Nghề báo
Chúng tôi làm phim “Bác Hồ trong trái tim người lính”
Submitted by nlphuong on Sun, 12/06/2011 - 10:52(ICTPress) - Tác phẩm phim “Bác Hồ trong trái tim người lính” là một trong hai bộ phim tài liệu công phu của Trung tâm Hợp tác báo chí Truyền thông quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình chiếu trên VTV4, tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài nhiều lần trong năm 2010 đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước.
(ICTPress) - Tác phẩm phim “Bác Hồ trong trái tim người lính” là một trong hai bộ phim tài liệu công phu của Trung tâm Hợp tác báo chí Truyền thông quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình chiếu trên VTV4, tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài nhiều lần trong năm 2010 đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Bộ phim này được Ban tuyển chọn Giải báo chí TT&TT lần thứ 7 năm 2010 trao giải A. Nhân dịp này, xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ của nhà báo Trần Bình Tám, người xây dựng kịch bản bộ phim này về ý tưởng và nhật ký đoàn làm phim.
1. Ý tưởng khai thác những kỷ niệm sâu sắc
Không phải ngẫu nhiên mà cái tên “Anh bộ đội Cụ Hồ” được nhân dân dành tặng riêng cho những người chiến sỹ. Nó xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Hình tượng “Cụ Hồ” và “Anh bộ đội” chính là biểu tượng cao đẹp trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Phóng sự tài liệu “Bác Hồ trong trái tim người lính” sẽ giới thiệu với độc giả hình ảnh bình dị nhưng vô cùng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim những chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. Ở đó người xem sẽ gặp lại hình tượng Hồ Chí Minh là người chỉ huy quân đội, là chiến sỹ trong tất cả các quân binh chủng, là một Chủ tịch nước thiên tài đức độ, một danh nhân văn hoá của thế giới thông qua những lời kể, những hồi ức của các tướng lĩnh và cựu chiến binh qua câu chuyện về những lần được gặp Bác.
Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhiều nhà làm phim khai thác ở các góc độ khác nhau: Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa, chính trị, quân sự, lãnh tụ vĩ đại, người bạn Quốc tế mẫu mực… Thực tế ở phim “Bác Hồ trong trái tim người lính” lấy cảm hứng từ cái tên (Anh bộ đội Cụ Hồ) vừa gần gũi thân thương, tình cảm và giản dị…
Cách khai thác nhân vật trong phim là khai thác những kỷ niệm sâu sắc của người lính mỗi khi được gặp Bác Hồ.
Thông qua những lời kể, người xem một lần nữa thấy được tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho lực lượng vũ trang là vô bờ bến - đồng thời hình ảnh của Bác sẽ sống mãi trong trái tim những người lính mang tên Bác.
2. Nhật ký làm phim nhiều kỷ niệm
Sáng sớm đoàn làm phim chúng tôi lên đường, xe lăn bánh rời Hà Nội một lúc thì mặt trời vừa ló rạng Đông. Không khí bắt đầu ngột ngạt, được cái đường đi tốt, không tắc nghẽn nên xe lăn bánh một mạch hơn 100km để về đến TP. Thanh Hóa. Nơi chúng tôi tìm đến là ngôi nhà số 310 nằm trên con phố Trường Thi yên tĩnh của Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển. Bà Tuyển đón chúng tôi bằng chất giọng đặc sệt Xứ Thanh:
- Tụi bay đến rồi hả, đã ăn sáng chưa?
Chúng tôi cảm ơn Bà và vào việc luôn. Thưa Chị, à quên mất, cho phép em gọi là Chị nhé! Bà cười hiền khô và gật đầu nói: Tau với mi thì gọi là chi cũng được.
Tôi vào đề bằng sự khống chế thời gian: Chị chỉ kể cho em câu chuyện mà suốt đời chị chẳng thể nào quên ấy nhé, nhớ là phải kể chính xác, nếu quá xúc động thì chị cứ việc khóc tự nhiên.
- Thôi mi đừng giỡn tau nữa, để yên tau nhớ lại coi, ba bốn lần gặp Bác chứ có phải một lần mô.
Rồi bà kể, mặc dù đoạn kể đầu chưa đúng mạch phim của chúng tôi nhưng kể được một đoạn tôi lại thấy hấp dẫn quá. Chả là lần đầu được gặp Bác, bà Tuyển mới chỉ biết bập bõm vài chữ, mặc dù lúc ấy bà đã là nữ dân quân của Nam Ngạn Hàm Rồng.
Bác biết chuyện đã khen ngợi tinh thần dúng cảm dám xả thân vì quê hương đất nước và động viên bà tranh thủ học chữ, vừa đánh giặc vừa tự học, khi nào hết giặc sẽ có điều kiện học tiếp. Ghi nhớ lời Bác dạy, bà Tuyển đã cố gắng theo học hết lớp 10 và tốt nghiệp Trường Sỹ quan Chính trị.
Câu chuyện xúc động nhất của người nữ Anh hùng Xứ Thanh chính là những ngày cuối cùng của Bác tại Thủ đô Hà Nội. Bà vừa khóc vừa kể: “Tôi có vinh dự và cũng thật sự đau khổ khi được ở gần bên Bác trong những giờ phút Người sắp ra đi. Cứ 5 phút thì lại có một đồng chí ra thông báo tình hình sức khỏe của bác một lần, chúng tôi lo lắng lắm, cứ muốn kéo dài những lần đồng chí Đại tá Bác sỹ ra thông báo sức khỏe của Bác mà không được.
Tin Bác mất làm tôi tan nát tâm can. Nhưng các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quán triệt: “Bác mất là một tổn thất to lớn cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhưng chúng ta sẽ biến đau thương thành hành động…”. Khi linh cữu của Người được đặt ở hội trường Ba Đình, tôi có vinh dự được đứng túc trực bên Bác. Ban tổ chức quy định đến phiên người khác vào thay thì chỉ cần chạm khẽ vào vai là mình lùi xuống, vậy mà người vào thay tôi đã chạm mấy lần vào vai mà tôi vẫn đứng nguyên như trời trồng… Ngừng kể hồi lâu, bà mới nói lại được trong tiếng nấc:
- Chị như bị chết đứng mà em.
Bây giờ Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển đã nghỉ hưu, bà vẫn tham gia các công tác xã hội như Chi hội trưởng Cựu Chiến binh phường, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học… Và ở bất cứ đâu, bất cứ buổi nói chuyện nào cho thế hệ trẻ, câu chuyện về Bác Hồ luôn thấm đẫm trong trái tim người Cựu Chiến binh Xứ Thanh Anh hùng ấy.
Tạm biệt Anh Hùng Ngô Thị Tuyển, xe chúng tôi lại lên đường vào đến Lao Bảo - Quảng Trị. Mặc dù ngồi trong xe nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cái nắng, cái nóng và không khí ngột ngạt gió Lào của Trường Sơn vào mùa hạ. Dọc đường đi, ngoài anh lái xe mải quan sát đường xá, còn lại đạo diễn, quay phim, biên tập rất ít nói chuyện với nhau. Có lẽ mỗi người đang nhớ về vùng đất này hơn 35 năm trước… Đông Hà - Quảng Trị, Khe Sanh, A Sầu, A Lưới, Tà Cơn, Làng Vây… những địa danh đi qua một thời khói lửa và đau thương, nay cuộc sống đã và đang thay da đổi thịt. Cảnh quay tiếp theo của chúng tôi tại Thị trấn A Lưới, nơi có hai Anh hùng lực lượng vũ trang thời đánh Mỹ là Căn Lịch và Hồ Vai.
Anh hùng Hồ Vai nay đã ở độ tuổi 70 nhưng vẫn hăng hái tham gia làm kinh tế gia đình vì như ông nói: “Phần để nâng cao đời sống, phần để giúp bà con người Pa Cô còn gặp khó khăn”. Tôi hỏi ông giúp họ bằng cách nào? Ừ, thì bà con thiếu gạo, thiếu muối thì tôi sẵn sàng cho vay, vay không lấy lãi, bao giờ bà con có thì trả, lâu lâu trả cũng được mà… Rồi ông cười, Bác Hồ khi còn sống đã dạy tôi thế, Bác bảo rằng: “Cái gì đúng thì khó đến mấy cũng phải làm, cái gì sai thì dù nhỏ đến mấy cũng phải tránh”. Người Anh hùng thủa nào bỗng chùng giọng xuống, ông nhìn ra dãy núi xa xa trước cửa nhà mình như muốn tìm lại quá khứ, dù rất lâu rồi nhưng với ông những kỷ niệm về Bác Hồ hình như nó mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.
Cách không xa nhà Anh hùng Hồ Vai là nhà Anh hùng Căn Lịch. Bà tiếp chúng tôi bằng nụ cười hồ hởi, còn chất giọng thì quá đặc trưng, rất khó phát âm các từ có dấu nặng.
Đồng chí Huyện đội trưởng Huy Đức biết tin có đoàn làm phim vào A Lưới để xin ghi hình hai người Anh hùng thời đánh Mỹ đã tranh thủ đến thăm “Mẹ” Căn Lịch và thông báo là Mẹ sắp được cấp phát một bộ quân trang mới. Bà rất mừng, cứ nắm lấy tay Huy Đức nhắc đi nhắc lại: Tốt rồi, tốt rồi…
Sau mấy lời thăm hỏi sức khỏe và các công việc thường ngày, người nữ Anh hùng đã dành cho tôi câu chuyện được gặp Bác Hồ: “Tôi được tin sắp được ra Bắc gặp Bác, ấy vậy mà chưa kịp vui thì cơn sốt rét ác tính lại đổ vào người mình, miên man mấy ngày không tỉnh, tôi kiệt sức và chết… Chết mấy tiếng đồng hồ.
Các đồng chí ở trong này điện ra báo cáo, Bác Hồ nói là phải tìm cách đưa xác tôi ra Bắc để chôn, nhưng khi sắp liệm thì tôi mơ màng tỉnh lại, tôi thay mẹ mình lay gọi mãi: Dậy, dậy đi con! Đến khi mở được mắt ra, thấy tay chân mình đã được buộc chặt, chao ôi, thiếu chút nữa là mình chui vào cái áo quan. Cô y tá thấy tôi giãy giụa liền kêu toáng lên: Ma, ma Căn Lịch sống lại rồi các đồng chí ơi! Khi biết tin tôi sống lại, Bác Hồ đã điện cho các đồng chí ở trong này là tìm mọi cách đưa tôi ra Hà Nội trong vòng một tuần và khoảng 6 ngày sau vào một buổi tối tôi đến được số nhà 36, phố Lý Nam Đế. Chưa kịp định thần thì có một đồng chí bộ đội già bước vào. Ông ấy nói: Chào cô, tôi là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đây! Cô đã khá chưa, cố gắng ăn uống để sáng mai vào gặp Bác Hồ nhé! Nghe nói thế, bệnh mình như hết hẳn, chết nỗi cái lưỡi của tôi lại bị đau do mấy lần hôn mê co giật đã nghiến đứt một miếng, không ăn được, chỉ uống nước cháo và sữa thôi.
