Nghề báo
Yêu cầu rút giấy phép ấn phẩm “Gia đình và cuộc sống”
Submitted by nlphuong on Sat, 01/03/2014 - 22:00Tại cuộc giao ban báo chí ngày 25/2/2014, sau khi nhận xét đánh giá hoạt động báo chí trong tuần, trong phần kết luận, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã nghiêm khắc phê phán ấn phẩm phụ “Gia đình và cuộc sống” của báo Gia đình Việt Nam vì vi phạm nghiêm trọng tôn chỉ, mục đích hoạt động.
Cụ thể trong số báo 11, ra thứ 6 ngày 21/2/2014 đã đăng tải tràn ngập những nội dung như sau:
+ Trang 1: Tiêu đề của 9 bài có ảnh minh hoạ, cả 9 bài này là vụ án, tệ nạn, mặt trái, tình dục… không thể chấp nhận được. (1) “Nghệ sĩ hài Minh Béo nổi đoá sau khi bị đồng nghiệp nam tố sàm sỡ, gạ tình”; (2) “Số phận anh em ông Dương Chí Dũng sẽ ra sao khi ông Phạm Quý Ngọ, người bị tố nhận hối lộ và báo “tin mật” đột ngột qua đời”; (3) “Những chuyện chưa biết phía sau clip học sinh “so găng” cùng thầy giáo trên bục giảng”; (4) “Bí ẩn pho tượng không rõ nam hay nữ khiến 3 triệu người hành hương về núi Sam để xin sự chở che, may mắn”; (5) “Đi tìm công dụng thực sự của chiếc ghế giúp cánh mày râu “yêu” không biết mệt mỏi”; (6) “Phẫn nộ trước vụ việc nam thanh niên rủ bé gái lớp 1 đi bắn chim rồi dở trò dâm ô”; (7) “Kinh hoàng vụ thảm sát bằng dao bầu ở quán karaoke rồi dùng lựu đạn khống chế người giải cứu”; (8) “Hai đứa trẻ đào thoát ngoạn mục khỏi bọn ác nhân và rúng động nghi án bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng ở Khánh Hoà”; (9) “Nỗi đau người mẹ sau chuyện kinh hoàng bố loạn luân với hai con ở Thái Bình”…
+ Trang 2: “Hai cái tát, hai trạng thái”…
+ Trang 3: “Số phận anh em ông Nguyễn Chí Dũng sẽ ra sao khi ông Phạm Quý Ngọ, người bị tố nhận hối lộ và báo “tin mật” đột ngột qua đời”, trong đó có những câu “… được một số sĩ quan công an canh gác, kiểm tra nghiêm mật”… “Tại bệnh viện cũng xuất hiện nhiều xe mang biển kiểm soát 80B…”
+ Trang 4: “Cả làng đập phá nhà cửa, bỏ đi vì liên tục có người treo cổ chết bí ẩn” (kèm 4 ảnh)…
+ Trang 9: “Cao 1m, lấy 4 đời vợ và tình sử li kì của người đàn ông lùn nhất Hải Phòng”…
+ Trang 10: Giọt nước mắt cay đắng của người mẹ hung thủ sát hại bạn cùng phòng vì “ngáo đá”… “Không thể cưỡng dục vọng thấp hèn, thầy giáo hại đời học sinh”…
+ Trang 14: “Vừa xuống tay tàn độc khiến một người chết, hai người bị thương nặng, côn đồ miệt vườn bó tay chịu trói bởi ba cha con dũng cảm”…(4 ảnh).
+ Trang 15: “Kinh hoàng vụ thảm sát bằng dao bầu ở quán karaoke rồi dùng lựu đạn khống chế người giải cứu”, (5 ảnh)…
+Trang 16: “Cuộc truy bắt ngoạn mục “yêu râu xanh” giết hiếp cháu bé 12 tuổi gây chấn động Quảng Bình (3 ảnh)…
+ “Ông bố mất tính và nhát dao oan nghiệt dành cho con trai “(2 ảnh).
+Trang 18: “Nỗi đau người mẹ”.
+Trang 19: “Giang hồ Sài Gòn – Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật”, đã đăng 29 bài, số này đăng bài 30 “Lần hai tái ngộ đảo tù”.
+Trang 22: “Chuyện chăn gối gây sốc của các VĐV tại kỳ Olympic đắt đỏ nhất lịch sử”…
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận: Phụ san Gia đình Việt Nam đã vẽ một bức tranh quá bạo lực, dâm ô, cướp hiếp, giang hồ… rùng rợn, tăm tối, nghẹt thở và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản báo chí cùng Ban Tuyên giáo TW nghiêm túc xem xét để rút ngay giấy phép của ấn phẩm này.
Nguồn: Congluan.vn
Báo Sài Gòn Tiếp thị "ngưng xuất bản"
Submitted by nlphuong on Fri, 28/02/2014 - 16:36Sáng nay 28/2, báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) trên trang web của mình đã cho đăng tải bức “Thư Tòa soạn” trong đó thông báo từ sau 28/2/2014, tờ báo này sẽ ngưng xuất bản.
Báo SGTT trong "Thư Tòa soạn" viết: “Thừa hành quyết định "thu hồi giấy phép hoạt động báo chí" từ cấp có thẩm quyền, Ban biên tập Báo SGTT trân trọng thông báo với quý bạn đọc là từ sau 28.2.2014, Báo SGTT trực thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) sẽ ngưng xuất bản. Tờ SGTT số 18 năm 2014 mà bạn đang cầm trên tay là số báo cuối cùng…”.
Ban Biên tập của SGTT đã “hẹn gặp lại” bằng thông điệp: “Chúng tôi rất tiếc là không thể tiếp tục phục vụ bạn đọc. Đội ngũ những người làm báo Sài Gòn Tiếp Thị mong sớm được gặp lại bạn đọc yêu quý của mình”.
Trong số báo ra ngày 28/2, SGTT cũng thực hiện một chuyên đề đặc biệt với tựa đề: “Như một lời chia tay” trong đó đăng tải rất nhiều ý kiến của những độc giả, cộng tác viên đã từng gắn bó lâu năm với tờ báo này.
