đứng hình.
Nhờ đó, mặc dù sự cố trên các tuyến cáp quang biển đang xảy ra, người dùng các dịch vụ như truyền hình MyTV hay cáp quang FilberVNN của VNPT gần như không nhận thấy bất kỳ sự suy giảm nào trong tốc độ đường truyền của mình. Đây cũng là lợi thế của người dùng các dịch vụ của VNPT so với các đối thủ khác mỗi khi có sự cố cáp quang biển xảy ra.
Trong năm 2019, lợi thế về sự ổn định của đường truyền tốc độ cao đã giúp dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, với hơn 750.000 thuê bao, tăng 210% so với thực hiện năm 2018.
Hiện tại, MyTV cung cấp 3 gói cước trên ứng dụng bao gồm gói: Chuẩn, Nâng cao, VIP. Các gói MyTV đều tích hợp sẵn chùm kênh VTVcab cùng nhiều kênh trong nước và quốc tế hấp dẫn, giá chỉ từ 42.000 đồng/tháng. Khách hàng cũng có thể bổ sung các gói kênh K+, Fim+, Danet… theo sở thích giải trí của gia đình.
Cũng nhờ lợi thế đường truyền, VNPT đã ra mắt nhóm gói cước HOME tích hợp internet cáp quang và truyền hình theo tiêu chuẩn chất lượng mới, siêu tốc độ và hỗ trợ trải nghiệm 4K.
Với mức giá chỉ từ 189.000 đồng/tháng, khách hàng được cung cấp đường truyền Internet có băng thông tương ứng từ 30Mbps - 50Mbps, thoải mái thưởng thức xem phim, truyền hình 4K (Ultra HD) hay các dịch vụ trực tuyến như livestream, video call, video conference, game online…
Tốc độ của các gói cước đảm bảo đường truyền mượt mà cho nhiều nhiều người dùng, nhiều thiết bị, ứng dụng cùng lúc, thích hợp cho mức độ sử dụng của cả gia đình nhiều thành viên hay hộ kinh doanh nhỏ. Những hạn chế về đường truyền trước đây như độ trễ, giật đều sẽ được giảm thiểu tối đa, duy trì kết nối nhanh chóng, ổn định cho người dùng.
QA
Ba tuyến cáp quang biển Việt Nam đồng loạt gặp sự cố
Submitted by nlphuong on Mon, 23/12/2019 - 17:35Việc cả 3 tuyến cáp AAG, AAE-1 và IA gặp sự cố đồng thời sẽ gây tác động lớn tới trải nghiệm sử dụng dịch vụ của người dùng Internet.
Theo thông tin Pv. VietNamNet mới nhận được, tuyến cáp quang biển AAG nối Việt Nam đi quốc tế đã gặp sự cố lúc 7h sáng nay (23/12). Sự cố xảy ra trên nhánh s1i của tuyến cáp AAG. Vị trí xảy ra sự cố nằm ở phân đoạn nối Việt Nam đi Hồng Kông.
Sự cố với tuyến cáp quang biển AAG khiến đường truyền Internet kết nối Việt Nam với quốc tế bị ảnh hưởng.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, đại diện nhà mạng VNPT cho biết đang tìm cách tiến hành cân tải với các đường truyền quốc tế khác để đảm bảo việc sử dụng Internet của người dùng VNPT vẫn diễn ra bình thường. Đơn vị này cũng cho biết đang tiến hành liên hệ với các đối tác để tìm hiểu nguyên nhân diễn ra sự cố.
Cả 3 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp phải sự cố đồng thời. |
Đáng chú ý khi trong sáng 23/12, xuất hiện thông tin cho biết bên cạnh AAG, hai tuyến cáp quang biển khác là Liên á (Intra Asia - IA) và AAE-1 cũng đang gặp vấn đề.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, đại diện nhà mạng Viettel cho biết, tuyến cáp IA sẽ được khắc phục trên nhánh S2 vào ngày 29/01/2020 và trên nhánh S1 vào ngày 03/02/2020. Thời gian sửa chữa có thể thay đổi do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết biển.
Hiện Viettel đã hoàn thành bổ sung thêm 300Gbps đối với hướng cáp biển APG vào tuần trước và đang tiếp tục phối hợp với các đối tác để tăng cường thêm tài nguyên cho các hướng còn lại nhằm đảm bảo chất lượng kết nối không chỉ cho khách hàng Viettel mà cho cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế của Viettel.