Sáng hôm sau, khi vào đến gần nhà Bác chân tôi như khịu xuống, cô y tá và các đồng chí trong đoàn phải xốc nách dìu tôi. Bác ra tận cửa nắm tay tôi đưa vào nhà khách, biết tôi còn mệt nên Bác hỏi chuyện rất ít. Tất cả những câu Bác hỏi, Bác dặn đến nay tôi vẫn còn nhớ như in:
- Bác hỏi: “Đơn vị cháu có nhiều nữ không?”
- Tôi nói: “Thưa Bác, đơn vị cháu toàn nữ ạ!”
- Bác lại hỏi: “Có bao nhiêu cháu?”
- “Thưa Bác hơn 60 ạ!”
- Bác hỏi tiếp: “Thế ai là chỉ huy?”
- “Thưa Bác là cháu ạ!”
- “Thế là tốt lắm, các cháu phải cố gắng thi đua với nam giới. Vậy là có hai Anh hùng nữ rồi, cháu Tạ Thị Kiều là người Kinh, còn cháu Căn Lịch là người dân tộc Pa Cô, Bác mong sẽ có nhiều nữ Anh hùng người Pa Cô và các dân tộc khác”.
Nghe giọng tôi phát âm kém, Bác đã ân cần hỏi han, biết lưỡi tôi bị đứt Bác đã không hỏi thêm. Bác nhắc các đồng chí ở nhà khách phải đưa tôi vào viện 108 ngay để điều trị vết thương và một tuần sau, với 5 mũi khâu ở lưỡi tôi đã dần bình phục…
Rồi bà khóc, nước mắt người già ít nhưng sâu sắc. Tiễn chúng tôi lên đường, bà chỉ nói nổi một câu:
- Căn Lịch vẫn nhớ lời Bác Hồ dậy mà!
Vẫn liên quan đến câu chuyện về Căn Lịch, Hồ Vai và bà con các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Đại tá Nhạc sỹ Huy Thục lại có kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ bằng việc được vào Phủ Chủ Tịch biểu diễn báo cáo Bác bài hát “Tiếng đàn Ta Lư”. Nhạc sỹ kể: Vào đêm 31/12/1968, Đoàn vào biểu diễn phục vụ Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Đồng chí Trưởng đoàn vẫn đinh ninh là tôi đã sửa bài hát này vì trước đó có ý kiến rằng giai điệu bài hát quá mạnh mẽ. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên nhạc và lời của bài hát. Vì vậy khi nghe xong bài hát, Bác đã cất tiếng hỏi: “Chú sáng tác bài hát này có ở đây không?”. Đồng chí Trưởng đoàn trả lời: “Thưa Bác có ạ!”. Ông đưa mắt tìm giữa lúc tôi đang toát mồ hôi hột. Tôi đứng dậy vừa lúc Bác cất tiếng hỏi: “Chú hiểu thế nào về bà con Vân Kiều và Pa Cô?”. Tôi thưa với Bác: “Bà con Vân Kiều và Pa Cô luôn một lòng trung thành với Cách mạng, với Bác Hồ. Dù có đói gạo, đói muối, phải ăn rau rừng, uống nước suối bà con vẫn không hề động đến một hạt gạo, hạt muối nào của bộ đội”. Tôi định nói thêm thì Bác ra hiệu cho tôi ngồi xuống: “Chú nói rất đúng và bài hát này chú sáng tác rất tốt, rất hay”.
Tôi thở phào nhẹ nhõm trước những tràng vỗ tay cổ vũ của mọi người. Thực tình trong thâm tâm, tôi muốn thưa thêm với Bác về chuyện bài hát này tôi đã sáng tác tại chiến trường Khe Sanh và đã hát cho bộ đội và đồng bào ở đây nghe. Bà con rất thích, họ còn nhận đây là bài hát của Miềng (Mình). Kỷ niệm về Bác của nhạc sỹ Huy Thục còn có ở bài hát “Tiến lên chiến sỹ đồng bào” phổ thơ chúc tết Xuân 1969 của Hồ Chủ Tịch và sau này là bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Bài hát đã được toàn quân, toàn dân đón nhận. Bài hát đã đi vào lòng người, nó như một hồi kèn xung trận và trong mỗi lòng người, nó như một hồi kèn xung trận và trong mỗi bước đường hành quân, trong mỗi trận đánh, hình ảnh của Bác luôn ở trong trái tim mỗi con người Việt Nam.
Tôi có cảm giác, tất cả những tướng lĩnh, sỹ quan, chiến sỹ, dân quân thời chống Pháp và chống Mỹ đã được gặp Bác Hồ một lần hoặc nhiều lần đều có đức tính khiêm nhường và ít nói. Trung tá Cựu Chiến binh Lưu Văn An hiện đang ở số 24/25 Phan Đình Phùng - Hà Nội, người mà cuối năm 1953 đã nuôi và chăm sóc hai con ngựa cho Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đã kể ngắn gọn như sau: “Tôi còn nhớ vào cuối năm 1953, tôi đang công tác ở văn phòng Chính phủ thì được lệnh đi chăn và thuần dưỡng hai con ngựa để Bác Hồ cưỡi mỗi khi đi công tác xa. Khi ấy tôi mới 18 tuổi, chưa có kinh nghiệm gì về việc thuần dưỡng ngựa, cũng may có một chuyên gia thường xuyên hướng dẫn nên chỉ một thời gian ngắn tôi đã thuần phục được hai con ngựa. Nó khôn lắm, mỗi lần Bác chuẩn bị lên lưng thì nó lại quỳ chân để hạ thấp người xuống…
Tôi nhớ nhất là những lần châm thuốc cho Bác hút, thường thì cứ một tiếng Bác lại hút một điếu. Tôi nhớ cả những lần đi ăn cơm ở nhà bếp, Cụ cũng mặc áo may ô và quần ngắn như mọi người, thật khó mà nghĩ rằng đó là vị Chủ tịch nước, thật sự Cụ cũng giản dị như người dân bình thường thôi”.
Ông An chỉ nói được vậy, tôi gặng hỏi thêm nhưng ông lắc đầu vì theo ông chuyện về việc “Theo chân Bác” thì có kể cả đời cũng không hết, hơn nữa, theo ông nghĩ chỉ cần một mẩu chuyện nhỏ về cuộc đời hoạt động của Cụ cũng đủ cho mọi người học theo rồi.
Rời nhà ông An, đoàn làm phim vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đúng vào thời điểm đông khách nhất. Thiếu tướng Giám đốc Bảo tàng - Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương tiếp chúng tôi bằng những lời kể ngắn gọn về hai lần ông được gặp Bác Hồ. Cái lần làm ông nhớ nhất là năm ông mới 10 tuổi, trong một lần bác về thăm Thanh Hóa, ông đã được vinh dự cùng 9 học sinh tiêu biểu khác của tỉnh được đi gặp Bác Hồ. Khi ấy tôi hồi hộp lắm, được chạy vào ôm Bác và cùng với mọi người hô “Hồ Chí Minh muôn năm, Bác Hồ muôn năm”.
Bảy năm sau tôi vào bộ đội, tham gia nhiều trận đánh, thương tật đầy mình. Mặc dù được phong tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng mỗi khi nghĩ đến lời dạy của Người tôi lại cảm thấy mình vẫn còn nhỏ nhoi như một hạt cát. Nói đến đây vị tướng Anh hùng Lê Mã Lương, người thương binh nặng chỉ còn một con mắt bật khóc. Ông thanh minh với tôi: “Mình xúc động quá!”. Tôi nói: “Không sao đâu ạ, cho chúng tôi chia sẻ nỗi xúc động này cùng anh”.
Chia tay chúng tôi thiếu tướng Lê Mã Lương còn kể thêm lần gặp Bác vào năm 1968 khi ông từ chiến trường Quảng Trị ra viện 108 chữa trị vết thương. Khi ấy Bác Hồ đã đến tận giường bệnh thăm ông, Bác ân cần hỏi chuyện về những vết thương của tôi, sức khỏe của tôi và đồng đội, Bác dặn dò tôi đủ nhẽ, đủ điều. Chính tình cảm mộc mạc và chân thành ấy của Bác đã động viên khích lệ và theo bước chân chúng tôi đi suốt các nẻo đường, các chiến trường, cho tới trận chiến đấu cuối cùng vào buổi trưa ngày 30/4/1975.
Cảm động nhất là câu chuyện của bà Phan Thanh Hòa ở số nhà 7/14B Lý Nam Đế, Hà Nội. Mặc dù đã ở tuổi 80 nhưng lời kể của bà vẫn còn sôi nổi và rõ ràng lắm. Đó là vào năm 1953 khi các mặt trận của ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, tại chiến khu tôi được giao nhiệm vụ cùng một số cô giáo khác chịu trách nhiệm nuôi dạy 100 cháu là con em của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của quân đội. Hôm ấy đúng vào ngày 19/5, chúng tôi đang viết báo tường thì đột nhiên có tiếng hỏi phía sau: “Cô đang làm việc gì đây?”. Tôi ngoảnh lại thì thấy Bác đã ở sát bên mình, thấy tôi luống cuống Bác liền ôn tồn nói: “Cô cứ làm việc tiếp đi, mà viết bích báo về cái gì vậy?”, “Thưa Bác, chúng cháu viết về ngày sinh nhật Bác đấy ạ!”. Bác mỉm cười, cảm ơn rồi tỏ ý muốn đi thăm các cháu.
Chúng tôi đưa Bác vào lớp học, các cháu chạy ùa đến ôm chầm lấy Bác. Bác vẫy tay cho các cháu ngồi xuống rồi cất tiếng hỏi: “Cháu nào nhỏ nhất ở đây?”. Chúng tôi thưa là cháu Minh Phương ạ, vậy là Minh Phương được Bác bế lên và ôm hôn. Cái con bé ấy nhỏ nhất mà bạo dạn lắm, nó vuốt râu Bác mạnh quá làm Bác kêu lên: “Ấy! Nhẹ nhẹ thôi kẻo đứt râu của Bác”. Và tấm ảnh Bác Hồ ôm hôn bé Minh Phương đã được giữ cho đến tận bây giờ và có lẽ là mãi mãi về sau…
Trưa hôm ấy Bác nghỉ lại ở trường chúng tôi, nhưng khi Bác vừa ngả lưng thì nghe dưới chân dốc có nhiều tiếng bước chân chạy rầm rập, Bác hỏi tôi: “Có chuyện gì vậy cô?”. Tôi thưa: “Có các anh em bộ đội đóng ở gần đây muốn vào chúc mừng sinh nhật Bác lần thứ 63 đấy ạ!”. Bác nói tôi cứ khép cửa lại cho Bác ngả lưng. Vậy mà Người vừa nằm xuống thì ở ngoài sân tiếng hồ đồng thanh vang lên: “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm!”.Chẳng còn cách nào khác, Bác ngồi dậy đi ra mở cửa và hô đáp lại “Bác Hồ muốn nằm, Bác Hồ muốn nằm”. Bác cảm ơn các cháu, bây giờ hãy theo lệnh của Bác: “Tất cả đứng nghiêm, đằng sau quay! Bước đều bước”. Vậy là tất cả cán bộ chiến sỹ trật tự đi về đơn vị. Lớp học sinh mẫu giáo quân đội đầu tiên ấy nay đã ở vào độ tuổi ngoài 60, nhiều người đã là cấp tướng nhưng kỷ niệm về lớp học mẫu giáo ở chiến khu và cô giáo Hòa thì không ai quên được.
