Syndicate content

Nghề báo

Cầu truyền hình trực tiếp “Tết Trường Sa”

Từ 20 giờ đến 20 giờ 45 ngày 27/1, cầu truyền hình trực tiếp “Tết Trường Sa” sẽ được tổ chức tại thành phố Nha Trang và hai điểm cầu tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là thị trấn Trường Sa và xã đảo Sinh Tồn.

Gói bánh chưng dịp Tết ở thị trấn Trường Sa ảnh: Lương Xuân Giáp

Chương trình do Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa (KTV) thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của trường Đại học Thông tin Liên lạc (trường Sĩ quan Chỉ huy - Kỹ thuật Thông tin).

Cầu truyền hình trực tiếp “Tết Trường Sa” sẽ có phóng sự về không khí đón xuân của huyện đảo Trường Sa, sự đổi thay vượt bậc của huyện đảo về cảnh quan, đời sống vật chất, tinh thần của quân dân, phóng sự về cuộc sống của hai gia đình có người thân đang công tác tại thị trấn Trường Sa và xã Sinh Tồn.

Xen giữa các phóng sự là giao lưu, chúc Tết giữa ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa với cán bộ, người dân thị trấn Trường Sa và xã Sinh Tồn, giữa những người vợ, người cha ở huyện Cam Lâm, thành phố Nha Trang với chồng, con của họ đang sinh sống, làm nhiệm vụ ở đảo xa.

Đây là lần thứ hai, tỉnh Khánh Hòa tổ chức cầu truyền hình trực tiếp giữa Nha Trang và huyện đảo Trường Sa.

Nguyễn Đình Quân

Nguồn: tienphong.vn

Bộ TT&TT ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son vừa ký Quyết định ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ TT&TT.

Ảnh minh họa

Theo đó, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ TT&TT gồm: Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chánh Văn phòng Bộ TT&TT là người được Bộ trưởng Bộ TT&TT giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi là Người phát ngôn). Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của Người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí và phải được đăng tải trên trang tin điện tử của Bộ TT&TT.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ TT&TT ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc Bộ TT&TT phát ngôn hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao. Việc ủy quyền phát ngôn được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.

Người phát ngôn tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về các nội dung chủ yếu gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT; Hoạt động và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ TT&TT; Tình hình hình và kết quả hoạt động trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Kế hoạch chương trình công tác của Bộ TT&TT và các nội dung khác theo quy định.

Bộ TT&TT sẽ thực hiện cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Trang tin điện tử của Bộ TT&TT theo các quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ theo quy định về việc cung cấp thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; cung cấp thông tin và cập nhật trên Báo Bưu điện Việt Nam, Báo điện tử Vietnamnet, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bộ TT&TT ít nhất 3 tháng/lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Việc tổ chức họp báo thực hiện theo quy định hiện hành. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí vằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức. Bộ TT&TT cũng cung cấp thông tin cho Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo quy định hiện hành.

Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường như khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT…

Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm từ chối không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trưởng hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tránh phòng, chống tội phạm; Các vụ việc đang trong quá trình thanh tra; Những văn bản chính sách; đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyển cho phép phổ biến.

Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai về lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ TT&TT khi có yêu cầu của Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn về việc cung cấp thông tin để thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có trách nhiệm thực hiện đúng yêu cầu về nội dung và thời hạn cung cấp thông tin.

HM

Hà Nội ra chỉ thị về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí

Ngày 21-1-2014, Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 25-CT/TU Về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí.

Ảnh minh họa (soha.vn)

Thời gian qua, các cơ quan báo chí của thành phố Hà Nội và Trung ương đã tăng cường thông tin mọi hoạt động của thành phố. Cơ bản, báo chí đã phản ánh kịp thời các phong trào thi đua yêu nước, những nỗ lực và kết quả tích cực trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát hiện, cổ vũ, động viên các nhân tố tích cực, người tốt, việc tốt; vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở.

Bên cạnh những tin, bài phản ánh những cố gắng, tiến bộ, thành tựu đạt được, một số cơ quan báo chí thường dành phần lớn lượng tin, bài tập trung phản ánh các vụ việc, vấn đề tiêu cực và những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc thành phố. Những phát hiện, phản ánh của báo chí, nhìn chung, đã có tác dụng tích cực, giúp lãnh đạo các địa phương, đơn vị kịp thời nắm bắt, xử lý, giải quyết vụ việc, khắc phục những hạn chế, yếu kém xảy ra tại địa phương, đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành của thành phố, nâng cao niềm tin và sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân Thủ đô. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tin, bài phản ánh đúng nội dung, bản chất vấn đề, vụ việc xảy ra, biểu dương hoặc phê bình mang tính xây dựng, còn có không ít tin, bài phản ánh chưa đúng bản chất vấn đề, vụ việc; đăng tải những thông tin chưa được thẩm tra xác minh; thông tin một chiều, thiếu chính xác, gây dư luận bức xúc, tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây khó khăn cho triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Sở dĩ có tình hình như vậy, ngoài trách nhiệm của một số cơ quan báo chí, còn có nguyên nhân quan trọng là do nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tác động của báo chí, chưa quan tâm đúng mức việc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tăng cường thực hiện Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí), góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố phối hợp thực hiện tốt những nội dung sau:

