Syndicate content

Nghề báo

Truyền hình chạy đua tin tức khốc liệt tại Thế vận hội Sochi

Cuộc tranh giành tin tức nhanh nhất tại Thế vận hội Sochi 2014 giữa hai cao thủ kênh truyền hình NBC và ABC diễn ra khốc liệt mỗi ngày.

Năm nay, ngôi sao sáng chói trên cuộc đua tin tức chính là chương trình Today của kênh NBC. Trong 852 tuần liên tiếp, kênh truyền hình NBC dẫn đầu rating về số lượng người xem vào giờ vàng tin tức buổi sáng. Bên cạnh đó, chương trình Good Morning America của kênh ABC chạy đuổi sát nút và không ngừng tăng tốc trong năm 2013 và đặt mục tiêu cho 2014.

Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014, do lệch múi giờ, cả nước Mỹ sẽ ngủ vùi khi các cuộc thi diễn ra và thức dậy với cái remote trên tay để cập nhật ngay tin tức nóng bỏng. Vì vậy các cuộc đua tin tức buổi sáng của các kênh truyền hình càng trở nên khốc liệt.

Phóng viên ESPN Jeremy Schaap tác nghiệp tại Olympic Sochi

Năm 2012, khi chương trình Good Morning America của kênh ABC vừa ra đời chỉ có 700 người theo dõi. Đến năm 2013  tăng trưởng chỉ khoảng 14% nhưng đến tháng 1/2014, với sự quan tâm của khán giả về Thế vận hội Sochi, chương trình đạt được con số 848.000 người xem.

Lượng khán giả dõi mắt vào chương trình thời sự buổi sáng của ABC và NBC

Một trong những lý do vì sao cuộc chiến tin tức buổi sáng luôn trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các kênh truyền hình thời sự là lợi nhuận từ quảng cáo. Năm 2012, kênh NBC thu về 644 triệu USD, ABC mang về 349 triệu USD cho chương trình tin tức buổi sáng. Các quảng cáo trong chương trình tin tức buổi sáng luôn mang về doanh số gấp đôi, thập chí gấp ba lần so với chương trình tin tức buổi chiều và buổi tối của cùng một kênh truyền hình.

Trả lời phỏng vấn trên NewYork Times,  Deborah Turness - chủ tịch của NBC News, khẳng định: "Việc chạy đua tin tức buổi sáng trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội Sochi sẽ giúp NBC giữ vững phong độ qua mùa hè năm nay"

Kim Ngân

Theo Pew Research, NewYork Times/Nhà báo và Công luận

Loạn phiên âm tiếng nước ngoài

Khi dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì tên người, địa danh có phiên âm không? Nếu phiên âm thì như thế nào? Không phiên âm thì lấy theo gốc nào? Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa thống nhất và thực trạng đã trở nên rất tệ.

Xin minh hoạ thực trạng này bằng bảng tổng hợp dưới đây từ cuốn tiểu thuyết “Jenny Ghechac” của nhà văn Mỹ Theodore Dreiser (tên sách “Jenny Ghechac” và tên nhà văn “Theodore Dreiser” viết như trên bìa sách của Nhà xuất bản Văn học năm 2011, Nguyễn Tâm dịch).

Ngay từ bìa sách đã có thể nhận thấy sự thiếu nhất quán: tên nhà văn “Theodore Dreiser” được giữ nguyên như tên tiếng Anh, nhưng tên tiểu thuyết (cũng là tên nhân vật chính) lại được phiên âm từ “Jennie Gerhardt” thành “Jenny Ghechac”. Chưa nói tới việc phiên âm “Jennie Gerhardt” thành “Jenny Ghechac” đã đúng chưa, việc trên một bìa sách mà tên này viết theo nguyên gốc tiếng Anh, tên kia phiên âm ra tiếng Việt, đã thể hiện một sự cẩu thả rồi.

Có một số tên tiếng Việt trong bảng này có thể suy đoán được gốc tiếng Anh, nhưng cách phiên âm quả thực rất “khó đỡ” như “Lănđơn” (London), Xên Luiz (Saint Louis), Jơjơ (George).

Người dịch sử dụng nhiều chữ cái không phải của tiếng Việt cho các tên được phiên âm: chữ “j” trong “Jenny”, “Jơjơ”, “Jerôn”, “Jec”, “Mitjơly”, chữ “f” trong “Fin”,  chữ “z” trong “Luiz”…).

Người dịch cũng không nề hà việc cho các phụ âm “đ”, “x”, “g” đứng cuối từ (“Mađriđ”, “Pâyx”, “Đâyvix”, “Crêg”), điều không bao giờ có trong tiếng Việt.

Một số tên phiên âm của người dịch không thể hiểu nổi: “Gran Poxifix” (“Grand Pacific”), “Kepitơn” (“Capital”).

Tiếng Việt đơn âm tiết (trong một từ chỉ có một nguyên âm đơn hoặc kép), nhưng người dịch lại viết các tên tiếng Việt liền tù tì như trong tiếng Anh đa âm tiết, không dùng dấu nối “-”.

Tuy nhiên, khi không có một quy định chuẩn phiên âm nào cả thì cũng không thể nào nói phiên âm một tên người, địa danh như thế nào là đúng.

Phiên âm hay không phiên âm?

Mọi tên người, địa danh đều để nhận biết qua hai hình thức phổ biến: phát âm (để nghe) và viết (để đọc). Chúng ta phát âm hay viết ra một cái tên đều để cho người khác nhận biết đó là ai hoặc địa danh nào. Lý tưởng nhất là khi cả việc phát âm và viết tên đều dễ dàng để người khác nhận ra. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Trong nhiều ngôn ngữ hệ La-tinh, do sự tồn tại của các từ đồng âm khác cách viết và khác nghĩa, việc nhận biết trong nhiều trường hợp cần dùng đến việc đánh vần (spelling) để người nghe hình dung được cách viết của từ. Đánh vần cũng được áp dụng cho các chữ phức tạp. Về bản chất, đánh vần là “viết bằng miệng”. Như vậy, việc nhận biết một từ (kể cả tên) có khi đòi hỏi người nói phải kết hợp đồng thời hai cách nhận biết là phát âm và viết.

Đối với tên người, địa danh nước ngoài, cái khó đầu tiên là phát âm chúng. Đây là lý do ra đời phương pháp phiên âm. Tuy nhiên, dù sát đến mấy thì các tên được phiên âm sang tiếng nước ngoài cũng chỉ “lơ lớ”, không giống hoàn toàn với phát âm trong tiếng mẹ đẻ.

Điểm bất lợi lớn của phương pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh sang tiếng Việt là, trong khi về mặt phát âm cũng chỉ đạt được mức “lơ lớ”, nó làm mất đi tên gốc ở chữ viết. Việc căn cứ vào tên phiên âm tiếng Việt để tìm tên gốc đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt trong nhiều trường hợp rất khó, đặc biệt là khi mỗi người tự phiên âm một kiểu, thậm chí cùng một người, phiên âm cùng một tên, nhưng mỗi lúc mỗi kiểu.

Trong thế giới ngày nay, nhu cầu tìm tên gốc của người và địa danh rất lớn. Khi đọc một bài báo hay tài liệu, thấy ông cựu tổng thống Mỹ Cờ-lin-tơn, người đọc thường có nhu cầu biết tên tiếng Anh của ông Cờ-lin-tơn viết như thế nào để tìm thêm thông tin trên mạng, hay để trao đổi với bạn bè quốc tế về ông.

Với người nổi tiếng như ông Cờ-lin-tơn hay thủ đô Oa-sinh-tơn, việc tìm ra tên gốc Clinton, Washington DC có thể không khó. Nhưng với những tên ít nổi tiếng, việc này không dễ, đặc biệt khi được phiên âm kiểu lạ lùng như “Gran Poxifix”, “Kepitơn” được dẫn chiếu ở trên.

Nếu coi ngôn ngữ là công cụ (để truyền thông), giải pháp phiên âm tên người, địa danh gốc La-tinh ra tiếng Việt rõ ràng không hiệu quả so với việc để nguyên tên gốc của nó, hoặc so với việc dùng tên La-tinh trong một tiếng nước ngoài phổ biến khác (ví dụ tiếng Anh).

Nếu gọi tên một nước là “Ba Lan”, không phải ai cũng dễ dàng biết đó là nước “Polska” bằng tiếng Ba Lan và nước “Poland” bằng tiếng Anh. Nếu ta gọi tên nước đó là “Poland” (như tiếng Anh), việc phát âm không khó hơn là mấy, nhưng lại giải quyết được nhiều vấn đề đối với cả người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt. Kể cả những tên phức tạp như “Shakespeare”, người Việt không biết tiếng Anh vẫn có thể phát âm “lơ lớ”, nếu cần thì đánh vần cho người nghe.

Nếu theo lô-gíc hiệu quả, các tên người, địa danh có gốc không phải La-tinh (như các ngôn ngữ hệ Sla-vơ, hệ Ả-rập…), khi chuyển sang tiếng Việt mà dùng tên La-tinh của một ngôn ngữ phổ biến thì sẽ hiệu quả hơn so với việc phiên âm. Thủ đô “Москва” của nước Nga nếu gọi là “Moscow” như tiếng Anh hiệu quả hơn so với việc phiên âm thành “Mát-xcơ-va”.

Ghi chú: Các tên phiên âm chưa tìm được gốc tiếng Anh: Đotjơ, Onđrit, Âubraiơn, Naitơ, Mancơm Jerôn, Letty Jerôn, Jec, Mitjơly, Râuxitơ, Mơfri, Ratx, Jecxơn Đuy Boa, Ođitơriơm, Jimmy Xevorơn, Molaimơ, Bolinhgơ, Uylixtơn Bâykơ, Gout, Uynkơ…

Có nên dịch nghĩa các tên người, địa danh nước ngoài?

Do ảnh hưởng của chữ Hán – Việt, nhiều tên người và địa danh nước ngoài được chuyển sang tiếng Việt theo nghĩa của tên gọi. Ví dụ, các thành phố Trung Quốc  được gọi là “Bắc Kinh” (“kinh thành phía Bắc”), “Thượng Hải” (“[thành phố] trên biển”).

Chúng ta cũng gọi cố Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc là “Đặng Tiểu Bình”. Khi chúng ta viết hoặc phát âm tên “Đặng Tiểu Bình”, người Trung Quốc và người các nước khác không thể biết ông ấy là ai, còn người Việt lại không biết là cả người Trung Quốc và người nước ngoài đều gọi ông ấy là “Deng Xiao Ping” (phát âm hơi khác nhau). Khi chúng ta muốn tìm thông tin thêm về ông Đặng Tiểu Bình từ các nguồn nước ngoài, việc đầu tiên là phải biết cụm từ “Deng Xiao Ping” thì “ông Google” mới có thể giúp được.

Chúng ta gọi một nước là “Nam Phi” bằng cách dịch nghĩa tên “South Africa”. Chỉ có người Việt Nam và người nước ngoài biết tiếng Việt biết nó là nước nào, còn người nước ngoài nghe hoặc nhìn vào chữ “Nam Phi” thì không thể biết được. Đồng thời, không phải người Việt Nam nào cũng biết được “Nam Phi” tiếng Việt và “South Africa” tiếng Anh là cùng một nước.

Tên người, tên địa danh là để gọi, không nhất thiết phải có nghĩa. Có nhiều tên người, địa danh không có nghĩa (hoặc đã bị mất nghĩa), vì vậy, việc dịch nghĩa tên là không cần thiết. Nếu chúng ta dịch nghĩa tên nước ngoài, hãy thử hình dung tình hình sẽ thế nào nếu người nước ngoài cũng dịch nghĩa các tên người, địa danh Việt Nam. Chắc chắn sẽ có nhiều chuyên khôi hài!

Cần xem xét ngôn ngữ là công cụ và mọi công cụ đều phải được thường xuyên hoàn thiện để hiệu quả hơn trong tình hình mới. Chắc chắn cách chúng ta nói và viết tiếng Việt hiện nay đã khác cách cha ông, tổ tiên chúng ta nói và viết tiếng Việt trong thế kỷ 19 hoặc hàng trăm năm trước.

Vì vậy, không có gì bất bình thường nếu chúng ta thay đổi cách nói và viết tên người, địa danh nước ngoài trong tiếng Việt trong điều kiện toàn cầu hoá ở mức độ cao như hiện nay. Nhưng sẽ bất bình thường nếu chúng ta không chịu thay đổi hoặc chậm thay đổi ngôn ngữ như một công cụ rất quan trọng của cuộc sống cho phù hợp hơn với thời đại.

Người viết bài này có niềm tin rằng sự hoàn thiện và chặt chẽ của ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước. Khó mà hình dung được một nền công nghiệp phát triển (đòi hỏi sự chuẩn hoá và kỷ luật cao) khi con người sử dụng ngôn ngữ một cách tuỳ tiện, thiếu sự chuẩn hoá tối thiểu như trong vấn đề ngôn ngữ này. Sự tuỳ tiện trong ngôn ngữ có thể gây ra sự tuỳ tiện trong suy nghĩ và trong hành động.

Người viết bài này không phải là nhà ngôn ngữ học, mà chỉ là người sử dụng ngôn ngữ. Vấn đề này đã được các cơ quan, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam nhận diện từ lâu rồi. Thiết nghĩ, nếu có đủ sự quan tâm và quyết tâm, nó sẽ không trở thành một vấn đề bị “treo” vĩnh viễn và gây sự hoài nghi về năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra của chúng ta.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam

Nguồn: Vnexpress

Flappy bird và sự quá đà của báo mạng

Nhiều người đã không còn giữ được bình tĩnh khi một số tờ báo mạng trong nước đưa bản tin giật gân đại ý nói tác giả game Flappy bird bị bắn chết tại nhà vào chiều 10-2.

Không giữ được bình tĩnh bởi không thể chấp nhập cách thức và nội dung mà các trang điện tử này thông tin. Đầu tiên là một trang điện tử Đ. Trang này đưa tin Nguyễn Hà Đông - tác giả Flappy Bird chết tại nhà riêng với một vết đạn bắn vào đầu. Thông tin này nhanh chóng được một số trang tin sao chép lại như thường lệ họ vẫn làm.

Trang báo điện tử Đ. dẫn nguồn từ một tờ báo lá cải nước ngoài là Huzlers cho rằng "người sáng tạo ra game Flappy Bird gây bão trong thời gian vừa qua là Nguyễn Hà Đông đã được tìm thấy tại nhà riêng với một vết thương do đạn bắn vào đầu gây tử vong.” Thậm chí, họ còn nói: “Cơ quan chức năng xác nhận rằng Nguyễn đã tự tử bằng cách bắn vào đầu mình với một khẩu súng lục ".

Trang điện tử này còn tỏ ra vẻ “cẩn trọng” khi đặt dấu hỏi sau cái tít giật gân. Tuy nhiên, ngay trong bài, trang điện tử này phán: “Ngay lập tức cộng đồng mạng dậy sóng và bị sốc trước thông tin này đồng thời thể hiện sự tiếc nuối cho một tài năng trẻ".

Ảnh: Minh họa

Dĩ nhiên đây một chuyện hoàn toàn bịa đặt. Công an đã xác nhận không hề có sự việc như vậy.

Xâu chuỗi lại toàn bộ các diễn biến liên quan đến trò chơi Flappy Bird, dễ dàng nhận thấy sự bất thường trong những thông tin trên các trang mạng.

Quay lại thời điểm đầu năm 2014, khi mà game Flappy Bird trở nên nổi tiếng, hàng loạt trang mạng đồng loạt tung hô. Thế rồi, ngay sau đó, cũng chính những trang này quay lại mổ xẻ, phê bình.

Trang thì tố Flappy Bird vi phạm bản quyền vì sử dụng hình ảnh đồ họa từ một số tựa trò chơi khác. Vấn đề bản quyền hình ảnh và âm thanh của Flappy Bird ngay lập tức được đưa ra làm chủ đề bàn tán. Chẳng những thế, có trang còn đưa tin Nintendo sẽ phạt Flappy Bird 6 tỷ USD vì sử dụng hình ảnh những chiếc ống màu xanh.

Trong khi đó, cho đến tận bay giờ, Nintendo vẫn khẳng định rằng họ không có hành động gì liên quan đến Flappy Bird.

Nhiều trang khác thì đi tính thuế thu nhập “giúp” cho Nguyễn Hà Đông. Thậm chí, có trang còn mạnh miệng tuyên bố với doanh thu khủng khoảng 50.000 USD/ngày từ quảng cáo của game, Tổng cục thuế đang rốt ráo vào cuộc để kiểm soát nguồn thu nhập, tránh thất thu thuế. Thực ra, đến bây giờ, không đại diện nào của Tổng cục thuế thừa nhận đưa ra tuyên bố đó.

Chẳng những thế, hàng loạt trang mạng còn không tiếc lời chê bai từ hình thức cho đến cách chơi… dù  thực tế đã chứng minh sự cuốn hút đến mức gây nghiện của Flappy Bird.

Con số lên đến hàng triệu bài viết về game Flappy Bird trên các trang điện tử là một con số kinh khủng, khiến không ít người ngạc nhiên nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là cho đến nay, Nguyễn Hà Đông chưa hề xuất hiện trả lời câu hỏi nào của báo chí trong nước.

Vậy mà các trang điện tử này vẫn không ngừng tấn công Nguyễn Hà Đông và trò chơi Flappy Bird. Và rồi phản ứng của anh là việc mà mọi người đã thấy. Rạng sáng 10-2, anh thực hiện lời tuyên bố của mình, gỡ bỏ trò chơi Fapply Bird khỏi kho ứng dụng di động của hai hệ điều hành iOS và Android.

Một số chuyên gia cho rằng cùng với nhiều thành viên trên các diễn đàn, nhiều trang mạng đã góp phần tạo áp lực cho tác giả, khiến không ít người có đam mê sáng tạo cảm thấy sợ hãi.

Tệ hơn nữa là việc đưa những thông tin bịa đặt liên quan đến tính mạng của người khác chỉ vì người đó đang nằm trong dòng chủ lưu thời sự để câu view.

Cách đưa tin như thế này đã được dư luận nói nhiều. Nhưng chỉ nói thôi thì đâu cũng lại vào đấy. Không kiểm soát, xử phạt một cách nghiêm túc, rồi đây, những Kiều nữ Hải Dương, Nguyễn Hải Đông tự sát… một ngày nào đó lại xuất hiện với một cái tên khác, một động từ khác mà thôi…

H.T

Nguồn: Tuổi trẻ Online

Phạm Xuân Ẩn và huyền thoại nghề báo khiến Mỹ 'chết sặc'

Một cuộc đời có một không hai, một điệp viên huyền thoại, ông - không ai khác - chính là Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn.

Khi ông Phạm Xuân Ẩn mất, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Bí thư trung ương Đảng Trần Quốc Hương (tức ông Mười Hương) vinh danh ông là niềm tự hào của ngành tình báo Việt Nam; còn thế giới thì đánh giá ông là 1 trong những điệp viên cừ khôi nhất của thế kỷ XX..

Nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn

Phạm Xuân Ẩn gia nhập cách mạng từ những ngày đầu cuộc chiến năm 1945 và hoạt động với vai trò tình báo chiến lược. Năm 1957, ông là sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học về báo chí ở quận Cam và sống ở California trong hai năm. Ngày nay trong cuốn niên giám của trường Đại học Columbia của Mỹ, ở trang 2 in hình và giới thiệu về chàng sinh viên Việt Nam với tên Pham An, như mọi cuốn kỷ yếu của các trường học. Nhưng không ai biết được ngoài việc học thực sự kiến thức, chàng sinh viên ấy đã trở thành Đảng viên Cộng sản từ năm 1953, được chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyển vào Chiến khu D từ 1952.

Một cuộc đời có một không hai, một điệp viên nhị trùng huyền thoại, ông - không ai khác - chính là Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn.

Báo chí Mỹ từng viết: "Bây giờ chúng ta mới biết được đó chỉ là phân nửa công việc của Ẩn với tư cách một phóng viên. Và chưa phải là phân nửa đáng nói. Ẩn còn gửi đều đều những tài liệu quân sự mật và thông tin viết bằng mực vô hình cho Bắc Việt, bây giờ được khóa kín trong văn khố của tình báo Việt Nam. Dùng chiếc máy đánh chữ hiệu Hermes mà cơ quan tình báo Bắc Việt mua cho, Ấn đánh tài liệu, có lúc dài đến hàng trăm trang vào lúc nửa đêm. Sau đó, ông chụp phim, cuộn tròn, gửi đến Củ Chi, nơi đặt tổng hành dinh trong lòng đất của Việt Cộng. Từ năm 1952, cứ cách vài tuần Ẩn lại rời văn phòng Sài Gòn, lái xe khoảng 20 dặm đi về hướng bắc để đến Hố Bò, rồi lẩn vào những đường hầm để nghiên cứu về chiến thuật cho phe Cộng sản. Từ Củ chi, tài liệu của Ẩn được quân hộ tống đưa đến núi Bà Đen ở biên giới Campuchia, rồi tới Nam Vang, từ đây được đưa bằng máy bay đến Guangzhou (Quảng Đông) ở phía Nam Trung Hoa và rồi được chuyển nhanh về cho bộ chính trị ở Bắc Việt Nam..."

Đánh giá về những tin tức tình báo của ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”. Còn Đại tướng Văn Tiến Dũng nhờ những tin tức đánh giá sắc sảo của Phạm Xuân Ẩn, mà “giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn”. Tổng Bí thư Lê Duẩn sau khi nhận được báo cáo của ông đã biểu dương cơ quan tình báo quân sự và coi đây là “chiến công có tầm cỡ quốc tế”.

Quá hiểu địch!

Những đánh giá phân tích sắc gọn và tinh tế của Phạm Xuân Ẩn là kết quả của nhiều năm miệt mài học tập tại nước Mỹ, tiếp thu và vận dụng một cách linh hoạt nhất những gì ông nắm bắt được về đất nước con người Mỹ; kết hợp với những năm tháng chiến đấu trong lòng Sài Gòn, giữa một bên là chính quyền bù nhìn miền Nam Việt Nam và một bên là đế quốc thực dân kiểu mới. Ông có một lợi thế không ai sánh bằng!

Đánh giá về những tin tức tình báo của Phạm Xuân Ẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Dường như chúng ta có mặt ngay trong phòng tác chiến của Mỹ”.

Trong vai trò là nhà tình báo chiến lược, những báo cáo kế hoạch của ông sinh động và chính xác đến không ngờ. Chính ông trong giai đoạn 1963 - sau khi anh em Ngô Đình Diệm bị đảo chính - đã khẳng định Mỹ chưa chịu ngừng tay ở Việt Nam, cho dù nhiều cấp trên của ông đã nghĩ khác. Phải đến tận năm 1965, Mỹ mới chính thức công bố tiếp tục tăng viện cho miền Nam Việt Nam. Sở dĩ Phạm Xuân Ẩn tự tin như vậy vì ông hiểu người Mỹ hơn ai hết.

Tuyệt vời hơn, khi bước sang giai đoạn 1972-1975, khi miền Bắc Việt Nam còn chút do dự sau những tổn thất nặng nề của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, thì Phạm Xuân Ẩn tin chắc thời cơ lật đổ chính quyền bù nhìn Sài Gòn đã điểm. Ông phân tích dựa trên những dữ kiện mình có trong tay về nước Mỹ: chiến dịch Linebacker ném bom phá hoại miền Bắc không làm nhụt ý chí chiến thắng của dân tộc, Nixon sau đó mất chức, Henry Kissinger thua trên bàn đàm phán Paris trong cuộc đấu trí với Lê Đức Thọ, phong trào phản chiến đang lan rộng trên thế giới; đây là lúc để kết thúc cuộc chiến. Đúng như ông đã báo cáo, tháng 4 năm 1975, cuộc tổng tiến công giải phóng Sài gòn đã đập tan hơn 1 triệu lính miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã giành toàn thắng.

Người Mỹ nói về Phạm Xuân Ẩn

Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông? Đó là một nhân cách, một tài năng. Đời ông là một câu trả lời lớn cho nhiều câu hỏi vẫn làm đau đầu nhiều người bạn Mỹ của ông. Đến hôm nay họ quay lại đất nước này vẫn tìm ông để mong có câu giải đáp vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam. Vì sao một trí thức giỏi và sống có nhân cách theo “kiểu Mỹ” như ông Ẩn lại có thể là người đứng trong tổ chức chặt chẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, của ngành tình báo vốn đầy hiểm nguy? Có những người Mỹ là bạn cũ trong giới báo chí của ông, nay đã mất nhưng dặn lại con cái họ sang Việt Nam hãy tìm đến ông Ẩn. Họ nói sẽ học được nhiều ở con người đó...

Vì sao sau khi đất nước giải phóng, cả nước và thế giới biết rõ ông là tình báo, vậy mà người Mỹ trong giới báo chí hoạt động cùng thời với ông nay trở lại Việt Nam vẫn đem lòng tin tưởng và kính trọng ông?

David Halberstam, bạn của Ẩn khi còn là phóng viên của Time tại Việt Nam nói: "Câu chuyện của Ẩn làm tôi sực nhớ ngay đến Graham Greene. Nó đề cập đến tất cả những câu hỏi căn bản: trung thành là gì? yêu nước là gì? sự thật là gì? anh là ai khi anh nói ra những sự thật đó? và có một sự mâu thuẫn trong con người Ẩn mà chúng ta hầu như khó tưởng tượng được. Nhìn lại, tôi thấy ông là người bị chẻ làm đôi”.

Trong một quyển sách viết về Việt Nam xuất bản năm 1965, tự đề “Sự hình thành một vũng lầy”, Halberstam mô tả Ẩn như một cây đinh chốt “nhỏ nhưng rất quan trong trong một mạng lưới tình báo của các nhà văn và nhà báo. Anh ta có những đầu mối tiếp cận giới quân sự tốt nhất trong xứ này”. Bây giờ khi Halberstam biết rõ câu chuyện của Ẩn, anh ta có tức giận không? Không! Anh phản ánh đúng quan điểm của của hầu hết mọi đồng nghiệp của Ẩn: “Đây là một câu chuyện phức tạp. Nhưng tôi vẫn yêu Ẩn! Tôi không cảm thấy bị phản bội. Anh ta phải cư xử như một người Việt Nam trong giai đọan bi thương của lịch sử đất nước mình. Không thể nào làm khác hơn được".

Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhà báo Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12/9/1927 tại Biên Hòa và mất ngày 20/9/2006 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.Trở về nước, ông bắt đầu sự nghiệp trong thập niên 1960 cho hãng tin Reuters, rồi đến Herald Tribune của New York và The Christian Science Monitor. Cuối cùng, trở thành người Việt chính thức duy nhất của tạp chí Time suốt 11 năm, chứ không phải cộng tác viên địa phương.Những người cùng thời nhận xét, nhà báo Phạm Xuân Ẩn được giới báo chí miền Nam Việt Nam trong những thập niên 60-70 cực kỳ kính nể với nguồn tin bài phong phú và cách đánh giá nhìn nhận nhiều chiều. Theo Laura Palmer, Phạm Xuân Ẩn là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông.Trong suốt thời gian hoạt động tại Sài Gòn đến những năm giải phóng 1975, Phạm Xuân Ẩn bằng những mối quan hệ rộng lớn của một nhà báo, cùng khả năng khai thác và phân tích thông tin của mình, đã bí mật gửi cho Trung ương những tin tức tình báo quý giá, góp phần làm nên những thắng chiến thắng lịch sử của dân tộc ta như: trận Ấp Bắc 1963, trận Khe Sanh 1968, trận Đường 9 Nam Lào 1971 …; đồng thời, đập tan Kế hoạch chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Vĩnh Khang

Nguồn: Đất Việt

Các nhà báo kể khổ chuyện tác nghiệp tại Sochi Olympic 2014

Bên trong sự hào nhoáng của Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 đã được các nhà báo quốc tế mô tả trên các trang cá nhân của mình và gây bão cho nước chủ nhà.

Cảnh lộn xộn trước giờ khai mạc bên trong khuôn viên khách sạn (Ảnh: Hollywood Reporter)

Các nhà báo quốc tế đến tác nghiệp tại Olympic Sochi 2014 đã đồng loạt phản ứng và chia sẻ trên các trang mạng xã hội về tình trạng tồi tệ của khách sạn, cửa ra vào liên tục bị chặn, nhà vệ sinh hỏng và nguồn nước độc hại. 

Thậm chí, mọi thứ còn được mô tả kinh dị hơn khi tay nắm cửa ra vào chưa lắp đặt xong, bóng đèn, wifi... thiếu thốn nghiêm trọng. Những câu chuyện này lập  tức lan truyền nhanh chóng. 

Dan Wetzel  làm việc cho kênh thể thao của Yahoo! viết như thế này: "Cho bất cứ ai đang ở Sochi: Tôi đang sở hữu của ba bóng đèn và sẽ trao đổi tay nắm cửa với ai đó..."

Trên trang cá nhân của phóng viên Chicago Tribune có tên Stacy St Clair đã mô tả: "Khách sạn của tôi không có nước. Khi tôi hỏi nhân viên thì nhận được những cái nhún vai và như là họ nói nước đang có vấn đề gì đó rất nguy hiểm".

Còn phóng viên Shaun Walker  đến từ báo Guardian bày tỏ sự kinh ngạc khi một ngày nọ cửa phòng của ông bị mở bung bét và chẳng có giải thích lý do. 

Và hàng loạt những thông tin khác về sự thật của Thế vận hội tốn kém nhất của loài người. 

Trước những thông tin trên, trên tờ Wall Street Journal, Phó Thủ tướng Dmitry Kozak tự tin khẳng định rằng khách sạn mà những phóng viên này đến ở, qua camera giám sát và hình ảnh, mọi thứ đều rất tốt. Ông còn cho biết đã mở nước cả ngày để xem có sự cố gì không.

Ông nhấn mạnh: "Có vẻ như mọi thứ đang bị thổi phồng lên một cách quá đáng!"

Kim Ngân

Theo Hollywood Repoter, The Huffington Post, Independent/Nhà báo và Công luận

Báo chí phản ánh kịp thời không khí đón Tết, vui Xuân

(ICTPress) - Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chúc mừng năm mới và đánh giá cao các cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời, sinh động không khí đón Tết, vui Xuân tại buổi gặp mặt báo chí đầu Xuân Giáp Ngọ sáng nay 7/2 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức tại Báo Nhân dân, Hà Nội.

Các cơ quan báo chí phản ánh kịp thời, sinh động không khí đón Tết, vui Xuân

“Những ngày Tết Giáp Ngọ vừa qua, các cơ quan báo chí, nhất là các đài phát thanh, truyền hình và báo điện tử đã duy trì, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phản ánh kịp thời, sinh động không khí đón Tết, vui Xuân phấn khởi, lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc văn hóa dân tộc của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc; thể hiện không khí Tết, các giá trị Tết cổ truyền của dân tộc gắn với nội dung, chủ đề về mùa Xuân đất nước, về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; biểu dương tinh thần lao động tích cực của cán bộ, công nhân, lao động trên các công trường trọng điểm; phản ánh tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ đất nước của quân và dân ta nơi biên cương, hải đảo, biểu dương, cổ vũ những việc làm tốt vì cộng đồng xã hội; phản ánh tình cảm hướng về quê hương, Tổ quốc của những người con đất Việt xa quê…”, Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng các cơ quan báo chí nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ

Đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết đất nước ta vừa đi qua năm 2013 - năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng - trong bộn bề công việc. Bên cạnh thuận lợi cơ bản, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo; tích cực triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các nhóm giải pháp của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc: chính trị - xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng 5,42%; lạm phát được kiềm chế ở mức 6,6%, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng; nhân dân tiếp tục được sống trong môi trường hòa bình, ổn định.

“Trong thành công chung đó, những người làm báo cách mạng nước ta đã có những đóng góp tích cực, đáng ghi nhận. Qua công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân - nhân tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước.”, Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.

"Cũng trong năm vừa qua, báo chí cách mạng nước ta tiếp tục có bước phát triển đáng mừng về số lượng, chất lượng, đội ngũ. Trong điều kiện gia tăng áp lực cạnh tranh nhiều mặt, nhất là cạnh tranh về thông tin, nhân lực, tài chính, nhiều cơ quan báo chí đã chủ động tìm giải pháp khắc phục các vấn đề một cách hiệu quả, phát huy được khả năng, tâm huyết, lòng yêu nghề của những người làm báo.", Đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao.

Báo chí phát hiện, phê phán với một tinh thần xây dựng

Tham dự và chúc mừng báo chí đầu Xuân Giáp Ngọ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm 2014 là một năm rất quan trọng chuẩn bị bước vào Đại hội Đảng XII. Hai năm còn lại trong nhiệm vụ khối lượng công việc thực hiện còn rất lớn. Chúng ta không chỉ phải nỗ lực để giải quyết những vấn đề có tính trước mắt như duy trì tốc độ tăng trưởng, giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội hay các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền an ninh, chủ quyền của đất nước mà điều đặt biệt chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, để giải quyết rốt ráo hơn những vấn đề có tính lâu dài, để tạo đà để nhiệm kỳ tới chúng ta có thể phát triển vững chắc hơn, và quan trọng là cũng để phát triển nhanh hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Ngọ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Chính phủ đề nghị các nhà báo tiếp tục truyền thống của báo chí cách mạng và phát huy những thành tựu của những năm vừa qua, và của năm Quý Tỵ cùng chính phủ, cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Báo chí đồng thuận không có nghĩa là nói một chiều, không có nghĩa là chỉ khen, phải có phát hiện, phê phán như chúng ta đã làm từ trước tới nay nhưng mà tất cả với một tinh thần xây dựng, với một mong muốn, khát khao chủ trương chính sách hiệu quả hơn, hợp lý hơn đi vào đời sống hơn để đất nước phát triển bền vững hơn. Chính phủ rất mong muốn và kêu gọi cộng đồng báo chí Việt Nam cùng sát cánh với chính phủ và cùng quyết tâm đổi mới nhằm vào các mục tiêu mà Nghị quyết đã chỉ ra rất rõ mà gần đây báo chí đã phản ánh rất nhiều.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã đi một chặng đường rất dài nhưng vẫn còn lại một số vấn đề như giá, doanh nghiệp nhà nước, chúng ta dù khó cũng phải làm. Một mặt tạo một môi trường kinh doanh thật thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế góp sức xây dựng đất nước, một mặt vẫn phải giữ đứng định hướng xã hội chủ nghĩa, chăm lo cho đời sống nhân dân, nhất là nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc. Chúng ta cũng phải quyết tâm để đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là vấn đề kỷ cương trong xã hội, trước hết là kỷ cương trong bộ máy hành chính, sao cho một mặt các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phù hợp và mặt thứ hai là tổ chức thực hiện để đảm bảo đúng tính nghiêm minh của pháp luật. Chúng ta cũng phải tiến hành các biện pháp đồng bộ để quyền làm chủ của nhân dân được phát huy mạnh mẽ hơn để nhân dân thực sự tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề xã hội, trước hết là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân góp phần chăm lo cho đời sống của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Lễ Giao ban Báo chí đầu Xuân Giáp Ngọ

Phát biểu tại Lễ giao ban báo chí đầu Xuân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thay mặt cho cơ quan quản lý báo chí đã chúc mừng năm mới các cơ quan báo chí và cho biết năm 2013 là một năm Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng ủng hộ báo chí tác nghiệp, đó là Quyết định số 25 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/5/2013 về quy chế cung cấp thông tin và người phát ngôn cho báo chí. Đây là quyết định quan trọng, góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có thông tin chính thống của các cơ quan từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Minh Anh

100 năm báo chí Huế

Diện mạo 100 năm báo chí Thừa Thiên Huế được Nguyễn Xuân Hoa dựng lại trong cuốn Lịch sử báo chí Huế, NXB Thuận Hóa vừa phát hành.

Ảnh: baonamdinh.com.vn

Sách dày 460 trang, có 99 trang phụ bản là bìa các tờ báo từ đầu thế kỷ 20 tới nay. Đây là công trình hoàn chỉnh nhất về lịch sử báo chí ở Huế đến nay với sự hiện diện của 230 tờ báo qua các thời kỳ, trong đó có những tờ rất quan trọng, chưa thấy ở các cuốn lịch sử báo chí Việt Nam, như Những người bạn cố đô Huế, Sông Hương, Nhành lúa, Kinh tế Tân văn, Ngày Mai, Đại học Huế... 

“Tất cả kết lại, trở thành tấm gương soi, phản chiếu lấp lánh đời sống đa dạng của một vùng đất... đôi lúc còn rọi chiếu đến từng góc khuất lịch sử, từng số phận đa đoan của những kiếp người, của nhiều thế hệ” (lời tác giả). PGS.TS Bửu Nam gọi đây là tập đại thành về lịch sử báo chí Huế, công trình tương xứng với một luận văn Tiến sĩ.

Lịch sử báo chí Huế được tác giả nghiên cứu trong bối cảnh báo chí cả nước. Phong phú nhất, “nóng” nhất, tâm huyết nhất là giai đoạn 1954 - 1975, thời kỳ máu, lửa, tranh đấu - mà tác giả là người trong cuộc. Về giai đoạn sau đó tác giả nhận định: “Huế vẫn chưa phải là một Trung tâm báo chí phát triển mạnh như vị thế của các thời kỳ trước đây”. Tác giả từng giữ các trọng trách Giám đốc Sở VHTT, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thanh Tùng

Nguồn: tienphong.vn

Mở rộng trái tim và thấu cảm tận cùng nỗi đau

“Đến khi rời Philippines, tôi mới thật sự cảm thấy mình may mắn, may mắn vì có cơ hội được tác nghiệp ở một nơi thiên tai kinh khủng như Tacloban, vì thế càng thấy may mắn vì mình không phải trải qua những giây phút đối mặt với siêu bão khủng khiếp đó sau khi chứng kiến cả thành phố gần như bị san phẳng, những gương mặt người dân sạm đen vì mệt mỏi, đói khát, những tiếng khóc, những lời kể lể về việc mất chồng, mất con vì bão… Về đến VN rồi mà nhiều ngày sau tôi vẫn bị chìm trong những hình ảnh hoang tàn của cơn bão..."- đó là chia sẻ của nữ nhà báo Đức Hạnh, báo Lao Động khi tác nghiệp trong tâm bão HaiYan tại Philippines vào hồi đầu tháng 11/2013.

Chưa chuyến nào khẩn cấp như chuyến này

Những người làm báo sang được Philippines, chỉ có duy nhất một suy nghĩ trong đầu: Bằng mọi cách phải tiếp cận được tâm bão, đó là sự quyết tâm, thậm chí phải chấp nhận mạo hiểm, và đó chính là sự say nghề. Vì thế khi nhận nhiệm vụ, những người làm báo lên đường sang nước bạn “đón bão” trong tâm thế khẩn trương, không chậm trễ.

Nhà báo Quốc Việt giữa cảnh đổ nát ở sân bay Tacloban.

Nhà báo Quốc Việt - báo Tuổi trẻ -  chia sẻ: "Tôi đã có nhiều chuyến công tác khẩn cấp, nhưng chưa chuyến nào khẩn cấp như chuyến này. Khoảng 11 giờ sáng chủ nhật, tôi còn đang ở Long An, làm tư liệu cho báo xuân, thì cơ quan gọi về chuẩn bị đi Philippines ngay. Số lượng người chết vì bão tăng lên vùn vụt trên các hãng thông tấn quốc tế đã làm toà soạn Tuổi Trẻ sốt ruột. Họ là láng giềng gần chúng ta, cùng hứng chịu bao nhiêu trận cuồng phong. Làm sao người làm báo chúng ta vô cảm được trước nỗi đau này. 2 giờ chiều, tôi và phóng viên Thanh Tuấn, ban Quốc tế, đã có mặt ở sân bay. Chỉ có gần 2 tiếng để xoay sở, gần như chẳng làm được gì, thậm chí không kịp lấy một số dụng cụ cá nhân. Cơ quan phải lo cho gần như tất cả, từ vé máy bay gấp, thiết bị làm việc, bảo hiểm. Thậm chí, điện thoại vệ tinh, cơ quan cũng phải cử người giao giúp tận sân bay. Bình thường, chuyện bảo hiểm có vẻ không quan trọng. Nhưng với những chuyến công tác vào vùng thảm hoạ nguy hiểm thế này, “tấm vé” bảo hiểm cũng góp phần làm người tác nghiệp an lòng dấn thân… 3 giờ chiều, chúng tôi đã bay".

Nhà báo Đức Hạnh- Báo Lao Động tại Philippines.

Nhà báo Đức Hạnh- báo Lao động- chia sẻ: "Đến sân bay Manila, chúng tôi hỏi mua vé đến Tacloban nhưng lúc đó, Tacloban đã hoàn toàn bị cô lập, không có một chuyến bay thương mại nào có thể tiếp cận, trừ máy bay quân đội… Sau nhiều khó khăn, đến phút cuối cùng, vô cùng may mắn là chúng tôi mua được vé trên chuyến bay đầu tiên từ Cebu đến Tacloban. Mất toàn bộ liên lạc là tình trạng chung ở Tacloban lúc đó. Gần như toàn bộ thành phố bị phá hủy, mọi sóng điện thoại đều không có tác dụng, chỉ duy nhất điện thoại vệ tinh là có thể liên lạc được, nhưng chúng tôi không được trang bị cái đó. Chúng tôi đã lang thang nhiều giờ trên những con đường ngập bùn đất, đi giữa các đống đổ nát và xác người chết la liệt ven đường hay trong các nhà chờ xe bus, nhìn từng đoàn người Tacloban trốn chạy khỏi nơi địa ngục hay những đứa trẻ hứng nước từ những vòi nước bẩn, đào bới trong các đống đổ nát… Bao trùm lên tất cả là một bầu không khí hoang tàn, chết chóc".

Sốc. Sốc. Sốc…

Qua lời kể của những người làm báo mới thấy hết được sự khó khăn, nguy hiểm của nghề nghiệp trong tâm bão. Nhà báo Quốc Việt vẫn còn đầy cảm xúc khẳng định: "Sốc. Sốc. Sốc… Đó là cảm giác, là khó khăn tâm lý ban đầu mà chúng tôi vấp phải khi vào vùng thảm hoạ. Sau đó lại tiếp tục đối mặt với hàng loạt khó khăn khác khi nơi ăn ngủ không có, thường thì có ai để ý đến một chai nước, nhưng lúc này có tiền thật nhiều cũng chẳng thể mua được một chai nước uống dù nhỏ nhất ở thành phố này. Thức ăn hoàn toàn cũng không có. Thực phẩm, nước uống chúng tôi mang đủ dùng vài bữa nhanh chóng cạn sạch. Chúng tôi bắt đầu đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn như chính người dân trong tâm bão. Điện đóm, viễn thông cũng không có 100%. Cả thành phố chỉ trông chờ vào điểm viễn thông yếu ớt được lắp tạm ở toà Thị chính. Các nhà báo chỉ có duy nhất một kênh này để truyền bài vở về. Nhiều người mệt mỏi vì truyền mãi không được, nằm ngủ vạ vật luôn tại chỗ. Sau đó là vấn đề an ninh quá nguy hiểm. Cả thành phố đói khát mà lại nhiều súng đạn. Người ta bắn nhau, cướp bóc chỉ vì gói bánh, chai nước. Chúng tôi được khuyến cáo không nên đi một mình, không được đi đêm (thiết quân luật), không được mang nhiều đồ đạc vì dễ bị cướp giết. Nếu xảy ra chuyện đó, thì chắc chắn không thể cầu xin sự giúp đỡ của ai. Cảnh sát địa phương đã chết vì bão, tê liệt 100%. Người nơi khác đến cũng lo những điểm cứu trợ công cộng cũng chưa xong. Tuy nhiên, thật sự khi ngồi viết lại những khó khăn này là khi chúng tôi đã xong việc, rời khỏi vùng thảm họa. Còn lúc ấy, không có thời gian, tâm trí nào để mà nghĩ đến mình nữa. Công việc tác nghiệp cuốn lấy chúng tôi. Những cảnh tượng đau khổ của đồng loại ập vào mắt chúng tôi. Nhà báo nào còn có thể nghĩ đến bản thân mình nữa?!!!".

Nhà báo Đức Hạnh cũng nói thêm: "Khó khăn nhất của tôi là làm cách nào để gửi tin bài về được tòa soạn kịp thời. Mặc dù khi sang đến nơi, chúng tôi đã mua sim 3G của Philippines để sử dụng, tuy nhiên, khi đi vào các nơi tâm bão (thị trấn Daan Bantayan ở phía bắc đảo Cebu hay Tacloban), sim 3G cũng không có tác dụng. Chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là tranh thủ mọi lúc, mọi chỗ để tác nghiệp, thu thập thông tin, đoạn đường nào may mắn bắt được một chút sóng thì gọi điện, nhắn tin thông báo sơ bộ tình hình về tòa soạn, còn lại thì đều phải quay về trung tâm TP. Cebu mới có thể có sóng 3G hoặc wifi để truyền bài về tòa soạn".

Quả thực những khó khăn rất nhiều nhưng sự dũng cảm và say nghề của những người làm báo Việt Nam tác nghiệp trong tâm bão thực sự đáng nể phục. Tình yêu nghề và sự quả cảm ấy như lời nhà báo Quốc Việt khẳng định: "Có nhiều kỹ năng làm báo mà chúng tôi đã biết cũng như sẽ phải rút kinh nghiệm, học hỏi thêm sau những chuyến công tác đặc biệt này. Nhưng tôi muốn nói rằng “phẩm chất” cao nhất trong các “phẩm chất” của nhà báo là mở rộng trái tim và thấu cảm tận cùng nỗi đau của đồng loại mình. Khi đó, nhà báo sẽ tự biết làm gì, viết gì, và sẽ không sợ bị lạc đường".

Sông Mây

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Chủ của Zing.vn bị kiện vi phạm bản quyền

Một trung tâm sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc của Mỹ vừa nộp đơn kiện nhiều pháp nhân, trong đó có IDG (International Data Group) vì cho rằng tập đoàn này đã đầu tư vào website Zing.vn, một nơi bị cáo buộc là vi phạm bản quyền âm nhạc, theo hãng tin AP.

Theo bản tin mà hãng AP vừa đưa lên ngày 28-1, đơn kiện được trung tâm Làng Văn nộp tại Mỹ kiện IDG, hai quỹ đầu tư của tập đoàn này là IDG Ventures và IDG Ventures Vietnam cũng như công ty VNG, là chủ sở hữu website Zing.vn.

Website nhạc số của Zing.vn. Ảnh chụp màn hình.

IDG Ventures Vietnam bắt đầu đầu tư vào VNG từ năm 2005 khi nơi này phát triển mạnh lĩnh vực trò chơi trực tuyến. Còn Làng Văn cũng đã có văn phòng đại diện tại TPHCM, được chọn làm đơn vị ghi hình nhiều chương trình Duyên Dáng Việt Nam.

Theo nội dung đơn kiện thì Làng Văn hiện đang sở hữu nhiều album và bản nhạc mà Làng Văn cho rằng Zing.vn (chính xác là mp3.zing.vn) đã đưa lên website của họ để người dùng tải về miễn phí. Tổng số bản nhạc của Làng Văn bị đưa lên Zing.vn theo cách này là khoảng 3.000 bản, theo số liệu mà Làng Văn trình bày trong đơn kiện. Bằng cách này Zing.vn thu hút người vào, từ đó thu hút khách hàng quảng cáo cũng như tạo cơ hội quảng bá các kênh trực tuyến khác. Theo đơn kiện thì hãng ghi âm này đã làm việc nhiều lần với Zing.vn để yêu cầu trả tiền bản quyền hoặc lấy nhạc xuống nhưng không được giải quyết.

Theo AP thì VNG từ chối trả lời phỏng vấn hãng tin này về vụ kiện, còn IDG thì cho biết IDG Ventures Vietnam đã bán lại cổ phần cho VNG từ năm 2009. Chúng tôi đang tìm cách liên lạc với VNG và IDG Venture Vietnam và sẽ cập nhật thông tin sau.

Theo đơn kiện, Làng Văn đòi bồi thường 150.000 đô-la Mỹ cho mỗi vi phạm, có nghĩa là nếu tòa xử cho bên này thắng thì họ sẽ được bồi thường tối đa 450 triệu đô-la Mỹ!

Tuy nhiên, theo phân tích của AP, muốn bắt nhà đầu tư như IDG chịu trách nhiệm về việc vi phạm bản quyền của Zing.vn là chuyện khá phức tạp, bởi bên kiện phải chứng tỏ IDG biết và có khả năng kiểm soát hoạt động kinh doanh của VNG tại Việt Nam.

Trước đó vào năm 2012, Samsung và Coca Cola từng rút quảng cáo của họ từ website Zing.vn vì cho rằng có sự vi phạm bản quyền khi nơi này cho người dùng tải nhạc bất hợp pháp.

Nguyễn Vũ

Nguồn: www.thesaigontimes.vn

Không khí Tết Việt trên báo nước ngoài

(ICTPress) - Tết Nguyên đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam.

Không giống các nước đón Tết âm lịch khác, Tết tại Việt Nam lại có những ý nghĩa riêng.

Không khí đón Tết Việt đã được nhiều trang báo mạng các nước đăng tải với những nét truyền thống riêng:

Thành phố Nha Trang được trang trí với hoa và cờ đón Tết. Hoa được bán trên đường phố Nha Trang. Ảnh Joachim Pham đăng trên National Catholic Reporter - ncronline.org
Hoa được bán trên đường phố Nha Trang. Ảnh Joachim Pham đăng trên national Catholic Reporter - ncronline.org
"Chúc mừng năm mới". Ảnh: Lynn Lieu đăng trên The Desert Sun (mydesert.com)
Một người nông dân tỉa cành đào nở, biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, tình yêu và niềm vui, và được sử dụng để trang trí trong nhà trong dịp Tết. Ảnh đăng trên asiasocieyty.org (Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Một thầy đồ cho chữ trong năm mới ở Hà Nội. Viết câu đối và chữ trong dịp Năm mới là một truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam (Ảnh: Xinhua) (English.cri.cn)
Một thanh niên vẽ con ngựa, con giáp của năm để chào mừng năm 2014, ở Hà Nội. (Ảnh: Xinhua) (English.cri.cn)
Những cây hoa đào được người dân mua để đón năm mới. Ảnh của AFP đăng trên the star.com.my
Người dân Hà Nội nô nức mua đào (Ảnh: Xinhua/VNA) (China.org.vn)
Những con phố được trang trí bằng những chiếc đèn màu và đèn lồng chào đón năm mới. Ảnh Yan Jianhua/Xinhua đăng trên www.news.cn, Xinhuanet.com

HY