Người dùng Viettel hiện vẫn có thể sử dụng dịch vụ, kể cả vào giờ cao điểm. Việc truy cập Internet quốc tế, đặc biệt là Google, Facebook hay YouTube vẫn được đảm bảo bình thường.
Hiện chưa có thông tin chính thức về thời gian khắc phục hoàn toàn các sự cố trên 2 tuyến cáp AAG và AAE-1.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn
Tạo môi trường phát triển các sản phẩm số, dịch vụ số Việt Nam
Submitted by nlphuong on Wed, 11/12/2019 - 21:55Sáng 11/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Internet Day 2019 do Hiệp hội Internet Việt Nam chủ trì với chủ đề “Internet Việt Nam: Đổi mới sáng tạo để Chuyển đổi số".
Trải qua 8 năm hình thành và phát triển, sự kiện Hội thảo và triển lãm Ngày Internet Việt Nam (Internet Day) đã trở thành một hoạt động có giá trị thực tiễn lớn trong năm đối với cộng đồng Internet Việt Nam trong tiến trình đánh giá kế hoạch năm cũ và hoạch định chiến lược năm mới.
Khai mạc Internet day Việt Nam 2019. |
Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 40% một năm, dẫn đầu trong khu vực. Chỉ số đổi mới toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia.
Với dân số hơn 96 triệu người và khoảng hơn 60 triệu người sử dụng dịch vụ Internet, người dùng Việt Nam dành trung bình khoảng hơn 6 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến mạng Internet. Khoảng 94% tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày.
Nhìn vào số liệu thống kê, có thể thấy phần lớn các hoạt động kinh tế, xã hội của người dân Việt Nam diễn ra trên môi trường Internet. Internet đã thâm nhập vào mọi mặt hoạt động của xã hội, làm thay đổi nhận thức xã hội, tạo ra những mô hình kinh doanh mới đột phá hơn, hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình tăng trưởng nhanh và bền vững.
Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Hồng Hải đánh giá cao Hiệp hội Internet Việt Nam trong việc chọn chủ đề cho ngày Internet Việt Nam, gắn với đổi mới sáng tạo để chuyển đổi số.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường Internet, môi trường số vì đây là nhân tố trọng yếu mang tính chiến lược quyết định sự thành công trong chuyển đổi số nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải. |
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, năm 2019, ở nước ta đã và đang chứng kiến sự ra đời của nhiều doanh nghiệp công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình kinh doanh mới. Điều này khẳng định rõ quyết tâm chuyển mình của nhiều doanh nghiệp trong việc trở thành những nhà cung cấp dịch vụ số và tiên phong kiến tạo xã hội số.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, năm 2019 cũng đánh dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nghệ 5G tại Việt Nam. Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông lớn, mục tiêu là hướng tới việc thương mại hóa công nghệ 5G. Điều này sẽ tạo ra một hạ tầng đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về tốc độ và quy mô kết nối.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ TT&TT chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ Đề án Chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019. Đề án sẽ đưa ra một kế hoạch tổng thể để hướng tới một nền kinh tế và xã hội số toàn diện vào năm 2030.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp được dự thảo Đề án xác định là tạo môi trường để phát triển các sản phẩm số, dịch vụ số, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bảo đảm ATTT mạng đồng nghĩa xây đắp tương lai thịnh vượng của đất nước
Submitted by nlphuong on Fri, 29/11/2019 - 20:55Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin (ATTT) lần thứ 12 - Sự kiện ATTT lớn nhất 2019 với chủ đề “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số” đã chính thức diễn ra ngày 29/11, tại Hà Nội.
Sự kiện do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục ATTT (Bộ TTTT) và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TTTT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA và các đại biểu đã tham dự Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu |
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thế giới và Việt Nam đã và đang bước vào không gian mạng với cuộc cách mạng số, trong đó có nhiều thách thức và cơ hội song hành. Không gian mạng là một không gian hoàn toàn mới, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. Trên không gian mạng, các quốc gia phải đối mặt với những thách thức giống nhau, và vì vậy, có cơ hội để trở thành một thế giới sát cánh bên nhau.
