Syndicate content

Nghề báo

Khai trương Trung tâm báo chí Quốc gia tại Điện Biên

Ngày 5/5, tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Khai trương Trung tâm báo chí Quốc gia phục vụ Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014).

Dự lễ khai trương có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Công an và Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cùng trên 100 phóng viên các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cắt băng khai trương Trung tâm Báo chí. Ảnh: Trần Hương, baodienbienphu.info.vn

Trung tâm báo chí Quốc gia tại tỉnh Điện Biên do Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng của Bộ làm Giám đốc.

Trung tâm được đặt tại tầng 3 Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên với quy mô 50 máy vi tính để bàn, kết nối Internet với đường truyền tốc độ 100/100Mbps.

Phương châm của Trung tâm là tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên trong nước và quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; chủ động, tích cực thông tin có định hướng của Ban Tổ chức, góp phần vào việc tổ chức thành công Lễ kỷ niệm theo đúng mục tiêu đề ra.

Ông Phạm Xuân Kôi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết trong thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đã được đẩy mạnh qua đó giúp bạn đọc báo, nghe đài, xem các phương tiện thông tin đại chúng và đông đảo người dân ôn lại hào khí và truyền thống cách mạng, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững và phát huy các giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ; góp phần chủ động, tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn của dân tộc - Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được hoàn tất. Để góp phần cho Lễ kỷ niệm thành công không thể thiếu vai trò đóng góp quan trọng của đội ngũ những người làm báo cùng các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Trung tâm báo chí Quốc gia được thành lập và đặt trụ sở làm việc tại tỉnh Điện Biên sẽ là đầu mối cung cấp thông tin, hình ảnh chính thống, hỗ trợ sử dụng miễn phí các phương tiện như máy tính, đường truyền Internet, phục vụ việc truyền dữ liệu, đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng của các phóng viên trong và ngoài nước.

Sau khi khai trương, Trung tâm báo chí Quốc gia tại Điện Biên sẽ phục vụ các phóng viên có nhu cầu trong thời gian đến hết ngày 7/5; trong đó từ ngày 5-6/5 mở cửa từ 6- 22 giờ, ngày 7/5 sẽ mở cửa qua buổi trưa, đến khi phóng viên các cơ quan báo chí hoàn thành việc đưa tin về Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chu Quốc Hùng

Nguồn: vietnamplus.vn

Những chương trình đặc sắc của VTV kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

VTV xin gửi tới quý vị khán giả nhiều chương trình đặc sắc nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phim tài liệu: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (5 tập)

Chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX mà 6 thập kỷ trôi qua, âm vang Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một dấu ấn đáng tự hào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Ý nghĩa đó được thể hiện đặc biệt sâu sắc qua 5 tập phim tài liệu.

Bộ phim được phát sóng vào khung giờ phim tài liệu lúc 20h10 trên sóng VTV1 vào các ngày mồng 1,2,3,5,7 tháng 5/2014.

Chương trình: Điện Biên Phủ - Ký ức và lịch sử 

Điện Biên Phủ - Ký ức và lịch sử là chương trình đan xen giữa những câu chuyện ký ức có thật của những nhân chứng lịch sử, là các cựu chiến binh Pháp và Việt Nam với những nhận định, đánh giá sâu sắc của các nhà nghiên cứu lịch sử nước ngoài về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam 60 năm về trước.

Điện Biên Phủ - Ký ức và lịch sử sẽ phân tích các yếu tố chủ yếu dẫn tới chiến thắng của Việt Nam trong chiến dịch Điện biên Phủ, sẽ giải mã những góc khuất còn đọng lại sau cuộc chiến như vấn đề tù binh chiến tranh, các cuộc gặp gỡ hàn gắn vết thương chiến tranh giữa các cựu chiến binh Pháp và Việt Nam.

Chương trình do Ban Truyền hình Đối ngoại sản xuất, được phát sóng vào lúc 19h45 phút, ngày 07/5/2014 trên kênh VTV4.

Chương trình đặc biệt Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 

Chương trình này sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h ngày 06/5/2014 trên kênh VTV1.

Mít tinh Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Được coi là điểm nhấn trong các chương trình của nhà nước kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài THVN sẽ truyền hình trực tiếp Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào lúc 7h đến 9h, sáng 97/5/2014 trên kênh VTV1. Ngoài các nghi thức của lễ kỷ niệm còn có lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của lực lượng quân đội, công an và quần chúng nhân dân.

Talk Vietnam: Catherine Karnow và những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Catherine Karnow, một nữ phóng viên người Mỹ từng có nhiều lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà đã từng cùng gia đình Đại tướng đi thăm Điện Biên phủ và có những bức hình quý giá về Đại tướng.

Chương trình do Ban Truyền hình Đối ngoại sản xuất, phát sóng vào 21h30, ngày 7/5/2014, trên kênh VTV4.

Phim điện ảnh: Ký ức Điện Biên

Ký ức Điện Biên là bộ phim truyện nhựa Việt Nam với góc nhìn sự kiện lịch sử qua lăng kính văn hóa đa chiều. Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã giành giải Cánh diều vào năm 2004 với các giải thưởng như Đạo diễn xuất sắc nhất, Giải khuyến khích dành cho phim truyện và Giải âm nhạc xuất sắc nhất cho nhạc sĩ.

Bộ phim xoay quanh cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người lính ở hai trận tuyến khác nhau. Ký ức về một thời Điện Biên, ký ức về một thời tuổi trẻ đã trở thành sợi dây gắn kết những con người đã từng sống, từng hít thở bầu không khí của cuộc chiến lịch sử mang tên Điện Biên Phủ.

Phim sẽ lên sóng vào 14h, ngày 09/5/2014 trên VTV1.

Phim truyện: Đường lên Điện Biên

Tái hiện cuộc chiến hào hùng từng gây chấn động địa cầu 60 năm trước, Đường lên Điện Biên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là một trong những bộ phim được đầu tư công phu, với nhiều chi tiết hấp dẫn.

Sau 60 năm, Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn để lại dấu ấn lớn trong lòng người Việt và nhân dân toàn thế giới. Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc, nhấn mạnh tài thao lược của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, tính nhân văn của vị tướng quân Võ Nguyên Giáp, Đường lên Điện Biên phản ánh rõ nét sức mạnh chiến tranh nhân dân.

Phim phát sóng vào khung phim truyện Việt Nam buổi tối trên kênh VTV1.

Phim tài liệu: Trái tim Điện Biên Phủ

Như một lời thì thầm của quá khứ, bộ phim tài liệu Trái tim Điện Biên Phủ sẽ tái hiện câu chuyện  60 năm về trước qua cảm nhận của những nhân chứng lịch sử. Vào lúc 20h05 phút ngày 09/5/2014, bộ phim này sẽ lên sóng VTV1.

Phim ca nhạc: Cây đàn Điện Biên

Phim ca nhạc Cây đàn Điện Biên là một tác phẩm âm nhạc giàu chất thơ, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, được thể hiện bằng giai điệu và âm thanh của những tác phẩm tiêu biểu trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Ca ngợi nét đẹp tâm hồn người chiến sĩ, tình cảm, tình yêu vượt lên chiến tranh khốc liệt, các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình để mang đến cho khán giả một tác phẩm âm nhạc chân thực, xúc động.

Đây là chương trình có sự đầu tư về hình ảnh và kịch bản do Ban Văn nghệ sản xuất. Bộ phim ca nhạc này lên sóng vào 14h15 ngày 7/5/2014, trên kênh VTV1.

Điện Biên Phủ và quan hệ Việt - Pháp nhìn từ hai phía

Chuyên mục Việt Nam & Thế giới  số đặc biệt sẽ giúp khán giả hiểu hơn về giai đoạn lịch sử quan trọng này và có cái nhìn tích cực, cởi mở hơn đối với quan hệ giữa hai nước. Chuyên mục phát sóng trên VTV4 vào lúc 6h25, ngày 7/5/2014.

Ngày Điện Biên Phủ 7/5

Ngày Điện Biên Phủ  là một ngày phát sóng đặc biệt trên kênh VTV4, trải dài 24 giờ liên tục trong ngày 7/5/2014 nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Điểm nhấn của ngày phát sóng đặc biệt này là thông qua các chương trình đặc sắc,ở nhiều thể loại cùng đề cập về sự kiện của 60 năm trước, sẽ giúp cho khán giả trong và ngoài nước cảm nhận một cách đầy đủ nhất về sức sống của Chiến thắng Điện Biên.

Sống động, hào hùng và chân thực với đầy ắp hình ảnh, thông tin sử liệu và thời sự. Sau 60 năm - Ngày Điện Biên Phủ sẽ là cầu nối cho những cảm nhận những chia sẻ của các nhân chứng, nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia, khán giả trong nước và quốc tế thông qua các Bản tin, Chương trình Truyền hình trực tiếp, Tường thuật, Giao lưu - Tọa đàm, Chuyên mục, Văn nghệ, Phim Tài liệu, Phim truyện.

Bên cạnh các chương trình được giới thiệu phía trên, dịp này, Đài THVN cũng sẽ mang tới cho khán giả nhiều bộ phim tài liệu, chương trình nghệ thuật, các bản tin thời sự… nói về chiến thắng Điện Biên Phủ trên tất cả các kênh sóng. Mời quý khán giả chú ý đón xem.

Nguồn: vtv.vn

Tòa soạn đặc biệt giữa chiến trường Điện Biên Phủ

Không chỉ có phóng viên tác nghiệp giữa chiến trường mà tòa soạn cũng di chuyển ra chiến trường. Đó là tòa soạn tổ chức xuất bản báo Quân đội Nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ ác liệt năm xưa.