Ông Lê Đăng Doanh cho biết "Sài Gòn Tiếp Thị là tờ báo cởi mở, đã vươn cao nhờ đứng trên vai những người khổng lồ. Tờ báo có đội ngũ cộng tác viên có chất lượng trong nước và ngoài nước, đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm về các vấn đề thời sự của đời sống kinh tế – xã hội, quy tụ nhiều người với những suy nghĩ khác nhau. Tờ báo cũng thể hiện trách nhiệm xã hội cao, đã tổ chức quyên góp, cứu trợ người nghèo".
“Sự ra đi của tờ báo ngày hôm nay để lại bao niềm nuối tiếc của người đọc và bạn bè. Chúc cho các bạn Sài Gòn Tiếp Thị mã đáo thành công trong năm Giáp Ngọ này”, ông Lê Đăng Doanh viết.
TS. Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc công ty Bachi Soletanchi cho biết cảm xúc của mình dù có nhiều khi “không đồng ý với quan điểm của tác giả” nhưng vẫn thấy “thú vị vì tìm thấy những bài viết có cá tính riêng.
"Mong rằng nhiều nhà báo, các cộng tác viên và những con người từng gắn bó với Sài Gòn Tiếp Thị vẫn tìm cho mình những trang báo tốt để viết và giữ được cho mình niềm tin và giá trị sống như tờ báo đã từng gieo vào lòng bạn đọc”, TS. Lê Quang Minh viết.
“Với ý nghĩa nhân văn và trách nhiệm công dân, Sài Gòn Tiếp Thị là một tờ báo lớn. Báo lớn là một tờ báo nhiều người quan tâm, nhiều người cần. Tôi chắc chắn một điều rằng nhiều cộng tác viên, nhiều bạn đọc trong và ngoài nước vẫn hâm mộ và kỳ vọng vào những đóng góp của báo chí, của công luận trên bước đường dựng xây xứ sở, dựng xây quê hương, đất nước. Trong những năm tồn tại của mình, Sài Gòn Tiếp Thị đã có những đóng góp xứng đáng theo hướng đó và thực sự là tờ báo của công chúng…”, đạo diễn Trần Văn Thuỷ.
Ảnh: TL SGTT |
Báo SGTT phát hành số đầu tiên vào ngày 15/4/1995, thuộc Trung tâm Thông tin Triển lãm (Sở Văn hóa Thông tin TP. HCM). Đến ngày 14/6/1996 được chuyển về Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ngày 12/2/2004, Sài Gòn Tiếp Thị mới tách ra thành tờ báo trực thuộc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư và nay lại trở về trực thuộc Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Mai Nguyễn
Chỉ có Bộ TT-TT có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với báo chí
Submitted by nlphuong on Fri, 28/02/2014 - 13:00Đề xuất ban hành Nghị định “Bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí”
Chiều 27.2, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin - Truyền thông và một số ban ngành liên quan đã có cuộc họp rà soát các quy định về xử phạt hành chính đối với báo chí trong các văn bản pháp luật hiện hành. Kết thúc phiên họp, các bộ ngành liên quan đã thống nhất cho rằng các quy định về xử phạt hành chính đối với báo chí cần phải thống nhất về một mối thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin - Truyền thông, không để nằm rải rác tại nhiều quy định gây chồng lấn về thẩm quyền như hiện nay. Sau cuộc họp này, Bộ Tư pháp sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định mới, hủy bỏ các quy định cũ trước đây. Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh hiện có nhiều văn bản quy định xử phạt hành chính đối với báo chí đưa tin sai sự thật, có thể gây chồng chéo, khó khả thi, phá vỡ tính thống nhất về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí.
Cũng trong chiều qua, tại Hội thảo “Khung pháp lý bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí”, các đơn vị tổ chức là Trung tâm truyền thông và giáo dục cộng đồng (MEC) và Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) đã đề xuất ban hành Nghị định “Bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí” nhằm hướng dẫn thi hành điều 2 - luật Báo chí năm 1989. Theo 2 trung tâm này, luật Báo chí quy định: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ; không một tổ chức cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và công dân”. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu độc lập của MEC và RED công bố tại hội thảo cho thấy nhà báo hiện tại vẫn tác nghiệp đơn độc, gặp nhiều rủi ro và thiếu cơ chế pháp lý cụ thể bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo như luật định.
Thái Sơn
Nguồn: Báo Thanh Niên
Phóng viên quốc tế góp tiền sang VN phỏng vấn Hà Đông
Submitted by nlphuong on Thu, 27/02/2014 - 22:45Phóng viên trang công nghệ TechCrunch đang kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng nhằm có được kinh phí để sang Việt Nam thực hiện cuộc phỏng vấn với cha đẻ của tựa game Flappy Bird.
Mặc dù tựa game Flappy Bird đã được khai tử từ đầu tháng 2.2014 nhưng cho đến nay giới truyền thông trong nước và quốc tế vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho chú chim khó tính này. Trang công nghệ uy tín TechCrunch đang cố gắng thực hiện một cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hà Đông.
Trang quyên góp của nữ phóng viên gốc Việt Kim-Mai Cutler |
Sẽ không có nhiều điều để nói nếu đây là một cuộc phỏng vấn thông thường nhưng cách thức triển khai đề tài này lại khá độc đáo. Theo đó, TechCrunch sẽ không bỏ ra kinh phí cho phóng viên sang Việt Nam mà thay vào đó là kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng.
Trên trang mạng xã hội của Kim-Mai Cutler, phóng viên gốc Việt của TechCrunch đang diễn ra cuộc quyên góp nhằm trang trải cho chuyến sang Việt Nam lần này. Dự kiến số tiền cần để thực hiện xong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hà Đông là 3.000 - 3.500 USD.
Mặc dù còn tới 16 ngày nữa việc gây quỹ mới kết thúc nhưng hiện tại Kim-Mai Cutler đã nhận được hơn 5.000 USD, vượt xa con số đề ra ban đầu.
Theo VTC
Những hình ảnh “độc” từ chuyến tác nghiệp ở “chiến trường” Kiev
Submitted by nlphuong on Thu, 27/02/2014 - 13:20Tiếp tục trực chiến tại Ukraine, nhóm PV thường trú của Đài THVN đang tập trung hết sức và không quản ngại nguy hiểm để gửi đến khán truyền hình những thông tin, hình ảnh mới nhất.