Sáng hôm sau, chúng tôi chuyển cảnh quay đến Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dòng người đến viếng Bác vẫn lặng lẽ vào Lăng dưới sự hướng dẫn của các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ngày đêm canh giấc ngủ cho Người. Thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thị Đông, người đã đoạt giải nhất toàn quốc cuộc thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tâm sự: “Là thế hệ sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, tôi chỉ được nghe thế hệ cha anh kể lại và tự tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi hiểu đất nước mình có ngày hôm nay là nhờ có sự hy sinh to lớn của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Giờ đây tôi có vinh dự được khoác trên mình màu xanh áo lính, được tham gia giữ gìn và bảo vệ thi hài của Bác để hình ảnh của Người sống mãi với dân tộc và bạn bè Quốc tế”… Cô gái Xứ Nghệ vẫn giữ nguyên chất giọng của mình, tự nhiên tôi nhớ về làng Sen, nhớ về Nam Đàn quê Bác, cũng đơn giản thôi vì hôm nay chỉ cách 19/5 chưa đầy hai tuần lễ…
Người cuối cùng chúng tôi phỏng vấn là Thiếu tướng - Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Lê Phúc Nguyên. Chẳng cần giấy tờ, chẳng cần chuẩn bị, vị tướng - nhà báo đã nói rất hay về hình tượng Hồ Chí Minh trên các trang báo Quân đội nhân dân từ khi tờ báo được thành lập cho đến nay. Điều tâm đắc nhất của ông chính là lời dạy về cách viết báo của Bác Hồ: “Phải viết sao cho người đọc dễ hiểu, muốn vậy phải viết thật ngắn, thật chính xác, nhiều thông tin và phải có tính thuyết phục…”. Giờ đây, những người lính làm báo vẫn đang nỗ lực phấn đấu đổi mới tờ báo Quân đội nhân dân trở thành người bạn của bộ đội và của nhân dân, luôn giữ vững mục đích, tôn chỉ của mình, có định hướng đúng đắn, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà Nước và nhân dân.
Anh bạn quay phim xin đóng máy, vì theo kịch bản hình tượng Bác Hồ trên các trang báo Quân đội nhân dân là cảnh cuối cùng. Ấy vậy mà tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu, thèm thèm, muốn còn muốn đi nữa, quay nữa, hỏi nữa và gặp gỡ những người lính đã có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều hơn nữa. Dù vậy nếu dừng lại ở đây, người xem đã có thể cảm nhận được tình cảm của Bác đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là vô bờ bến và hình ảnh của Bác Hồ trong trái tim người lính sẽ mãi mãi trường tồn.
Trần Bình Tám
Các tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
Submitted by nlphuong on Sun, 12/06/2011 - 10:03Đây là tên gọi của cuốn sách tập hợp các tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, từ tháng 6/2009, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và TP. Hà Nội đã phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đây là tên gọi của cuốn sách tập hợp các tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, từ tháng 6/2009, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và TP. Hà Nội đã phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội được phát động đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi và sâu rộng của các cấp Hội nhà báo, các cơ quan báo chí và đông đảo các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, bạn đọc báo, nghe đài trong cả nước. Giải thưởng báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được trao cho 92 tác giả, nhóm tác giả (6 giải A, 20 giải B, 33 giải C và 33 giải khuyến khích) thuộc 5 loại giải: Giải dành cho báo in; giải dành cho báo hình, giải dành cho báo nói (phát thanh); giải dành cho báo điện tử, và giải dành cho ảnh báo chí.
Đáp ứng yêu cầu của đông đảo hội viên, Hội nhà báo Việt Nam đã xuất bản cuốn sách “Các tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Do điều kiện kỹ thuật, trong cuốn sách này chỉ in được các tác phẩm đoạt giải A, B, C của các loại giải dành cho báo in (báo viết), báo điện tử và ảnh báo chí.
Tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tối ngày 4/10/2010, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo giải báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cho biết: “Bằng cả tình cảm, trí tuệ, tài năng và tâm huyết, các tác giả đã nêu bật lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến – Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình; tôn vinh giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội từ xưa đến nay. Có thể nói ở Giải báo chí này đã tập hợp được những cây bút dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp nhưng đều chung một tấm lòng thiết tha với Thăng Long – Hà Nội nên đã thể hiện một cách sâu sắc rung động sự gắn bó bền chặt với Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi thông qua những tác phẩm báo chí xuất sắc có tiếng vang và có sức lan tỏa rộng rãi”.
Bạn đọc khi đọc mỗi dòng trong những trang sách này đều cảm nhận được sự rung động, tình cảm tha thiết, thiêng liêng với Thủ đô ngàn năm tuổi của mỗi người cẩm bút. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm báo chí đoạt giải được đăng tải trong cuốn sách này:
Nhóm tác giả: Mai Giang – Thu Hiền, Báo Hà Nội mới – Giải A với tác phẩm “Phố cổ Hà Nội - Ứng xử thế nào cho phải”.
- Tác giả: Nguyễn Quang Ngọc, Cộng tác viên báo Nhân dân – Giải A với tác phẩm “Từ Văn Lang đến Thăng Long – quá trình tìm chọn Kinh Đô muôn đời của đất nước”.
- Tác giả: Anh Đức. Báo Sơn La – Hội nhà báo Sơn La – Giải A với tác phẩm: “Ký sự Thăng Long – Hà Nội”.
- Tác giả: Phạm Ngọc Dương, Báo điện tử VTC News – Giải A với tác phẩm “Đi tìm nét đẹp của người Hà Nội”.
- Tác giả Nguyễn Vinh Phúc. Cộng tác viên báo Kinh tế và Đô thị - Giải B với tác phẩm “Tinh hoa văn hóa kinh kỳ”.
- Tác giả: Hoàng Thị Quyết. Báo Kinh tế và Đô thị - Giải B với tác phẩm “Người tái hiện “Thiên Đô Chiếu” bằng gốm sứ”
- Tác giả: Minh Chung. Báo Tuổi trẻ Thủ đô – Giải B với tác phẩm “Đám cưới Hà Nội xưa và nay”.
- Tác giả Trương Thị Kim Dung. Báo Phụ nữ Thủ đô – Giải B với chùm bài “Ôi! Linh khí phương Nam…”
- Tác giả Băng Sơn. Cộng tác viên Báo Nhân dân – Giải B với bài “Hà Nội xưa – Lãng đãng hồn phố, lòng người”.
- Nhóm tác giả: Mai Hồng, Đỗ Văn Ninh, Huy Văn, Từ Khôi, Nguyễn Long. Chi hội nhà báo Báo Đại Đoàn Kết – Giải B với chùm bài về: “Hoàng thành Thăng Long”.
- Nhóm tác giả: Minh Cường, Song Quyên, Phong Cam, Quỳnh Hương, Thuần Chấn, Thế Vinh. Liên chi hội Thông tấn xã Việt Nam – Giải B với chùm bài “Về người Hà Nội – Hội tụ nghìn năm”.
- Tác giả: Dương Anh Tùng. Liên chi hội Nhà báo Thông Tấn xã Việt Nam – Giải B với chùm bài về “Người Hà Nội trẻ trong nỗ lực bảo tồn âm nhạc truyền thống”.
- Tác giả Nguyễn Vinh Phúc. Cộng tác viên Tạp chí Nhà văn – Giải B với bài “Thăng Long – Hà Nội và quá trình tiếp biến văn hóa”.
- Tác giả: Quốc Tuấn. Báo Sơn La – Hội nhà báo Sơn La – Giải B với bài “Ký sự Thăng Long – Hà Nội”.
- Tác giả: Nguyễn Trọng Đạt. Báo Nhân dân – Giải B với bài “Hào khí Thăng Long tỏa sáng đất Cao Nguyên”.
- Tác giả: Trần Phước. Báo Vĩnh Long – Giải B với Ký sự “Tháng Giêng ra Bắc”.
- Tác giả: Văn Quế. Báo An ninh Thủ đô điện tử - Giải B với bài “Mắt ngọc” Thăng Long.
- Tác giả: Đào Nguyên Lan. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam – Giải B với bài: “Hà Nội 36 phố phường: Tên xưa vẫn đó, nghề cũ còn đâu”.
- Tác giả: Vân Hạ. Báo Hà Nội Mới – Giải C với “Ký sự nhân vật”.
- Tác giả: Thu Hiền. Báo Hà Nội mới – Giải C với loạt bài về Hoàng Thành Thăng Long.
- Tác giả: Thu Hiền. Báo Hà Nội mới – Giải C với bài “Ca Trù – Nghệ thuật bác học, nghề chơi công phu”.
- Tác giả: Hoàng Minh Tường. Báo Người Hà Nội – Giải C với bài “Mối tình tàu điện”.
- Tác giả: Hoàng Hương. Báo Tuổi trẻ Thủ đô – Giải C với bài “Hồn Thăng Long vương từng vạt áo”.
- Tác giả: Đỗ Hồng Vân. Báo Thời báo doanh nhân – Giải C với bài “Những cổng làng trầm mặc với thời gian”.
- Nhóm tác giả: Xuân Phong, Huy Thảo. Báo Thời báo Doanh nhân – Giải C với bài “Khát vọng ngàn đời”.
- Nhóm tác giả: Đinh Thị Thuận, Thanh Trà, Tuyết Mai. Thông tấn xã Việt Nam – Giải C với bài “Những người tài hoa đất Kinh Kỳ”.
- Nhóm tác giả: Nguyễn Việt, Đức Việt, Nguyễn Mạnh Đức, Đức Nga. Thông tấn xã Việt Nam – Giải C với loạt bài “Khởi nguồn Thăng Long Hà Nội”.
- Tác giả: Nguyễn Hòa. Báo Văn hóa – Giải C với loạt bài về “Khu Sơn Lăng Cấm Địa của Nhà Lý”.
- Nhóm tác giả: Hiền Hương, Từ Khôi, Nguyễn Quốc Việt, Hoàng Quốc Hải, Đỗ Văn Ninh, Tự Huy, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Minh, Siêu Hải. Báo Đại đoàn kết – Giải C với loạt bài về Thăng Long Hà Nội.
- Tác giả: Đỗ Phú Thọ. Báo Quân đội Nhân dân – Giải C với chùm bài về Phát triển Thủ đô bền vững.
- Tác giả: Bùi Đình Phong. Báo Nhân dân – Giải C với bài “Thăng Long – Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh”.
- Tác giả: Trung Cần. Báo Nhân dân – Giải C với bài “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đến của đồng bào, chiến sĩ ta và bạn bè quốc tế”.