Có một tòa soạn ở giữa mặt trận

Theo thông tin từ cuộc tọa đàm, tổ chức xuất bản báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ mới đây, ngày 27/11/1953, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị về công tác chính trị tư tưởng Đông Xuân 1953-1954, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ của công tác tuyên truyền là phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954; làm cho những nhận định và chủ trương của Trung ương, Tổng Quân ủy biến thành nhận thức và quyết tâm của quần chúng để có thể đảm bảo mọi nhiệm vụ được thành công.

Điện Biên Phủ hôm nay vẫn còn lưu lại những dấu tích, những trận chiến ác liệt năm xưa.

Trước tình hình đó, Báo Quân đội Nhân dân cử các đồng chí Hoàng Xuân Tùy (phụ trách chung), Trần Cư (Thư ký tòa soạn), Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và họa sĩ Nguyễn Bích ra mặt trận với nhiệm vụ xây dựng một tòa soạn tiền phương, tổ chức viết bài, biên tập, trình bày, in ấn, phát hành ngay tới cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch.

Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tòa soạn báo mặt trận đóng gần hang Thẩm Púa (Tuần Giáo). Khi Sở chỉ huy chiến dịch chuyển về Mường Phăng, tòa soạn cũng di chuyển theo. Lán của tòa soạn và hầm nhà in cách hầm Tổng tư lệnh một cánh đồng. Để đảm bảo nhiệm vụ máy móc đều đặt dưới hầm.

Ngày 28/12/1953, báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên phát hành tại Mặt trận Điện Biên Phủ (số 116- lấy theo số báo ở hậu phương). Thời kỳ đầu báo ra 2 trang, cách 4,5 ngày ra một số. Bài thường ngắn gọn, chỉ khoảng 200 đến 1.000 chữ. Đầu tháng 3/1954, báo tăng lên 2, 3 ngày/số, thậm chí 1 ngày một số.

Trước khi định hình nội dung tờ báo, tòa soạn đã cử phóng viên tỏa xuống cơ sở tìm hiểu nhu cầu thông tin của bộ đội. Những phóng viên ra mặt trận đều ý thức được rằng: viết phải rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu và ngắn gọn súc tích, vì hoàn cảnh lúc đó là chiến tranh nên cán bộ chiến sĩ không thích đọc bài dài hoặc khô khan khó hiểu.

140 ngày, 33 số báo...

Ngày 13/3/1954,  quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đợt đầu tiên của chiến dịch diễn ra trong vòng 4 ngày ta đã mở toang cánh cửa thép, tiêu diệt ba cụm cứ điểm đề kháng mạnh của địch ở Him Lam, đồi Độc Lập và Bản Kéo. Cũng trong đợt tấn công này, báo mặt trận ra liên tục 7 số. Ngày 10/3/1954, ba ngày trước giờ nổ súng, số 130 đã in xong và lập tức được phát hành ngay. Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo báo Quân đội Nhân dân phải bám sát chiến trường mà ra cho kịp thời. Ngày 13/3 ta nổ súng thì ngày hôm sau, tòa soạn báo mặt trận Báo Quân đội Nhân dân đã có số báo 131 tường thuật về trận đánh mở màn.

Ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ 2 bắt đầu nhằm vào khu Đông Điện Biên Phủ. Phán ánh về đợt này, Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận ra được 10 số. Bắt đầu từ số 137, Ban Biên tập đã cho chạy khẩu hiệu dài 2 trang báo: “Quyết tâm đánh thắng trận này tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”. Trên báo xuất hiện dồn dập các gương chiến đấu anh dũng từ các chuyên mục như Chuyện săn Tây, Phong trào bắn tỉa, phong trào đoạt dù. Bên cạnh đó, báo còn tổ chức chuyên đề để phục vụ tác chiến như: Bắn tỉa, Đào công sự.

Tối 1/5/1954, quân ta nổ súng mở đầu đợt 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đợt đánh này cũng được phản ánh tại số 147 ra ngày 1/5, cũng như phản ánh về sự kiện tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ.

Cũng sau đó ít hôm, ngày 16/5/1954, Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận ra số đặc biệt, số cuối cùng xuất bản tại mặt trận. Đây là số báo chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trải qua 140 ngày đêm, từ lúc chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ đến lúc kết thúc Chiến dịch, Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận được 33 số. Nội dung chủ yếu là các bài báo của các đồng chí chỉ huy cấp chiến thuật, chiến lược giúp bộ đội mở rộng tầm nhìn, nhận thức rõ vấn đề và thấy được tình cảm sâu đậm, thân thương của cấp trên dành cho cấp dưới. Đồng thời báo phản ánh tình hình chiến trường, phân tích âm mưu, thủ đoạn của địch để đông đảo bộ đội nắm được.

Tại buổi tọa đàm về tòa soạn báo mặt trận, Đại tá Phạm Phú Bằng, nguyên Phóng viên tòa soạn tiền phương Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ chia sẻ: “Niềm vui của người làm báo mặt trận là mỗi chiều tối, báo in xong, còn “nóng hổi”, anh bộ đội phát hành cho 2 bó báo vào sọt, quấn kỹ lá dong, tránh bị ướt. Anh làm báo cũng cho một bó vào ba-lô, theo anh phát hành thông thạo đường rừng, đi về phía trận địa. Anh phát hành “bóc lá dong” chia báo cho các trung đội. Anh làm báo chọn vài bài sinh động, đọc ngay cho chiến sĩ dưới hào, hỏi ý kiến anh em, rồi nài nỉ anh em kể vài chuyện mới, để đem in cho số báo tiếp theo”.

Trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam thì đây là lần đầu tiên có một tờ báo tổ chức xuất bản tại chiến trường, phát hành tại chiến trường. Đây là tờ báo của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và sự sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Bằng sự dũng cảm, sáng tạo ấy, tờ báo xuất bản tại mặt trận đã góp phần đảm bảo thông tin thông suốt, ổn định tư tưởng, thống nhất quan điểm chỉ đạo, đồng thời góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Văn Cường

Infonet

Cùng CNN tác nghiệp clip triệu đô

Trong thời gian nhóm ký giả kênh truyền hình CNN tác nghiệp tại Quần thể Danh thắng Tràng An (Ninh Bình), phóng viên Tiền Phong đã có dịp sát cánh cùng họ. Với thời gian ngắn ngủi, chúng tôi cảm nhận, họ có tác phong làm việc chuyên nghiệp và luôn tuân thủ chặt chẽ luật bản quyền. Ròng rã nhiều ngày trời, họ khảo sát gần như toàn bộ khu vực quần thể chỉ để chắt lọc lấy 30 hình ảnh phát sóng trên kênh CNN với gói truyền thông có giá lên tới triệu đô (trên 20 tỷ VNĐ). Mặc dù clip chỉ dài 30 giây, song nhóm ký giả CNN đã góp phần đưa vẻ đẹp Tràng An nói riêng và Việt Nam nói chung lan tỏa tới hàng trăm triệu người trên thế giới.

Tác phong chuyên nghiệp

Làm việc với các ký giả CNN, tôi nhận thấy điểm nổi bật ở họ chính là tác phong chuyên nghiệp, kiên trì, không phải vì gói truyền thông có giá triệu đô mà còn vì danh dự nghề nghiệp. Bất kể trời mưa hay nắng, cứ đúng 7 giờ sáng, nhóm ký giả đã hoàn tất các công việc cá nhân và có mặt tại Quần thể Danh thắng Tràng An để tìm hiểu, chớp lấy cơ hội ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của khu danh thắng.

Phương tiện tác nghiệp của họ khá gọn nhẹ, chỉ với 2 thân máy ảnh hiệu Canon 5D Mark và một số ống kính khẩu độ 16-35; 24-70; 70-200..., nhưng hệ thống máy dựng hình, lọc âm thanh... thì lại rất “khủng”, trị giá lên tới vài trăm nghìn đô. Một ký giả cho biết: “Việc thực hiện video clip quan trọng nhất là chọn góc quay, chọn khoảnh khắc, còn hình ảnh có đẹp hay xấu với công nghệ như hiện nay hoàn toàn có thể xử lý theo ý muốn”.

Vẻ đẹp Tràng An. ảnh: CNN

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Sau khi hoàn thiện công đoạn ghi hình tại Tràng An, nhóm phóng viên CNN đã dựng 3 video clip, nhưng cả 3 đều không đạt yêu cầu, không phải do hình ảnh kém chất lượng mà vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đoạn clip chỉ có thời lượng 30 giây, nhưng phải trải qua rất nhiều quy trình, từ Ban Quản lý duyệt đến lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, rồi đến Bộ VHTT&DL.

“Điều chúng tôi phải khâm phục là họ rất kiên trì và cầu thị, mặc dù hình ảnh đã đạt yêu cầu, nhưng khi chúng tôi đề nghị thay nhạc nền, họ cũng sẵn sàng dựng lại”.

Ông nguyễn cao Tấn

Với CNN, họ rất cẩn trọng trong việc tuân thủ bản quyền tác giả, riêng đoạn nhạc nền cũng đã phải cân nhắc rất kỹ. Họ yêu cầu phải có một ban nhạc để thể hiện đoạn nhạc nền và phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả mới tiến hành ghi âm. “Điều chúng tôi phải khâm phục là họ rất kiên trì và cầu thị, mặc dù hình ảnh đã đạt yêu cầu, nhưng khi chúng tôi đề nghị thay nhạc nền, họ cũng sẵn sàng dựng lại” - ông Tấn nói. Sau khi duyệt hình ảnh, đoạn phim dài 30 giây với chủ đề “Hãy lắng nghe lời thì thầm của thiên nhiên hoang dã” thực hiện tại Quần thể Danh thắng Tràng An đã được phát trên hệ sóng dành cho khán giả châu Âu của kênh truyền hình quốc tế CNN, với 180 lượt phát sóng từ tháng 3 đến tháng 6/2013.