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Không gian mạng là tương lai thịnh vượng của chúng ta. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số”.
Trong khuôn khổ Ngày ATTT Việt Nam năm 2019, Bộ trưởng đã nhấn mạnh một số nội dung:
Thứ nhất, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ.
Nếu như trước đây, chúng ta đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trước, thì giờ đây, ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng.
Trong mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%.
Nếu như trước đây khi xảy ra ra sự cố, thì chúng ta cố gắng giữ kín, càng ít người biết càng tốt, thì giờ đây, theo Bộ trưởng, chúng ta phải hiểu rằng: không ai an toàn một mình trong không gian mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn hơn.
“Không chia sẻ thì sau chúng ta lại sẽ là một ai đấy nữa bị tấn công tương tự, và sau đó lại là một người tiếp theo, và cứ như vậy. Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không phải nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không? Mà nằm ở cách thức cơ quan, tổ chức đó phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công.
Chúng ta cần phải có một mạng lưới chuyên gia và đơn vị chuyên trách dưới sự điều phối của cơ quan chức năng. Thông tin phải được chia sẻ kịp thời. Khi sự cố xảy ra với một đơn vị, các đơn vị sẽ cùng coi đây là trách nhiệm của mình, sẵn sàng tham gia ứng cứu theo sự điều phối chung, vì một không gian mạng an toàn hơn cho tất cả chúng ta”.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm.
Nếu như trước đây, khi đầu tư, chúng ta thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình, thì giờ đây, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị. Mỗi cơ quan, tổ chức cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý, cân đối cả 3 yếu tố này.
Nếu như trước đây, chúng ta thường tự đầu tư, tự bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức của mình, thì giờ đây, chúng ta phải hiểu rằng, những dịch vụ tốt nhất được cung cấp bởi những doanh nghiệp (DN) chuyên nghiệp nhất.
Các cơ quan, tổ chức một mặt kiện toàn lực lượng tại chỗ, mặt khác thuê dịch vụ giám sát, bảo vệ của các DN đã được Bộ TTTT cấp phép. Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá. Bộ TTTT giao Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục ATTT thực hiện giám sát quốc gia trên không gian mạng để phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng.
Ngày hôm nay, Bộ TTTT chính thức khai trương “Hệ thống chia sẻ và giám sát ATTT phục vụ CPĐT”, Bộ trưởng nhấn mạnh: “An toàn, an ninh mạng luôn là điều kiện tiên quyết để phát triển CPĐT”.
Thứ ba, về việc nâng cao tiềm lực an toàn, an an ninh mạng quốc gia.
Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam”. Tới đây, Bộ TTTT sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp (DN) tiên phong nhằm phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ CPĐT, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Hệ sinh thái là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ các giải pháp. DN có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên và khuyến nghị sử dụng.
Cùng với đó, một Liên minh cũng sẽ được thành lập nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối. Liên minh DN này cũng cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp tổng thể cho khách hàng.
Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực ICT. Nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với những chuyên gia đạt đẳng cấp quốc tế.
Cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ của Nhà nước và liên kết chặt chẽ của Liên minh, Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những DN lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy.
Bộ trưởng cũng cho biết: Thời gian vừa qua, cơ quan nhà nước và các DN, chuyên gia đang chung tay, chung sức bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TTTT luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN phát triển. Đặc biệt là DN an toàn, an ninh mạng. Cơ quan quản lý nhà nước gần đây đã áp dụng một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Các DN an toàn, an ninh mạng cũng cần một sự đột phá trong tư duy và phương pháp tiếp cận. Chúng ta luôn phải tự tin và vào cuộc thực sự để thực hiện khát vọng của mình.
Qua 12 năm được tổ chức, Ngày ATTT Việt Nam đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng, là diễn đàn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về ATTT.
Toàn cảnh Hội thảo |
Nhân dịp này, Bộ trưởng kêu gọi và đề nghị:
Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức và toàn thể cộng đồng cùng tham gia bảo đảm một không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp. Cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện điều này. Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và chuyên gia an toàn, an ninh mạng cần là những người có sứ mệnh tiên phong mở đường, chung vai gánh vác trách nhiệm này.