- Tác giả: Nguyễn Thị Hòa. Báo Đối ngoại Việt Nam – Giải C với bài “Hà Nội phát triển toàn diện hướng tới đại lễ ngàn năm Thăng Long”.
- Tác giả: Trần Đức Chính. Báo Nhà báo và Công luận – Giải C với bài “Kiến tạo tương lai”.
- Nhóm tác giả: Lan Anh, Ngọc Lành. Báo Nhà báo và Công luận – Giải C với chùm bài về Đối thoại với công luận.
- Tác giả: Bùi Quang Tú. Báo Lao động Đồng Nai – Giải C với bài “Các nhà văn miền Nam nghệ sĩ miền Nam với Hà Nội”.
- Tác giả: Đoàn Tử Diễn. Báo Đà Nẵng – Giải C với bài “Ngôi trường ngõ nhỏ”.
- Tác giả Lâm Viên. Báo Thanh niên – Giải C với bài “Bất ngờ phát hiện mộc bản “Chiếu dời đô”.
- Tác giả: Trần Thu Hà. Báo Sài Gòn Giải phóng – Giải C với bài “Tu bổ, tôn tạo di tích tại Hà Nội”.
- Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thảo, Trần Thu Hà. Báo Sài Gòn Giải phóng – Giải C với bài “Thăng Long – Hà Nội, trái tim Tổ quốc”.
- Tác giả Vũ Văn. Báo Lâm Đồng – Giải C với bài “Từ thuở xung phong đi mở đất…”.
- Tác giả Vương Tâm. Hội nhà báo TP. Hà Nội – Báo điện tử - Giải C với bài: “Ngẩn ngơ phận quạt”.
- Tác giả: Dương Quang Tiến. Báo Nhân dân điện tử - Giải C với bài “Niềm tự hào ở nơi đói nét đói nước”.
HL
Những ngày trong vùng tang thương sóng thần
Submitted by nlphuong on Thu, 09/06/2011 - 00:28Trận sóng thần ngày 11/3/2011 đã làm hơn 300km bờ biển miền Đông Bắc Nhật Bản tan hoang. Đối với tôi, đến nơi đây tác nghiệp là một thử thách và cả ấn tượng rất lớn trong nghề, nhất là khi tôi chỉ vừa bắt đầu bước vào nghề báo.
LTS: Thảm họa động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ tại Nhật Bản đã thu hút dư luận trên thế giới. Lan Phương, PV báo Tuổi trẻ, đã trở thành nhân chứng trong biến cố toàn cầu như thế. Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của Lan Phương gửi cho Tạp chí “Người làm báo” – trong đó nhấn mạnh về tính trung thực trong thông tin và tìm kiếm cái nhìn riêng của một nhà báo.
Trận sóng thần ngày 11/3/2011 đã làm hơn 300km bờ biển miền Đông Bắc Nhật Bản tan hoang. Đối với tôi, đến nơi đây tác nghiệp là một thử thách và cả ấn tượng rất lớn trong nghề, nhất là khi tôi chỉ vừa bắt đầu bước vào nghề báo.
Thời gian, thời gian, them thời gian nữa…
Thời gian báo Tuổi trẻ quyết định cho phép tôi đến Nhật Bản là 17.3.2011, tức là một tuần sau khi thảm họa xảy ra. Trước mắt tôi là cả một biển thông tin mà CNN, NY Times, AFP, NHK, Mainichi… và cả hàng chục báo trong nước tranh nhau dịch lại đều đặn và cập nhật liên tục thông tin như VNExpress, Vietnamnet, Tuổi trẻ, Thanh niên. Tôi phải đối mặt với một lối mòn khai thác thông tin thảm họa mà nhiều đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới đã dẫm qua. “Ăn lại” một món ăn mà người xem đã mòn mắt là cả một thử thách.
Mỗi ngày tôi phải thực hiện tường trình của mình, càng gần trung tâm thảm họa càng tốt. Sự có mặt của Tuổi trẻ ở vùng có thảm họa – nhất là khi người Việt Nam rất quan tâm đến thảm họa đó – là điều rất quan trọng mà tôi phải thực hiện được. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian đó, tất cả các hệ thống xe công cộng, Internet, điện thoại… đều xảy ra những trục trặc không lường trước được, nhất là khi chúng tôi vào sâu hơn những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề vì sóng thần.
Tôi phải di chuyển từ Tokyo đến các thành phố như Mito, Kita Ibaraki, Sendai, Ishinomaki, Kitakami… Mỗi ngày tôi phải cố gắng đi được càng xa khỏi Tokyo lên phía các cảng biến phía Bắc càng tốt. Chỉ có đi về phía trung tâm thảm họa mới có những thông tin tốt phục vụ cho bài viết. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng ở đây đã ngừng hẳn, không tàu, không shinkansen, không xe bus, không taxi. Chính trong lúc đó, sự giúp đỡ của tờ báo Mainichi (có quan hệ tốt với báo Tuổi trẻ) cùng với những mối quan hệ tốt của những người đi trước trong tòa soạn đã được huy động hết mức để giúp đỡ tôi đến được nơi cần đến. Tuy nhiên, thời gian vẫn là ác mộng lớn nhất, khi mỗi ngày số km di chuyển đều ẩn chứa những rủi ro như một cuộc đánh bạc, trong khi tôi vẫn phải có bài đều đặn gửi về mỗi ngày.
Có ngày chúng tôi đứng ngoài đường trời lạnh gần 2 giờ đồng hồ với tấm biển đề chữ Kitakami (tên một làng ven biển bị sóng thần quét sạch hoàn toàn, với một ngôi trường có 108 học sinh thì đã có 105 em thiệt mạng và mất tích) để xin đi nhờ xe lên phía Bắc. Mọi nơi đều thiếu xăng, người ta di chuyển rất hạn chế.
Khi đến được Kitakami, tôi có thể tận mắt nhìn một làng ven biển tan nát giữa buổi chiều nắng rất đẹp. Tôi có thể gặp đến 300 người trú ẩn ở một nhà thể thao của trường trung học trên đồi. Tôi đã phỏng vấn và viết rất hăng cho đến khi mở thiết bị pocket wifi và tất cả điện thoại ra thì nhận ra… ở đây đã mất hoàn toàn mạng Internet vì thiệt hại do sóng thần! Lúc đó là 6g chiều Nhật Bản. Chỉ còn những chiếc điện thoại cứu nạn của hãng NTT mang theo xe thu phát sóng đến trại giúp cho người dân liên lạc với người thân của mình. Nhờ đó, tôi mới có thể gọi cuộc điện thoại đầu tiên về tòa soạn sau cả ngày tác nghiệp. Hôm đó, tôi đã không thể có bài đúng giờ mà phải hứa hẹn đến ngày hôm sau, khi di chuyển đến một điểm thành phố khác có Internet sẽ gửi bù bài.
Đó là lần duy nhất trong suốt chuyển đi tôi không hoàn thành nhiệm vụ trong ngày. Đó cũng là lúc tôi phải nhận ra rằng mình cần tính đến rất nhiều những khoảng thời gian, rủi ro, phải chạy theo và tóm lấy câu chuyện, nhưng cũng không được quên mình sẽ phải gửi về tòa soạn những thông tin nào đó trong ngày. Không thể hoàn toàn đuổi theo những câu chuyện và bỏ mặc thời gian bài viết cần hoàn thành – nếu như bạn làm việc cho một nhật báo. Một phóng viên người Pháp đi cùng tôi trong chuyến đi đã nói: “Khi tôi trẻ, tôi cũng để thời gian đuổi mình nên tôi không nhận nhiệm vụ cho nhật báo nữa. Tôi chụp một loạt ảnh cho tạp chí, vì thế tôi không bị hối thúc suốt ngày theo giờ in báo nữa”. Thời gian chính là sự khác biệt lớn và sâu sắc nhất khi bạn đứng tại hiện trường thảm họa, với hàng trăm thứ bày ra trước mắt, khiến cái gì bạn cũng muốn vơ vào trang báo của mình. Phải chọn lựa. Và phải dừng lại để tóm lấy thời gian đang trôi.
“Nhịp độ của thảm họa”
Tại hiện trường của thảm họa, tôi nhận ra sự cao thượng của người Nhật không phải là thứ có thể “trình diễn”. Đó là những phản ứng rất bình thường của cư dân vùng Tohoku có động đất nhiều nhất Nhật Bản. Họ sinh ra với động đất, lớn lên với động đất, và sóng thần là một ác mộng. Nhưng tất cả cũng không nằm ngoài quy luật họ được học về phương cách ứng xử từ nhỏ: sự không chen lấn, sự tôn trọng cộng đồng và phân chia đều những quyền lợi được hưởng ra cho cộng đồng… đã trở thành bản tính, một nền nếp xã hội đã có từ rất lâu đời. Nếu không duy trì nền nếp rất căn bản đó, sẽ có thể có thêm hàng trăm người chết vì đói, vì bị dẫm đạp, vì không có chăn màn đủ ấm… khi tình hình cuộc sống ở những vùng trong thảm họa này thực sự thắt ngặt và thiếu thốn.
Tôi cố gắng không sa mình vào sự ngợi ca thái quá những biểu hiện đạo đức của một dân tộc khác bằng quan niệm của dân tộc mình. Cách tôi chọn để có thể hiểu được những người Nhật ở đây đang làm gì trước một biến cố quá đau buồn, đó là cố gắng nhìn câu chuyện theo góc độ bình thường và địa phương nhất ở mức có thể. Ở đó có những người già cô độc phải gồng mình lên xúc từng xô bùn đen, lôi từng tấm nệm giường ngập trong bùn ra khỏi ngôi nhà tan hoang của mình. Không có gì oai hùng, dũng cảm hay kỳ vĩ cả. Ở đó cũng có những cuộc sống rất bình thường bị hủy hoại và rơi nước mắt vì đau đớn. Khi đứng trước một ngôi trường học đổ nát với câu chuyện 105 em học sinh, tôi đã thấy gương mặt của những người già đanh lại vì xót xa. Những câu chuyện đó không khác gì với nỗi đau của hàng trăm nạn nhân trong những thảm họa khác mà tôi thấy qua truyền hình, báo chí. Trong thảm họa, bạn sẽ thấy những nỗi buồn rất con người.
Cũng trong những ngày ấy, thảm họa hạt nhân là một câu chuyện nghẹt thở như thể cả nước Nhật sắp tàn cuộc vì nhà máy điện Fukushima Daiichi có sự cố. Cả thế giới đang lắng nghe câu chuyện đó từ Nhật Bản. Công chúng và giới truyền thông chờ đợi những câu chuyện nào đó được định hướng sẵn trong tưởng tượng của họ. Tôi gọi đó là “nhịp độ của thảm họa”.