Hiệu ứng lôi cuốn khán giả

Mặc dù phim quảng cáo chỉ có 30 giây, nhưng cũng đã chuyển tải nhiều hình ảnh về một miền đất của Việt Nam có vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, mang trong mình những bí ẩn của thiên nhiên đã đến với đông đảo du khách châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Theo đó, đoạn phim đã giới thiệu về những địa danh đặc sắc nhất của Tràng An, cùng với di tích đền thờ vua Trần, vua Đinh, vua Lê… như những điểm đến hấp dẫn về tâm linh, sinh thái kì vĩ. Cũng nhờ có đoạn clip này mà đã có thêm nhiều người Việt đang sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới biết nhiều hơn về danh thắng, con người của Ninh Bình nói riêng cũng như vẻ đẹp đất nước - con người Việt Nam nói chung...

Nhóm ký giả CNN tác nghiệp tại Tràng An. ảnh: Đức Hoàng

Theo báo cáo của CNN, ngoài số lần phát sóng theo hợp đồng, CNN đã phát sóng thêm 80 lần cho Tràng An và thực hiện điều tra, đánh giá về hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Tổng giá trị thực tế của chiến dịch quảng cáo này lên tới gần 1 triệu USD.

Kết quả điều tra tại các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan cho thấy: có 24% khán giả của CNN nhớ được quảng cáo Tràng An, trong đó, hiệu quả tốt nhất được phản hồi từ những người có thu nhập cao (người giàu, có tầm ảnh hưởng) với tỷ lệ 31%; có 79% khán giả CNN phản hồi quảng cáo Tràng An thật sự lôi cuốn, và những người có thu nhập cao là những người có phản hồi tốt nhất. Với 85% bình chọn phim quảng cáo hấp dẫn hoặc rất hấp dẫn; 66% khán giả CNN đồng ý rằng phim quảng cáo đã khiến họ hiểu biết hơn về Tràng An… 

Như vậy đoạn phim quảng cáo đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là tiếp cận những khán giả mục tiêu tại châu Âu - một thị trường đầy tiềm năng mà ngành du lịch Ninh Bình đang hướng tới, nơi có nhiều người thu nhập cao, những doanh nhân muốn đi du lịch và những nhà tổ chức tour du lịch, giải trí.

“Có thể khẳng định việc quảng bá hình ảnh khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động trên kênh CNN đã và sẽ có sức lan tỏa, tác động rất lớn đối với bạn bè trong nước và quốc tế về danh thắng độc đáo của Ninh Bình - Việt Nam và sẽ mang lại ý nghĩa trong việc xem xét, công nhận khu vực này là di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới. Hơn nữa, việc quảng bá này sẽ góp phần làm cho bạn bè thế giới nhận thấy đất nước Việt Nam nói chung và vùng đất Cố đô Hoa Lư nói riêng thật xinh đẹp, lôi cuốn và hấp dẫn, để rồi thôi thúc họ đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm” - bà Thanh cho biết.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình nói: Truyền hình CNN là một trong những kênh truyền hình nổi tiếng thế giới, vì thế việc đưa hình ảnh danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động lên kênh truyền hình này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong thời điểm tỉnh Ninh Bình đang đệ trình hồ sơ để UNESCO xem xét, công nhận Tràng An- Tam Cốc - Bích Động là di sản thiên nhiên, văn hoá thế giới.

Minh Đức

Nguồn: tienphong.vn

Ngọc Đản - Nhà báo đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập trưa 30.04.1975

Khởi đầu là phóng viên Thông tấn quân sự, rồi phóng viên báo Nhân Dân, đã bảo vệ luận án tiến sĩ báo chí ở Liên Xô (cũ) với đề tài “Báo chí Việt Nam như một yếu tố góp phần hình thành  chính sách kinh tế trong điều kiện thị trường”, nghỉ hưu ở cương vị Tổng biên tập Tạp chí Truyền hình, nay vẫn tháp tùng Chủ tịch nước ở vai trò ký giả; TS Đậu Ngọc Đản (Ngọc Đản) có một cuộc đời làm báo hết sức phong phú. Ông và nhà báo Hoàng Thiểm là nhà báo miền Bắc đầu tiên có mặt ở Dinh Độc lập vào trưa 30.04.1975. Dưới đây là chia sẻ của ông với đồng nghiệp qua Tạp chí Người Làm Báo.

Nhà báo Ngọc Đản (bên phải) và đồng nghiệp (nhà báo Giãn Thanh Sơn – Báo Công An TP.HCM) trong một chuyến tác nghiệp tại Nga.

 Ở hậu phương, nhà báo vẫn “đi chiến trường” nhiều!    

 Thưa ông, “con đường đẹp nhất” đã đưa ông đến với Thông tấn quân sự, với nghề báo ra sao?

Đúng như Lê Mã Lương nói “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến đánh quân thù”. Tôi nghĩ rằng, bất cứ kẻ xâm lược nào, trước khi cất quân, nếu hiểu được điều này, sẽ không bao giờ cất quân đến nữa để chịu thất bại như Lý Thường Kiệt từng cảnh cáo Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

 Năm 1969, tốt nghiệp lớp 10, tôi được tuyển vào ĐH Thủy sản. Nhưng báo Hà Tĩnh lại giới thiệu tôi đi học ĐH báo chí. Duyên do, khi còn là học sinh, tôi thường xuyên đặt báo và tập viết báo, đã có bài về tấm gương một ông bưu điện xã đăng trên báo Nhân Dân, bài một cô vợ bộ đội giỏi việc nước đảm việc nhà được giải nhì của báo Hà Tĩnh.

 Học xong báo chí, vừa lúc Tổng cục Chính trị yêu cầu 53 người đi chiến trường, gọi là lớp phóng viên tiền phương. Năm 1972, tôi được vào Quảng Trị, cắm  vào trung đoàn 36, sư 308. Cuộc đời phóng viên chiến tranh bắt đầu từ đó.

 Ở Quảng Trị, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, tôi đã có một số bài viết đáng nhớ như Dũng sĩ thành Quảng Trị, Kim Cúc đọc trên đài trong rất nhiều buổi phát thanh. Lại có bài Trận đánh mang sức nóng Quảng Trị trên báo Nhân Dân, trong chuyên mục  Viết tại chỗ về Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Về chuyên mục này, hồi ký chưa xuất bản của nhà báo Thép Mới viết: “Chưa bao giờ tờ báo đối với người Hà Nội đáng yêu đến như thế! Thực hiện chỉ thị còn mới của Ban Bí thư về công tác báo nhấn rất mạnh sự Tranh thủ trí tuệ của toàn xã hội, chúng ta (Báo Nhân Dân) lôi cuốn cả Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận và nhiều cây viết tên tuổi cộng tác với chúng ta. Vì chúng ta hiểu rằng đồng bào miền Nam chịu họ hơn chúng ta nhiều. Đặc biệt sau đêm chiến thắng rực rỡ 26.12.1972, báo sáng 28 chúng ta ra lời kêu gọi bạn đọc viết cho mục Viết tại chỗ về Hà Nội - Điện Biên Phủ, sáng tạo ra thành ngữ Điện Biên Phủ trên không… Tức là chuyên mục này nhằm tập hợp những nhà văn lớn, nhưng cây bút tên tuổi, tôi được “chen” vào đó là một may mắn. Đang thích ở chiến trường thì Cục Tuyên huấn yêu cầu về Phòng Thông tấn quân sự (TTQS) tại Hà Nội. Nghe tôi nài nỉ xin đi, anh Lê Minh, trưởng phòng nói: Cậu yên tâm. Ở đây còn đi chiến trường nhiều hơn!

Trong tổ chức chúng ta thời điểm ấy, TTQS thì gắn chặt với Việt Nam Thông tấn xã, phát thanh quân đội thì gắn vào Đài Tiếng nói Việt Nam.

Quả như anh Lê Minh nói, ở TTQS, tôi được đi nhiều hơn, rộng hơn”. Suốt những năm 1973-1974, tôi liên tục được cử vào chiến trường Quảng Trị.

 Nhà báo đầu tiên có mặt ở Dinh Độc lập trưa 30.04.1975

 Theo bước chân thần tốc của chiến dịch Đại thắng Mùa Xuân, nhà báo Ngọc Đản lúc đó đã vượt đèo Hải Vân và “Nam tiến” ra sao?

 Tháng 02.1975, tôi được vào Nam, theo bước các binh đoàn trong cuộc tổng tiến công, nổi dậy. 26.03.1975 có mặt ở Huế. Đi xe Honda vượt Hải Vân, 29.03.1975 có mặt ở Đà Nẵng. 29.04.1975 đến Xuân Lộc. Gặp Cục trưởng Cục Văn hóa Hồng Cư, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 Lê Khả Phiêu, được các ông trực tiếp giao nhiệm vụ đi ngay vào Sài Gòn, theo trung đoàn 66 của 304. Rồi gặp và bám xe tăng thứ tư của Lữ đoàn 203. Đánh nhau ác liệt ở cầu Sài Gòn. Tiến thẳng vào dinh Độc lập, chứng kiến và chụp được ảnh Phạm Xuân Thệ, đại úy, trung đoàn phó, hùng dũng bước lên nhận sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Tôi và anh Hoàng Thiểm, cùng ở TTQS, là hai nhà báo đầu tiên của miền Bắc có mặt tại dinh Độc lập vào giây phút lịch sử ấy.

  Là tác giả bức ảnh “Cô Nhíp” - chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho xe tăng ta tiến vào Sài Gòn năm 1975 là một bức ảnh lịch sử, có hàm lượng thông tin rất lớn. Sau gần 40 năm kể từ ngày bấm máy, ông có thể nói thêm điều gì?