Tác nghiệp ở môi trường khói đạn, vô cùng hỗn loạn và nguy hiểm cận kề nhưng nhóm PV thường trú của Đài THVN tại Ukraine vẫn tìm mọi cách tiếp cận hiện trường để có những hình ảnh chân thật nhất. Để hoàn thành phóng sự, PV Duy Nghĩa và quay phim Chu Thái vừa nhanh chóng tác nghiệp vừa canh chừng xung quanh.
“Tôi phải dùng máy quay cỡ nhỏ, ghi lại thật nhanh tất cả những gì đang diễn ra. Khi quay nhanh được diễn biến, tôi biết mình đang gặp nguy hiểm vì có súng bắn tỉa khắp mọi nơi. Rất may mắn, chúng tôi đã an toàn trở về khách sạn và đảm bảo giờ phát sóng” – quay phim Chu Thái chia sẻ.
Còn phóng viên Duy Nghĩa cho biết: “Tình hình ở Kiev sẽ còn diễn biến phức tạp nhưng chúng tôi cũng vẫn sẽ bám sát sự kiện để kịp thời có những tin bài đáp ứng sự trông đợi của khán giả truyền hình cả nước”.
Dưới đây là một số hình ảnh của nhóm PV thường trú Đài THVN tại Ukraine gửi về:
P.V
Nguồn: VTV Online
Báo chí hiện đại và vấn đề niềm tin của công chúng
Submitted by nlphuong on Thu, 27/02/2014 - 07:20Báo chí là một loại hình truyền thông đại chúng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và có vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận. Nhưng điều đó chỉ làm được khi niềm tin của công chúng vào báo chí còn nguyên vẹn.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, vấn đề niềm tin của công chúng trong nền báo chí hiện đại được giáo sư Y-a-xen N.Da-xu-rơ-xki đặc biệt nhấn mạnh.
Giáo sư Y-a-xen N.Da-xu-rơ-xki bên các cựu sinh viên MGU |
Thế nào là niềm tin của công chúng…
Niềm tin trong báo chí là sự tin tưởng của công chúng đối với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Chính từ sự tin tưởng đó, công chúng mới đi theo định hướng của báo chí, có phản hồi và tích cực hợp tác, trở thành nguồn tin của báo chí. Có như vậy báo chí mới hoàn thành chức năng định hướng dư luận của mình. Bởi vậy, có thể nói, niềm tin mà báo chí có được từ công chúng đã làm nên những điều kì diệu. Sức mạnh của niềm tin này có thể làm thay đổi bộ mặt xã hội hay lật đổ cả một thể chế chính trị…
Thử tưởng tượng một ngày nào đó báo chí không có sự ủng hộ của công chúng, không còn niềm tin của công chúng. Như vậy, việc xuất bản báo sẽ chỉ còn là một thói quen, sẽ không có ý nghĩa gì với xã hội, vai trò của báo chí không còn tồn tại. Người dân không mua báo vì không còn tin vào thông tin mình thu nhận được, nhà báo không còn tiếng nói trong xã hội, cộng đồng…
Viễn cảnh đó có vẻ quá xa vời nhưng thực tế báo chí đang dần mất đi những độc giả trung thành và chính điều đó là nguy cơ khiến báo chí rơi vào khủng hoảng.
Tôi rất ấn tượng với câu nói của Giáo sư Y-a-xen N.Da-xu-rơ-xki: “Báo chí là một nghệ thuật, nghệ thuật thuyết phục. Nhà báo phải thuyết phục công chúng bằng những văn bản thuyết phục”. Chỉ có những bài báo nào có được niềm tin của công chúng mới có thể đạt được sự thuyết phục. Với đặc thù của mình, báo chí giúp công chúng giao tiếp với nhau bởi vì công chúng cùng quan tâm tới thông tin mà họ được tiếp nhận qua tờ báo.
“Nền báo chí nào chiếm được niềm tin của công chúng thì nền báo chí đó mới có tương lai” (GS). Tương lai ở đây được ngầm hiểu là tương lai tốt đẹp với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, với số lượng độc giả trung thành tăng lên. Và lẽ dĩ nhiên một tương lai đen tối, mịt mù sẽ đến với nền báo chí nào để mất đi niềm tin của công chúng. Niềm tin ấy sẽ được chuyển sang những cơ quan báo chí khác. Không còn công chúng báo chí sẽ chết.
Đánh mất niềm tin vào công chúng là đánh mất hiệu lực của mình. Đó là điều nguy hiểm nhất mà báo chí đang phải đối mặt. Càng ngày thương mại hóa, báo chí càng kéo theo sự ra đời của nhiều tờ báo lá cải với chất lượng thông tin thấp.
Vào những năm 1960, báo chí đã bất lực trước việc dự báo về những khủng hoảng mang tầm thế giới. Không một cơ quan báo chí nào làm tốt vai trò dự báo của mình trong giai đoạn này. Giáo sư đề cao vai trò của báo chí dự báo: “Báo chí phải cảnh báo với dân chúng về những nguy cơ và những điều gây khủng hoảng”. Báo chí hiện đại cần học cách đón đầu tin tức, có nghĩa là phải có khả năng dự báo và đặc biệt là khả năng phân tích cao hơn. Hiện nay nhà báo có rất nhiều nguồn tin, vì vậy công chúng trông chờ ở nhà báo khả năng phân tích. Nhà báo của chúng ta hiện nay chưa làm được điều này hoặc làm điều này rất kém.
Đế có được niềm tin ấy thì phải tập trung vào yếu tố nội dung. Nội dung phải là cơ sở, thực sự nghiêm túc, đáng tin cậy. Vấn đề nội dung ngày càng trở nên quan trọng. Hiện nay chúng ta đang có rất nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức báo chí như phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng, thậm chí là trên điện thoại di động… chính trong bối cảnh như vậy nảy sinh vấn đề mang tính cấp bách là nội dung nhiều tác phẩm báo chí không đáp ứng nhu cầu thông tin, không có sức thuyết phục.