1. UBND thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã định kỳ thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành và các vấn đề liên quan thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương; nội dung thông tin cung cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan theo quy định. Coi việc cung cấp thông tin về hoạt động của địa phương, đơn vị cho các cơ quan báo chí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. 

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị; cấp ủy, chính quyền cần nắm chắc tình hình, dự báo và bám sát những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đánh giá khả năng tác động đến tâm lý, tư tưởng, dư luận xã hội…; đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, vấn đề gây bức xúc tại địa phương, đơn vị, phải chủ động, kịp thời cung cấp những thông tin khách quan, trung thực cho báo chí, nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả hoặc phương hướng xử lý, giải quyết. Cùng với việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, phải kịp thời có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của thành phố (Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông) để thành phố kịp thời định hướng thông tin, hạn chế, khắc phục tình trạng báo chí thông tin một chiều, thiếu chính xác, gây bức xúc dư luận.

2. UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc phải phân công cán bộ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí. Khi cần thiết, lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.

3. Các địa phương, đơn vị cần nắm bắt và trả lời kịp thời những thông tin được phản ánh trên báo chí, nhất là những thông tin gây bức xúc dư luận (nắm trực tiếp trên báo chí hoặc qua báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy, của Sở Thông tin và Truyền thông). Đối với những thông tin trên báo chí phản ánh không chính xác, thiếu khách quan, không đúng bản chất sự việc, các địa phương, đơn vị cần kịp thời có văn bản cung cấp thông tin chính thống và yêu cầu cơ quan báo chí cải chính, đồng thời báo cáo lãnh đạo thành phố qua Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.

Khi có yêu cầu của Ban Tuyên giáo Thành ủy, các địa phương, đơn vị có trách nhiệm cử cán bộ, cung cấp tài liệu, phục vụ tốt việc chủ động thông tin cho báo chí.

4. Các báo: Hànộimới, Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và các cơ quan báo chí của thành phố cần bám sát các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình triển khai các nhiệm vụ của thành phố; tăng cường hơn nữa việc thông tin phản ánh những thành tựu, cố gắng, kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt… Phân công phóng viên tham dự đầy đủ, thông tin kịp thời những nội dung được định hướng tại các hội nghị, các buổi giao ban thông tin báo chí do thành phố tổ chức. Việc phản ánh những hạn chế, yếu kém trên báo chí, phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, không phiến diện một chiều và phải có tính xây dựng; những thông tin nhạy cảm, phức tạp khi đăng tải có thể tạo nên những phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội cần được lãnh đạo, ban biên tập các cơ quan báo chí cân nhắc thận trọng, nếu cần thiết, phải chủ động báo cáo, trao đổi với lãnh đạo thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trước khi đăng. 

Khi có những tin, bài đăng không đúng sự thật gây bức xúc dư luận, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm người dân, các cơ quan báo chí cần đề cao trách nhiệm, chủ động cử cán bộ, phóng viên xác minh vụ việc và kịp thời có tin, bài cải chính theo quy định của Luật Báo chí. 

5. Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, tham mưu trên lĩnh vực tư tưởng, thông tin; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, duy trì thường xuyên và chú trọng tăng cường chất lượng, hiệu quả các buổi giao ban thông tin báo chí hằng tuần; thường xuyên chủ động báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, xử lý những thông tin báo chí có liên quan đến địa bàn thành phố. 

6. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo, ban hành “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố Hà Nội” để cụ thể hóa và thống nhất triển khai, thực hiện “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” được ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai, thực hiện chỉ thị.

Chỉ thị này được quán triệt rộng rãi tới các cơ quan lãnh đạo, tham mưu về công tác tư tưởng, thông tin, báo chí; tới toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên các cơ quan báo chí thành phố và phổ biến đến các chi bộ.

Theo Hà Nội mới

Làm báo mạng, như ra trận!

Đăng đàn như tít bài viết này chả ai tin, có khi còn bị cho là hơi bị hâm. Đúng là hâm, nhưng là cái hâm, theo cách nói vui của một cựu lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, hâm “được lắm!”.