Tôi gặp cô Nhíp ở Tân Sơn Nhất. Thấy xe tăng cắm cờ Quân giải phóng, lại có cô gái đẹp, vừa hiền dịu, vừa hiên ngang. Hỏi, được biết là xe tăng Quân đoàn 3, cô gái tên là Cao Thị Nhíp, tên hoạt động là NguyễnTrung Kiên. Nhíp con nhà nghèo, quê Tiền Giang, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, tham gia biệt động thành dưới vỏ bọc là người làm công cho gia đình một sĩ quan ngụy. Vốn thông thuộc đường sá, Nhíp đã dẫn đường cho xe tăng ta vào đánh Tân Sơn Nhất và các vị trí quân sự khác.

Ngay khi gặp cô Nhíp bên xe tăng, tôi đã bị cái đẹp cuốn hút, cảm giác ngay rằng đây là một hình tượng. Hình tượng của tổng tiến công (quân chủ lực) và nổi dậy (nhân dân). Hình tượng Việt Nam: Nụ cười tươi sáng, hiền dịu, yêu hòa bình nhưng kiên cường gan góc, quyết thắng. Trong tư thế chiến thắng, toát lên sự nhân hậu, vị tha…

Đồ nghề tác nghiệp của ông lúc đó?

Máy hiệu Canon, ống kính liền, chỉ một tiêu cự. Trước đó tôi chủ yếu chụp bằng máy Kiep.

Sau đó, để chuyển bài vở ra Hà Nội kịp thời, ông đã “điều” một sĩ quan ngụy lái xe chở ông từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Có thể coi đó là một giải pháp xử lý tình huống nghiệp vụ?

Trưa 30.04 ấy, từ dinh Độc Lập tôi không đi về Đài phát thanh, mà tìm cách chuyển bài vở nhanh ra Bắc. Trong sân, rất nhiều nhân viên, tùy tùng của chính phủ Sài Gòn đứng đợi. Tôi nói to, dõng dạc: “Chúng tôi là phóng viên ở miền Bắc vào. Đây là thời cơ lập công của các ông. Ai có thể chở chúng tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất?”. Năm sáu cánh tay giơ lên. Tôi chỉ vào một người. Đó chính là Võ Cự Long, sĩ quan lái xe dẫn đường của nội các Sài Gòn. Nhưng đến Tân Sơn Nhất, không có máy bay. Chúng tôi phải đi thẳng ra Đà Nẵng mới chuyển được. Phản ứng nghề nghiệp ấy trước hết là do tính cấp bách, trọng đại của công việc, của lời thề người lính khi nhận nhiệm vụ, phải “tận tâm tận lực thi hành một cách nhanh chóng và chính xác”.

 Luôn có mặt ở điểm nóng

 Khi chuyển về báo Nhân Dân, ông có nhiều bài viết xuất sắc về quân sự. Đặc biệt, ông là người đầu tiên và người có nhiều bài viết gây xúc động về cuộc chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ hải quân ta chống trả quân Trung Quốc xâm chiếm đảo Gạc Ma. Kinh nghiệm của một phóng viên chiến tranh và điều gì nữa giúp cho ông có được sự “độc quyền” này?

 Lại một tình cờ, ngẫu nhiên nữa. Đầu tháng 03.1988, tôi khi đó là phóng viên của báo Nhân Dân, được cử đi công tác Trường Sa cùng bộ đội hải quân. Chuyến đi xuất phát tại quân cảng Cam Ranh. Đến phút chót, có lệnh: Các sĩ quan và chiến sĩ trên chuyến tàu ra đảo Sinh Tồn, Len Đao, Gạc Ma sẽ chốt giữ lại trên đảo dài ngày, tàu không quay lại đất liền như dự định. Đương nhiên tôi bị gạt lại, chờ chuyến khác.

 Rồi chiến sự nổ ra vào ngày 14.03.1988, nhờ vị thế báo Nhân Dân, và máu nghề, tôi được nghe thông tin chiến sự trong giao ban, lăn lộn lắng nghe phản ứng và tình cảm của dân chúng. Căm phẫn trước hành động chiếm đóng trái phép của quân đội Trung Quốc, mong mỏi thông tin cho cả nước biết; liên tiếp các ngày đó tôi thức viết liên tục và gửi về tòa soạn hàng chục bài báo và được đăng kịp thời như Trường Sa trong lòng hậu phương Phú Khánh (22.03.1988); Cuộc tiến công bằng tàu khu trục mang tên lửa của Trung Quốc vào ba tàu vận tải không có vũ khí tiến công của ta ở vùng đảo Sinh Tồn (24.03.1988). Rồi các bài kể về sự hy sinh của thiếu úy Trần Văn Phương trên đảo Gạc Ma, Tàu S-71 giữa sóng lớn Trường Sa...

Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục ra đảo. Nói chúng tôi, vì chuyến này còn có thêm các nhà báo Trần Bình Minh (Đài THVN), Đình Trân (TTXVN), Hồ Anh Thắng (Báo Quân Đội Nhân Dân), Lê Phức, Vinh Quang (Báo Ảnh Việt Nam), Đạo diễn Lê Mạnh Thích (Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương)...

Lúc này, tôi đã có một nhận thức mới, sâu sắc hơn về biển đảo: Rằng, từ đây Tổ quốc ở trên đầu ngọn sóng, rằng, chúng ta đang phải đối mặt với một âm mưu bành trướng không chấm dứt…

Tôi nói thêm rằng, tôi có nhiều ngẫu nhiên may mắn trong nghề nghiệp, nhưng chuỗi ngẫu nhiên ấy nằm trong sự tất nhiên: đó là sự say nghề, yêu nghề.

Nay đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn năng nổ, say mê với nghề báo. Vì sao vậy? Nghề báo có gì thu hút? Làm báo bây giờ có khó hơn trước không, thưa ông? Điều gì cần nhất hay là một nguyên tắc tóm lược cho nghề báo?

Nghề báo là một nghề hay. Hay thì khó bỏ. Tôi cảm nhận được cái hay này lần đầu tiên khi nhận giải báo Hà Tĩnh. Chỉ là một đứa trẻ con, vì bài báo mà cả xã, cả huyện biết đến và ai cũng tôn trọng.

Nghề báo là một nghề hay vì được đi nhiều, nghe nhiều do đó học được nhiều; và bắt phải không ngừng học hỏi để tiến mãi, nhất là học trong cuộc sống, học để sống. Làm báo không muốn mới cũng phải mới, nên được và phải làm mới mình liên tục. Khi bài báo viết xong, trước mắt lại là một tờ giấy trắng, lại “về mo”, cái đầu cũng trắng. Ngày mới, đề tài mới, lại bắt đầu lại từ đầu…

Nghề báo hay vì có nhiều bạn, bạn đủ các giới; vì nói được tiếng nói của dân, có khi đại diện được cho họ - tức là con người mình được nhân lên; được dân tin mến, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ; ở nơi nào cũng được tôn trọng.

Và khi đã là nhà báo, dù không chức vụ gì, anh vẫn được người ta nhớ, vẫn làm việc mãi.

Còn về nguyên tắc, tôi không phải là nhà lý luận; tôi chỉ nói quan niệm của tôi thôi: Đó là đam mê, có ước vọng cống hiến, có niềm tin chân lý và chiến đấu để bảo vệ nó, không lung lạc trước mọi cám dỗ, quyền lợi trái ngược với đạo lý. Làm báo là làm chính trị nhưng không lợi dụng nó để mưu cầu lợi ích riêng.

 Xin cảm ơn ông. Chúc ông mãi là người lính tuổi hai mươi trên mặt trận báo chí.

Nguyễn Sĩ Đại

Nguồn: nguoilambao.vn

Nhà báo Trần Mai Hạnh ra sách "Biên bản chiến tranh"

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Bằng tâm huyết, lòng say nghề của một nhà báo chiến tranh, một nhân chứng chứng kiến những sự kiện trọng đại của lịch sử, nhà báo Trần Mai Hạnh vừa hoàn thành cuốn Tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.

Sách do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia – Sự Thật cho ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2014).

Đây có thể coi là một cuốn biên niên sử sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Cuốn sách được xây dựng kỳ công trên cơ sở chắt lọc từ khối lượng tài liệu đồ sộ và quý giá, phần nhiều trong số đó có giá trị nguyên bản mà tác giả có cơ duyên tiếp cận được trong những năm tháng làm phóng viên chiến tranh của TTXVN ở chiến trường miền Nam.

Cuốn sách được tác giả ấp ủ thực hiện ra đời sau gần 40 năm kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập mà tác giả là phóng viên may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là Đặc phái viên TTXVN, nhà báo Trần Mai Hạnh đã bám sát các binh đoàn chủ lực, theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn.

Những tài liệu thu được trong quá trình tác nghiệp, những trang ghi chép tại trận trong quá trình tham gia chiến dịch và trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn mà tác giả được tiếp cận, khai thác đã giúp nhà báo Trần Mai Hạnh trong nhiều năm lao động xây dựng nên cuốn sách này.

Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, không chen bất cứ bình luận nhận xét cá nhân nào của tác giả cùng với độ lùi gần 4 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, có thể nói “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là bức phác thảo toàn cục và chi tiết nói về toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội Sài Gòn và số phận những người cầm đầu chính thể Sài Gòn trong bốn tháng cuối cùng của chiến tranh: Tháng 1, 2, 3, 4 năm 1975 (Từ chiến thắng Phước Long - 1/1975 tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập).

Cuốn sách gồm 19 chương, dù mang hơi hướng tiểu thuyết nhưng luôn được ghi chú rõ ràng những tài liệu nguyên bản, bút tích và nguồn tư liệu đáng tin cậy.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (thứ 3 từ trái sang) cùng với các nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV và các TBT VOV online.

Thời gian càng lùi xa thì diễn biến những sự kiện lịch sử Ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 càng được sàng lọc, kiểm nghiệm và thông điệp của nó gửi lại cho chúng ta hôm nay càng sâu sắc hơn.

Nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Cuộc đời tôi cũng nhiều sóng gió, hoàn thành được cuốn sách này cũng là kỳ công, nhiều lúc tưởng không thể xong nổi. Rồi tôi lại nghĩ về những tài liệu quý giá mà mình đang sở hữu, nếu không viết thì ai sẽ là người có được tất cả những tài liệu đó mà hệ thống và dựng nên một tác phẩm. Tôi thấy, mình có nghĩa vụ phải tham gia trả lại một phần sự thật nguyên bản về những giờ phút sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.”

Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII, IX), Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam (khóa VI, VII), Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam...

“Tôi không có gì nhiều để gửi gắm ở cuộc đời này. Từ một học sinh trong một gia đình nghèo được học hành rồi làm nhà báo, được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến những giờ phút lịch sử của dân tộc... Đất nước này đã cho tôi nhiều” - nhà báo Trần Mai Hạnh nói./.

Trà Xanh/VOV online

Nguồn tin: vov.vn

Gặp gỡ các nhà báo từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 30-4, Báo Quân đội nhân dân tổ chức buổi gặp gỡ thân mật các cựu chiến binh và thân nhân chiến sĩ Điện Biên.

Tham dự buổi gặp mặt có những nhà báo-chiến sĩ, nhân chứng của một thời làm báo “có một không hai” ngay tại chiến hào tiền phương và thân nhân của họ, như: nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, nhà báo Phạm Phú Bằng, nhà báo Lê Kim, nhà báo Nguyễn Ngọc Tú, nhà báo Nguyễn Thế Trường, nhà báo Nguyễn Trần Thiết...Trong đó, bên cạnh hai nhà báo trực tiếp làm báo Quân đội nhân dân (xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ) là Khắc Tiếp và Phú Bằng, các nhà báo Lê Kim, Ngọc Tú, Thế Trường...lúc đó là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, về sau mới công tác tại báo Quân đội nhân dân. Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập; Đại tá Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập; Đại tá Nguyễn Kim Tôn, Phó Tổng biên tập; cùng đông đảo cán bộ đại diện các phòng, ban, phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân, đến dự.

Phát biểu khai mạc buổi gặp gỡ, Trung tướng Lê Phúc Nguyên nhấn mạnh: Buổi gặp gỡ nhằm ôn lại những ngày tháng hào hùng cách đây 60 năm với sự ra đời của tờ báo Quân đội nhân dân tiền phương. Đồng thời, đây cũng là dịp để thế hệ làm báo Quân đội nhân dân ngày nay thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với các nhà báo lão thành đã có nhiều sáng kiến, công lao, cống hiến trong việc xuất bản Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ 1953-1954, từ đó kế thừa xứng đáng để phát triển tờ báo trong thời kỳ mới.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại buổi gặp mặt.

Đồng chí Tổng biên tập bày tỏ sự khâm phục đối với thế hệ các nhà báo chiến sĩ đi trước khi lần đầu tiên tổ chức được đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên ngay tại mặt trận, in ấn, phát hành và ra được 33 số báo ngay tại mặt trận ác liệt. Mỗi bài viết, mỗi trang báo đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí nước mắt, xương máu của những người làm báo tại chiến trường. Đồng chí khẳng định, 33 số báo đó là kỳ tích phi thường, chỉ những con người được tôi luyện, có phẩm chất đặc biệt mới làm được như thế.

Các cựu chiến binh và thân nhân chiến sĩ Điện Biên tham gia buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, lớp thế hệ nhà báo lão thành và đương nhiệm đã cùng nhau ôn lại câu chuyện về việc tổ chức xuất bản tờ báo Quân đội nhân dân đầu tiên tại mặt trận Điện Biên Phủ. Những câu chuyện, kỷ niệm về công tác làm báo ngay tại mặt trận của những nhà báo lão thành cách mạng và đã kinh qua trận mạc, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vẫn hiện lên sôi nổi, hào hùng. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân vẫn tổ chức xuất bản được tờ báo để kịp thời chuyển đến tận tay cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận.

Với tinh thần nhà báo-chiến sĩ, nên ngay giữa sự sống và cái chết, chỉ với cây bút, tờ giấy và cây đèn, 33 số báo đặc biệt ra đời ngay tại mặt trận tiền phương ấy đã phản ánh phong phú, kịp thời diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ, chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Ngoài ra, tờ báo còn là bức tranh sinh động kịp thời cập nhật được “nhịp sống của chiến trường”, phản ánh đời sống mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, trên trang nhất mặt báo còn thẳng thắn nêu rõ những sai phạm, khuyết điểm của ta, đồng thời biểu dương kịp thời những tấm gương chiến đấu có thành tích tốt; những trường hợp vi phạm hay không hoàn thành nhiệm vụ cũng được đăng công khai trên mặt báo. Chính điều này đã giúp cho Báo Quân đội nhân dân chiếm được lòng tin của rất nhiều bạn đọc.
Báo in xong được tổ chức phát hành khẩn trương ngay tại mặt trận, rồi tổ chức cho cán bộ và chiến sĩ đọc trước giờ ra trận. Những nội dung phong phú của Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận đã trực tiếp góp phần ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ đang vật lộn chiến đấu, đấu tranh, quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, quyết đánh đến cùng trên tinh thần quyết thắng. Báo Quân đội nhân dân đã trở thành một loại “vũ khí đặc biệt”, thể hiện tính nhân văn và nghệ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Tại buổi gặp mặt, các nhà báo chiến sĩ lão thành và thân nhân các chiến sĩ Điện Biên năm xưa đều bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của Báo Quân đội nhân dân và mong muốn đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Quân đội nhân dân sẽ không ngừng phát huy truyền thống đặc biệt, quý báu, tự hào của Báo trong thời gian tới và ngày càng có nhiều chuyên mục hấp dẫn để lôi cuốn nhiều bạn đọc.

Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập (ngoài cùng bên trái) và Đại tá Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập (ngoài cùng bên phải) tặng hoa các nhà báo lão thành, nhân chứng.

Kết thúc buổi gặp mặt, Trung tướng Lê Phúc Nguyên khẳng định sẽ tiếp thu, học tập kinh nghiệm của các thế hệ đi trước để vận dụng vào công tác làm báo hiện nay; đồng thời, không ngừng phát huy truyền thống, làm tốt hơn nữa để xứng đáng với tờ báo có bề dày lịch sử truyền thống 64 năm và hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, được bạn đọc ngày càng tin tưởng, yêu mến.

Đồng chí Tổng biên tập cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ nhanh chóng hoàn thành cuốn sách, bộ phim ghi lại hồi ký của các nhà báo-chiến sĩ tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Đây sẽ là một món quà tri ân dành tặng cho những nhà báo chiến trường, đồng thời, truyền lại kinh nghiệm làm báo thực tiễn có giá trị quý báu để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ làm báo hôm nay.

Tin, ảnh: Nguyễn Thảo

Những nhân chứng cuối cùng

Theo số liệu thống kê chưa chính thức, có khoảng 125 phóng viên từ 13 quốc gia đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1945. Nhà báo & Công luận xin được giới thiệu một số gương mặt ký giả nổi bật trong số đó- những người đã bất chấp mọi nguy hiểm, kiên gan bám trụ lại giữa lòng thành phố đang cực kỳ hỗn loạn, trong khi bạn bè, đồng nghiệp đều lần lượt rời Sài Gòn trên những chuyến bay di tản vội vã, để có cơ hội được là những nhân chứng sống cuối cùng của một trong những sự kiện lịch sử lớn nhất thế giới thế kỷ 20. Những bài báo, bức ảnh cũng như những dòng cảm xúc của họ về ngày 30/4/1975 sẽ giúp chúng ta hình dung phần nào về thời khắc đáng nhớ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cách đây 39 năm.

Bức ảnh đám đông di tản chen nhau lên một máy bay trực thăng đậu trên nóc nhà của CIA tại Sài Gòn 29/4/1975 của HubertvanEs


“390 chứ không phải là 843”

Người Pháp quả thật không quá lời khi dành tặng cho Francoise Demulder danh hiệu “Nữ phóng viên chiến trường dũng cảm nhất nước Pháp”. Trưa ngày 30/4/1975, trong cái không khí hỗn loạn của chiến tranh, trong khi chỉ có rất ít phóng viên nước ngoài có mặt ở phía trong khuôn viên của dinh Độc Lập và chỉ… ngồi im quan sát mà không dám tác nghiệp, nữ phóng viên ảnh người Pháp mới chỉ 25 tuổi Francoise Demulder, bất chấp mọi nguy hiểm (những người lính tăng từ xa không thể phân biệt được đâu là camera, đâu là... súng chống tăng, hoàn toàn có thể xả súng như một phản ứng tự vệ), với tư thế ngồi xổm, tay lăm lăm chiếc máy ảnh, đối mặt với những chiếc xe tăng đang vừa chạy vừa khạc đạn, bấm máy liên tục. Francoise Demulder đã được đền đáp xứng đáng nhờ sự quả cảm và lòng say nghề hơn người đó. Francoise Demulder đã là phóng viên ảnh duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam. Hơn thế, bức ảnh có một không hai này còn được vinh danh tới một giá trị vô giá nữa: góp phần “trả lại cho lịch sử một sự thật”. Nhờ bức ảnh của Francoise Demulder, từ góc nhìn phía trong cổng Dinh Độc Lập, số hiệu của chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập hiện lên rõ mồn một: 390. Còn chiếc xe tăng 843 mà báo chí cho rằng đã húc đổ cổng Dinh trước đó đã bị kẹt lại ở cổng phụ của Dinh. Sự thật lịch sử đã được làm sáng tỏ. 