Người ta đua nhau công bố những số liệu về nồng độ phóng xạ. Báo chí tả cảnh mọi người chạy tán loạn khỏi Fukushima. Truyền thông thế giới tin vào một thảm cảnh hạt nhân mới ngay tại Fukushima. Nhưng phải đến tận thành phố Fukushima, thành phố Koriyama, người ta mới có thể hiểu được thế nào là thảm họa, thảm cảnh hay chạy loạn. Hai thành phố này cách nhà máy điện hạt nhân 50 – 70km. Và cuộc sống ở đây diễn ra hoàn toàn bình thường! Quả thực, người ta có lo lắng về nhà máy ở ngay bên hông nhà mình có thể phát nổ hoặc rò rỉ phóng xạ bất cứ lúc nào; người ta chú ý xem từng bản tin tivi trong các cửa hàng khi chuyện nhà máy được nhắc đến. Nhưng cuộc sống ở đây không dừng lại. Không ai chạy loạn khỏi thành phố trừ những khu vực bán kính 20km của nhà máy được chính phủ yêu cầu buộc phải di tản. Cũng không một ai tìm cách che chắn, đề phòng phóng xạ bằng thuốc kali như mọi người vẫn tưởng.
Tôi may mắn đã đến tận thành phố Sendai, đã đi qua 5 điểm thành phố cảng bị sóng thần phá hủy dữ dội để có thể hiểu được tình hình của những người và cuộc sống của họ sau thảm họa ngày 11.3.2011. Trong những ngày ấy, khi cuộc sống của những vùng quanh nhà máy Fukushima (ngoài bán kính 20 – 30km) vẫn diễn ra bình thường, chính truyền thống quốc tế mới là những người chạy loạn cả lên! Vì thế, báo chí không thể kéo phồng câu chuyện này ra bằng những cảnh hỗn loạn tưởng tượng. Nếu không ở hiện trường, báo chí không được cho phép mình cái quyền phán xét mức độ lan tỏa và sự hỗn loạn ngoài thực tế.
Khi đối mặt với nhịp độ tường thuật đó của báo chí thế giới, tôi đã buộc mình phải bình tĩnh nhìn nhận lại cách viết, cách ứng xử với thông tin cũng như cách trình bày lại sự khác biệt mà mình nhận thấy đó lúc trao đổi với tòa soạn.
Tôi nhìn thấy có những con đường và những ngôi nhà ở cảng đã lành vết thương nhanh chóng bằng một cuộc hồi sinh đầy quyết tâm và chuyên nghiệp của những người dân nơi đây. Đó cũng là một câu chuyện khác xứng đáng được kể, khi ta đứng trước một vết thương quá lớn mà người Nhật Bản đã gồng mình gánh chịu từ bà mẹ thiên nhiên…
Lan Phương
(Theo Người làm báo)
Trở về từ Sendai…
Submitted by nlphuong on Thu, 09/06/2011 - 00:09Báo chí Nhật hoạt động độc lập, họ cung cấp thông tin đa chiều về thảm họa hạt nhân cho công chúng, không giấu giếm thông tin để mưu lợi. Bản thân chính phủ Nhật cũng không che giấu thông tin và cung cấp rất nhiều chi tiết, đi kèm các khuyến cáo. Đài truyền hình NHK thường mời các chuyên gia về hạt nhân đến nói cho khán giả biết tình hình mới nhất về sự cố của nhà máy điện hạt nhân.
Trước khi đi, VTV đã liên hệ với mọi đối tác của mình là các Đài TH lớn của Nhật Bản nhưng vì quá bận với việc khắc phục thảm họa nên họ chỉ có thể giúp địa điểm phát hình qua vệ tinh, với giá sử dụng vệ tinh rất đắt (1000 – 1500 đô la Mỹ một lần). Do đó nhóm phóng viên (PV) áp dụng cách gửi hình qua Internet mà vẫn đảm bảo chất lượng. VTV cũng nhờ Đại sứ quán Việt Nam giúp để PV đi vào thành phố Sendai, tâm chấn của trận động đất và sóng thần. Tuy nhiên, Sứ quán trả lời là đường cao tốc và đường sắt đi vào khu vực thảm họa đã bị đóng cửa, mỗi ô tô chỉ được mua 20 lít xăng nên không thể vào được khu vực này. Sứ quán cũng cho biết, hiện chỉ có các đài truyền hình lớn trên thế giới có trực thăng mới vào được khu vực tâm chấn. Tuy nhiên, nhóm PV của VTV vẫn đặt quyết tâm đi bằng được vào khu vực này. Rất may, hôm đến sứ quán thì có thông tin: đêm đó sứ quán sẽ thuê xe đến đón sinh viên VN tại Sendai nên nhóm PV nhờ sứ quán thuê một xe ô tô để đi cùng và ở lại tác nghiệp. Nếu thuê phiên dịch địa phương sẽ tốn từ 300 – 500 đô la/ngày, cũng may nhóm đã nhờ được anh Nguyễn An Sơn đang học tại Đại học Meiji làm phiên dịch rất nhiệt tình. Hội sinh viên VN tại Nhật lúc đầu sẵn sang giúp đỡ, nhưng khi biết nhóm PV đi vào Sendai thì họ từ chối và nói là chuyện bất khả thi. Lý do được đưa ra là vùng này có thể còn động đất lớn và sóng thần, hơn nữa vùng này gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi nên chính quyền Nhật khuyến cáo.
Báo chí Nhật hoạt động độc lập, họ cung cấp thông tin đa chiều về thảm họa hạt nhân cho công chúng, không giấu giếm thông tin để mưu lợi. Bản thân chính phủ Nhật cũng không che giấu thông tin và cung cấp rất nhiều chi tiết, đi kèm các khuyến cáo. Đài truyền hình NHK thường mời các chuyên gia về hạt nhân đến nói cho khán giả biết tình hình mới nhất về sự cố của nhà máy điện hạt nhân.
Một số người VN tại Nhật khi đọc báo mạng VN… lại thấy lo hơn đọc báo và xem các chương trình truyền hình của Nhật. Bởi vì, dù thảm họa khủng khiếp như thế, tổn thất như thế, nhưng tôi không hề thấy một hình ảnh nào về thi thể nạn nhân trên tivi hay trên mặt báo Nhật Bản. Việc không đưa các hình ảnh thi thể nạn nhan là cách làm từ xưa tới nay của các Đài TH lớn trên thế giới như CNN hay BCC. Chỉ có các Đài của VN là đôi khi chưa quan tâm đến điều này. Điển hình là trong vụ 11.9, chiến tranh Iraq, Afghanistan, khán giả không nhìn thấy những cảnh người bị chết hay bị thương một cách quá thê lương, cũng không có cảnh người than khóc lóc quá thê thảm. Đây là một nguyên tắc hay có thể nói là “đạo đức” của báo chí nói chung.
Trung Kiên
(Theo Người làm báo)
Truyền thông đại chúng, doanh nhân và văn hóa dân tộc thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển
Submitted by nlphuong on Wed, 08/06/2011 - 23:59Trong bài viết này, tác giả muốn bàn về một vấn đề cụ thể là làm thế nào để doanh nhân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa đối với văn hóa dân tộc khi bối cảnh hội nhập, sự giao lưu văn hóa, truyền thông quốc tế diễn ra mạnh mẽ.
Có thể nói văn hoá, truyền thông đại chúng (TTĐC) và kinh doanh - thương mại là các lĩnh vực có những điểm giao thoa, tương tác mật thiết, liên hệ qua lại với nhau, nhất là trong thời kỳ diễn ra sôi động sự giao thoa các nền văn hóa (Cross Culture) cùng sự lai ghép - hỗn dung văn hóa quốc tế (Cultural Hybridization) và toàn cầu hóa về truyền thông (Global Media) hiện nay và sắp tới...
Trong bài viết này, tác giả muốn bàn về một vấn đề cụ thể là làm thế nào để doanh nhân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa đối với văn hóa dân tộc khi bối cảnh hội nhập, sự giao lưu văn hóa, truyền thông quốc tế diễn ra mạnh mẽ.
1. Các khái niệm liên quan đến chủ đề:
1.1. Khái niệm về văn hóa:
Các sách báo, tài liệu, giáo trình đã trình bày nhiều định nghĩa về văn hoá, tuy nhiên trong phần này, tôi vẫn muốn hệ thống, sắp xếp lại một số định nghĩa chính cho đầy đủ, khoa học. Nếu theo nghĩa hẹp, văn hóa thường được hiểu như một lĩnh vực của hoạt động về sinh hoạt xã hội gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, TTĐC (báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình...), thư viện, câu lạc bộ, bảo tồn bảo tàng v.v..., còn nếu theo nghĩa rộng, nói một cách giản đơn, văn hóa là tất cả những gì không phải là thiên nhiên; là tất cả những gì sáng tạo có giá trị do con người làm ra, ở trong đời sống xã hội con người và liên quan trực tiếp nhất đến con người, chứa đựng chân, thiện, mỹ, tiến bộ, phát triển bền vững.
Theo các quan niệm hiện đại (có khoảng hơn 300 định nghĩa) thì văn hoá được hiểu theo các nội dung chính như sau:
a. Định nghĩa văn hoá bắt nguồn từ nông nghiệp: Gốc danh từ chữ latinh “Cultura” đầu tiên có nghĩa hẹp là cày cấy, gieo trồng, chăm bón được dùng để chỉ khái niệm văn hoá, sau mở rộng thành ý nghĩa vun xới hoạt động tinh thần, sự hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm tích lũy (trình độ phát triển vật chất, tính thần) trong quá trình phát triển của mỗi cộng đồng và các thành viên của mình).
b. Định nghĩa so sánh văn hoá tự nhiên: Văn hoá là “thiên nhiên thứ hai” thể hiện một trình độ phát triển nhất định của sự tồn tại con người trong lịch sử của mình trên trái đất này. Nói cách khác, con người càng tạo ra được các sản phẩm tốt đẹp, nghệ thuật, ưa nhìn, càng đa dạng, khả dụng, tiến bộ so với tự nhiên bao nhiêu mà không làm hại môi trường tự nhiên thì càng văn hóa bấy nhiêu (Ví dụ quá trình tạo ra quạt: Quạt mo cau, quạt nan, quạt giấy, quạt điện...).
c. Định nghĩa coi văn hoá là hệ thống các giá trị vật chất tinh thần, tức là coi văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động lao động sáng tạo - toàn bộ những giá trị mà con người sáng tạo nên để thoả mãn nhu cầu của chính mình (Dĩ nhiên phải đáp ứng các tiêu chí nhất định về tính sáng tạo, sự tiến bộ và sự tỏa sáng của kiến thức).
Theo cách này thì không chỉ các tin tức văn hoá, tri thức mà con người tiếp nhận qua các phương tiện TTĐC là văn hoá mà bản thân đài truyền hình cao chọc trời, máy tính điện tử, cấu trúc đẹp đẽ hiện đại một toà soạn báo nổi tiếng đều là văn hoá...