Phục hồi niềm tin là vấn đề báo chí cần khắc phục nhất hiện nay
Giáo sư dẫn ra một quan điểm liên quan tới vấn đề niềm tin, đó là: “Khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng của niềm tin vào kinh tế”. Với báo chí điều này là không sai.
Vấn đề không phải báo chí viết cái gì mà là thông tin đáng tin cậy đến đâu. Không phải bất cứ vấn đề nào cũng được đưa lên báo mà phải chọn lọc kĩ lưỡng. Tác phẩm phải có nội dung thể hiện nỗ lực tìm kiếm và phản ánh nguyện vọng của công chúng. Điều đáng sợ nhất là công chúng đọc mà không tin.
Thế mạnh của báo in là ở chỗ thông tin của nó có chiều sâu. Trong nền báo chí hiện đại, người ta có nhu cầu được cập nhật tin tức nhanh chóng. Nhưng cho dù tin tức cập nhật có nhanh đến mấy, chúng ta cũng không cần sự phân tích: “Báo chí không phải là văn bản in trên giấy mà nó là nội dung, bản chất của sự việc được phản ánh và giúp công chúng hình dung những vấn đề xảy ra trong xã hội” (GS). Báo in có thể chết nhưng báo chí phân tích sẽ sống mãi. Báo in làm được điều này sẽ sống mãi và phát triển song song cùng các loại hình truyền thông đại chúng khác. “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng báo in rất quan trọng. Bài báo có nhiều thông tin là bài báo biết phân tích. Chúng ta bảo vệ báo in nhưng không phải bảo vệ tất cả những tờ báo in. Chúng ta chỉ bảo vệ những tờ báo giúp chúng ta tư duy, nhận thức đúng bản chất vấn đề”- Giáo sư Y-a-xen N.Da-xu- rơ -xki nói. Những tờ báo Nga: Tin Tức, Doanh Nhân… đã làm rất tốt việc viết báo phân tích.
Vai trò của nhà báo trong nền báo chí tri thức
Hiện nay có quan điểm cho rằng nhà báo hiện đại là người có lập trường, quan điểm rõ ràng, phân tích sâu sắc vấn đề. Viết báo phải bám sát thực tiễn. Viết hay, viết tốt phải từ thực tiễn mà ra. Thực tiễn khách quan phải được phản ánh chân thực nhất, chính xác nhất. Với công chúng, nhà báo phải bám sát và giúp họ bám sát những thứ diễn ra xung quanh.
Thực tế, có những người làm báo vội vàng đưa tin về tất cả những gì họ biết, mắt thấy tai nghe mà đôi khi quên đi hiệu quả bài báo. Trong nghệ thuật làm báo không phải chỉ có nghe, nhìn mà còn phải suy nghĩ sâu lắng, xem xét vấn đề một cách kĩ lưỡng. Nhà báo phải có óc phân tích, phải biết phân tích.
Theo Giáo sư, báo chí Nga có phần hời hợt, không có chiều sâu phân tích, nặng tính độc thoại, ít đối thoại và tính luận chứng chưa cao, luận chứng mội chiều chưa đủ sức thuyết phục. Vì vậy, vấn đề đặt ra với báo chí Nga hiện nay là phải cải thiện và thay đổi. Đó cũng là vấn đề đặt ra với báo chí Việt Nam và thế giới. Theo thống kê sơ bộ ở Nga có khoảng 17 triệu người sử dụng điện thoại di động và thậm chí có người sở hữu từ 2 đến 3 cái …Với sự phát triển của khoa học công nghệ,,điện thoại di động tích hợp nhiều chức năng như xem phim, đọc báo, lướt Web… Lượng thông tin độc giả tiếp nhận thậm chí bị dư thừa nhưng lại thiếu những thông tin có tính phân tích sâu.
Người thầy đáng kính chia sẻ: “Phẩm chất quan trọng nhất của nhà báo nằm ở khả năng phân tích vấn đề, khả năng hoài nghi, biết hoài nghi. Chúng tôi luôn giáo dục sinh viên phải biết hoài nghi và sau đó biết cách thoát khỏi hoài nghi. Chính sự hoài nghi giúp người ta nhận ra con đường đúng đắn của nhận thức. Nhà báo đã tụt hậu so với kiến thức chung của nhân loại trên nhiều lĩnh vực và đó là điều rất đáng lo ngại”. Nhà báo phải có tư duy sâu sắc về các vấn đề xã hội, khi viết báo không chỉ cần kiến thức về ngữ pháp mà còn cần kiến thức về các lĩnh vực khác. Bên cạnh những hiểu biết rộng về các mảng đề tài trong cuộc sống, một nhà báo tài năng phải có khả năng viết chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định. Nhà báo phải am tường về lĩnh vực mà anh ta viết và xét ở một góc độ nào đó anh ta là một chuyên gia. Nhiều tờ báo nước ngoài có nhà báo là chuyên gia trong các ngành. Họ viết báo không với tư cách là nhà khoa học mà là nhà báo thực thụ.Vì vậy, đối với một nhà báo, quan trọng nhất là nền tảng kiến thức.
Khoa báo chí Đại học Matxcova có 3000 sinh viên đang theo học và phát triển với nhiều hướng đào tạo: sử dụng công nghệ mới, phương tiện truyền thông hiện đại, giảng dạy theo phương pháp đối thoại. Những thay đổi trong phương pháp đào tạo báo chí này hứa hẹn một nền báo chí Nga trong tương lai khởi sắc.
Những nhà báo được xã hội công nhận là những trí thức, những người hiểu biết nhưng thực tế sự phát triển của đội ngũ nhà báo về năng lực và số lượng chưa thực sự tương xứng với kì vọng của đông đảo công chúng. Trong tương lai không xa, khi mà nền báo chí hiểu biết, cung cấp thông tin, tri thức phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì nhà báo càng cần nỗ lực không ngừng trong việc trau dồi kĩ năng và tích lũy kiến thức. Vấn đề niềm tin của công chúng vào báo chí sẽ không đáng lo ngại nếu đội ngũ những người làm báo đáp ứng được những tiêu chí khắt khe nhất của nghề nghiệp. Nhà báo “giỏi” sẽ cho ra đời những tác phẩm báo chí hay, xuất sắc và thu hút công chúng.