“Không một tiếng súng nổ”

 Làm việc cho các hãng tin Mỹ AP, CNN, Peter Arnett- phóng viên Mỹ gốc New Zealand- có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1962-1975, chứng kiến nhiều sự kiện bước ngoặt trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Cuối tháng 4/1975, mặc dù được bố trí di tản, Peter cùng với 2 đồng nghiệp khác tình nguyện ở lại để được tận mắt chứng kiến kết thúc của cuộc chiến tranh Việt Nam ác liệt và tốn kém mà họ, với tư cách là một phóng viên Mỹ đã theo dõi nhiều năm qua. Sáng 30/4/1975, người Mỹ đã di tản hết khỏi Sài Gòn nhưng trong một căn phòng nhỏ của khách sạn Caravelle ở trung tâm thành phố, Peter Arnett cùng 2 đồng nghiệp vẫn ở lại theo dõi chiến sự. Và những gì đã diễn ra trong buổi sáng lịch sử ấy, cái cách mà Việt Cộng kết thúc cuộc chiến- không trả thù hay bắn giết bạo động- đã khiến một phóng viên chiến trường dạn dày kinh nghiệm Peter Arnett sửng sốt. Peter Arnett không thể ngờ một cuộc chiến, kéo dài suốt hơn 2 thập kỷ, trước đó chưa lâu còn diễn ra đầy khốc liệt, rốt cuộc lại có thể khép lại một cách yên bình đến thế. Trong cuốn hồi ký Tường thuật trực tiếp từ chiến trường- Live from the Battlefield- Peter Arnett đã diễn ra cặn kẽ những cảm xúc ấy của mình: “Tôi xem đồng hồ của mình: 11 giờ 25 phút sáng. Tôi bảo George (George Esper- phóng viên AP- PV) cùng ra ngoài xem xét tình hình. Một chiếc xe lớn đang lăn bánh về phía sông Sài Gòn. Tim tôi ngừng đập: Đó là chiếc Molotova của Nga và đằng sau xe là nhóm binh lính cộng sản trẻ mặc quân phục mỏng màu xanh có mũ sao. Người Sài Gòn cũng đổ ra đường ngạc nhiên. Băng rôn Việt Cộng lớn màu xanh da trời bất ngờ được kéo lên ở cột cờ của Khách sạn Caravelle. Tôi bước lên cầu thang để trở về văn phòng của mình, trong đầu nghĩ đây là một sự kết thúc của tất cả những gì mà một thế hệ Mỹ đã chiến đấu để chống lại và mấy đời tổng thống âm mưu ngăn chặn. Cái kết thúc đến quá nhanh. Tôi lách qua đám đông tụ tập trước cửa văn phòng và cảm thấy mệt mỏi. George dìu tôi đến bên máy chữ. Tôi ra hiệu lấy giấy và viết tin bắt đầu bằng: “Sài Gòn, 30/4, hôm nay quân Giải phóng chiếm Sài Gòn một cách hòa bình. Họ hành quân trên những đại lộ đầy cây bên đường trên những chiếc xe tải của Nga cùng cờ bay phấp phới. Người Sài Gòn đứng chứng kiến hai bên đường. Không một tiếng súng nổ”. 

Francoise Demulder là phóng viên ảnh duy nhất chụp được khoảng khắc chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975

 

 “Cảm giác đối mặt với “kẻ thù” thật kỳ lạ

 Nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hubert van Es đã thốt lên vậy khi được hỏi về tâm trạng của một nhà báo phương Tây như ông khi giáp mặt với những người lính trẻ miền Bắc- những người vừa tiến vào chiếm lĩnh nội đô Sài Gòn sáng ngày 30/4/1975. Không chỉ những người lính giải phóng, Sài Gòn với Hubert van Es thời điểm ấy cũng còn khá mới mẻ bởi ông mới được UPI cử đến tăng cường cho đội quân ký giả của hãng tại Sài Gòn từ đầu năm 1975. Không phụ lòng trông đợi của lãnh đạo Hãng, Hubert van Es đã liên tục có những bài báo, bức ảnh ấn tượng và hết sức thời sự về cuộc chiến. Ấn tượng hơn cả là bức ảnh ghi lại cảnh đám đông di tản chen nhau lên một máy bay trực thăng đậu trên nóc một tòa nhà của CIA tại Sài Gòn. Sau này, Hubert van Es kể lại, hôm đó là ngày thứ ba, 29/4/1975 và ở Sài Gòn đang râm ran tin đồn là sẽ diễn ra cuộc sơ tán cuối cùng. “Lúc đó khoảng 2h30' chiều và tôi đang ngồi trong phòng tối, chợt nghe tiếng Bert Okuley gọi vọng vào: Van Es, ra đây xem, có một chiếc trực thăng trên nóc nhà! Tôi chộp lấy máy ảnh và ống kính dài nhất còn lại trong phòng - đó chỉ là một ống 300 mm, nhưng không còn cách nào khác - rồi lao vội ra ban công. Nhìn về hướng chung cư Pittman, tôi thấy khoảng 20 đến 30 người trên nóc nhà đang leo lên chiếc trực thăng Huey của hãng Air America. Sau khi chụp khoảng 10 khung hình, tôi trở về phòng tối và xử lý phim, kịp có hình trước 5 giờ chiều để gửi sang Tokyo từ văn phòng điện tín Sài Gòn, mất 12 phút”. Sau khi truyền tấm ảnh lịch sử về Tokyo, Hubert van Es tiếp tục ở lại làm việc. Vào sáng 30/4/1975, ông đeo một tấm vải ghi “Báo chí Hòa Lan” rồi chạy xuống phố ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh tại Sài Gòn. Những người lính trẻ miền Bắc tỏ ra thân thiện và sẵn sàng đứng làm kiểu cho ông chụp. “Cảm giác đối mặt với “kẻ thù” thật là kỳ lạ, và tôi nghĩ họ (những người lính) cũng cảm thấy như thế”- ông viết. 

 Không có “biển máu”

Với phóng viên chiến tranh kỳ cựu, nhà làm phim và biên kịch người Anh John Pilger, sự sụp đổ của chính quyền miền Nam cộng hòa, sự ra đi của người Mỹ thực sự bắt đầu từ 2h30’ sáng 30/4/1975. Trong Te Last Battle- Trận chiến cuối cùng, ký giả nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm báo chí và điện ảnh về Việt Nam, kể lại, rành rọt: “Kissinger gọi điện cho Martin và yêu cầu ông kết thúc kế hoạch di tản lúc 3h45’ sáng. Nửa tiếng sau, Martin xuất hiện cùng một cặp da, một túi xách và các tài liệu. Ông im lặng đi lên tầng 6, nơi một chiếc trực thăng đang đợi. “Lady Ace 09 đang ở trong không trung cùng Code Two”. “Code Two” là mật mã ám chỉ đại sứ Mỹ. Tuyên bố này có nghĩa cuộc xâm lược Đông Dương của Mỹ đã kết thúc. Khi trực thăng ra đến ngoại vi thành phố, đại sứ nhìn thấy đèn pha xe tải của Quân đội Nhân dân Việt Nam... Ba giờ sau, khi mặt trời ló rạng, những chiếc xe tăng cắm cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam tiến vào trung tâm thành phố. Các binh sĩ trên xe tăng không bắn phát nào. Một người nhảy xuống, trải bản đồ trên xe tăng và hỏi những người đứng gần đó: “Hãy chỉ cho chúng tôi đường đến dinh tổng thống. Chúng tôi không biết Sài Gòn, chúng tôi không ở đây lâu rồi”. Các xe tăng qua Công trường Lam Sơn, dọc theo Đại lộ Tự Do, qua Nhà thờ Đức Bà và qua những cánh cổng đẹp đẽ của dinh tổng thống, nơi Minh “Lớn” (Dương Văn Minh) cùng nội các đang chờ để đầu hàng. Ngoài phố, binh lính Việt Nam Cộng hoà vứt bỏ quân phục. Họ đã hoà vào cùng đám đông. Không có “biển máu”. Kẻ xâm lược bị đẩy lùi, Việt Nam lại là một đất nước thống nhất. Cuộc chiến dài nhất thế kỷ 20 đã kết thúc”. 

Hối hả tìm đường di tản

Ký giả người Pháp Paul Dreyfus là một trong 125 nhà báo nước ngoài thuộc 13 nước có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, chứng kiến sự kiện lịch sử các đoàn quân tiến vào thành phố. Trong thời gian ở tại Sài Gòn, Paul Dreyfus đã cần mẫn ghi nhật ký, hầu như đêm nào cũng cặm cụi ghi chép lại những sự việc xảy ra trong ngày kể từ khi Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam được ký kết. Sau khi trở về Pháp, ông đã dựa trên những tư liệu sẵn có, viết cuốn sách nhan đề “… Et Saigon tomba” (… Và Sài Gòn sụp đổ). Trong cuốn sách được xuất bản chỉ vài tháng sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ này, ngày 30/4/1975, trong ký ức của Paul Dreyfus: “Các đường phố vắng tanh vắng ngắt... Chỉ có những xe ô tô cắm cờ là đi lại trên đường. Những chiếc xe cứu thương hối hả mang những người bị thương, chủ yếu từ sân bay Tân Sơn Nhất và từ Chợ Lớn, bị trúng đạn trong đêm, phóng nhanh tới các bệnh viện. Khắp mọi nơi, pháo 105 ly của quân đội Sài Gòn tiếp tục bắn trả các khẩu pháo 130 ly của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Từ phía Biên Hoà là nơi hôm trước tôi vừa mới thực hiện chuyến "thám hiểm" cuối cùng, đang đánh nhau rất dữ dội. Mặc dù có lệnh thiết quân luật, các nhà báo vẫn liều đi ra ngoài. Được báo động bởi một mật lệnh truyền qua đài phát thanh, những người Mỹ cuối cùng hối hả mang vác hành lý lên xe ô tô buýt đưa họ đến những chỗ tập trung. Từ những địa điểm này, máy bay lên thẳng sẽ đưa họ tới những tàu sân bay của hạm đội 7 đang đậu ở một nơi nào đó ngoài khơi. Đại cường quốc Mỹ đang chạy thoát thân. Trước cổng toà lãnh sự Mỹ có hai binh sĩ lính thủy đánh bộ đội mũ sắt, súng cầm tay đứng gác, hàng mấy chục người Việt vẫn còn cố một cách tuyệt vọng, xin một hộ chiếu đi Guam, Midway, Honolulu… Hàng nghìn người chạy như điên tới sân bay, nhưng không còn chiếc máy bay nào cất cánh nữa... Hàng nghìn người khác lại đổ xô đến căn cứ hải quân mang theo valy, hành lý, cố tìm cách leo lên được một chiếc tàu nào đó để chạy trốn theo dòng sông Sài Gòn..."