Nói làm báo mạng như ra trận là nói ở góc độ, thời gian khai trương quá gấp, chỉ có một tuần chuẩn bị, tất cả đang “hai bàn tay trắng”, nên phải huy động tổng lực, huy động bất cứ ai có thể huy động được - y chang kiểu tổng động viên  nhân tài vật lực ra trận đánh giặc thời kháng chiến. Đời là vậy mà nghề cũng là vậy, có những thời điểm phải dốc sức “đánh” ngay, “đánh” bằng được, để thời cơ trôi qua, coi như thất bại. 

Chẳng là, báo in đang bị các loại hình báo chí khác cạnh tranh gay gắt, khó trăm bề, số lượng sút giảm, doanh thu quảng cáo cũng sụt theo. Ấn phẩm in, tạp chí lý luận nghiệp vụ của hội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Làm được tờ tạp chí nghề cho ra nghề đã rất khó, nhưng còn một cái khó hơn nhiều, đó là làm sao tổ chức được mạng lưới phát hành sâu rộng, ấn phẩm đến đúng đối tượng bạn đọc - giới báo chí.

Chuyện phát hành tạp chí trần ai lắm. Bên cạnh nhiều đồng nghiệp - thường là những đồng nghiệp “nhỏ”, “nghèo” - nhiệt thành ủng hộ, vẫn còn một số đồng nghiệp thờ ơ, lạnh nhạt. Thời nay, “sếp” giàu nhậu một bữa hết ba, bốn triệu, thậm chí dăm bảy triệu, chuyện rất chi là bình thường, nhưng “sếp” giàu mà bỏ ra 1,6 triệu để mua 100 cuốn tạp chí rất bổ ích cho nghề báo, trang bị nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên của mình thì người ta nguây nguẩy lắc: “Dạ, bác thông cảm, để em tính!”. Có mấy cơ quan báo chí đoàn thể doanh thu quảng cáo mỗi năm vài ba trăm tỷ đồng, nhưng khi bộ phận phát hành tạp chí ngỏ lời mời họ mua dăm ba chục cuốn tạp chí thì họ vẫn “lắc” một cách lịch sự: “Dạ, bác để đó, chúng em trao đổi tập thể rồi quyết định sau”. Họ nói cho xong, nhưng đánh bài lờ! Một lần, đích thân phó tổng biên tập tạp chí đến thỉnh trình vận động một sếp báo mua tạp chí:

- Dạ, thưa anh, theo lời hẹn, em đã đến.

Sếp vừa đọc báo, vừa cao ngạo nói vọng ra:

- Ông cứ để công văn đó, tôi xem sau!

Sếp nọ vẫn cặm cụi đọc báo, chẳng thèm ngẩng đầu lên xem người vừa đến hỏi, theo lời ông ta hẹn là ai. Vị phó tổng biên tập ra khỏi cổng, điện thoại cho tổng biên tập: “Em xin lỗi, không hoàn thành nhiệm vụ, cha này “có tiền” mà coi trời bằng vung, kém văn hóa lắm bác!…”. Một cơ quan báo chí khác thuộc hàng anh chị về tiền của, khi tổng biên tập tạp chí điện thoại, họ đặt mua lần đầu 15 tờ; năm sau không ai gọi nữa, chỉ mua 1 tờ cho thư viện, còn mình thì đọc ké theo tiêu chuẩn ban chấp hành hội nhà báo. Năm thứ 3, tờ tạp chí sếp mua cho thư viện cũng cắt nốt. Không rõ mấy vị này có còn quan tâm đến lý luận nghiệp vụ nữa không!?

Minh họa: Cốp

Báo đại chúng chưa phát hành rộng rãi được, thường là do tờ báo chưa hay, tính chiến đấu nhạt nhòa, tính thời sự thấp, nội dung chưa thiết thực với bạn đọc. Quy luật chung của báo chính trị xã hội, phát hành ngoài sạp là vậy, nhưng với tạp chí nghề, hoàn toàn ngược lại. Nội dung tạp chí lý luận nghiệp vụ, tính lý luận sâu sắc, tư liệu cập nhật, thiết thực, rất nghề, nhuần nhuyễn tính lý luận và thực tiễn, bám sát đời sống báo chí. Vậy mà trong giới với nhau - đúng đối tượng bạn đọc, mấy anh “giàu” lại chẳng mặn mà, bởi chẳng có gì ràng buộc họ. Đọc hay không đọc lý luận nghiệp vụ thì cũng vậy mà thôi.

