"Đấu" với báo chí, Tổng thống Đức phải từ chức

Tổng thống Đức không thể đủ khả năng đối mặt với áp lực xung quanh lùm xùm vụ vay tiền mua nhà, lạm quyền và cố gắng không cho báo chí phanh phui sự việc.

Tổng thống Đức Christian Wulff hôm nay (17/2) đã tuyên bố từ chức sau vụ bê bối làm chấn động đất nước. Ông Wulf - người mới chỉ nắm cương vị đứng đầu nhà nước kể từ năm 2010 buộc phải ra đi vì quá nhiều áp lực.

Quyết định từ chức được đưa ra sau khi các công tố viên đề nghị tước bỏ quyền miễn trừ của ông Christian Wulff để phục vụ cho công tác điều tra về tội lạm quyền. Họ cho rằng đã có những "dấu hiệu thực tế" của việc ông Wulff có những mối quan hệ không phù hợp đáng nghi vấn với các nhà điều hành doanh nghiệp.

Tổng thống Đức Christian Wulff buộc phải ra đi sau vụ bê bối. Ảnh: Getty Images.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải huỷ chuyến thăm người đồng cấp Italia Mario Monti vì rắc rối này. Ông Wulff, một thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel đã được đích thân bà chọn lựa vào ghế tổng thống. Sự ra đi của ông khiến bà phải xao nhãng trong khi nỗ lực tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ lan khắp châu Âu.

Tổng thống của Đức có ít thực quyền, vai trò mang tính chất nghi thức là chủ yếu, nhưng được xem là hình mẫu của uy tín và đạo đức. Và có lẽ đó là lý do vì sao ông Wulff phải ra đi. Trong bài phát biểu từ chức tại dinh thự của ông ở Berlin, Tổng thống Đức nhấn mạnh rằng, ông đã "luôn hành động đúng với quy định của luật pháp" nhưng thừa nhận đã "mắc sai lầm".

Ông đã đánh mất lòng tin của người dân Đức, Wulff nói, và làm xao nhãng các vấn đề hiện tại. "Đất nước chúng ta cần một tổng thống có thể hiến mình cho những thách thức quốc gia và quốc tế", ông Wulff nhấn mạnh.

Vị tổng thống 52 tuổi đã can dự vào một vụ bê bối xảy ra từ giữa tháng 12 năm ngoái, khi có những thông tin cho rằng, ông đã nhận khoản vay cá nhân lớn từ vợ một người bạn giàu có trong thời kỳ ông là thống đốc bang Hạ Saxony.

Vụ việc càng bị đẩy lên cao trong tháng 1 với những chỉ trích gay gắt xung quanh cuộc gọi đầy tức giận của ông tới tổng biên tập báo Bild bán chạy nhất nước Đức trước khi họ đăng tin về khoản vay trên. Tờ Bild cho rằng, ông Wulff đã cố gắng liên lạc với tổng biên tập Diekmann nhưng không thành công vì ông này đang đi công tác. Tổng thống Đức sau đó đã để lại tin nhắn trong hộp thư trên điện thoại di động của tổng biên tập tờ Bild. Tin nhắn khá tức giận và ông Wulff đe dọa sẽ có "hậu quả" nếu tờ báo tung ra bài viết về khoản vay của ông. Ông Wulff còn liên lạc với Chủ tịch hãng xuất bản tờ Bild Matthias Doepfner để thúc giục ông gây sức ép khiến Bild rút lại bài báo. Nhưng Doepfner từ chối.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra được tiến hành với ông lại xảy ra theo hướng khác. Các công tố viên tại Hannover, thủ phủ Hạ Saxony hôm thứ năm cho hay, họ có những "nghi ngờ ban đầu" rằng, ông Wulff đã tiếp nhận không phù hợp hoặc tương tự như vậy một số lợi ích trong mối quan hệ của ông với David Groenewold – nhà sản xuất phim. Công tố viên yêu cầu tước bỏ quyền miễn trừ với ông để họ có thể tiến hành điều tra - động thái chưa từng có chống lại một tổng thống Đức.

Trong một tuyên bố, họ nói Groenewold cũng bị nghi ngờ.

Ông Wulff phải đối mặt với những cáo buộc rằngGroenewold - người có phim được cấp bảo lãnh vay vốn bởi chính quyền Hạ Saxony – đã trả tiền để ông Wulff và vợ ông ở trong một khách sạn sang trọng tại hòn đảo nghỉ dưỡng Sylt của Đức năm 2007.

Quyết định từ chức của ông Wulff đã gây khó khăn cho bà Merkel - người vẫn lên tiếng bảo vệ ông - khi bà đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Liên minh trung hữu của bà dễ xảy ra tranh giành nội bộ, nghĩa là bà phải tìm một ứng viên đồng thuận với phía đối lập. Một cuộc họp đặc biệt của quốc hội sẽ phải chọn ra người thay thế trong vòng 30 ngày.

Trong khi nghi ngờ ban đầu về việc làm sai trái thường không dẫn tới cáo buộc ở Đức, thì quyết định của công tố viên lại là cú đánh lớn với Wulff - người mà danh tiếng và quyền lực đã bị xói mòn trong suốt hai tháng qua.

Ở một tin tức khác, người phát ngôn lâu năm của ông Wulff - Olaf Glaeseker - người bị ông sa thải hồi tháng 12 mà không hề có lời giải thích - đang bị điều tra vì những cáo buộc tham nhũng do dính líu với việc tổ chức các hội nghị doanh nghiệp.

Trước đó, Andrea Nahles, tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội đối lập nói rằng, đảng của bà sẽ bỏ phiếu để tước quyền miễn trừ của ông Wulff và rằng ông này nên ra đi. "Chưa bao giờ xảy ra trước đây việc công tố viên Đức xem xét khả năng cần thiết điều tra một người đứng đầu nhà nước", Nahles nói.

Thái An

(Theo Vietnamnet/Guardian)

Tin nổi bật