 “Những phát súng của niềm vui” 

Tháng 9/1975, khi mà sự kiện Việt Nam chiến thắng giặc Mỹ xâm lược vẫn đang là sự kiện thời sự thu hút dư luận trên toàn cầu thì tại Đức, nhà báo Borries Gallasch của nhật báo Der Spiegel - Tấm Gương- Đức đã cho xuất bản cuốn sách mang tên “Tành phố Hồ Chí Minh” (Ho-Tsch-Minh-Stadt). Trên tâm thế là nhà báo châu Âu duy nhất có có mặt tại Dinh Độc lập vào thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam: ngày 30/4/1975, là người không những đã chứng kiến toàn bộ việc nội các ngụy quyền của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, mà còn cho bộ đội giải phóng Việt Nam mượn máy ghi âm để ghi “Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện” của Tổng thống Dương Văn Minh... Borries Gallasch đã biến cuốn sách của mình thành kho hồi ức vô giá. Trong đó, ấn tượng hơn cả cũng chính là những thời khắc đặc biệt ấy tại Dinh Độc Lập sáng ngày 30/4/1975. Borries Gallasch nhớ lại: ... “Trước mắt 

 

chúng tôi xuất hiện cảnh tượng không thể tin được: Ba chiếc xe tăng treo những lá cờ rất lớn của Mặt trận Giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước Dinh. Súng bắn loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới. Hai chiếc tăng còn lại vòng sang hai bên trái và phải rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của Dinh... Tôi chạy vào Dinh vừa đúng lúc. Tôi chứng kiến Ðại tướng Minh “lớn”, Tổng thống của Việt Nam cộng hòa đã bị bắt bởi Phạm Xuân Tệ, chỉ huy của Ðoàn Ðông Sơn của quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga. Tệ rất phấn khích la lớn: “Ông Minh, chúng tôi muốn ông đi ngay ra đài phát thanh với chúng tôi để tránh đổ máu, để ông ra lệnh cho quân đội ông đầu hàng”... Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Sau một vài phút, Minh, Mẫu và Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây. Minh và Mẫu leo lên chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe Jeep nói chuyện với ông Chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - đi qua tòa Ðại sứ Mỹ trống hoác đến một khu phụ của đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Minh và Tùng ngồi trên hai chiếc ghế bành và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ, trong lúc đó Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy mầu xanh”.

Hồng Sâm

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Hướng dẫn thực hiện điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà báo Việt Nam Khóa IX

Ngày 8/4/2011, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản số 40/TV-HNBVN hướng dẫn thực hiện điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà báo Việt Nam Khóa IX gửi Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Liên chi hội và các Chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Dưới đây là toàn văn hướng dẫn này.

Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nhà báo Việt Nam gồm 10 Chương, 38 Điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam thông qua tại Hà Nội ngày 12 tháng 8 năm 2010 và có hiệu lực theo quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ ngày 09 tháng 02 năm 2011.

 
Thực hiện khoản 2, Điều 38, Chương X, Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện một số điểm quy định của Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (khóa IX) như sau:
 
1- Chương I - Tên gọi, tôn chỉ, mục đích, phạm vi và nguyên tắc tổ chức hoạt động của Hội.
 
Tên chương này có thay đổi so với Điều lệ cũ, song về cơ bản nội dung vẫn giữ như Điều lệ năm 2005 (khóa VIII). Các cấp Hội cần tiếp tục quán triệt hội viên về tôn chỉ, mục đích của Hội (Điều 2, Điều 3), làm cho hội viên nhận thức rõ Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; tính xã hội và tính nghề nghiệp không thể tách rời tính chính trị.
 
Điều 6 của chương này (về mối quan hệ của Hội) có 01 điểm mới là Hội Nhà báo Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động. Quy định này không chỉ áp dụng đối với Trung ương Hội mà cả với Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố. Hội Nhà báo tỉnh, thành phố ngoài việc chịu sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo cần thực hiện đầy đủ những quy định của Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Hội trong mối quan hệ với Sở Thông tin và Truyền thông.
 
2- Chương II - Nhiệm vụ quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Chương này giữ nguyên các nội dung cơ bản của Điều lệ khóa VIII, có hai điểm được bổ sung tại Điều 8 là: quyền của Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật và được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo theo quy định của pháp luật.
 
Tổ chức thực hiện Chương II, các cấp Hội cần lưu ý:
 
- Cần thường xuyên cập nhật, quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với báo chí và người làm báo, tiếp tục quán triệt Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 18-3-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới: Thông báo kết luận số 221-TB/TW, ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về việc tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội nhà báo Việt Nam;
 
- Chủ động tham gia ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, góp phần xây dựng và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thông tin, báo chí; tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chế độ, chính sách đối với báo chí và người làm báo, thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí;
 
- Phối hợp với các tổ chức hữu quan, các cơ quan báo chí để bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức và nghiệp vụ cho các hội viên - nhà báo; động viên, khen thưởng kịp thời hội viên - nhà báo và cơ quan báo chí phát huy tài năng, sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ;
 
- Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, Ban Kiểm tra của Hội và các cơ quan có liên quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội, hội viên - nhà báo trong hoạt động báo chí.
 
3- Chương III - Hội viên
 
a) Điều 9 - Ðiều kiện, tiêu chuẩn hội viên.
 
Điều 9 quy định cụ thể điều kiện và tiêu chuẩn của hội viên và về cơ bản được giữ như Điều lệ khóa VIII; có hai điểm mới là: 1) Các nhà báo có trình độ học vấn cao đẳng có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn khác được xem xét kết nạp làm hội viên; 2) Những trường hợp đặc biệt chưa hội đủ các điều kiện nêu trong Điều 9 sẽ do Ban Thường vụ xem xét quyết định.
 
Tổ chức thực hiện Điều 9 các cấp Hội cần lưu ý mấy điểm sau:
 
- Đối với các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên làm việc tại các cơ quan báo chí ở miền núi, các biên tập viên, phát thanh viên tiếng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số làm việc tại các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên đều có thể được xem xét kết nạp vào Hội.
 
- Đối với các đồng chí Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập báo, tạp chí hoặc Giám đốc, Phó giám đốc Đài PT-TH mới được đề bạt, bổ nhiệm hoặc từ cơ quan khác chuyển đến, chưa đủ thời gian làm báo theo quy định nhưng có nhu cầu kết nạp, thuộc trường hợp đặc biệt, các cấp Hội làm hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ xem xét, quyết định.
 
- Đối với các cán bộ chuyên trách công tác Hội có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cán bộ thuộc ngạch cán sự làm việc tại Cơ quan Trung ương Hội, Văn phòng Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội cũng thuộc trường hợp đặc biệt, nếu có đủ các điều kiện khác thì các cấp Hội làm hồ sơ đề nghị Ban Thường vụ xem xét, quyết định.
 
- Đối với cán bộ chuyên trách công tác Hội làm việc tại các phòng, ban, Văn phòng Trung ương Hội và Văn phòng Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, Liên Chi hội Nhà báo cần hội đủ các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2, Điều 9, song không lấy tác phẩm báo chí làm thước đo như quy định chung tại điểm b, khoản 2. Việc xét kết nạp hay không, thuộc quyền của Chi hội Nhà báo.
 
- Đối với những người công tác tại các đài truyền thanh, truyền hình huyện: chỉ xem xét kết nạp các nhà báo do đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương biệt phái xuống công tác tại đài huyện hoặc do Đài PT-TH tỉnh trực tiếp quản lý.
 
b) Điều 13
 
- Căn cứ khoản 1, 3 và 4 điều này, khi có hội viên chuyển sinh hoạt, xin ra khỏi Hội hoặc bị xóa tên nhất thiết các cấp Hội phải lập danh sách gửi về Trung ương Hội theo đúng thời gian quy định.
 
- Hội viên nhà báo thuộc các cơ quan đại diện báo chí Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường trú tại các địa phương có nhu cầu chuyển sinh hoạt chính thức về Hội Nhà báo tỉnh nơi công tác phải thực hiện đúng thủ tục như khoản 1, Điều 13 của Điều lệ này. Đối với các hội viên không chuyển sinh hoạt chính thức thì tổ chức hội quản lý hội viên đó phải giới thiệu hội viên thường trú tham gia sinh hoạt với Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố quyết định thành lập chi hội riêng hoặc bố trí sinh hoạt trong các chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Trong trường hợp có từ 3 hội viên - nhà báo Trung ương và thành phố trở lên thường trú ở một địa phương thì có thể thành lập Chi hội Nhà báo (đại diện các báo chí Trung ương) trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Thủ tục lập Chi hội do Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tiến hành. Đây là nội dung mới bổ sung nhằm tạo điều kiện cho hội viên được tham gia sinh hoạt với Hội Nhà báo tỉnh, thành phố nơi hội viên đó thường trú, đồng thời tăng cường công tác quản lý hội viên thường trú tại các địa phương.
 