Trong phần định nghĩa, có thể nêu thêm các chi tiết sau:
- Tại phương Đông, từ văn hóa có gốc từ chữ Hán. Quẻ Bí trong Chu Dịch nói: "Quan sát dáng vẻ con người để giáo hóa thiên hạ" (Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ). Lưu Hướng (khoảng năm 77 đến năm 6 Tr CN) đời Tây Hán là người sử dụng từ văn hóa sớm nhất. Cho đến tận thế kỷ XIX, ở Trung Quốc vẫn hiểu văn hóa là văn trị giáo hóa, là giáo dục, cảm hóa bằng điển chương, lễ nhạc. Sau này Trung Quốc cũng tiếp thu các khái niệm cách tân của thế giới ví dụ như tiếp thu khái niệm từ văn hóa chuyển dịch qua tiếng Nhật từ thế kỷ XIX. Người Nhật dịch chữ “culture” của châu Âu đọc là Bunka, còn Trung Quốc căn cứ thêm cách hiểu truyền thống mà dịch là văn hóa.
- Tại phương Tây, từ văn hóa bắt nguồn từ chữ latinh như nói ở trên. Từ đó sau này có từ culture (tiếng Anh, tiếng Pháp), Kultur (tiếng Đức), Kultura (tiếng Nga).
Như vậy, rõ ràng ngay từ khái niệm- thuật ngữ “văn hóa” đã bao hàm nhiều ý nghĩa gắn với vun xới, sản xuất, sáng tạo, giao lưu, tiến bộ…, tức là quan hệ rất hữu cơ với cả giới doanh nghiệp (DN) và TTĐC.
1. 2. TTĐC, văn hóa và văn hóa dân tộc:
Truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng là những thuật ngữ, hiện tượng đa nghĩa, biểu đạt sự tiến bộ, văn hóa, văn minh của nhân loại.
Trước hết truyền thông ra đời và phát triển do nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin giao tiếp. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thông tin giao tiếp càng tăng lên. Những bước tiến trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội lại trở thành điều kiện cho thông tin giao tiếp, đồng thời đòi hỏi phải tăng cường phát triển thông tin giao tiếp... Tuy nhiên, không phải có nhu cầu thông tin giao tiếp là xuất hiện quá trình TTĐC và các phương tiện thông tin đại chúng (như cách nói hiện nay) ngay lập tức, mà chỉ khi nhu cầu thông tin trong xã hội tiến đến một trình độ nhất định thì hoạt động TTĐC mới có điều kiện ra đời, tức là phải cần tới yếu tố trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Ví dụ báo viết chỉ ra đời khi công nghệ in xuất hiện và sau này các kỹ thuật về vô tuyến điện, đèn hình, mạch vi điện tử, con chip... phát triển thì con người mới có phát thanh truyền hình; khi có máy tính điện tử, Internet mới xuất hiện báo trực tuyến... Như vậy trình độ văn hoá xã hội, kinh tế, khoa học- công nghệ đã tác động mạnh đến sự vận động, phát triển của truyền thông đại chúng và ngày nay người ta còn nói đến truyền thông đa phương tiện, xa lộ thông tin, công nghệ thông tin (IT), kinh tế tri thức, văn hóa doanh nhân thời kỹ thuật số, bảo vệ văn hóa dân tộc khi sự đụng độ giữa các nền văn minh xảy ra...
Tóm lại, nếu nghiên cứu văn hóa theo nghĩa rộng và xét nó trong mối quan hệ với truyền thông, giao tiếp của thời đại mới thì một số chuyên gia nghiên cứu về Văn hóa và Truyền thông có lý khi cho rằng: Văn hóa là một hệ thống nhằm sáng tạo, chuyển giao, lưu trữ và chế biến thông tin. Sợi chỉ xuyên suốt tất cả các nền văn hóa là truyền thông và giao tiếp. (Xem thêm “Mass Media Mass Culture”, Tác giả: James Wilson, Stan Le Roy Wilson, NXB McGraw-Hill, Inc. Copyright 1998). Tôi muốn bổ sung về nghĩa hẹp hơn: Văn hóa dân tộc là những sáng tạo có giá trị chân, thiện, mỹ, tiến bộ của một dân tộc được lưu truyền từ đời này sang đời khác; thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại; là lĩnh vực sản xuất - dịch vụ đặc biệt, có thể giao lưu - truyền phát, liên quan đến sự thưởng thức, giải trí, thụ hưởng của đời sống tinh thần. Như vậy, văn hóa dân tộc đụng chạm đến mọi tầng lớp công chúng nói chung và giới DN nói riêng, nhất là vì DN làm nên xương sống của nền kinh tế mỗi quốc gia. C. Mác từng chỉ rõ: “Trong trạng thái văn minh, mỗi người đều là thương gia, còn xã hội là một xã hội thương nghiệp” (Xem “Bản thảo Kinh tế triết học 1884”, NXB Sự thật 1962, tr 172). Chính vì thế, có thể nói thêm rằng: Văn hóa dân tộc làm nên thế đứng và con đường phát triển của mỗi dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Văn hóa dân tộc tạo nên diện mạo, sắc thái riêng cho nhà DN tầm cỡ quốc gia. Tóm lại, trong thời đại mới - khi TTĐC ngày càng hiện đại, kinh tế tri thức đi lên thì văn hóa dân tộc sẽ mang ý nghĩa đặc biệt, bởi càng hội nhập thì nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa mỗi dân tộc mới là cái để phân biệt sự phong phú, khác nhau của các nền văn hóa. Một trong những động lực phát triển xã hội loài người là nền sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông của cải vật chất của tầng lớp doanh nhân. Nhưng thời đại mới đòi hỏi doanh nhân phải ứng xử đúng đắn, đúng đạo với văn hóa dân tộc thì họ mới có căn cước văn hóa, có cái riêng, để đua tranh hiệu quả với thế giới. Thử hỏi rằng những yếu tố sau đây có cái nào tách rời hẳn khỏi cái nôi văn hóa dân tộc đã nuôi dưỡng doanh nhân: Đó là các tài sản vô hình như uy tín, bí quyết kinh doanh, đạo làm giàu, văn hóa ứng xử, thương hiệu, khả năng xử lý thông tin và giao tiếp với giới truyền thông, công việc từ thiện đối với xã hội (kể cả sự tham gia xây dựng, bảo toàn, phát triển các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc), các sở thích (hobby), đạo đức kinh doanh…
2. Vai trò quảng bá, hoàn thiện, thúc đẩy văn hóa dân tộc thấm sâu vào tư duy, tâm hồn, hành động doanh nhân của TTĐC ngày nay:
2.1. Doanh nhân Việt Nam kế thừa tinh hoa văn hóa phương Đông và truyền thống văn hóa Việt Nam:
Trước hết, khi chưa có các phương tiện thông tin đại chúng theo nghĩa hiện đại, thì người xưa trao đổi, tiếp nhận, xử lý, lưu giữ, truyền phát thông tin, tri thức bằng những phương tiện, hình thức khá đơn giản (Ví dụ hình thức truyền miệng; sách in trên tre, trúc, da thuộc…). Mặc dầu cũng nên nói rõ rằng: do nhiều lý do nên xã hội Việt Nam trước đây không trọng thương nhân, dù nước ta có hơn 3000 km bờ biển mà tiếc thay chẳng có nổi một đội thương thuyền để giao thương mạnh mẽ với quốc tế nhằm phát triển quốc gia và có tầm nhìn rộng lớn trong hội nhập, phát triển. Tuy nhiên, thời nào thì doanh nhân Việt Nam cũng tồn tại và có vai trò nhất định trong đời sống. Trong các tác phẩm truyền miệng, ca dao tục ngữ, nghề thương mại được đề cập rất sớm. Có những triết lý mang đậm tính văn hóa Việt Nam ngày nay vẫn mang tính thời thời sự: “Buôn có bạn, bán có phường”, “Ăn lãi tùy chốn, bán vốn tùy nơi”, “Nhà buôn phải khác con buôn. Doanh nhân chuyên nghiệp cậy nguồn nhân văn”; “Doanh gia vì văn hóa đất nước, phước lộc trường tồn”; “Thương gia thấm văn hóa cội nguồn, không lo buồn khi lỡ vận”; “Sản vật chuyên văn hóa dân tộc, lộc tài lắm, tắm nắng phương trời xa”...v.v. Thời Lê- Trịnh, Lê Quý Đôn (1726- 1784) đã nhìn nhận rõ giá trị doanh nhân và thương mại trong mối tương quan của hệ thống chỉnh thể văn hóa- xã hội. Ông cho rằng: “Phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng, phi công bất phú, phi nông bất ổn” v.v.
Nhưng phải tới nhà nho yêu nước Lương Văn Can (1854- 1927), lý luận về thương mại, kể cả những luận điểm đề cập đến quan hệ văn hóa dân tộc với kinh doanh mới được nhà trí thức duy tân - Hiệu trưởng trường Đông kinh nghĩa thục, viết thành sách có hệ thống, đưa lên tầm cao mới. Có thể coi cuốn “Thương học phương châm” của ông là cuốn giáo khoa bài bản đầu tiên của Việt Nam về các chủ đề thương mại vừa nêu.
Trên thực tế, có những tiêu chuẩn về đạo làm giàu, gắn kết với văn hóa nước nhà đến nay vẫn nguyên giá trị: Người doanh nhân không được quên gốc rễ văn hóa của mình; Không được ly gián, kết bè đảng để hại người (đối tác, khách hàng, đồng nghiệp); Không được u mê vướng vào tửu sắc; Không được áp chế, quản người khác, nhất là khi họ tài đức, tầm văn hóa hơn mình; Phải kiên định giữ niềm tin vào chân, thiện, mỹ, nhân văn đến cùng. Đối xử với đối tác, khách hàng phải chú ý: Đến phải nghênh tiếp; Đi phải tiễn đưa; Ăn phải thỏa thích; Ngủ phải thoải mái; Rời phải quay lại; Mời chào phải thể hiện được bản sắc riêng, hấp lực của văn hóa dân tộc mình.
2.2. Vai trò quảng bá, hoàn thiện, thúc đẩy văn hóa dân tộc thấm sâu vào tư duy, tâm hồn, hành động doanh nhân của TTĐC ngày nay:
Trong xã hội hiện đại, thật khó hình dung sự không có mặt của sách, báo, đài, Internet, điện ảnh, quảng cáo, quan hệ công chúng (PR). Nhờ có chúng, thông qua chúng các vấn đề cốt tủy của doanh nhân như quảng cáo sản phẩm, thông tin thị trường, tìm đối tác, ký hợp đồng thương vụ qua thư điện tử, mua - bán hàng qua mạng được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, các vấn đề thông dụng như quảng cáo có văn hóa - không vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc, nhân cách- bản lĩnh doanh nhân, vấn đề then chốt như vai trò doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, được nhiều tầng lớp xã hội quan tâm và có tác động nhất định đến quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội quốc gia…v.v.
Có thể tóm tắt vai trò chính của TTĐC đối với doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa dân tộc là:
+ Mở rộng đường dư luận rộng rãi về việc kế thừa, tiếp nối những yếu tố tích cực, phát triển những điểm vượt trội của văn hóa dân tộc; loại bỏ những những yếu tố không còn hợp thời, cản trở sự phát triển của chính văn hóa và kinh tế xã hội của văn hóa dân tộc để từ đó thống nhất quan niệm, thống nhất nhận thức toàn xã hội, kể cả nhận thức của giới kinh doanh.