Thứ hai, Hiệp hội ATTT Việt Nam cần đẩy mạnh, thay đổi tư duy và đổi mới hoạt động, giữ vai trò hạt nhân đối với các DN an toàn, an ninh mạng, trở thành cầu nối, sợi dây liên kết giữa các tổ chức, DN trong nước và nước ngoài.
Những sự kiện như Ngày ATTT Việt Nam hàng năm cần được tổ chức nhiều hơn và thiết thực hơn nữa, phát triển thành sự kiện quy mô khu vực và quốc tế.
Thứ ba, Việt Nam cần tham gia tích cực, đóng góp thiết thực hơn cho các hoạt động an toàn, an ninh mạng quốc tế. Đặc biệt đối với các hoạt động do Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) khởi xướng. Tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế, đóng góp cho thị trường quốc tế. Các DN lớn mạnh, sản phẩm an toàn, an ninh mạng chất lượng cao là phương pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu này.
Chương trình Hội thảo gồm phiên toàn thể vào buổi sáng và 02 phiên Chuyên đề vào buổi chiều, với gần 30 bài phát biểu, tham luận của Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp về ATTT của các công ty lớn trong và ngoài nước.
Tại địa điểm diễn ra Hội thảo, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động triển lãm, trình diễn công nghệ ATTT, Tọa đàm B2B Israel và Việt Nam, Thi Chung khảo “Sinh viên với ATTT ASEAN 2019” và vinh danh các sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam được bình chọn năm 2019.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thay đổi thói quen để tăng cường bảo đảm ATTT
Submitted by nlphuong on Fri, 29/11/2019 - 20:50“Chỉ cần chính bản thân mỗi người thay đổi thói quen thì chúng ta đã nâng lên đáng kể việc đảm bảo công tác an toàn thông tin”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin (ATTT) lần thứ 12 với chủ đề “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số” và Lễ khai trương “Hệ thống chia sẻ và giám sát thông tin phục vụ chính phủ điện tử (CPĐT)” ngày 29/11, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu |
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự phối hợp của Bộ TTTT, Cục ATTT và sự nỗ lực của nhiều đơn vị khác trong việc phát triển ngành CNTT, trong đó có lĩnh vực ATTT. Theo Phó Thủ tướng, giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy sự phát triển của CNTT, trước hết là ứng dụng CNTT trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong nhiều năm, Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công phổ biến của giới tội phạm mạng. Việt Nam cũng nằm trong top 10 những quốc gia là nguồn phát tán ra các mã độc.
Do đó, Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao việc Việt Nam đã tăng tới 50 bậc trên bảng xếp hạng về ATTT của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ trước đến nay, chưa bao giờ năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại tăng nhiều đến như vậy. Đối với việc phát triển CNTT và tăng cường năng lực ATTT, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở nhận thức. Nếu thực hiện đảm bảo ATTT chưa tốt, có nghĩa là nhận thức đang có vấn đề. Điều này là bởi một khi thực sự nhận thức được sẽ không thể không đầu tư các biện pháp nhằm đảm bảo ATTT. Thực tế cho thấy, các nước trên thế giới thường đầu tư trung bình 15 - 20% giá trị dự án CNTT cho việc đảm bảo công tác ATTT. Tại Việt Nam, tỷ lệ này thường xuyên ở mức dưới 5%.
Với thực tế này, không thể nói Việt Nam đã có nhận thức đầy đủ về ATTT được. Trong thời đại kết nối số, ATTT liên quan trực tiếp đến từng người dân. Bản thân ATTT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tiếp tục truyền thông để không chỉ các chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp mà từng người dân cũng nhận thức được về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT và công tác đảm bảo ATTT. Chỉ cần chính bản thân mỗi người thay đổi thói quen thì chúng ta đã nâng lên đáng kể việc đảm bảo công tác ATTT.
Phó Thủ tướng cũng nêu lên tình trạng ngại chia sẻ, không chỉ giữa các quốc gia, doanh nghiệp mà ngay cả giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Đây là điều mà chúng ta cần thay đổi. Muốn hợp tác với nhau, trước hết cần phải có lòng tin để chia sẻ.