- Đối với hội viên đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội:
 
Theo khoản 6 và 7, Điều 13, hội viên nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội mà không thuộc diện quy định tại Điều 9 (tức là không tiếp tục làm việc thường xuyên cho một cơ quan báo chí) thì nghỉ sinh hoạt chi hội. Những hội viên muốn tiếp tục sinh hoạt vẫn được xem xét đổi thẻ hội viên và sinh hoạt trong câu lạc bộ nhà báo cao tuổi do các cấp hội trực thuộc Trung ương Hội thành lập. Việc đổi thẻ hội viên khi hết hạn do các liên chi hội, chi hội trực thuộc Trung ương Hội, Hội tỉnh, thành phố nơi hội viên đó công tác trước khi nghỉ hưu làm thủ tục đề nghị Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đổi thẻ.
 
4- Chương IV - Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam
 
Chương này có hai điểm mới: 1) Điều 20 quy định rõ chức danh Phó Chủ tịch Thường trực Hội là người giúp Chủ tịch điều hành công việc hàng ngày của Hội; 2) Ban Kiểm tra của Hội do Đại hội bầu bằng phiếu kín hoặc biểu quyết giơ tay (trước đây do Ban Chấp hành bầu); tuy nhiên việc bầu bổ sung hay bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên và trưởng Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành thực hiện theo đề nghị của Ban Kiểm tra (khoản 7, Điều 17 và Điều 21); Ban Kiểm tra của các tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội vẫn do Ban Chấp hành bầu (khoản 8, Điều 24).
 
5- Chương V - Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
 
a) Hai điểm mới trong chương này:
 
- Khoản 1, Điều 23 quy định rõ: Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng.
 
- Bổ sung khoản 9, Điều 24 về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành: Quyết định thành lập các đơn vị giúp việc của Ban Chấp hành, các tổ chức trực thuộc như: Văn phòng; các ban chuyên môn, nghiệp vụ của Hội, liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ báo chí.
 
Vận dụng điều này, các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội, nếu cần thiết và có đủ điều kiện thì có thể thành lập văn phòng Hội và các ban chuyên môn.
 
b) Khoản 2 - Điều 23 quy định các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố được thành lập liên chi hội trực thuộc. Chức danh lãnh đạo của các liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố là Ban Thư ký liên chi hội bao gồm: Thư ký, Phó Thư ký và Ủy viên Ban Thư ký liên chi. Liên chi hội có từ 100 đến 150 hội viên, Ban Thư ký nên là 5 - 7 người; các nơi có số lượng từ 200 đến trên 300 hội viên trở lên thì Ban Thư ký 7 - 9 người. Việc công nhận các chức danh Ban Thư ký kể trên do Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Hội chuẩn y và gửi báo cáo về Trung ương Hội.
 
c) Khoản 3 - Điều 23 - Theo quy định tại khoản này, trước khi chính thức triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Hội Nhà báo tỉnh, thành phố phải báo cáo cấp ủy và được cấp ủy tán thành, đồng thời phải báo cáo và gửi nội dung chuẩn bị đại hội (bao gồm: dự thảo Báo cáo chính trị, dự kiến nhân sự chủ chốt, đối với Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường; nội dung làm việc đối với Hội nghị giữa nhiệm kỳ) về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo, chậm nhất trước 20 ngày. Sau khi có chỉ đạo bằng văn bản của Trung ương Hội, mới tiến hành Đại hội hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, thành phố bầu các chức danh lãnh đạo, Ban Kiểm tra bằng phiếu kín. Trưởng Ban Kiểm tra nên là ủy viên Ban Thường vụ (ở những nơi có Ban Thường vụ) hoặc phải là thành viên của Ban Chấp hành Hội. Người trúng cử phải có quá nửa số phiếu bầu hợp lệ tán thành.
 
6- Chương VI - Liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Vận dụng Khoản 3, Điều 4 - Chương I, Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, đã có con dấu riêng tiếp tục được giữ tư cách pháp nhân và con dấu (dấu ướt, dấu nổi) do cơ quan có thẩm quyền cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng.
 
Đối với các Liên chi hội nhà báo trực thuộc trung ương mới được thành lập, thì tùy quy mô và phạm vi hoạt động của Liên chi, Ban Thường vụ báo cáo và đề nghị Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập mới có tư cách pháp nhân và mới được khắc con dấu riêng.
 
Vận dụng Điều 22, các Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội có thể thành lập các ban chuyên môn.
 
Khoản 3 - Điều 26 - Trước khi chính thức triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Liên chi hội Nhà báo phải báo cáo cấp ủy và được cấp ủy tán thành, đồng thời phải báo cáo và gửi nội dung chuẩn bị đại hội (bao gồm: dự thảo Báo cáo chính trị, dự kiến nhân sự chủ chốt, đối với Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường; nội dung làm việc đối với Hội nghị giữa nhiệm kỳ) về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo, chậm nhất trước 15 ngày. Sau khi có chỉ đạo bằng văn bản của Trung ương Hội, mới tiến hành Đại hội hoặc Hội nghị giữa nhiệm kỳ.
 
Chức danh lãnh đạo của Liên chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội là Ban Chấp hành Liên chi hội. Tùy theo số lượng hội viên, Ban Chấp hành Liên chi hội nên từ 9 đến 17 người. Ban Chấp hành Liên chi hội bầu các chức danh, gồm: Thường vụ; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban Kiểm tra.
 
7- Chương VII - Tổ chức cơ sở của Hội
 
Đây là chương mới, quy định rõ vị trí, tổ chức và nhiệm vụ của Chi hội - tổ chức cơ sở của Hội.
 
a) Về việc thành lập, giải thể các chi hội (khoản 3, Điều 29) Ban Chấp hành hướng dẫn thực hiện thống nhất như sau:
 
- Đối với Chi hội trực thuộc Trung ương Hội, do Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam ra quyết định thành lập.
 
- Đối với các Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh, thành phố và Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội do Ban Chấp hành các tổ chức nói trên ra quyết định thành lập và báo cáo Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
 
b) Số lượng thành viên Ban Thư ký Chi hội: tùy theo số lượng hội viên của từng chi hội, cấp trên trực tiếp phê chuẩn số lượng thành viên Ban Thư ký từ 1 đến 5 người. Các chức danh lãnh đạo chi hội bao gồm: Thư ký, Phó thư ký, ủy viên Ban Thư ký.
 
8- Chương IX - Khen thưởng, kỷ luật.
 
Thực hiện theo Quy chế thi đua, khen thưởng và hướng dẫn riêng về công tác khen thưởng.

Các cấp Hội Nhà báo căn cứ vào Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) và văn bản Hướng dẫn này để thực hiện.

 
T/M THƯỜNG VỤ HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Hà Minh Huệ

Côn đồ hành hung phóng viên khi đang tác nghiệp

Trong lúc phóng viên đang tác nghiệp vụ hỏa hoạn phía sau gara ô tô Việt Hàn, bất ngờ bị 7-8 đối tượng lao vào hành hung.

Theo tường trình của phóng viên Bùi Mạnh Hưng, báo Kiến Thức tại cơ quan công an, khoảng 21h ngày 26/4, khi nghe tin báo có vụ hỏa hoạn phía sau gara ô tô Việt Hàn (khu vực gần tòa nhà Keang Nam, thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), phóng viên đã tới hiện trường để đưa thông tin vụ việc.

Tuy nhiên, trong lúc đang tác nghiệp, bất ngờ anh bị một nhóm người 8 đối tượng (trong đó có 1 nữ) chạy từ phía bên kia gara ô tô sang và đấm, tát liên tiếp vào đầu, vào mặt.
Các đối tượng trong nhóm giật máy ảnh trên tay phóng viên sau đó tháo thẻ nhớ cầm đi.

Khi phóng viên báo Kiến Thức nói đang tác nghiệp theo đúng luật báo chí quy định thì các đối tượng còn hung hăng giật máy ảnh của phóng viên ném xuống mương nước, tuy nhiên phóng viên đã kịp cầm được dây máy.

Chiếc máy ảnh tác nghiệp của phóng viên bị nhóm côn đồ đập hỏng

Thấy vậy, các đối tượng tiếp tục giằng máy ảnh trên tay phóng viên ném xuống đất. Trước khi rời đi, nhóm này còn lớn tiếng đe dọa. “Nếu còn thấy quay lại hiện trường thì coi chừng tính mạng”, phóng viên Hưng thuật lại sự việc.

Theo lời của phóng viên báo Kiến Thức, thời điểm xảy ra việc sự việc như trên, có rất nhiều người dân đứng xem, trong đó có cả lực lượng phòng cháy, chữa cháy và công an đang làm nhiệm vụ, nhưng không ai có động thái căn ngăn hành vi của nhóm côn đồ trên.

Bản tường trình của phóng viên Hưng tại cơ quan công an

Khoảng 22h15’ cùng ngày, phóng viên cùng đồng nghiệp quay lại hiện trường. Tuy nhiên khi rời khỏi hiện trường được khoảng 100m thì bất ngờ xuất hiện 3 nam thanh niên chặn đầu xe. 3 đối tượng này thực hiện hành vi kéo người, vật cổ cả hai xuống để kiểm tra.

Sau khi không phát hiện thấy hình ảnh nào về hiện trường trong máy ảnh, điện thoại, nhóm người này mới chịu cho 2 phóng viên đi.

Vụ việc phóng viên báo điện tử Kiến Thức bị hành hung khi đang tác nghiệp đã được trình báo cho Công an phường Mễ Trì ngay sau khi sự việc xảy.

Hiện cơ quan công an đang tiến hành điều tra, xử lý sự việc./.

Nguồn: V.Đức/VOV online