+ Tổ chức thường xuyên trao đổi, đối thoại giữa các doanh nhân với nhau, giữa các tầng lớp khác với doanh nhân và chuyên gia để người DN ngày càng thấy rõ mục tiêu, động lực của văn hóa dân tộc đối với đạo làm giàu, nghĩa vụ, trách nhiệm DN đối với văn hóa cội nguyền (Ví dụ trao đổi trên các chuyên mục của truyền hình, báo chí, Internet);
+ Thông qua báo, đài, Internet… doanh nhân có thể học hỏi, đối sánh với các tiêu chuẩn văn hóa có tính phổ quát quốc tế để chủ động giữ vững bản sắc văn hóa Việt nam trong ứng xử, thương thuyết, giao dịch kinh doanh nhất là khi nước ta đã tham gia WTO, hội nhập đầy đủ, toàn diện với thế giới.
+ Sự phát triển TTĐC và giao lưu quốc tế giúp công chúng Việt Nam (gồm cả DN) có nhiều dữ liệu; thông tin phong phú, nhiều chiều, dân chủ hóa trong quá trình gắn bó; phát triển văn hóa nước nhà - làm phông, nền, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho doanh nhân dân tộc;
+ TTĐC tạo dư luận rộng rãi, thúc đẩy nhiều đối tượng- không chỉ doanh nhân mà nhà nước, xã hội cùng có trách nhiệm vun đắp, phát triển văn hóa dân tộc đúng hướng, có bản sắc riêng, có tầm cao, trường tồn;
+ Từ một số doanh nhân tiên phong trong việc vun đắp, bảo tồn, xây dựng văn hóa dân tộc được TTĐC quảng bá sẽ có ngày càng nhiều doanh nhân hiểu rõ ý nghĩa thiết thực. Truyền thông định hướng dư luận và như tiếng gọi từ trái tim, thúc giục mọi doanh nhân góp phần tham gia làm đẹp hình ảnh văn hóa quốc gia - dân tộc;
+ Ngoài ra, TTĐC khi góp ý, phê pháp sự thờ ơ, tha hóa, vô trách nhiệm của một số doanh nhân đối với văn hóa nước nhà sẽ là tiếng nói cảnh tỉnh, răn đe giáo dục…
Tóm lại, với các chức năng tư tưởng, giáo dục, tổ chức, kiểm tra - giám sát, dự báo, giải trí, thẩm mỹ, quảng cáo- tiếp thị, quan hệ công chúng (PR), các phương tiện TTĐC có vai trò to lớn trong việc quảng bá, hoàn thiện, thúc đẩy văn hóa dân tộc thấm sâu vào tư duy, tâm hồn, hành động doanh nhân, giúp họ vững bước, có mục tiêu, lý tưởng trên con đường làm giàu chân chính, cạnh tranh được với các đối tác đến từ các nền văn hóa khác trên thế giới.
3. Những đề xuất đối với DN, nhà nước, cơ quan TTĐC nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc:
+ Vì văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nên trong các chiến lược có tính tổng thể của quốc gia, tại các phần liên quan đến văn hóa, DN, cần quy hoạch rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của DN đối với sự phát triển văn hóa dân tộc, nhất là khi vai trò DN nước ta ngày càng lớn, được trao nhiều nhiệm vụ xứng với tầm vóc.
+ Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, DN Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng quy mô, tầm hạn sản xuất - dịch vụ; việc quan hệ, đi ra thị trường thế giới, làm việc với đối tác quốc tế sẽ nhiều hơn, nên cần tích cực hơn, bài bản hơn trong hoạt động giới thiệu văn hóa dân tộc ta ra nước ngoài. Đó vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi, vừa là việc nên làm của họ.
+ Nhà nước cần cơ chế tạo được sự chủ động trong liên kết giữa các hình thức: nhà nước, doanh nhân, các thành phần chủ sở hữu khác để đầu tư cho văn hóa dân tộc. Có thể đầu tư những lĩnh vực thuần về văn hóa dân tộc nhưng phi lợi nhuận, lại có thể đầu tư có lợi nhuận nhưng kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa dân tộc với du lịch, phát triển bền vững… DN cần hiểu rằng: đầu tư cho văn hóa dân tộc cũng chính là quảng cáo thương hiệu DN cho số đông công chúng sẽ sử dụng sản phẩm hàng hóa DN đó. Các DN hãy mạnh dạn làm các “Mạnh Thường quân” tài trợ cho các chương trình văn hóa, văn nghệ, ca múa nhạc trên đài truyền hình; tài trợ cho các giải thi đấu thể thao, các chương trình, sự kiện của văn hóa dân tộc; tài trợ cho việc nghiên cứu, xuất bản, phát hành các công trình văn hóa dân tộc.
+ Các báo, đài, phương tiện TTĐC cần cổ súy, biểu dương kịp thời vai trò nòng cốt, đầu tàu của những doanh gia trong, ngoài nước có tầm nhìn, giàu nhiệt huyết đã đóng góp tài chính, công sức phục hồi, nuôi dưỡng, phát triển, quảng bá các hình thức sáng tạo của văn hóa dân tộc như: Hát tuồng, chèo, cải lương; bảo tồn nét văn hóa phổ cổ Hà Nội và các di tích văn hóa của các đô thị khắp đất nước; các lễ hội văn hóa truyền thống… Cần chú ý giữ được nguyên bản tinh túy các loại hình văn hóa dân tộc, tránh sự sân khấu - kịch hóa một số loại hình; có thể dùng chất liệu vải vóc, trang phục thật tốt, thật đẹp nhưng phục chế đúng với thời gian, con người, văn hóa gốc rễ. Mặt khác, báo đài phải tiếp tục phê phán, đấu tranh với những biểu hiện tha hóa, đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc của một số DN (DN nhà nước và tư nhân đánh bạc, tham ô, DN bán thầu trao tay để các công trình công cộng bị ảnh hưởng, DN có lối sống trái đạo đức như các vụ PMU18, Công ty ISA, nhóm DN bị bắt ở khách sạn Tam Đảo…). Các Hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức của DN cũng nên lên tiếng cùng xã hội phản đối quyết liệt để hạn chế tối đa các hiện tượng nói trên.
+ Nhà nước nên tập trung phát triển các Quỹ phát triển văn hóa dân tộc (Quỹ nhà nước; Quỹ hỗn hợp nhiều chủ thể: nhà nước, tư nhân, tập thể, phi chính phủ, trong ngoài nước cùng tham gia; Quỹ tư nhân, Quỹ dòng họ…) để trợ giúp văn nghệ sĩ, những người sáng tác và hỗ trợ cho sự nghiệp bảo tồn, phát triển lâu dài nền văn hóa dân tộc.
+ Để phát huy hiệu quả sản xuất, rõ ràng DN phải đầu tư, cải tiến, hiện đại hóa công nghệ; muốn kinh doanh có hiệu quả, nhiều lợi nhuận thì DN phải chú trọng công tác tổ chức - quản lý. Nhưng bao trùm lên hai yếu tố này là văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc nói riêng, ví dụ trong quản lý ở Việt Nam cần chú ý văn hóa vùng miền, cái bản sắc, căn tính trội và lặn của văn hóa dân tộc Việt Nam trong ứng xử, thương thuyết với đối tác… nghĩa là phải lấy xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc làm nền tảng thì DN Việt mới tiến xa, lâu dài, bền vững.
+ Một mặt, DN cần tự giác, nhiệt tình đóng góp hơn nữa cho văn hóa dân tộc, nhưng mặt khác, về quản lý nhà nước nên thông thoáng hơn, vừa theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, vừa theo thông lệ quốc tế, cho phép các công trình, sự kiện, hoạt động văn hóa dân tộc… tầm cỡ được mang tên chính nhà DN đã đứng ra đầu tư, tổ chức thực hiện hiệu quả to lớn, lâu dài.
+ Ngoài ra, DN không chỉ ký hợp đồng cấp tài chính cho báo, đài để báo, đài làm thương vụ quảng cáo cho mình mà DN cần cung cấp tài chính để báo, đài làm những chuyên mục, chương trình chuyên về văn hóa dân tộc. Báo, đài nên cân đối chương trình, để vừa có thể đăng phát vừa đủ tin, bài về thể thao, bóng đá quốc tế lại vừa nhấn mạnh được các vấn đề, định hướng, chủ đề thời sự về văn hóa dân tộc, nhất là đối với những nước mới phát triển, việc bảo vệ văn hóa dân tộc rất bức bách, lại ít kinh nghiệm như nước ta.
+ Bộ máy và công chức quản lý nhà nước về phát triển văn hóa dân tộc cũng phải nâng tầm mình hơn, thể hiện được là trọng tài, là đầu mối, là nhà quản lý giỏi, để khuyến khích, thúc đẩy giới DN tham gia ngày càng nhiều cho sự nghiệp văn hóa dân tộc; tôn vinh các nhà văn hóa dân tộc nhiều công lao; thực sự trở thành nam châm thu hút mọi nguồn lực khắp nơi, kể cả từ người Việt ở nước ngoài cùng xây đắp văn hóa dân tộc ngày càng rực rõ, huy hoàng.
+ Nhà nước, DN và giới TTĐC cần phối hợp hiệu quả, chặt chẽ theo chức năng, đặc thù của mình để phát huy các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa dân tộc. Đó là: Việt Nam đã có Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được đứng vào ngôi nhà di sản văn hóa thế giới, vì thế cần phải có sự quan tâm thích đáng, chiến lược, lộ trình cụ thể, nỗ lực vượt bậc để ca trù, hát quan họ cổ, múa rối nước… có chỗ đứng xứng đáng, có vị thế nhất định đối với kho tàng văn hóa nhân loại.
PGS.TS. Lê Thanh Bình
Tài liệu tham khảo:
[1]. N.I. Niculin (2006), Dòng chảy văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội;
[2]. GS. Phạm Đức Dương (2002), Từ văn hóa đến văn hóa học, NXB Văn hóa- thông tin, Hà Nội;
[3]. GS.TS. Nguyễn Văn Huyên (2006), Văn hóa: mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội, NXB Chính trị QG, Hà Nội;
[4]. TS. Đinh Phi Hổ, CB (2006), Kinh tế phát triển: lý thuyết và thực tiễn, NXB Thống kê, Hà Nội;
[5]. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật năm 2009.
Báo chí nhập cuộc để vượt qua thách thức
Submitted by nlphuong on Tue, 07/06/2011 - 20:49Đại hội toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam (2010 – 2015) vừa được tổ chức vào ngày 12/8/2010 tại Hà Nội. Tham dự phiên họp toàn thể còn có sự tham gia của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và 406 đại biểu trên cả nước. Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chị và hoạt động Hội trong 5 năm qua và xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí trong nhiệm kỳ tới.
Đại hội toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam (2010 – 2015) vừa được tổ chức vào ngày 12/8/2010 tại Hà Nội. Tham dự phiên họp toàn thể còn có sự tham gia của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và 406 đại biểu trên cả nước. Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các hoạt động báo chị và hoạt động Hội trong 5 năm qua và xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động báo chí trong nhiệm kỳ tới.