Thôi thì mặc kệ, anh em hội viên tin mình, lãnh đạo tin mình, giao cho mình thì mình phải cố gắng làm cho hết phận sự. Ngồi nghĩ nát nước, ba mươi sáu chước, chẳng có chước nào hay hơn, để tạp chí nghề lan tỏa nhanh, khắp nơi nơi, cả trong giới và ngoài xã hội, trong nước và quốc tế, tạo uy thế cho nghề, cho hội chỉ còn cách là đưa nội dung tạp chí lên mạng. Đưa toàn bộ, ngay tức thì - sau khi tạp chí phát hành thì còn phải tính, có khi tự tạp chí mạng lại là dao hai lưỡi, sẽ giết chết tạp chí in. Rồi sẽ có cách, để ấn phẩm in cũng sẽ phát triển, nhờ lợi thế quảng bá từ báo mạng. Mà báo mạng cũng phong phú, hấp dẫn, kịp thời, sâu sắc hơn lên. Cốt là cách ta khai thác, cách ta giới thiệu, cách mà ấn phẩm in và báo mạng cùng đồng hành.

Để tạp chí mạng - Trang thông tin điện tử khai trương rầm rộ, PR ngon lành, chỉ có cách là kết hợp khai trương, ra mắt tại thời điểm thích hợp. Cơ quan chỉ vẻn vẹn 7 người, kể cả trong Nam ngoài Bắc, kinh phí tự lo, eo hẹp, thời gian chỉ còn một tuần để chuẩn bị, từ xin giấy phép, thiết kế giao diện, thiết kế mỹ thuật, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật có tính bắt buộc, cuối cùng là khâu cập nhật bài, ảnh vào các chuyên mục.

Trang tin điện tử tổng hợp Tạp chí lý luận nghiệp vụ của hội đã kịp làm lễ khai trương dưới sự chứng kiến của chủ tịch và tập thể lãnh đạo hội, của đại diện lãnh đạo các cấp hội cả nước - tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác hội. Và sau mấy tháng ra mắt, chi phí hoạt động cho nó không đáng kể, nhân lực không tăng, có gần 100.000 lượt bạn đọc truy cập. Vậy là thắng to!

Làm báo mạng - như ra trận, như đánh trận là vậy.

Ong Vò Vẽ

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Phóng viên bị cấm tác nghiệp tại phiên tòa xử công khai

Mặc dù đã xuất trình giấy tờ đầy đủ và được vị chủ tọa phiên tòa cho phép tác nghiệp, song phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã gặp phải sự ngăn cấm của lực lượng Công an hỗ trợ tư pháp, với những lời hăm dọa và thách thức hết sức khiếm nhã.

Rất đông người đến dự phiên tòa sáng ngày 15/1 tại TAND tỉnh Thanh Hóa

Vào sáng ngày 15/1, tại Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa (TAND) đã diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ giết người và gây rối trật tự công cộng tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa).

Có mặt tại phiên tòa, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã xuất trình giấy giới thiệu với thư ký của phiên tòa và đã được vị cán bộ này ghi vào giấy giới thiệu của phóng viên là “đồng ý cho phóng viên tác nghiệp theo luật quy định” tại tòa.

Ngay sau đó phóng viên lấy máy ảnh, máy ghi âm ra để làm việc thì đã bị một nữ công an hỗ trợ tư pháp tham ra bảo vệ phiên tòa có tên là Trịnh Thị Trang ra ngăn cản, cấm không cho phóng viên được chụp ảnh. Lý do mà cán bộ này đưa ra là: “Bọn tôi bị cấp trên nhắc nhở nhiều, nên không thể để cho các chú chụp được”.

Mặc dù phóng viên đã giải thích cho vị nữ cán bộ bảo vệ phiên tòa về việc mình đã được thư ký tòa cho phép, nhưng một số cán bộ công an khác có mặt đều tỏ thái độ không hợp tác. Bất ngờ hơn là một nam chiến sỹ Công an mặc quân phục nhưng không đội mũ Công an, trên ngực có biển hiệu ghi tên là Lê Văn Khoa đã xông thẳng từ tòa ra, dọa nạt phóng viên, có những lời nói rất khiếm nhã đối với phóng viên nhằm ngăn cản không cho phóng viên tác nghiệp.

Với thái độ hống hách, dọa nạt, bất hợp tác với phóng viên như thế, hai chiến sỹ này đã khiến cho rất nhiều người tham dự phiên tòa bất bình.

 Phong Trần

Nguồn: Báo Pháp luật & Đời sống

Những chiêu PR tài tình của truyền thông Nhật

Một trong những sự kiện thu hút nhiều sự chú ý nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2013 là chuyến xuất ngoại thi đấu tại Nhật Bản của tiền đạo Lê Công Vinh. Tuy nhiên, điều khiến báo chí trong và ngoài nước nói nhiều nhất tới chuyến thi đấu này không phải là hiệu quả thi đấu của tiền đạo số 1 Việt Nam mà là những chiêu PR vô cùng khéo léo của truyền thông Nhật.