Với sự ra đời của Hệ thống chia sẻ và giám sát thông tin phục vụ CPĐT, Phó Thủ tướng cho rằng điều này sẽ giúp việc bắt tay nhau một cách chặt chẽ, đồng bộ hơn. Điều này phải được hiện trên tinh thần cùng trách nhiệm, tất cả vì một lợi ích chung, trong đó có lợi ích của riêng mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu nhấn nút khai trương Hệ thống |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng Việt Nam có thể hình thành nên một hệ thống có tính chỉ huy xuyên suốt về chuyên môn. Đây cũng là nơi quy tụ và tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp với cả cộng đồng. Điều này sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế xã hội và giúp Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Sự kiện ATTT lớn nhất 2019: “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số”
Submitted by nlphuong on Thu, 14/11/2019 - 16:25Đây là chủ đề Hội thảo - triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam năm 2019 vừa được công bố tại buổi gặp mặt báo chí nhân ngày ATTT Việt Nam 2019 và chuỗi sự kiện được tổ chức.
Sự kiện thường niên lần thứ 12, do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục ATTT (Bộ TT&TT) và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA phát biểu |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết: Hội thảo năm nay có Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn hoá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tham dự trình bày những quan điểm, định hướng, khuyến nghị và đánh giá về xếp hạng ATTT của Việt Nam.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đảm bảo ATTT giống như việc quan tâm đến y tế dự phòng theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để làm được việc này thì nhận thức rất quan trọng, tránh “việc nước đến chân mới nhảy”. Hội thảo – triển lãm và các sự kiện liên quan được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường công tác đào tạo… bảo đảm ATTT. Từ nhận thức sẽ có những hành động cụ thể.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA cho biết: Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Bởi vậy, phát triển năng lực quốc gia về an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng kinh tế số, phục vụ hoạt động của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tổ chức với một quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Hội thảo năm 2019 lấy một chủ đề lớn, bao trùm, thể hiện khát vọng của những người làm ATTT “Nâng tầm An toàn, An ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số” (Enhancing national cybersecurity in the digital era), tổ chức vào ngày 29/11/2019, tại Hà Nội.
“Đây sẽ là một diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, là sự kiện nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2019 tại Việt Nam”, ông Vũ Quốc Thành nhấn mạnh.
Nội dung Hội thảo tập trung phân tích tầm nhìn, định hướng của chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam; chính sách, thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ ATTT và giải pháp nâng cao thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.
Toàn cảnh buổi gặp mặt báo chí nhân ngày ATTT Việt Nam |
Chương trình Hội thảo gồm phiên Toàn thể vào buổi sáng và 02 phiên Chuyên đề vào buổi chiều, với gần 30 bài phát biểu, tham luận của Lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp về ATTT của các công ty lớn trong và ngoài nước.
Một số điểm nhấn trong Phiên toàn thể buổi sáng:
Phiên 1. An toàn, an ninh mạng cho phát triển quốc gia số sẽ có sự tham dự và phát biểu của chuyên gia cấp cao Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá Chỉ số và tư vấn nâng cao chỉ số ATTT Việt Nam; lãnh đạo cơ quan an toàn, an ninh thông chính phủ Phần Lan chia sẻ về kinh nghiệm đảm bảo ATTT cho phát triển chính phủ số tại Việt Nam; và trình bày chỉ số An toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Phiên 2 (tọa đàm) về chủ đề "Nâng cao năng lực ATTT Việt Nam: Chính sách, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế", dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Cục ATTT và sự tham gia của các doanh nghiệp CNTT, ATTT lớn của Việt Nam và nước ngoài, bao gồm: 03 Tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam là VNPT, CMC, FPT-FIS và 02 công ty về ATTT đa quốc gia là McAfee và Fortinet.
Lãnh đạo Chính phủ bấm nút khai trương Hệ thống Giám sát ATTT phục vụ Chính phủ điện tử do Cục ATTT, Bộ TT&TT, triển khai và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Phiên 3 về chủ đề An toàn, an ninh mạng cho hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia với các báo cáo mạng của 03 công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam và nước ngoài, bao gồm: An ninh mạng Viettel, Amazon Web Services, Huawei…
Buổi chiều sẽ có hai phiên chuyên đề: An toàn, an ninh mạng để phát triển Chính phủ số do Cục ATTT - Bộ TT&TT, Bộ Tư lệnh 86 và VNISA chủ trì. Nội dung tiếp theo về Bảo vệ dữ liệu và phòng chống tấn công trên không mạng do Ban Cơ yếu Chính phủ và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an chủ trì.