5 năm - nhiều thay đổi
Hoạt động báo chí 5 năm qua là giai đoạn có nhiều thay đổi do tình hình trong nước và quốc tế nhưng nền báo chí đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. Tính đến tháng 12/2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, gồm: 178 báo in (trung ương, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có 76 báo; các tỉnh, thành phố có 102 báo); 528 tạp chí (trung ương, các bộ, ngành, đoàn thể có 414 tạp chí, địa phương có 114 tạp chí); 1 hãng thông tấn quốc gia; 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài truyền hình của ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố, trên 600 đài cấp huyện, hàng ngàn trạm truyền thanh cấp xã; 37 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử… Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng 97,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều nước trên thế giới. Đài Truyền hình Việt Nam phủ sóng toàn bộ lãnh thổ trong nước và phủ sóng qua vệ tinh đến nhiều khu vực ở ngoài nước. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển bao gồm một số loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình).
Cả nước có hơn 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo, hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, nghệ sỹ, nhân viên làm việc trong các cơ quan báo chí và hàng chục ngàn người khác là cộng tác viên, nhân viên, lao động tham gia các công đoạn: viết bài, sản xuất chương trình, cung cấp thông tin, in ấn, tiếp thị, quảng cáo, phát hành và các dịch vụ báo chí khác. Nhiều nhà báo được đào tạo cơ bản, nâng cao về trình độ chính trị, lý luận, nghiệp vụ, được giao lưu tiếp thu kinh nghiệm của các bạn đồng nghiệp trong nước và quốc tế, tiếp cận các phương tiện làm báo hiện đại.
So với năm 1986 – thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng từ 3 đến 4 lần; nếu so với năm 2001, các chỉ số này tăng 1,3 đến 1,5 lần. Năm 1997, mạng thông tin toàn cầu – Internet mới có mặt ở Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, số người sử dụng Internet của Việt Nam gần bằng 30% số dân, một mức khá cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Sự ra đời và phát triển vượt bậc của báo mạng điện tử cùng với khả năng tích hợp nhiều loại hình báo chí trên một thiết bị truyền thông hiện đại tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của các cơ quan báo chí và công chúng của nhà nước.
Nhiều khó khăn và thách thức…
Trong xu thế hội nhập và phát triển, sự toàn cầu hóa về thông tin, nhất là xu hướng hòa tan công nghệ đặt trước nền báo chí nước ta nhiều cơ hội phát triển, đồng thời không ít thách thức. Về loại hình, báo chí không chỉ đơn nhất một loại hình mà đã trở thành báo chí đa phương tiện. Nhiều cơ quan báo chí có từ 2 đến 3 loại hình báo chí. Báo điện tử có lợi thế đưa tin nhanh, kịp thời và sức lan truyền rộng nhưng đồng thời cũng tạo tình trạng sao chép lẫn nhau, khiến cho thông tin trở nên nhàm chán. Báo viết mất dần bạn đọc, suy giảm số lượng phát hành. Do tác động của việc tăng giá giấy và các vật tư in khác cộng với sự sụt giảm số lượng phát hành, khó khăn thu hút quảng cáo dẫn tới nguồn thu của các cơ quan báo chí viết giảm mạnh. Các cơ quan báo nói, báo hình cũng đứng trước tình hình cạnh tranh gay gắt cả về thông tin, nguồn nhân lực và nguồn thu.
Một thách thức khác đã trở thành vấn đề “bức xúc” trong thời gian gần đây, theo ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ IX, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, là tình trạng nhà báo bị cản trở khi hành nghề, thậm chí nhiều đồng nghiệp bị hành hung, bị xúc phạm về danh dự và thân thể. Hội Nhà báo kiến nghị: Pháp luật thừa nhận quá trình tác nghiệp của nhà báo là quá trình thi hành công vụ. Cản trở nhà báo hành nghề hợp pháp là hành vi cản trở người thi hành công vụ.
Tham luận tại Đại hội về một số thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập, Thư ký Chi hội Nhà báo Đầu tư cho biết những tiến bộ về công nghệ thông tin đang kéo theo sự hòa nhập công nghệ, làm thay đổi quy trình sản xuất và hình thức chuyển tải thông tin, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ truyền thông đa phương tiện và tính tương tác giữa xã hội với báo chí, đang đòi hỏi hầu hết các cơ quan báo chí, nhất là báo in phải có một cách nhìn mới, tư duy và chiến lược phát triển mới cũng như hành động thiết thực để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển.
Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực được cả TS Nguyễn Anh Tuấn và Chị Ngô Thị Hồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cùng chia sẻ: công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng và mang tính chất sống còn của một cơ quan báo chí. Không thể có tác phẩm báo chí tốt, nếu không có phóng viên giỏi về kiến thức và nghiệp vụ; không thể đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền, đảm bảo lợi ích quốc gia, nếu người viết thiếu kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội; không thể có tác phẩm báo chí phục vụ tuyên truyền đối ngoại tốt nếu phóng viên không có trình độ ngoại ngữ để có thể theo sát được thị hiếu, nhu cầu, đặc tính văn hóa của người nước ngoài…
Thêm một khó khăn nữa không kém phần quan trọng mà TS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày tại Đại hội là chính sách thuế đối với các cơ quan báo chí hiện nay còn nhiều bất cập. Báo chí được xác định “là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân” (Luật Báo chí), với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận xã hội. Như vậy, Báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù, là một ngành nghề đặc biệt. Xét về cả tính chất, chức năng và nội dung hoạt động, cơ quan báo chí không thể được xem là một doanh nghiệp (DN) thuần túy, sản phẩm báo chí không phải là một thứ hàng hóa bình thường, mà là một thứ sản phẩm có tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của xã hội. Xét về mặt công nghệ, sản phẩm báo chí là sản phẩm có hạm lượng chất xám và công nghệ cao.
Cho đến nay báo chí không những phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như những DN kinh doanh thuần túy, mà trên thực tế còn phải đóng thuế TNDN cao hơn nhiều so với tất cả các loại hình DN. Điều này xuất phát từ chỗ báo chí bị áp thuế TNDN với thuế suất cao nhất (trước đây là 28%, nay là 25%). TS. Tuấn kiến nghị báo chí được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% như các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa và ngành thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo…
Và những giải pháp
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, để các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phục vụ và cống hiến nhiều nhất cho đất nước.
Trước những thay đổi và thách thức mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề xuất một số điểm các nhà báo và Hội Nhà báo cần cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Đó là báo chí cẫn nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời tích cực bồi dưỡng, từng bước hoàn thành, bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, nhân cách con người Việt trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: muốn thế, nội dung thông tin báo chí cần trung thực, khách quan, phong phú, nhiều chiều. Cách diễn đạt và chuyển tải thông tin cần chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn, giữ gìn bản sắc và sự trong sáng của tiếng Việt; trước những vấn đề mới, phức tạp, hoặc những sự kiện lớn, quan trọng trong nước và quốc tế, cần có phân tích, bình luận sắc sảo, thuyết phục… Tránh cách đưa thông tin phiến diện hoặc suy diễn, vũ đoán; loại bỏ những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội của đất nước. Tích cực biểu dương, cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, lên án những thói hư tật xấu, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về đạo đức lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng cơ hội, thực dụng… Người làm báo được đòi hỏi phải có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp.
Đáp ứng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm báo, trong nhiệm kỳ khóa IX, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ thực hiện giải pháp tìm mọi nguồn nhân lực trong nước và quyết tâm nhằm mở rộng quy mô, đối tượng đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo - hội viên, đặc biệt là đối với các nhà báo trẻ, tạo điều kiện cho các nhà báo, nhất là các nhà báo ở các địa phương có chương trình, phương pháp giảng dạy. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa công trình Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội vào hoạt động. Xây dựng đề án nghiên cứu lý luận, nghiệp vụ báo chí nhằm mục tiêu tổng kết lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng giáo trình đào tạo, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các trường đào tạo người làm báo và các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.
Là hãng thông tấn nhà nước, TTXVN có quy mô lớn với 7 khối công tác, gồm 32 đơn vị đầu mối, gần 150 phòng với xấp xỉ 1.000 phóng viên, biên tập viên, trong đó trên 70% là hội viên Hội nhà báo Việt Nam, TTXVN đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp cho hội viên - nhà báo. Trong đó đáng kể là Qui chế về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức của ngành đã được ban hành từ năm 2005. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ cũng được ngành xây dựng trong từng giai đoạn cụ thể để từ đó chủ động trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, chính trị và quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ trước mắt cũng như lâu dài.
Trước nhiều thách thức về cạnh tranh gay gắt cả về thông tin, nguồn nhân lực và nguồn thu, trong bài phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khóa IX Đinh Thế Huynh đã tổng kết giải pháp cho những thách thức này là con người, mô hình tổ chức cơ quan báo chí, đổi mới, hiện đại hóa phương tiện làm báo và cơ chế, chính sách hợp lý của Đảng và Nhà nước. Về phía người làm báo Việt Nam, thái độ là chấp nhận và nhập cuộc để vượt qua thách thức!
Lan Phương
Học cách đính chính trên báo điện tử
Submitted by nqmhien on Tue, 17/05/2011 - 12:05Liệu việc sửa trực tiếp vào nội dung bài viết có bị coi là hành vi lừa dối độc giả? Liệu các báo điện tử có sẵn sàng nhận lỗi khi công nghệ cho họ cái quyền can thiệp trực tiếp mà các đồng nghiệp khác không có?
Cạnh tranh thông tin giữa các báo điện tử
Submitted by nqmhien on Tue, 17/05/2011 - 11:53Bởi vì thể loại tin chiếm phần lớn nội dung của các báo điện tử cho nên sự cạnh tranh giữa các báo này trước hết và chủ yếu là cạnh tranh về việc đưa tin nhanh và chất lượng thông tin.
Nâng cao chất lượng đào tạo báo chí ở Việt Nam
Submitted by nlphuong on Tue, 17/05/2011 - 11:41Dự án Mediapro nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí thông qua việc nâng cấp giảng dạy báo chí và bộ quy tắc đạo đức nghề báo, đã được ra mắt chính thức ngày 25/3.
Báo chí trong thời đại kỹ thuật số
Submitted by nlphuong on Thu, 31/03/2011 - 01:57Làng báo in đang suy sụp vì doanh thu quảng cáo sụt giảm cùng với đà sụt giảm lượng phát hành. Cả một ngành đang loay hoay tìm lối thoát và cùng lúc, sự xuất hiện của các thiết bị đọc sách báo điện tử (ebook reader) đang gợi ra những giải pháp mới.
Làng báo in đang suy sụp vì doanh thu quảng cáo sụt giảm cùng với đà sụt giảm lượng phát hành. Cả một ngành đang loay hoay tìm lối thoát và cùng lúc, sự xuất hiện của các thiết bị đọc sách báo điện tử (ebook reader) đang gợi ra những giải pháp mới.
Chuyện ở nước khác