Công Vinh với màu áo của SAPPORO.

1,2 tỷ đồng cho... 8 phút thi đấu

Cho tới thời điểm này khi Công Vinh đã kết thúc bản hợp đồng thi đấu với CLB Consadole Sapporo (từ tháng 01/8/2013 tới 01/01/2014), có thể khẳng định chuyến thi đấu trên đất Nhật của chàng tiền đạo số 1 Việt Nam là một chuyến đi thành công, tuy nhiên, chỉ là riêng về “thương vụ” PR chứ hoàn toàn không nhiều ở khía cạnh chuyên môn. Từng ấy tháng trên đất Nhật, sẽ rất nhiều người ngỡ ngàng nếu biết rằng chàng Beckham Việt Nam chỉ thi đấu chừng... 3,4 trận, thời gian thực tế thi đấu trên sân chỉ khoảng... 8 phút (bởi thường chỉ còn 5, 3 phút cuối trận, Công Vinh mới được HLV Keiichi Zaizen cho vào sân, dường như chỉ để... ra mắt, chào khán giả là chính). Nếu ai đó từng kỳ vọng rằng một danh thủ từ một “vùng trũng” bóng đá sẽ mang lại những thay đổi thần kỳ cho đội bóng tỉnh lẻ Consadole Sapporo giờ này sẽ thấy mình thật nực cười. Nếu là cầu thủ quan trọng nhất trong đội hình Consadole Sapporo sẽ chẳng có chuyện trong một trận sinh tử, quyết định quyền chơi trận play-off lên J.League 1 của Consadole Sapporo, chàng Công Vinh ngồi ghế dự bị. Nên nhớ cùng thời điểm với Công Vinh, trên hàng công của Consadole Sapporo có đến 10 tiền đạo, trong đó có nhiều cầu thủ chất lượng cao đến từ Brazil.

Tuy nhiên có một việc chàng tiền đạo số 1 Việt Nam đã làm tròn, nếu không muốn nói là đã làm rất tốt, đó là trở thành một “sứ giả” bóng đá, quảng bá một cách hiệu quả bóng đá Việt Nam nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung, đến người dân xứ Phù Tang. Không chỉ có vậy, theo giới quan sát, chuyến xuất ngoại của CV9 sẽ tạo tiền đề tốt đẹp cho khả năng xuất khẩu cầu thủ Việt Nam vào thị trường bóng đá Nhật Bản. Được biết, cũng từ nền tảng là chuyến thi đấu thành công của Công Vinh, từ mùa bóng 2014, BTC J-League sẽ cấp quota đặc biệt cho phép mỗi CLB ở J-League 1 và J-League được phép ký hợp đồng với một cầu thủ Việt Nam bên cạnh 3 suất ngoại binh như quy định. Nói Công Vinh là người đã mở ra con đường, một cánh cửa cho cầu thủ Việt, cũng không ngoa.

Truyền thông Nhật: Bậc thầy về PR

Nhưng câu chuyện thú vị nhất xung quanh chuyến thi đấu trên đất nước Mặt trời mọc của chàng cầu thủ Công Vinh lại là cách làm PR, truyền thông vô cùng khéo léo và tài tình của báo giới Nhật Bản. Ngay từ khi chàng tiền đạo Việt Nam mới đặt chân lần đầu xuống đất Nhật Bản, truyền thông Nhật đã nồng nhiệt đón tiếp Công Vinh tại sân bay quốc tế Chiltose như một ngôi sao lớn, thậm chí còn gọi anh với danh xưng mỹ miều “Người hùng Việt Nam”. Những tuần sau đó, dù thời gian ra sân chỉ tính bằng phút, kênh truyền thông chính thức của Sapporo cũng như nhiều kênh truyền hình Nhật Bản, kể cả Đài truyền hình quốc gia NHK liên tục phát các phóng sự về Công Vinh, miêu tả khá chi tiết những hình ảnh mà người hâm mộ chưa từng được biết về nơi ăn, chốn ở cũng như việc luyện tập của chàng tiền đạo ở xứ Mặt trời mọc. Hình ảnh của CV9 cũng thường xuyên xuất hiện trên các trang thể thao của những tờ báo có số lượng phát hành rất cao ở Nhật Bản. Không chỉ “vây” Công Vinh trên đất Nhật, Đài NHK lớn bậc nhất Nhật Bản còn sang tận Việt Nam, thuê hẳn phòng VIP của một khách sạn 5 sao với 1 phòng ngủ, 1 phòng lớn, để thực hiện phỏng vấn độc quyền với cô vợ ca sĩ Thuỷ Tiên của anh tại Việt Nam. Dường như cảm thấy chừng ấy vẫn là chưa đủ, Sapporo còn mời Thủy Tiên sang Nhật thăm chồng, bao toàn bộ chi phí đi lại ăn ở, ghi tên cẩn thận phòng VIP dành riêng cho Thủy Tiên, mời cả Thủy Tiên ra sân đá quả bóng mở màn trận đấu cuối mùa giải của Sapporo, thậm chí còn tổ chức lễ sinh nhật hoành tráng cho nữ ca sĩ.

Sapporo, truyền thông Nhật được gì từ những chiêu PR, truyền thông săn đón dồn dập và có phần thái quá ấy? Câu trả lời là: được rất nhiều, cả về lợi nhuận có thể đo đếm được lẫn những lợi ích vô hình. Khán giả muốn sở hữu 1 chiếc áo của Công Vinh sẽ phải bỏ ra 19.950 yên Nhật (tương đương 4,3 triệu đồng). Khăn cổ động có in tên và số áo của Công Vinh cũng được bán với mức giá 1.575 yên Nhật (khoảng 340.000 đồng). Không dừng lại ở việc bán áo, khăn quàng cổ động... CLB Sapporo cũng đã tài tình sử dụng những món ăn đậm chất Việt như phở, nem rán nhằm phục vụ CĐV nhà. Giá trị hơn nữa là những hợp đồng làm ăn béo bở. Mới đây, CLB Consadole Sapporo đã công bố hợp đồng tài trợ với Sumitomo, một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản về kinh doanh tổng hợp. Lý do để Sumitomo đồng ý hợp tác, chính là tập đoàn này đánh giá rất cao chiến lược mở rộng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á của Sapporo, trong đó có việc ký hợp đồng với tiền đạo số một Việt Nam.

Tuy nhiên những gì mà Công Vinh đã mang đến cho Sapporo đang làm không chỉ dừng lại ở những con số họ bán được từ quần áo, khăn quàng mà nó còn nằm ở tên tuổi của đội bóng. Rõ ràng, từ chỉ sau thương vụ mang tên Công Vinh, tên tuổi Sapporo mới được phổ biến sâu rộng đến với người Việt, hơn cả những đội bóng ở tầm J-League 1. Bóng đá Nhật nhờ thế, cũng được người Việt để tâm chú ý hơn trước. Giá trị quảng bá mang tên Công Vinh còn nằm ở những điều tưởng chừng chẳng liên quan đến bóng đá. Đại diện cơ quan du lịch của Hokkaido đã không ngần ngại bộc lộ ý đồ quảng bá du lịch cho Sapporo khi thông tin rằng họ đã thu hút thành công du khách Thái Lan, Hong Kong, Malaysia, Đài Loan... trong khi người VN vẫn còn rất ít ỏi. Hay nói cách khác, Sapporo hoàn toàn không bằng lòng với con số 750.000 - 800.000 lượt du khách quốc tế đến hằng năm, ở một nơi vốn có nhiều ưu thế về du lịch này. Và đó mới là lý do mà người Sapporo muốn Công Vinh có mặt ở TP xa xôi và lạnh giá này.

Kỳ vọng ấy (đã và nếu Sapporo gia hạn thành công hợp đồng), đặt lên vai Công Vinh, tới tư cách là một trong những “cánh chim mồi”. Thế nên, bản hợp đồng 1,2 tỷ hay 5 tỷ, những chiêu PR kì công của giới truyền thông sẽ chẳng là gì so với những lợi nhuận khổng lồ chàng tiền đạo Việt Nam mang lại cho xứ Sapporo, cho đất nước mặt trời mọc. 

Nguyễn Thành

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Báo điện tử Infonet công bố giao diện mới

(ICTPress) - Hôm nay 15/1, Báo Bưu điện Việt Nam đã công bố hệ thống quản trị nội dung và giao diện mới. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đến dự và bấm nút khai trương.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và lãnh đạo Báo Bưu điện bấm nút khai trương giao diện mới của Báo điện tử Infonet.

Báo điện tử Infonet được Bộ TT&TT cấp phép ngày 6/10/2011 và ngày 1/1/2011 được chính thức đưa lên Internet. Báo điện tử Infonet là một đơn vị do Báo Bưu điện Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý và vận hành.

Logo và giao diện mới của Báo điện tử Infonet

Ông Võ Đăng Thiên, Tổng Biên tập Báo Bưu điện cho biết trải qua hơn 2 năm hoạt động vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn ban đầu do hạ tầng chưa có, đi dùng nhờ máy chủ, hỗ trợ phần mềm, giao diện, chưa có kinh nghiệm, con người còn thiếu nhưng tới nay có thể khẳng định Báo điện tử Infonet đã thực sự trưởng thành. Có thể nói đây lần đầu tiên tòa soạn Báo Bưu điện Việt Nam chuyển sang loại hình báo chí mới, là báo điện tử, cạnh tranh trên Internet.

Năm 2013, Báo đã liên tục phát triển và đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Báo điện tử Infonet năm 2013 đã thực hiện giao lưu trực tuyến tăng cước 3G và thực hiện trực tuyến một số sự kiện xã hội, như lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuối năm 2013, thứ hạng Infonet đã được khẳng định khoảng trong 20 báo điện tử hàng đầu Việt Nam, lượng truy cập 120.000 lượt/ngày, lượng truy cập xem trang từ 250.000 - 300.000, đuổi kịp một số báo điện tử đã ra đời rất lâu, tạo đà cho năm 2014 với phương châm phương châm trở thành báo điện tử nghiêm túc, thiết thực và kịp thời, ông Võ Đăng Thiên cho biết thêm.

Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập Báo Bưu điện cho biết giao diện mới của Báo điện tử Infonet bắt đầu thực hiện vào tháng 10/2013, đưa vào hoạt động 25/12/2013, các modul đã hoàn thành, hệ thống tự động nhận diện thiết bị, các ứng dụng (apps) sẽ xuất hiện trên các apps store trong 1 - 2 tuần nữa. Hệ thống được bảo mật 2 lớp, có mã nhận diện phóng viên, xác nhận người truy cập cả qua điện thoại.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao sự phát triển, vị thế hiện nay của Báo điện tử Infonet, đã bắt nhịp với làng báo điện tử. Việc ra đời, hình thành báo điện tử Infonet là một sự tất yếu, dù chậm nhưng chưa muộn, có thuận lợi, học hỏi kinh nghiệm của các báo điện tử đi trước, nhưng đã nhanh chóng bắt nhịp kể cả về nội dung, hình thức, giao diện và số người truy cập. Điều này khẳng định thương hiệu và trong lòng độc giả.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng căn dặn báo điện tử Infonet ra đời muộn nhưng vẫn phải chịu sự quản lý báo chí nói chung nhưng tin tưởng Báo Bưu điện đã có truyền thống lâu đời, là tiền thuận lợi đề để bước vào báo điện tử, phát huy truyền thống của làng báo chí cách mạng Việt Nam, của Báo Bưu điện, và tập trung làm tốt một số nội dung:

Thứ nhất, bám sát tôn chỉ, mục đích của những người làm báo chí cách mạng, đặc biệt tôn chỉ, mục đích của báo ngành TT&TT, phản ánh trung thực, đúng tình hình đất nước, quốc tế nhưng phải phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân và phản ánh nhanh chóng, kịp thời các hoạt động của ngành TT&TT về quản lý nhà nước 5 lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và CNTT, các doanh nghiệp TT&TT.

Thứ hai, phải tìm hiểu học tập, nhanh hơn nữa, nhưng phải chính xác, kịp thời và đúng, thường xuyên đổi mới phương thức tác nghiệp, nhưng hiệu quả, có sức sống mới, bắt kịp thời đại. Chuyên nghiệp hóa tác nghiệp.

Thứ ba, quan tâm đầu tư, bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức báo chí, nghiệp vụ, tinh thông cập nhật công nghệ, vừa hồng vừa chuyên để có những kỹ năng làm báo hiện đại.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng cờ thi đua của Bộ TT&TT năm 2013 cho Ban Thời sự, Báo Bưu điện. Ảnh: Minh Thiện

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã tặng Cờ thi đua của Bộ TT&TT năm 2013 cho Ban Thời sự, Báo Bưu điện đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ TT&TT.

LP

Nga trục xuất một nhà báo Mỹ vì chỉ trích Tổng thống Putin

(ICTPress) - Nga đã trục xuất một nhà báo Mỹ và cấm nhà báo này đến Nga trong vòng 5 năm, một động thái tranh cãi trước thềm Thế vận hội mùa Đông ở Sochi, sẽ diễn ra vào ngày 7/2.

Tổng thống Putin. Ảnh: Alexei Nikolsky/AFP/Getty Images

David Satter, tác giả và cựu phóng viên của Thời báo Tài chính - Financial Times, đã được một nhà ngoại giao Nga ở Kiev thông báo, theo báo Người bảo vệ - Guardian đưa tin. Thông báo cho biết: “Các cơ quan có thẩm quyết đã quyết định sự hiện diện của nhà báo tại lãnh thổ Liên bang Nga là không được mong muốn. Nhà báo bị cấm nhập cảnh vào nước Nga”.

Vị trí mới của Satter là một cố vấn cho Đại Tự do châu Âu (Radio Europe/Radio Free Liberty), được chính phủ Mỹ hỗ trợ.