Hội thảo - triển lãm dự kiến thu hút hơn 700 đại biểu, với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia CNTT, ATTT của Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn về công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới.
Các hoạt động bên lề Hội thảo
Tại địa điểm diễn ra Hội thảo, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động:
Khu vực Triển lãm: giới thiệu giải pháp, công nghệ của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về CNTT, ATTT trong và ngoài nước với 25 gian hàng.
Khu trình diễn công nghệ ATTT (Hacker Street) dành riêng cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các kỹ sư về ATTT giới thiệu, trình diễn các giải pháp, công cụ mới nhất về bảo mật, ATTT với khách mời Hội thảo (trong khu vực 180m2).
Dự kiến sẽ có khoảng 15 bài trình bày của các chuyên gia hàng đầu về ATTT cũng phần trình diễn, giới thiệu trực quan sinh động về các giải pháp bảo mật, ATTT; giới thiệu và trình diễn về cấu hình và quản lý ATTT cho điện toán đám mây.
Tọa đàm B2B Israel và Việt Nam: trao đổi cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, nhằm tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng hàng đầu của Israel.
Thi Chung khảo “Sinh viên với ATTT ASEAN 2019” : Gồm 12 đội thi Việt Nam xuất sắc nhất trong vòng thi Sơ khảo và 05 đội thi từ các nước ASEAN.
Lễ Tổng kết cuộc thi, trao phần thưởng của Bộ TT&TT, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các đội đoạt giải cao được tổ chức tại Phiên bế mạc Hội thảo.
Lễ vinh danh các sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam được bình chọn năm 2019, với 03 danh hiệu: “Sản phẩm ATTT chất lượng cao”, “Sản phẩm ATTT mới xuất sắc” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” diễn ra trong Phiên toàn thể của Hội thảo.
Cũng trong chuỗi sự kiện, một Hội thảo - triển lãm sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh do Chi hội ATTT phía Nam thuộc VNISA và Sở TTTT TP. HCM tổ chức vào tuần sau.
Lan Phương/ictvietnam.vn
7,5 triệu người Việt sẽ buộc phải chuyển đổi việc làm trong 10 năm tới
Submitted by nlphuong on Tue, 12/11/2019 - 22:20Khoảng 60% người lao động tại các quốc gia như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc CMCN 4.0. Riêng tại Việt Nam, khoảng 7,5 triệu người sẽ phải dịch chuyển công việc vào năm 2028.
Sáng 12/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế với nội dung xoay quanh chủ đề phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực TT&TT. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 40 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu.
Hội nghị được tổ chức nhằm thiết lập một diễn đàn chung cho đại diện các nước thành viên ASEAN. Đây là nơi mà cơ quan hữu trách các nước ASEAN có thể ngồi lại và chia sẻ với nhau về các hiện trạng, để rồi từ đó đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ICT.
Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực ICT cho các nước ASEAN khai mạc sáng 12/11 tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt |
Hoạt động này là một phần trong khuôn khổ dự án hợp tác ASEAN nhằm tăng cường nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu nguồn nhân lực ICT trong khu vực, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa các nước thành viên ASEAN.
7,5 triệu người sẽ chuyển đổi việc làm do sức ép của CMCN 4.0
Theo báo cáo mới nhất của Viện Chiến lược TT&TT, người lao động tại các quốc gia thuộc khu vực ASEAN đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do sự phát triển nóng của CMCN 4.0. Dễ bị tổn thươnng nhất là nhóm lao động giản đơn có kỹ năng thấp.
Là khu vực nổi tiếng với nguồn lao động giá rẻ khổng lồ, tuy nhiên có một thực tế là người lao động các nước ASEAN rất dễ bị thay thế bởi sự phổ biến của robot tự động hoá. Trong số này có tới hơn 60% số người lao động tại các quốc gia như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tỷ lệ người lao động tại các nước ASEAN gặp rủi ro khi công việc của họ dễ bị thay đổi do số hoá. |
Riêng tại Việt Nam, những dự đoán của Cisco & Oxford Economics đã chỉ ra rằng vào năm 2028, khoảng 7,5 triệu người, tương đương 14% lượng lao động sẽ phải dịch chuyển công việc của mình để nhường chỗ cho máy móc.