Lê Thị Huế
Lớp báo mạng điện tử k28, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nguồn: Tạp chí Người làm báo
Thành lập Trung tâm báo chí Festival Đờn ca tài tử quốc gia
Submitted by nlphuong on Wed, 26/02/2014 - 10:30Ngày 23-2, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia cho biết: UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quyết định về việc thành lập Trung tâm báo chí phục vụ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần 1 – Bạc Liêu 2014. Trung tâm đặt tại số 4, đường Phan Đình Phùng, do ông Trần Quốc Nông, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bạc Liêu làm giám đốc.
Trung tâm Báo chí đã ra mắt trang thông tin điện tử Festival Đờn ca tài tử tại địa chỉ http://festivaldcttquocgia.baclieu.gov.vn, để đăng tải, cập nhật các tin, bài, hình ảnh và các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành có liên quan đến Festival nhằm phục vụ yêu cầu tuyên truyền, tra cứu thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức…
Theo kế hoạch, Trung tâm Báo chí được lắp đặt khoảng 20 máy tính kết nối mạng nhằm phục vụ việc viết tin, bài của các phóng viên báo chí trong và ngoài nước đến tác nghiệp trước, trong thời gian diễn ra Festival tại Bạc Liêu từ ngày 20 đến 25-4-2014.
Nguồn: SGGP
Phóng viên thường trú Đài THVN kể chuyện tác nghiệp ở "chiến trường" Kiev
Submitted by nlphuong on Mon, 24/02/2014 - 08:41Ngay sau khi những hình ảnh khốc liệt tại quảng trường Độc lập - Kiev, Ukraine do nhóm PV thường trú của Đài THVN ghi lại lên sóng, khiến khán giả cả nước cảm phục và đón chờ, VTV Online đã có cuộc trò chuyện ngắn và hết sức đặc biệt với PV Duy Nghĩa và quay phim Chu Thái - những người trực tiếp có mặt tại khu vực đang trở thành "chiến trường".
Quảng trường Độc lập là một trong những điểm nóng tại Kiev nơi xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình. Nhóm PV thường trú ở Kiev đã có những hình ảnh trực tiếp, cận cảnh tại đó như thế nào?
PV Duy Nghĩa: Quảng trường Độc Lập của Kiev - một quảng trường được coi là đẹp có tiếng ở châu Âu đã biến thành một bãi chiến trường thực sự: hoang tàn và bẩn thỉu. Bụi khói mù mịt. Người ta cậy đá lát đường để làm vũ khí tấn công. Những tự vệ được vũ trang bằng áo mũ chống đạn, gậy, mặt nạ… được tổ chức thành từng phân đội di chuyển liên tục từ quảng trường lên các “điểm nóng” thay phiên nhau chống trả lại cảnh sát. Quy củ và chuyên nghiệp là điều có thể nhận thấy trong hàng ngũ của quân chống đối chính phủ.
PV Duy Nghĩa tại Quảng trường Độc lập Ukraine (Ảnh: VTV Online) |
Để tiếp cận thấy được những cảnh tượng này chúng tôi đã được sự trợ giúp rất nhiệt tình, trách nhiệm của đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine từ đón tại sân bay, thuê khách sạn đến đưa đến nơi đang có chiến sự. Cẩn thận, cảnh giác, đảm bảo an toàn khi tác nghiệp là điều các anh thường nhắc nhở chúng tôi.
Người tháp thùng chúng tôi đi tác nghiệp là anh Ứng Quốc Bình, phụ trách báo chí của sứ quán, nguyên là phóng viên ảnh chiến trường nên có rất nhiều kinh nghiệm trong các tình huống như thế này. Ngoài ra với chút “máu” nghề nghiệp của anh em chúng tôi nên đã có được những hình ảnh như bạn xem truyền hình đã được chứng kiến.
Quay phim Chu Thái: Ban đầu chúng tôi cũng chỉ định đứng ngoài để quay nhưng khi tới đó chúng tôi rất muốn vào bên trong. Khi đó chúng tôi sẽ gần hiện trường hơn, hình ảnh sẽ chất lượng và chân thực hơn. Hy vọng những hình ảnh được chúng tôi ghi lại trực tiếp sẽ giúp quý vị khán giả hình dung ra một phần những khốc liệt đang diễn ra tại đây.
Quay phim Chu Thái và PV Duy Nghĩa tác nghiệp tại Quảng trường Độc lập Ukraine (Ảnh: VTV Online) |
Tác nghiệp khi có cháy nổ và có cả súng bắn tỉa, các anh có trang bị gì không và tác nghiệp ra sao trong hoàn cảnh đó?
PV Duy Nghĩa: Thực ra thì chúng tôi cũng hơi “liều” khi đến một điểm nóng như vậy mà không hề có trang bị chuyên dụng nào. Trước khi lên đường Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền đã nhắc nhở về đảm bảo an toàn khi tác nghiệp cho phóng viên, trang bị áo mũ chống đạn. Nhưng vì nhiều lý do mà chúng tôi không kịp mua. Và ngoài ra tâm niệm rằng mình là phóng viên Việt Nam - một quốc gia thân thiện với người Ukraine nên chắc chả ai làm gì mình. Việc còn lại là anh em nhắc nhau cẩn thận, khi Chu Thái tác nghiệp thì tôi “canh chừng” chống lưng. Còn khi tôi dẫn thì anh em trông chừng lẫn nhau.
Nói chung đối với phóng viên nước ngoài nói chung, nhất là người Việt Nam thì cả người biểu tình lẫn cảnh sát đều có ít nhiều cảm tình. Mỗi khi được biết là phóng viên Việt Nam những người Ukraine tỏ ý thân thiện ngay và còn mời chè nóng, bánh mì kẹp dăm bông và chỉ dẫn rất tận tình.
Quay phim Chu Thái: Quảng trường vô cùng hỗn loạn. Phía trên đầu thì có súng bắn tỉa, khói bay mù mịt. Tôi phải dùng máy quay cỡ nhỏ, ghi lại thật nhanh tất cả những gì đang diễn ra.
Và đúng như anh Nghĩa chia sẻ, điều vui nhất là khi đi tới đâu, mọi người đều hỏi "anh ở đâu đến?". Khi chúng tôi bảo mình là người Việt Nam, mọi người đều dẹp đường cho chúng tôi đi và tác nghiệp. Mọi người bảo họ yêu Việt Nam. Đó cũng là chi tiết rất đáng nhớ.
Khán giả đã thấy mức độ nguy hiểm ở đó qua hình ảnh nhưng thực tế gì sao? Anh có thể miêu tả kĩ hơn đôi chút và thực sự là các anh có thấy sợ không khi tác nghiệp trong hoàn cảnh như vậy?
Máy quay nhỏ được quay phim Duy Thái sử dụng để ghi lại những hình ảnh khốc liệt tại Kiev ngày hôm qua 20/2 (Ảnh: VTV Online) |
PV Duy Nghĩa: Đương nhiên là sợ, đó là một cảm giác tự nhiên của bất cứ ai. Chỉ sau vài phút khi hoà mình vào dòng người tại đây và say sưa sáng tác thì cảm giác đó cũng không còn nữa. Tuy nhiên qua loa phóng thanh, người ta thông báo về sự chuyển quân của cảnh sát, cảnh báo về có sự hiện diện của lính bắn tỉa thì cảm giác lo ngại cũng đôi lúc trào lên, nhất là khi xong việc, trên đường rút về để kịp giờ phát sóng.
Quay phim Chu Thái: Khi xông vào Quảng trường để ghi hình thì thực sự là không sợ (cười). Tại lúc đó tôi tập trung quay, ghi càng nhiều hình ảnh chân thực càng tốt. Khi quay gần xong trên loa phóng thanh có nói đến việc bắn tỉa và chuẩn bị có những đụng độ mới, cảm giác sợ mới xuất hiện. Rất may là chúng tôi đã kịp về tới khách sạn an toàn, đảm bảo giờ phát sóng với những hình ảnh như các bạn đã thấy.
Vừa tác nghiệp lại vừa phải gửi tin bài về nước, tham gia các cuộc điện thoại trực tiếp? Anh có thể kể thêm về quá trình "trực chiến" của nhóm PVTT của VTV tại Kiev hiện nay?
PV Duy Nghĩa: Chuẩn bị nội dung, ăn sáng, ghi hình, phát tin, ăn trưa, chuẩn bị cho các bản tin tiếp theo, ăn tối, tiếp tục cho bản tin Chào sáng và nội dung cho buổi hôm sau là lịch làm việc của nhóm phóng viên thường trú chúng tôi tại các điểm nóng như ở Kiev.
Trong khi tôi vùi đầu vào bài vở thì Chu Thái lo việc ăn uống với món mì tôm, trứng rán và thịt nguội truyền thống. Để có thể làm được như vậy, chúng tôi được sự hỗ trợ rất chuyên nghiệp của các chị em phòng Quốc tế - Ban Thời sự. Một điều rất quan trọng là chúng tôi nhận được sự quan tâm, động viên của các bà vợ. Cũng là một phóng viên, vợ tôi trợ giúp rất nhiều trong việc theo dõi tin tức, giúp cung cấp thông tin, sự kiện mà trong khi đi tác nghiệp tôi không kịp theo dõi.
Ngoài các phóng sự, nhóm PV thường trú Đài THVN đã cung cấp thêm thông tin cho khán giả bằng những cuộc điện thoại trực tiếp (Ảnh: VTV Online) |
Tình hình ở Ukraine còn diễn biến rất phức tạp, kế hoạch tác nghiệp của các anh trong những ngày tới ra sao?
Tình hình ở Kiev sẽ còn diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, nhất là khi cảnh sát Ukraine chính thức được xử dụng vũ khí trong việc duy trì trật tự. Điều này sẽ làm cho độ an toàn khi tác nghiệp càng trở nên mong manh.
Tình hình mà xấu đi nữa thì tại đây sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và điều đó có nghĩa là công việc của chúng tôi sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng vẫn sẽ bám sát sự kiện để kịp thời có những tin bài đáp ứng sự trông đợi của khán giả truyền hình cả nước.
Cảm ơn vì cuộc trò chuyện trong hoàn cảnh đặc biệt này!
Nguồn: VTV Online
4 nhà báo đưa tin “người thổi còi” Edward Snowden giành giải báo chí Mỹ
Submitted by nlphuong on Sat, 22/02/2014 - 23:35Nếu với chính phủ Mỹ, “người thổi còi” Edward Snowden là “kẻ tội đồ” đang bị truy đuổi gắt gao thì công chúng Mỹ lại cho rằng đây là vị “anh hùng” đã giúp họ phơi bày bộ mặt thật về lực lượng tình báo Mỹ. Bằng chứng là, giải thưởng báo chí danh giá George Polk lần thứ 65 của Mỹ đã được trao cho 4 nhà báo chuyên viết về sự kiện Edward Snowden trong năm qua, gồm Glenn Greenwald, Ewen MacAskill, Laura Poitras và Barton Gellman.
Giải thưởng cho 4 người
Giải thưởng báo chí George Polk lần thứ 65 đã được Ban Giám đốc Đại học Long Island công bố hôm 17/2. Theo đó, 3 nhà báo của tờ The Guardian (Anh) là Glenn Greenwald, Ewen MacAskill, Laura Poitras và nhà báo Barton Gellman của tờ Washingtonpost (Mỹ) được bầu chọn với số phiếu cao nhất vì những bài báo sâu sắc, đầy tính nhân văn nhưng cũng rất lý thú của họ về an ninh quốc gia dựa trên các tài liệu do “người thổi còi” Edward Snowden cung cấp.
Theo tin từ hãng AP, việc lựa chọn tên tuổi của 4 nhà báo nói trên vào trong danh sách là sự nỗ lực rất lớn của ban giám khảo bởi trước đó, họ đã nhận được rất nhiều lời cảnh báo từ chính quyền về việc nên gạt những nhà báo liên quan đến Edward Snowden ra khỏi danh sách lựa chọn. Nhưng rồi sự thật và niềm mong đợi của công chúng đã thắng. Một thành viên trong ban giám khảo cho biết, giải thưởng George Polk được thành lập ngày 11/4/1949 để vinh danh phóng viên hãng CBS George W.Polk, người đã bị sát hại khi tham gia đưa tin về cuộc nội chiến ở Hy Lạp. Từ đó đến nay, giải thưởng này đã trở thành một trong những nơi vinh danh sự cống hiến của các nhà báo trong và ngoài nước Mỹ bằng những bài báo điều tra nóng hổi, gây chú ý.
Glenn Greenwald, Laura Poitras, Barton Gellman và Ewen MacAskill. |
Năm nay, loạt bài về chương trình do thám quy mô lớn của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do 4 nhà báo nói trên thực hiện không chỉ tạo nên một cú hích mạnh vào làng báo Mỹ mà còn gây chấn động dư luận quốc tế. Điều đáng nói là mỗi nhà báo đều có một cách tiếp cận khác nhau và mang lại cái nhìn toàn cảnh cho độc giả về chân tướng chương trình PRISM cũng như các hoạt động phi pháp khác của NSA và các cơ quan tình báo nước ngoài khác như Cơ quan Thông tin chính phủ Anh (GCHQ)…
Và câu chuyện về cách tiếp cận thông tin
Những ai từng hồi hộp theo dõi thông tin đăng tải trên hai tờ The Guardian và Washingtonpost về Edward Snowden sẽ cảm thấy rất thú vị khi cùng lúc có thể nhìn câu chuyện tiết lộ bí mật của NSA ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu như Barton Gellman khá thận trọng và sử dụng tài liệu của Edward Snowden để tạo nên một cuốn sách viết về ngành công nghiệp do thám đầy hiểm họa của Mỹ khi Edward Snowden tìm đến anh hồi tháng 2 năm 2013 thì Glenn Greenwald và Laura Poitras lại thức thời và có cái nhìn nhạy bén trước một vấn đề có khả năng sẽ thu hút độc giả. Họ đã sử dụng các công nghệ hiện đại cùng sự nhiệt huyết của nghề và sức mạnh của tuổi trẻ để làm nên thiên phóng sự đặc sắc về chuỗi ngày trốn chạy của Edward Snowden kể từ khi anh rời Mỹ tới Hong Kong và Nga.
Còn Ewen MacAskill, tuy là người cuối cùng trong 4 nhà báo nói trên tham gia đưa tin về sự kiện này nhưng lại “lao” vào nghề với một sự say mê và mạo hiểm đến kỳ lạ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hồi cuối năm ngoái, “người thổi còi” Edward Snowden từng khẳng định rằng anh lựa chọn 4 nhà báo để đi tiếp con đường mà anh đã dựng kể từ khi tiết lộ thông tin mật của NSA bởi phẩm chất trung thành với sự thật của những người này. Với anh, họ chính là những nhà báo không sợ hãi.
Nói thế quả không ngoa bởi Glenn Greenwald, Laura Poitras và Barton Gellman là những phóng viên đầu tiên được tiếp xúc với Edward Snowden thông qua một nick trên mạng Internet. Và cũng chính Glenn Greenwald, Laura Poitras đã dũng cảm lên kế hoạch giúp Edward Snowden trốn khỏi Mỹ và thực hiện một phóng sự độc nhất vô nhị bằng lời và hình ảnh về cựu nhân viên CIA tại nơi ẩn náu của anh ở Hong Kong. Cho đến giờ, Glenn Greenwald và Laura Poitras vẫn là những người lưu giữ được nhiều nhất lượng tài liệu mà Edward Snowden cung cấp. Họ cũng đã cùng anh trải qua mọi khó khăn, thậm chí mọi đe dọa từ lực lượng an ninh Mỹ.
Ít ai có thể ngờ được rằng, trong những ngày tháng 6 khi Edward Snowden còn ở Hong Kong, nhà riêng của Glenn Greenwald từng bị nhân viên CIA lục tung. CIA thậm chí còn “truy lùng” Glenn Greenwald và lập kế hoạch bắt giữ bạn trai của anh là David Miranda tại sân bay Heathrow của Anh. Nhưng mọi hành động này đều thất bại và CIA chẳng thể ngăn chặn được dòng chảy thông tin về chương trình nghe lén mà hằng ngày Glenn Greenwald vẫn tung ra.
Ngược lại, những hành động của CIA và tình báo Anh càng thôi thúc nhà báo Glenn Greenwald cùng các bạn mình lập kế hoạch để bảo vệ bằng được những bí mật quý giá mà họ đang nắm giữ. Và trong lúc Glenn Greenwald “trưng khuôn mặt” của mình ra để đánh lừa CIA thì tại một căn hộ bí mật ở Berlin (Đức), Laura Poitras liên tục đưa ra các đoạn phim tư liệu của mình về chương trình do thám PRISM cũng như Edward Snowden. Ewen MacAskill thì thực hiện nhiệm vụ kết nối các thông tin và chuyển nó cho các tờ báo nước ngoài khác để cùng một lúc tạo nên làn sóng thông tin về chương trình PRISM khiến NSA không kịp trở tay. Việc này cũng có sự giúp sức khá mạnh mẽ từ phía Barton Gellman. Chính anh đã tập hợp các cây bút kỳ cựu trong làng báo chí Mỹ để tìm sự ủng hộ cho hoạt động của nhóm nhà báo thuộc tờ The Guardian. Mỗi người mỗi việc, họ đã tạo nên thế trận mạnh chưa từng có trong làng báo thế giới, buộc Mỹ - quốc gia vẫn tự cho mình là quyền lực nhất thế giới cùng đồng minh thân cận là Anh phải bó tay trước dòng chảy thông tin như vũ bão.
Đặc biệt, với sự trợ giúp 4 nhà báo này, số phận của Edward Snowden đã thay đổi. Không chỉ nhận được sự cảm thông, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế mà ngược lại, Edward Snowden còn trở thành hình tượng mới trong lòng giới trẻ thế giới. Mới đây nhất, “người thổi còi” đã được làm đại diện hội sinh viên (với nhiệm kỳ 3 năm) của trường Đại học Glasgow, một trong những ngôi trường lâu đời nhất Scotland sau khi vượt qua 3 ứng cử viên khác trong cuộc bỏ phiếu chọn đại diện hội sinh viên qua mạng
Khánh Chi
Nguồn: cand.com.vn
Một nhà báo bị nhốt, đánh đến nhập viện vì từ chối phong bì?
Submitted by nlphuong on Sat, 22/02/2014 - 22:20Nhà báo Nguyễn Thanh Luận (báo Thanh tra tại Gia Lai) tố cáo, trong lúc điều tra một vụ việc có dấu hiệu sai phạm, anh bị một số cán bộ, nhân viên BQL các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Phú Thiện nhốt, đánh phải nhập viện.
Phóng viên Thanh Luận cho biết, ngày 17/2, anh cùng chị Bùi Kim Yến (báo Pháp Lý online) xuống huyện Phú Thiện (Gia Lai) tìm hiểu về một số sai phạm tại bờ kè sông Ia Sol. Trưa cùng ngày, trong lúc ăn cơm tại một quán ăn trên địa bàn huyện, PV Thanh Luận và Kim Yến được ông Võ Quốc Trung, Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (BQL) huyện Phú Thiện dúi cho mỗi người một phong bì. 2 PV này từ chối nhận nhưng ông Trung vẫn cố tình nhét vào bao rồi bỏ đi. Sau đó, 2 PV này đã bỏ cả 2 phong bì vào một gói giấy nhờ 1 nhân viên trong cơ quan ông Trung đưa lại cho ông này.
Chiều ngày 19/2, PV Thanh Luận được người của BQL mời về nhà ông Vũ Hải Triều (phó ban) chơi và ngồi nhậu cùng ông Trung và một số nhân viên trong BQL. Tại đây, ông Thanh Luận bỗng dưng bị ông Trung tát vào mặt 4 cái. Thấy có chuyện không hay xảy ra, ông Thanh Luận liền ra lấy xe để đi về thì bị ông Trung cùng nhân viên của mình tên là Đôn lao đến xô ngã, đánh đập, ngăn không cho về.
Sau đó, nhà báo Thanh Luận bị ông Trung cùng 2 nhân viên là Đôn và Khanh “áp tải” lên xe máy chở về một ngôi nhà nhốt và đánh. Không chỉ vậy, ông Trung cùng nhân viên của mình đã lột quần áo của PV này để lục soát người, rồi sau đó thu giữ 2 chiếc điện thoại, máy ghi âm, ví đựng giấy tờ cùng một số tài liệu của PV Thanh Luận. Bị nhốt, đánh đập chảy nhiều máu trong khi trên người chỉ được mặc duy nhất chiếc quần đùi nên PV đã cố tìm cách trốn thoát. Đến khoảng 5h sáng ngày 20/2, lợi dụng lúc ông Trung cùng 2 nhân viên của mình ngủ say, anh Thanh Luận đã chạy trốn khỏi nơi bị nhốt và chạy vào nhà dân cầu cứu. Sau đó, anh Luận được người dân cho mượn quần áo và đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thiện cấp cứu.
PV Thanh Luận đang được bác sĩ khám, điều trị tại bệnh viện |
Sau khi được các y, bác sĩ bệnh viện huyện Phú Thiện chữa trị, chiều ngày 21/2, PV Thanh Luận đã được người nhà chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị. Anh Luận cho biết, do lo sợ tiếp tục bị trả thù nên anh đã chuyển viện.
Bác sĩ Phạm Chí Quang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thiện - cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thanh Luận vào lúc 8h30’ ngày 20/1, trong tình trạng đa chấn thương phần mềm ở mặt, tay, mông phải. Bệnh viện cũng đã tiến hành xét nghiệm lâm sàng nhưng chưa thấy phát hiện gì thêm. Các vết thương đã cầm được máu nhưng vẫn còn sưng nề.
Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Lê Quang Trung - Phó trưởng Công an huyện Phú Thiện - cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin trên, nhà báo Thanh Luận cũng đã trình bày với Công an về việc bị cán bộ BQL đánh gây thương tích, cướp tài sản và bắt giữ người trái pháp luật. Công an đang điều tra sự việc, và qua quá trình điều tra làm rõ thì sự việc cố ý gây thương tích cho nhà báo Thanh Luận là có thật. Còn vấn đề cướp tài sản và bắt giữ người trái pháp luật thì cơ quan công an đang tiếp tục điều tra.
Công văn của lãnh đạo huyện Phú Thiện yêu cầu công an điều tra sự việc |
Ông Lê Quang Trung cũng cho biết, ông Võ Quốc Trung đã khai nhận có đánh nhau với anh Luận trong lúc uống rượu do anh Luận đã xúc phạm lãnh đạo huyện. Việc đưa phong bì thì ông Trung từ chối, nói không có.
Những tài sản của nhà báo Thanh Luận bị nhóm ông Trung lấy như điện thoại, ví, máy ghi âm, trưa ngày 20/1, nhân viên ông Quốc Trung đã giao lại cho Công an huyện. Còn máy ghi âm thì ông Quốc Trung đã cho nhân viên niêm phong lại vì nghi đây là... kíp mìn (?). Giải thích nguyên nhân những tài sản trên nằm trong tay ông Quốc Trung, ông Quang Trung cho biết, ông Quốc Trung khai do trong lúc xô xát nó văng ra từ túi PV Luận nên nhân viên của ông Trung đã nhặt và giữ giúp (?). Công an huyện đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
PV cố gắng liên hệ với ông Võ Quốc Trung để làm rõ thực hư sự việc thì ông này thoái thác bằng nhiều câu trả lời khác nhau: Ông đang đi trên đường, đang bận tiếp khách, đang nằm bệnh viện và đang được bác sĩ tiêm thuốc nên lúc khác sẽ gọi lại...
Một số người dân sống trên địa bàn huyện Phú Thiện cho biết, những năm gần đây nhà báo Thanh Luận liên tục phanh phui những sự việc sai phạm của cán bộ sở tại, giúp người dân lấy lại công bằng nên rất được người dân quý mến. Vì vậy, khi biết nhà báo Thanh Luận bị hành hung phải nhập viện, nhiều người dân đã tình nguyện đến đây bảo vệ nhà báo.
Thiên Thư
Nguồn: Báo Dân trí