Satter đã từng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài viết của mình, trong đó có cuốn sách mà Satter là tác giả “Darkness at Dawn: The Rise of the Russian Criminal State. Nhà báo này đã liên hệ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) với một loạt vụ đánh bom như một phần nỗ lực đưa Putin nắm quyền.

Satter đã được thông báo việc này vào ngày 25/12/2013, theo Guardian. 6 ngày sau, tít bài của nhà báo này xuất hiện trên CNN trong một bài báo đề cập tới các mối đe dọa khủng bố tại Thế Vận hội mùa Đông sắp tới.

Việc trục xuất Satter được cho là sự việc đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh lãnh, nhưng theo Quyền Chánh Văn phòng Thời báo New Yorks tại Nga Lee Myers cho biết Nga đã cấm ABC từ năm 2005 sau khi hãng tin này phỏng vấn một người phiến loạn Chechen.

Mai Nguyễn

Tăng cường thông tin biển đảo bằng tiếng nước ngoài

Ban Tuyên giáo TƯ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch về thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền ngay từ đầu năm.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh. Ảnh: TTXVN

Sáng nay (14/1), tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và phân giới cắm mốc trên đất liền năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014, Ban Tuyên giáo TƯ nhận định ba công tác này trong năm 2013 đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, song vẫn chưa đủ so với yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh nhấn mạnh cần chú ý gắn kết với việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền nhân các ngày lễ kỷ niệm và sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2014. Ông cũng lưu ý phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài.

"Thông tin bằng tiếng nước ngoài được chú trọng hơn. Nhiều tạp chí, trang mạng điện tử bằng tiếng nước ngoài được khai trương trong năm 2013. Việc cung cấp thông tin cho báo chí làm sáng tỏ lập trường của Việt Nam, phản bác các luận điệu xuyên tạc về những vấn đề quan trọng, nhạy cảm được dư luận quan tâm như tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo… được tiến hành chủ động, thường xuyên, kịp thời và hiệu quả hơn", Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nhận định.

Tuy nhiên, ông Đinh Thế Huynh cũng nhắc nhở công tác đấu tranh dư luận, thông tin, tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, sức thuyết phục chưa cao, chưa đến được nhiều đối tượng quan trọng.

Theo TTXVN, VOV

3.000 tỷ đồng: VTV&HTV dẫn đầu doanh thu quảng cáo

Cùng với Đài TH TPHCM (HTV), Đài THVN (VTV) là một trong 2 đơn vị đạt doanh thu lớn từ quảng cáo trong năm 2013.

Khoảng 600 đại biểu lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự Hội nghị báo chí toàn quốc chiều 14/1. (Ảnh: Văn Cường)

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc vào chiều 14/1, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, đến hết tháng 12/2013 cả nước có 838 cơ quan báo chí in (tăng 25 cơ quan); 92 báo, tạp chí điện tử (cấp mới 19 báo, tạp chí điện tử); 67 đài phát thanh, truyền hình; 1 hãng thông tấn quốc gia.

Trong bối cảnh chung, chính khó khăn của nền kinh tế thế giới, trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền báo chí nước nhà. Mặc dù vậy trong năm qua cũng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan báo chí đã có nhiều có gắng.

Trong năm qua doanh thu của các cơ quan báo chí in có chiều hướng giảm đáng kể. Nếu số bản báo phát hành trên thị trường năm 2012 khoảng 850 triệu bản thì năm 2013 chỉ còn khoảng 836 triệu bản. Tuy nhiên số bản tạp chí, phát thanh trên thị trường lại tăng 5,4% với 340,5 triệu bản trong năm qua.

Doanh thu quảng cáo của báo chí tuy có tăng nhưng với mức thấp, tập trung ở lĩnh vực truyền hình. Tổng doanh thu của báo chí in năm 2013 khoảng 4.100 tỷ đồng, giảm 0,8% so với 2012. Lĩnh vực phát thanh, truyền hình, doanh thu quảng cáo tiếp tục tăng nhưng không đều. Trong đó chủ yếu doanh thu lớn từ Đài THVN và Đài TH TPHCM với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Doanh thu quảng cáo trên báo diện tử trong năm 2013 dù tăng chậm nhưng dự báo thời gian tới rất khả quan.

Thứ trưởng đánh giá, trong năm qua các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin, thông tin nhanh nhạy, khá toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

Tuy nhiên một khuyết điểm lớn nhất được chỉ ra là thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép; Báo chí còn thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân; còn có tình trạng thông tin giật gân, câu khách, sa đà vào các vụ án, chuyện phòng the, mặt trái xã hội, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục văn hóa Việt Nam…

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh, báo chí cần phát huy ưu điểm, khắc  phục khuyết điểm, tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4; tuyên truyền cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội…

Nguyễn Dũng

Nguồn: Infonet