Lượng người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch này chỉ ít hơn Indonesia (9,5 triệu người) - quốc gia đông dân nhất khu vực ASEAN. Không chỉ có Việt Nam và Indonesia, đây cũng là vấn đề chung của các quốc gia khác khu Thái Lan cũng sẽ đối mặt với nguy cơ mất 4,9 triệu việc làm, với Malaysia con số này là 4,2 triệu.
Tác động tích cực (xanh lá cây) và tiêu cực (xanh dương) của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất đối với sự thay đổi số lượng việc làm tại 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN (ASEAN 6). |
Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhu cầu chung của tất cả các nước thành viên ASEAN. Tuy vậy, đây cũng không phải là điều dễ dàng khi mà sự thay đổi liên tục của công nghệ khiến các chuyên gia khó đưa ra được những dự báo chính xác về nhu cầu của thị trường lao động.
Không chỉ mang đến những tác động tiêu cực, CMCN 4.0 cũng góp phần tạo ra các việc làm mới khi mà nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành có liên quan đang không ngừng ra tăng. Không những vậy, bên cạnh việc một số ngành nghề có thể mất đi, sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 cũng sẽ mang tới những nghề nghiệp mới.
ác nước ASEAN cần tìm ra được một tiếng nói chung trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn lao động trước sức ép từ sự phát triển nóng của cuộc CMCN 4.0. Ảnh: Trọng Đạt |
Nhân lực ICT đóng vai trò quyết định trong CMCN 4.0
Theo đánh giá của các chuyên gia có mặt tại hội thảo, ICT chính là hạt nhân của Công nghiệp 4.0. Nhân sự trong ngành ICT đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực ICT mà còn trong cả quá trình chuyển đổi số của các lĩnh vực khác.
Thống kê của Liên minh Châu Âu (EU) cho thấy, 75% giá trị gia tăng của các công ty Internet lại đến từ các mảng thị trường truyền thống. Trong khi đó, 55% lượng nhân sự về ICT lại đang làm việc ở những lĩnh vực không phải ICT.
Đối với nhận thức về nguồn nhân lực ICT, 90% công dân ASEAN được khảo sát đồng ý rằng nguồn nhân lực ICT đang trở nên ngày càng quan trọng. Hầu hết các quốc gia ASEAN đều sở hữu những lợi thế nhất định trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT.
Tuy vậy, rào cản chung mà các quốc gia này phải đối mặt là việc thiếu đội ngũ chuyên gia lành nghề, sự hiểu biết về lĩnh vực IT nói chung của người dân ở mức thấp, ngoại trừ khu vực các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm phát triển các tài năng trong lĩnh vực ICT.
Các chuyên gia quốc tế chia sẻ để tìm hướng phát triển chất lượng nguồn nhân lực ICT tại các quốc gia ASEAN. Ảnh: Trọng Đạt |
Để có thể tăng cường chất lượng nguồn nhân lực ICT tại các quốc gia ASEAN, hơn lúc nào hết, việc đầu tiên cần làm là phải đánh giá đúng được hiện trạng của nguồn nhân lực ICT trong khu vực. Trong đó bao gồm cả cơ sở hạ tầng hỗ trợ nguồn nhân lực, chính sách, năng lực tài chính, văn hoá, giáo dục hay kỹ năng của người lao động.
Tiếp đến, cần phân tích từ những thông tin đã thu thập được để xác định nhu cầu thị trường và đưa ra hướng dẫn thực tiễn để phát triển nguồn nhân lực ICT. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng cần tổ chức những nghiên cứu tổng quan về nguồn nhân lực ICT, bao gồm cả chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực, để rồi từ đó chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm thực tiễn.
Cách tốt nhất để phát triển chất lượng nguồn nhân lực ICT vẫn nằm ở khía cạnh chính sách, đặc biệt là trong việc đào tạo lại và nâng cấp kỹ năng cho người lao động. Song song với đó, các nước cũng cần phải có các bước đi cụ thể, đặc biệt là trong việc ngồi lại với nhau nhằm tìm ra bước đi chung nhằm phát triển nguồn lao động ICT tại khu vực ASEAN.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn